Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 29/04/2015 10:12 AM 
Chùa Bằng: Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương - cầu nguyện và tư vấn mùa thi năm 2015
Từ lâu, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, đã được công nhận là một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam thể hiện rõ đạo lý "uống nước nhớ nguồn" như một tinh thần văn hóa Việt Nam. " Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba."
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy nàng Âu Cơ - con gái Vua Đế Lai rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm đến tận ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau.
Từ đó, ngày giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày ngày lễ truyền thống trọng đại của dân tộc. Hùng Vương là một mẫu mực người tròn đầy viên mãn cũng như cân đối một cách siêu việt. 
Hơn nữa, Đức Phật dạy các thầy tỳ kheo bất cứ một xã hội nào, con người không thể tách xa cuộc sống, và Phật giáo luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hướng con người đến một lối sống lành mạnh, đạo đức cao đẹp. Đặc biệt, giáo nghĩa Lục độ - nền tảng xây dựng Bồ tát đạo - lấy việc cứu độ chúng sinh làm bản hạnh nguyện để qua đó tu tập và khai mở tâm đại từ bi, đồng thời phát huy diệu dụng của trí tuệ Bát-nhã để thành tựu mục đích tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Do đó, Đức Phật dạy các thầy tỳ-kheo nên quan tâm đến mọi sinh hoạt của người dân bằng tấm lòng từ bi và sẵn sàng giúp đỡ trên mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần.
Năm 2015 này, học sinh học hết chương trình THPT sẽ không có 2 kì thi riêng rẽ để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH&CĐ mà chỉ phải tham gia 1 kì thi quốc gia duy nhất và trung tuần tháng 6. Vì thế, tháng 4 là khoảng thời gian các em học sinh phải quyết định tương lai cho mình và lúc này với muôn vàn câu hỏi đang đặt ra cho các bạn học sinh và các bậc phụ huynh về vấn đề ngành nghề, trường thi sắp tới sao cho phù hợp với năng lực, sở thích, ước mơ của mình, đặc biệt là những ngành nghề ra trường dễ xin được công ăn việc làm và xã hội đang cần.
Cho nên với tinh thần phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật, ngày 28 tháng 04 năm 2015, nhằm ngày 10 tháng 03 năm Ất Mùi, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) tổ chức chương trình “Cầu nguyện và tư vấn mùa thi”, nhằm trợ duyên tinh thần cho các sĩ tử, cung cấp cho các em những phương pháp ôn luyện thi đạt hiệu quả cao, giúp các em nắm bắt cho riêng mình những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để có thể tự tin hơn khi bước vào mùa thi chuyển cấp, Đại học...Đồng thời giúp các bậc phụ huynh và các em giải tỏa những nghi vấn, âu lo, đáp ứng nhu cầu tâm linh khi mùa thi đang gần kề.
Đây đã là năm thứ 8 chùa Bằng tổ chức chương trình ý nghĩa và thiết thực này.

 
 
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm sĩ tử đã về chùa Bằng tham dự lễ cầu nguyện và tư vấn mùa thi

 
 
 
 
 
 
 
 

Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó BTS kiêm Chánh thư ký GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Đức Thành - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Trưởng Ban nghi lễ GHPGVN Tỉnh Khánh Hòa; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Trưởng ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các tự viện, tịnh thất.
Về phía khách mời có: Ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên thường trực Ủy Ban văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Bà Trần Thị Quốc Khánh - Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học môi trường của Quốc hội; Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội; Bà Hồ Xuân Hương - Phó giám đốc Sở tư pháp thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Bình - Tổng biên tập Báo Pháp luật và xã hội; Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ giáo dục và đào tạo; Cô giáo Chu Liên Hương - Chủ tịch Hội khuyến học quận Hoàng Mai - Hà Nội cùng quý thầy cô giáo đến từ các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Xuân...và đông đảo các bậc phụ huynh học sinh, quý Phật tử gần xa.
Đúng 7h00’, phái đoàn cùng chư tôn đức, quý thầy cô và các em học sinh đã kính cẩn rước lễ sang Đền dâng hương tưởng niệm bậc thầy sư phạm của muôn đời – Tiên triết Chu Văn An.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
 
 

Sau đó, vào lúc 8h00 đoàn cung nghinh đã cung rước Chư tôn đức quang lâm vào lễ đài để buổi lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương chính thức được bắt đầu. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu buổi lễ là bài phát biểu khai mạc của Đại đức Thích Chiếu Tuệ.

 
 
 
 

Tiếp theo, là nghi thức phụng thỉnh Tam Bảo, Phụng thỉnh Quốc Tổ Hùng Vương, Việt Nam bách tính Tổ tiên, Hồ Chủ Tịch, các anh hùng liệt sỹ.
Sau đó là nghi thức dâng lục cúng. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã đọc lời tưởng niệm Quốc Tổ. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Nhân dịp này, Thượng tọa Thích Tiến Đạt đã có đôi lời chia sẻ với đại chúng về ý nghĩa lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Đức Quốc Tổ Hùng Vương là biểu tượng của Quân đạo, nhân đạo và sư đạo, và buổi lễ hôm nay, chúng ta đã thể hiện trọn vẹn tinh thần ấy.
Quân đạo là gì? Đó chính là vương đạo, là đạo giữ gìn an ninh xã hội. Nhân đạo chính là Hiếu đạo, là đạo giáo dục căn bản làm người. Sư đạo là để mở mang văn hóa, mở mang tri thức.  Nếu ba thứ ấy được thể hiện trong cả ba môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội thì mới mong đất nước có sự phồn vinh, thịnh trị và phát triển.
Cuối cùng Thượng tọa cầu chúc quốc gia hưng thịnh, Phật pháp trường tồn, nhân dân an lạc.

 
 
 

Trong dịp này, Hòa thượng đã mời những quý thầy cô giáo có kinh nghiệm trong ngành giáo dục về để tư vấn giải đáp những thắc mắc trăn trở của các em, giúp các em có thêm sự tự tin để bước vào kì thi với tâm lý tốt nhất. Đó mới chính là sự hòa hợp giữa Đạo – đời, sự gần gũi của Đạo Phật trong cuộc sống.
Sau đó là chương trình Tư vấn mùa thi, xoay quanh những chủ đề:
- Hướng nghiệp và chọn trường
- Phương pháp ôn thi       
- Chuẩn bị trước kỳ thi
- Kỹ năng, phương pháp, tâm lý làm bài thi.
Thật nhiều những câu hỏi thiết thực do các em học sinh và phụ huynh đưa ra và đã được chư Tôn đức, các Giáo sư Tiến sĩ, Thầy cô giáo ở các trường tận tình giải thích một cách xác đáng.
Quá trình tư vấn, giải thích đã giúp các em có thêm sức mạnh tinh thần, thêm kỹ năng để học tập, ôn luyện và thi như thế nào để đạt kết quả cao nhất. Đồng thời còn giúp các em thỏa nguyện sở học, ước vọng của mình trong tương lai và ngay trong quá trình học thi.
Cuối cùng là phần nghi lễ cầu nguyện. Chư tôn đức cùng toàn thể đại chúng thành kính tiến hành nghi lễ cầu nguyện với bài kinh Bát Nhã Ba La Mật vang lên hùng tráng khiến ai ai cũng cảm thấy linh thiêng, nhận được sự gia trì của Tam Bảo.
Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong sự hoan hỷ vô biên của những bậc phụ huynh học sinh và những sĩ tử về tham dự lễ.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC