Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Lịch Sử Phật Giáo › Bài viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 10/12/2013 22:57 PM 
Từ Di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, suy nghĩ về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo trong công tác giáo dục hiện nay
Trong những thập niên qua, cùng với quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá, toàn cầu hoá với nền kinh tế thị trường đất nước ta đã có những bước tiến nhảy vọt trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và khoa học kĩ thuật nhưng dường như còn có những vấn đề chưa ổn, ít nhất là nó chưa tương thích với nhịp độ và tốc độ của phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật. Đói, rách chỉ còn là hiện tượng cá biệt được cả xã hội quan tâm, tỉ lệ học vấn bằng cấp ngày càng tăng, phương tiện “nghe nhìn toàn cầu” được đưa đến hầu hết các vùng nông thôn miền núi và hải đảo…, nhưng nghịch lí thay, nạn tham nhũng tràn lan ở mọi cấp mọi nơi mọi thành phần xã hội, những tiêu chuẩn đạo đức phổ quát bị xói mòn nghiêm trọng. Người ta tham ô (thực chất là ăn cắp) không phải vì đói nghèo bệnh tật, giết người không hẳn vì túng thiếu quẫn bách, liệu được bao nhiêu phần trăm số người lên mạng Internet vì nhu cầu tri thức văn hoá lành mạnh…?
Vậy đâu là nguyên nhân của những nghịch lí trên, và giải pháp? Từ góc nhìn của một Tu sĩ Phật giáo, chúng tôi mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình, hi vọng góp được tiếng nói trước những bức xúc chung của xã hội. Bởi vì, chúng tôi ý thức rằng, trước hiện trạng trên việc tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục có phần trách nhiệm của Phật giáo, mà trực tiếp là bộ phận Hoằng pháp thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với tiêu đề của Hội thảo Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy những giá trị của Khu di tích Yên Tử hiện nay , và gợi ý từ Ban Tổ chức, ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới vai trò của Di sản văn hoá Phật giáo nói chung và Yên Tử nói riêng đối với công tác giáo dục hiện nay.
1. Văn hóa Phật giáo và di sản văn hóa Phật giáo.
Phật giáo là một tôn giáo thế giới, với lịch sử hình thành và phát triển trong hơn hai mươi lăm thế kỉ đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những giá trị mang tính nhân loại. Trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử xã hội Việt Nam ở những thế kỉ trước và sau Công nguyên và những nguyên nhân trong bản thân tư tưởng - văn hóa Phật giáo, bằng con đường tâm linh – xã hội Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam và nhanh chóng trở thành một bộ phận hữu cơ của thực thể văn hóa dân tộc. Với tư tưởng “Tùy thời tùy quốc độ” (Tùy theo hoàn cảnh, thời đại mà có cách truyền bá khác nhau cho phù hợp) trong bản thân giáo lí nhà Phật, văn hóa Phật giáo có nhiều nét tương đồng với đạo lí, lối sống của người Việt cổ … Phật giáo được người Việt tiếp thu như một thứ thuốc an ủi tinh thần trong bối cảnh mất nước, như một thứ vũ khí tinh thần chống lại sự xâm lược, nô dịch tinh thần bằng Hán Nho của các triều đại phong kiến phương Bắc. Vì lẽ đó, trong suốt chặng đường trên hai nghìn năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã hòa quyện vào lòng dân tộc, dung hợp với tín ngưỡng bản địa cũng như các các tư tưởng khác, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, từ đó hình thành nên một nền văn hóa Phật giáo Việt Nam phong phú sống động, đậm đà bản sắc dân tộc, đến nỗi dường như không có sự phân tách rõ ràng giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Có thể nói, xét trong những thành tố của văn hóa Việt Nam, cả vật thể và phi vật thể, như ngôn ngữ, tư tưởng, niềm tin, tập quán lối sống, văn học, nghệ thuật, kiến trúc … không đâu là không có dấu ấn của văn hóa Phật giáo.  
Ngay từ những thế kỉ đầu Công nguyên, nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc Phật giáo như trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), các tự viện (như chùa Khai Quốc, Hà Nội), các tượng đài … đã tạo nên những dấu ấn văn hóa Phật giáo sâu đậm, tạo nên những giá trị văn hóa dân tộc. Chùa chiền ngay từ buổi đầu không chỉ là những trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo mà còn là nơi di dưỡng những giá trị văn hóa Đông Sơn truyền thống, là cơ sở giáo dục, y tế, tư vấn về nhiều mặt trong đời sống thường nhật … Trong tâm thức người dân, hình ảnh ông Bụt (Buddha – Phật-đà) không phải là một Đức Phật Tổ trừu tượng quyền uy mà rất gần gũi thân thương, biểu tượng của sự nhân ái công bằng. Hầu hết các tác phẩm văn học của nước ta từ thế kỉ XV trở về trước đều mang nội dung Phật giáo … 
Học giả Đào Duy Anh đã có nhận định xác đáng về tầm quan trọng của Phật giáo Việt Nam trong mười thế kỉ đầu: “Hán học ở Trung Quốc truyền sang nước ta từ đầu thời kì Bắc thuộc, thế mà mãi đến thời Đinh, Lê (thế kỉ thứ X) trong làng Nho học chưa thấy được người nào xuất sắc, mà chỉ trong Phật học mới thấy xuất hiện được những người tài giỏi. Như vậy thì ta có thể nói rằng trong lịch sử học thuật nước ta, thời đại ấy là thời đại Phật học độc thịnh”(Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Bốn Phương, Sài Gòn, 1951, tr. 234).  
Phật giáo bám chắc đồng hành cùng dân tộc, những giá trị văn hóa Phật giáo ăn sâu, lan tỏa mạnh mẽ trong mọi nơi, mọi thành phần dân tộc là nhân tố căn bản tạo nên những giá trị văn hóa sâu đậm mang bản sắc Việt, như chuộng sự hiếu hòa, tương thân tương ái, cố kết cộng đồng, kiên cường bất khuất vươn lên … Đó là nhân tố quan trọng giúp chúng ta vượt qua thử thách nặng nề và khốc liệt của mười thế kỉ Bắc thuộc, một mặt vẫn bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác vẫn chủ động tiếp thu những giá trị văn hóa thích hợp từ bên ngoài đưa vào (như Nho giáo, Đạo giáo), sáng tạo xây dựng nên nền văn hóa mới, tạo tiền đề văn hóa vững chắc bước vào kỉ nguyên mới – kỉ nguyên xây dựng và phát triển liên tục của nền văn hóa dân tộc, của quốc gia phong kiến độc lập dân tộc.
Thời đại Lí – Trần (thế kỉ XI – thế kỉ XIV) ghi lại một mốc son lớn trong lịch sử dân tộc. Nền văn hóa Thăng Long – văn minh Đại Việt thời Lí – Trần mang đậm dấu ấn Phật giáo, cả vật thể lẫn phi vật thể, cái làm nên căn cốt, thần thái của văn hóa Thăng Long. Chúng ta dễ dàng nhận diện dấu ấn văn hóa Phật giáo từ mô thức cho tới tư tưởng, nghệ thuật trong mỗi di sản văn hóa của thời kì này. Ở chốn kinh thành, ngôi chùa với văn hóa – đạo lí Phật giáo là nơi bảo trợ tâm linh, là trụ cột tinh thần của quốc gia xã tắc (Trụ tích trấn vương kì – Dùng văn hóa Phật giáo bảo vệ quốc gia). Nơi thôn quê, “Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt”, ngôi chùa là biểu trưng văn hóa của làng, nơi bảo trợ tâm linh cho cộng đồng, nơi mỗi cá nhân trào dâng xúc cảm hoặc lắng sâu tâm thức về tình yêu và trách nhiệm với quê hương, với đất nước. Lễ chùa, hội chùa, việc chùa, chợ chùa … là nơi là dịp để các thế hệ thành viên trong cộng đồng trao truyền, đào luyện và thực hành những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng trên tinh thần tự giác – thành kính – thiêng liêng. Sự tồn tại bền bỉ và vai trò to lớn của làng xã trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo – văn hóa chùa làng.
Tư tưởng phá chấp triệt để nhập thế tích cực, lối sống phóng khoáng khỏe khoắn mà giàu chất nhân văn của văn hóa Phật giáo thời Lí – Trần là nguồn gốc tạo nên sức mạnh tinh thần của thời đại, củng cố khối đoàn kết quốc gia – dân tộc, đạt được những thành tựu vĩ đại cả về võ công lẫn văn trị. Trong điều kiện chiến tranh chống ngoại xâm là yếu tố thường trực, trách nhiệm trước sự an nguy tồn vong của dân tộc phải được đặt lên hàng đầu đối với mỗi cá nhân, thành phần dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, đó cũng là một trong “Tứ ân” (ân quốc gia quốc vương) của giáo lí Phật giáo. Sử cũ cho biết, mùa xuân tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077) vua Lí Nhân Tông thành lập lễ lớn ngay điện Thiên An, gọi là Hộ quốc an dân hội hay Hội Nhân vương (Hội tụng kinh Hộ quốc Bát nhã ba la mật đa cầu tiêu trừ tai nạn cho nước nhà, đại xá cho người có tội). Nghi lễ Mông sơn thí thực, Bạt độ chẩn tế cô hồn (được ghi chép và tổ chức theo nghi chế chặt chẽ rõ ràng từ thời Trần) không chỉ thuần túy là nghi lễ tôn giáo mà còn có ý nghĩa nhắc nhở, giáo dục về  ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, trước quốc gia dân tộc, đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần khoan dung hòa giải, lối sống nhân ái vị tha cảm thông chia sẻ … đối với người sống. Những giá trị văn hóa sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc ấy, trải qua hơn nghìn năm vẫn được gìn giữ trao truyền qua các thế hệ, đến hôm nay nó vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới Việt Nam của chúng ta.    

2. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo hiện nay 
Nếu hiểu “Văn hóa” theo nghĩa chung nhất thì mọi hoạt động sáng tạo của con người đều là quá trình “hoạt động văn hóa”, tạo ra “sản phẩm văn hóa”, không ngoài mục tiêu cứu cánh là vì con người. Lịch sử phát triển đi lên không gì khác ngoài ý nghĩa là quá trình liên tục “Người hóa”, “Văn hóa hóa”, quá trình “Phát triển văn hóa”.
Sự tồn tại, phát triển của xã hội không thể thiếu sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đối với xã hội văn minh thì sự phát triển kinh tế - xã hội không phải là mục đích duy nhất, không phải là mục đích tự thân mà phải chính là để phục vụ con người, để phát triển con người. Như chúng ta biết, con người là một thực thể sinh học - xã hội, trong đó có mặt xã hội (văn hóa) và mặt sinh học (tự nhiên, bản năng). Do vậy, phát triển con người, hơn thế nữa, phát triển con người một cách bền vững, có nghĩa là phải phát triển nhiều mặt, cả mặt tự nhiên lẫn mặt văn hóa; phải phát triển toàn diện con người không chỉ trong một thời gian nhất định, mà là suốt cả cuộc đời; không chỉ là của một thế hệ mà là của nhiều thế hệ, của cả dân tộc. Đồng thời, cần thấy rằng, con người với tính cách là một thành viên của gia đình, của cộng đồng, của xã hội, vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là một thành tố góp phần làm nên lịch sử, do vậy, con người gắn bó với cả quá khứ lẫn hiện tại và với tương lai của cộng đồng, của các thế hệ nối tiếp nhau. Đặt việc phát triển con người trong sự nối tiếp nhau liên tục giữa các thế hệ như vậy có nghĩa rằng không chỉ phải chăm chút cho một thế hệ, mà là phải quan tâm đến cả các thế hệ hiện tại thời lẫn các thế hệ tương lai, và điều đó càng làm nổi bật tính tất yếu của sự phát triển con người một cách bền vững.
 Di sản văn hóa Phật giáo là đối tượng có tính đặc thù, do vậy, việc nhìn nhận, bảo tồn và  phát huy có hiệu quả những giá trị của nó cũng đòi hỏi phải có tính đặc thù.
Thứ nhất, rõ ràng trong thời đại ngày nay, việc chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa kinh tế-văn hóa là yêu cầu có tính qui luật đối với mỗi quốc gia dân tộc. Để tham gia quá trình đó có hiệu quả (một mặt vẫn giữ được chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hóa dân tộc v.v…, mặt khác, có thể chủ động tiếp thu, thụ hưởng những giá trị văn hóa văn minh của nhân loại), vấn đề cốt tử là phải có được sự cố kết bền chặt của các yếu tố thành viên trong cộng đồng quốc gia dân tộc, trên nền tảng của một nền văn hóa xã hội, văn hóa tâm linh giàu bản sắc. Cái bản sắc ấy được lựa chọn, thử thách và “chưng cất” nên từ trong thực tiễn lâu dài của lịch sử quốc gia dân tộc, và nó phải được khơi dậy, vun đắp, thăng hoa hóa, hiện đại hóa trong đời sống hiện thực, “trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. 
Thứ hai, về vị trí, vai trò của văn hóa Phật giáo, Di sản văn hóa Phật giáo. Trong suốt diễn trình của lịch sử, tư tưởng – văn hóa – đạo đức – lối sống Phật giáo góp phần quan trọng tạo nên cái bản sắc, cái thần thái văn hóa dân tộc. Di sản văn hóa Phật giáo cũng là di sản văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn năm chung đúc nên bản sắc văn hóa Việt Nam như “tứ ân hiếu nghĩa”, tinh thần “từ - bi – hỉ - xả”, tâm thế “đại hùng – đại lực – đại bi”, nghĩa đồng bào, ý thức và lối sống đề cao lương tâm – trách nhiệm – danh dự - tự giác – “vô ngã vị tha” … là những chuẩn mực văn hóa luôn luôn sống động, luôn được tiếp-biến từ quá khứ đến hiện tại và làm nền tảng để tiến tới tương lai. Những giá trị văn hóa đó từ trong tư tưởng kinh điển Phật giáo được cụ thể hóa trong đời sống hiện thực trong những điều kiện lịch sử - không gian văn hóa – xã hội cụ thể, thông qua những di tích – lễ hội và nghi thức Phật giáo,  còn được bảo tồn và phát huy tác dụng cho đến hôm nay. 
Người ta tới những danh lam như Trấn Quốc (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Thiên Mụ (Huế) hay Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) … không chỉ để tham quan vãng cảnh lễ Phật mà còn được hiểu thêm về lịch sử hào hùng và gian khổ trong sự nghiệp mở nước, dựng nước và giữ nước của cha ông; qua lễ nghi tôn giáo trang nghiêm của Lễ qui y, với tâm thức thành kính-thiêng liêng, năm giới răn cơ bản của Phật giáo (cũng là năm giá trị đạo đức cơ bản của đạo làm người) dễ dàng thấm sâu vào tình cảm đạo đức của người Phật tử (cũng là thành viên của xã hội); cái lương tâm, ý thức trách nhiệm trong cộng đồng, tinh thần vô ngã vị tha … thường bị cái bản năng tham lam vị kỉ làm lu mờ thậm chí là đánh mất trong cuộc sống thường nhật của mỗi cá nhân sẽ được khơi dậy, thực hành với tinh thần tự giác của niềm tin tôn giáo (cộng đồng – cộng cảm – cộng thiêng) trong các dịp lễ chùa, hội chùa, việc chùa; lòng nhân ái vị tha, hạnh từ bi hỉ xả, đức khoan dung nhân hậu, đạo lí “uống nước nhớ nguồn” … dễ bị lãng quên bởi cuộc giành giật mưu sinh sẽ được thức dậy một cách tự nhiên sâu lắng từ trong tâm thức của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng thông qua lễ hội chùa làng với nội dung sâu sắc mà gần gũi dễ nhớ dễ làm, qua những điệu thức thân quen hấp dẫn, âm nhạc đậm chất truyền thống của mỗi vùng miền.
Qua gần 40 năm từ sau ngày thống nhất đất nước, trên lĩnh vực đời sống văn hóa tinh thần, không thể phủ nhận là chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, cũng có một thức tế rằng: tâm lí hưởng thụ vật chất và tinh thần có nguy cơ “bội thực”, lối sống thờ ơ vô trách nhiệm, lòng tham thôi thúc đến mức không còn biết đến cái liêm cái sỉ, bạo hành cướp giết vô luân … không còn là hiện tượng cá biệt mà là hiện trạng báo động cấp bách hiện nay đối với mọi thành phần, lứa tuổi, khu vực, nghề nghiệp, giới tính. 
Đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chúng ta đã thu được những kết quả đáng kể từ chủ trương công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, từ những chính sách đối với khu vực này. Tuy nhiên, đời sống văn hóa đối với khu vực chiếm tới gần 70% dân số và 1/3 GDP này cũng đang trở thành vấn đề nhức nhối, mà nhiều khi nó lại là hệ quả khách quan ngoài ý muốn từ những chủ trương, chính sách trên: thanh niên nông thôn đang thiếu món ăn tinh thần lành mạnh, thiếu chuẩn mực đạo đức lối sống, khả năng đề kháng kém dẫn tới nguy cơ “ngộ độc văn hóa” rất cao; xu hướng “li nông li hương” (bỏ ruộng bỏ quê ra thành phố) hầu như khó ngăn chặn chỉ bằng những biện pháp tuyên truyền, thậm chí bằng chính sách, chế tài; dù đã được đầu tư không ít tiền của (chủ yếu từ nguồn ngân cách nhà nước) và nhân lực nhưng dường như Nhà văn hóa thôn xã (mà nơi nào cũng có) chưa thay thế được ngôi chùa sân đình trong hoạt động văn hóa của cộng đồng dân cư, rõ ràng là chưa có được sự “tiếp-biến văn hóa” (acculturation – tiếp thu và biến đổi) về chức năng giữa ngôi chùa - sân đình với Nhà văn hóa … Chúng ta phải nhìn thẳng và suy nghĩ nghiêm túc trước thực trạng sau: trên 40% Nhà văn hóa thôn xã không phát huy được tác dụng, số còn lại chủ yếu là hoạt động đối phó, trong khi đó, hiện tượng tu bổ, trùng tu, xây mới nhà thờ chi, nhà thờ họ, đình, chùa … (nguồn vốn chủ yếu từ xã hội hóa) với số lượng và qui mô ngày càng cao ở khắp mọi nơi. 
Thứ ba, về quan điểm truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển trong chính sách đối với Di sản văn hóa Phật giáo. Đây là vấn đề không đơn giản, dường như là mâu thuẫn, thậm chí đây đó còn xuất hiện trong các chủ trương, chính sách. Bởi vì, trong hệ những giá trị truyền thống có những cái là giá trị, là chuẩn mực của thời đại đó, trong không gian lịch sử - văn hóa – xã hội đó nhưng hôm nay nó không còn phù hợp nữa, cần phải loại trừ để bổ sung những giá trị mới; ngược lại, nếu hiện đại làm nghèo hoặc mất đi nội dung những giá trị nhân bản của con người vốn được đào luyện tạo nên từ trong truyền thống thì nó sẽ bị đào thải và loại bỏ ngoài tính liên tục của truyền thống, không thể được lựa chọn trở thành “vật liệu tin cậy” của truyền thống cho tương lai. Việc khơi dậy, bảo tồn, phát triển và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được chứa đựng trong các di sản văn hóa nói chung và Di sản văn hóa Phật giáo nói riêng là thái độ khoa học nghiêm túc. 
Hầu hết các di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam là các di tích sống, không phải là thành tựu của một thời kì mà nó có đời sống qua thăng trầm cùng cộng đồng, dân tộc, và cho đến nay vẫn đang sống với chức năng từ bao đời của nó. Do vậy, việc tu bổ, trùng tu  di tích qua việc xử lí kĩ thuật, thay thế vật liệu, thậm chí đặt thêm những dấu ấn nhất định của thời đại vào trong di tích … là việc làm từ ngàn xưa, ở phương Đông cũng như phương Tây, và hiện nay chúng ta cũng cần phải như vậy.Chẳng hạn, việc tu bổ, tôn tạo khu di tích văn hóa tâm linh – sinh thái Phật giáo Yên Tử (Quảng Ninh) hẳn không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh, du lịch sinh thái của con người thời hiện đại mà còn là dấu ấn đậm nét của thời đại sẽ được chuyển tới muôn đời thế hệ mai sau. 
Thứ tư, tính đặc thù của chính sách đối với Di sản văn hóa Phật giáo. 
     - Tôn giáo còn là nhu cầu của đại bộ phận nhân dân, gắn liền với nhu cầu văn hóa, xã hội đạo đức, ý thức hệ, gắn liền với “phần thiêng” của mỗi cá nhân. Nhu cầu tôn giáo lại rất đa dạng, phản ánh tình cảm, tâm linh của từng cá nhân, từng nhóm xã hội có liên quan tới truyền thống văn hóa và hoàn cảnh lịch sử xã hội của một cộng đồng, dân tộc. Khác với các tôn giáo khác, Phật giáo có quá trình gắn bó lâu dài cùng dân tộc, tư tưởng, văn hóa Phật giáo trở thành một bộ phận bất khả phân li của tư tưởng, văn hóa dân tộc. Di sản văn hóa Phật giáo là tài sản truyền đời quí giá, là cốt lõi của truyền thống của bản sắc dân tộc, là “vật liệu” thiết yếu để chúng ta xây dựng một nền văn hóa mới đủ vững vàng bước vào hội nhập và phát triển.  Tư tưởng, văn hóa Phật giáo được thể hiện, tuyển chọn và lưu giữ truyền đời qua những Di sản văn hóa Phật giáo vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa vật thể là những di tích chùa chiền, là nơi hội tụ, là căn cốt vật chất để lưu giữ bảo tồn và phát huy cái hồn di sản phi vật thể. Di sản văn hóa Phật giáo phi vật thể (như tích truyện, tán tụng, trai đàn, chẩn tế, tụng niệm, thí thực, tang lễ, v.v  ) được hiện thực hóa một cách sống động qua ảnh tượng, diễn xướng trong không gian tâm linh văn hóa – di tích chùa chiền. Qua đó nó nâng cao năng lực truyền cảm, thẩm thấu của những giá trị văn hóa tới người hưởng thụ, đồng thời cũng tăng thêm hiệu quả giáo dục cái chân – thiện – mĩ của di tích, tăng thêm sức sống của di tích. Do vậy, để việc bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Phật giáo có hiệu quả bền vững, bên cạnh việc bảo tồn – tu bổ di tích một cách khoa học cần phải lưu tâm có kế hoạch bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa phi vật thể của di tích. Ngày nay, khi mà các phương tiện ghi hình đã phổ biến, trong khi chúng ta chưa có khả năng bảo tồn tích cực thì hướng bảo tồn thụ động di sản văn hóa phi vật thể là cần thiết, có tính khả thi cao. Việc tổ chức ghi hình (đã có cả ghi âm) có thể tiến hành bằng hai phương thức: phương thức Live show, tổ chức ghi hình tại chỗ những hoạt động nghi lễ, âm nhạc cổ truyền Phật giáo được tổ chức chặt chẽ nghiêm cẩn theo qui chuẩn chung hoặc mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng miền, công việc tiếp theo chỉ là lưu trữ, khai thác và phổ biến; hoặc là theo phương thức Studio show, cung thỉnh các vị đại lão Hòa thượng am hiểu và nhiều lần chủ trì hoạt động nghi lễ Phật giáo cổ truyền, tổ chức dàn dựng lại y như trong thực tế và ghi hình lại tại các tổ đình, cổ tự, tự viện, tu viện. Kết quả thu được theo hướng bảo tồn thụ động sẽ là cơ sở hết sức cần thiết cho việc duy trì và phát triển trong thực tế những hoạt động như vậy, đồng thời nó cũng là tư liệu quan trọng để phục dựng lại nguyên bản  một cách chính xác, trọn vẹn khi điều kiện cho phép.
- Di sản văn hóa Phật giáo còn có sự khác biệt với các loại hình di sản văn hóa, lịch sử khác ở chỗ, cũng là di sản sống nhưng sức sống của nó rất bền bỉ và sinh động, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cả một đời người (từ lúc lọt lòng, lớn lên đi học, trưởng thành lấy vợ gả chồng, già và về với tổ tiên …), bất thường có việc vui việc buồn, tang ma giỗ chạp … đều lên chùa, nhờ nhà chùa. Do vậy, di tích là sản phẩm văn hóa của cộng đồng, và việc tu bổ bảo tồn di tích cũng chủ yếu là do tinh thần tự giác ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Chùa là chùa của làng mình, bảo quản và làm đẹp cho chùa cũng chính là làm đẹp cho làng mình. Dưới thời phong kiến, từ việc tu bổ, tôn tạo cho đến bảo quản chùa chiền là việc của làng, nhà nước chỉ cho chủ trương; mỗi thành viên tự giác trách nhiệm và cảm thấy vinh dự được góp công góp của cho việc nhà chùa, bởi nó gắn liền với lợi ích thiết thân của họ; trong công việc chung này, mọi người từ quan viên cho tới dân đinh đều cộng tác đầy lương tâm và trách nhiệm, không có tham ô lãng phí, bàng quan ỷ lại. Ngày nay điều kiện và yêu cầu đã khác, cần phải có vai trò quản lí nhà nước đối với Di sản văn hóa Phật giáo, tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thông qua những chính sách, phải thức dậy và nuôi dưỡng tinh thần tự giác trách nhiệm của cộng đồng cư dân đối với di sản. Di sản văn hóa Phật giáo chỉ được bảo tồn và phát huy một cách bền vững khi có được sự quản lí nhà nước một cách khoa học, có được sự định hướng đúng đắn của các cơ quan hữu quan, và phát huy được ý thức tự giác trách nhiệm của các chủ thể sáng tạo, quản lí và thụ hưởng giá trị của di sản. 
- Với chất lượng, cơ cấu dân cư và tỉ trọng kinh tế của nước ta như hiện nay rõ ràng khu vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân trong một thời gian dài nữa vẫn còn là khu vực quan trọng trong việc cung cấp nguồn lao động, nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa. Những biến động, bất thường của khu vực này có ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài tới mọi mặt của đời sống xã hội, của đất nước (như chất lượng sản phẩm hàng hóa, chất lượng lối sống cư dân thành thị, chất lượng giáo dục, chất lượng con người mới … ). Ở đây, từ góc nhìn của Di sản văn hóa Phật giáo, và có thể mở rộng ra với Di sản văn hóa tôn giáo, chúng tôi nêu ra vấn đề (như là một giả thiết khoa học) với những nhà hoạch định chính sách về chức năng và hiệu quả của chức năng văn hóa của ngôi chùa, trong so sánh với Nhà văn hóa thôn xã hiện nay.  
Trên khắp mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, từ bao đời nay ngôi chùa và cấu trúc ngôi chùa làng cũng như không gian văn hóa xung quanh ngôi chùa không chỉ là di sản văn hóa Phật giáo mà còn là nơi kết tinh những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của từng làng xã, từng sơn môn hệ phái Phật giáo. Ngôi chùa không chỉ đảm nhiệm chức năng thuần túy tôn giáo mà còn có chức năng văn hóa xã hội: đó là nơi tụ hội của làng, của cả vùng trong những dịp lễ, tết, những ngày hội chùa, những phiên chợ chùa. Bên cạnh những giá trị nhân bản của Phật giáo được truyền dạy trong các khóa lễ ở chùa, mỗi pho tượng Phật, mỗi họa tiết trang trí của kiến trúc, những diễn xướng giầu chất tâm linh – nghệ thuật dân gian… cùng với những tích truyện của nó là những bài học sinh động, truyền cảm mà sâu sắc về cái hay cái đẹp trong đạo lí, lối sống, về cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, và con người với môi trường thiên nhiên, hướng tới cái chân – thiện - mĩ. Mặc dù môi trường, nội dung và phương thức giáo dục còn mang mầu sắc tôn giáo nhưng trong khi mỗi cá nhân chưa đạt được sự tự giác ngăn ngừa từ trong ý thức những hành vi sai trái thì chức năng giáo dục của ngôi chùa vẫn là cần thiết đối với cộng đồng cư dân.           
     Cùng với những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế - xã hội trong quá trình Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách quan trọng nhằm nâng cao đời sống văn hóa khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hầu hết các xã thôn đều có Nhà văn hóa, nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Chức năng của nó đã được xác định rõ ràng (là Nhà văn hóa của xã), nhưng hiệu quả của chức năng ấy là điều cần phải nhìn nhận. đánh giá nghiêm túc. Từ trong nhận thức, dường như chúng ta quan niệm “văn hóa” đồng nhất với “văn hóa nghệ thuật”, do vậy, hoạt động của Nhà văn hóa chủ yếu là hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc của giới trẻ hoặc nơi hội họp của các đoàn thể. Như vậy, chức năng văn hóa (theo nghĩa rộng truyền thống) của chùa đã bị hạn chế hoặc lãng quên đi rất nhiều, chỉ còn thuần túy chức năng tôn giáo, trong khi Nhà văn hóa không thay thế được. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới những hiện tượng bất thường trong đời sống văn hóa ở nông thôn (đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên) hiện nay như đã nêu ra ở trên. 
Nếu như việc “hình thành con người mới Việt Nam hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc” là mục tiêu tối hậu cần nhắm tới của mọi chính sách thì nên chăng tập trung xây dựng ngôi chùa-sân đình thành trung tâm văn hóa của cộng đồng dân cư dưới sự quản lí nhà nước, định hướng đúng đắn của cơ quan hữu quan. Như vậy sẽ bớt được gánh nặng tài chính quốc gia mà hiệu quả của việc đạt được mục tiêu đề ra sẽ toàn diện và bền vững hơn nhiều. Đó là quan điểm lịch sử, khoa học và biện chứng trong giải quyết vấn đề.   
Di sản văn hóa Phật giáo là sản phẩm của con người xã hội, mang tính lịch sử - xã hội, do vậy việc bảo tồn và phát huy di sản trước hết và chủ yếu do chủ thể sáng tạo – thụ hưởng những giá trị di sản thực hiện. Do tính đặc thù của Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, việc bảo tồn và phát huy những giá trị của Di sản không những là công việc đòi hỏi có sự liên ngành có tính khoa học cao mà còn phải có quan điểm đúng đắn, hệ thống từ những người hoạch định, thực thi chính sách. Hệ chính sách xã hội, văn hóa, con người cho việc bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Phật giáo được xây dựng trên quan điểm lịch sử - cụ thể - khoa học – biện chứng về phát triển sẽ là công cụ cần thiết và hữu hiệu để bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Phật giáo, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hoá mới, con người mới Việt Nam hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm 

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC