Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Tư tưởng Phật giáo › Bài viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 07/05/2015 10:38 AM 
Kinh Vô lượng nghĩa - chuẩn bị hành trang tu hành
Nhật Liên Thánh nhân và ngài Trí Giả là hai vị danh tăng Nhật Bản và Trung Quốc. Thầy học và thực tập giáo nghĩa của hai vị này, đạt được kết quả tốt đẹp. Vì vậy, hơn bốn mươi năm hoằng pháp của thầy là lấy kết quả học được từ hai vị Thánh Tăng này, đặc biệt là tư tưởng Bổn môn Pháp hoa của ngài Nhật Liên.

Ngài Nhật Liên chọn phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 làm trung tâm để thực tập. Tại sao ngài lại chọn như vậy. Ngài nói rằng khi ngài thực tập thiền quán, ngài thấy Phật Thích Ca đang hiện hữu, không phải vào Niết-bàn. Ngài Trí Giả nghe Đức Thích Ca thuyết pháp, nhưng ngài Nhật Liên giới thiệu cho chúng ta Phật đang sống. 

Vì vậy, trải qua hàng chục năm, thầy luôn suy nghĩ Phật Thích Ca đang sống, nhưng Ngài sống ở đâu, đó là tu Bổn môn. Và do suy nghĩ nhiều về Phật, ban đầu thầy nhận được là thấy tâm mình nghĩ đến Phật lâu ngày, tức đưa hình ảnh Phật vào tâm thì Phật ở trong tâm mình. Nghĩ như vậy gợi thầy nhớ đến Phù Vân cũng nói với vua Trần Thái Tông rằng Phật không ở trong núi, nhưng Ngài ở trong lòng người. Thật vậy, trong lòng người có nghĩ về Phật, Phật sẽ hiện vào lòng người, giống như hồ nước trong và phẳng lặng, Phật sẽ hiện vô cho người có niềm tin.

1 phap hoa.jpg

Thực tập thiền quán theo Nhật Liên, thầy ngồi yên nghĩ về Phật, không nghĩ gì khác; bấy giờ Phật hiện vào tâm thầy có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Bên ngoài Phật như thế nào là do nghệ nhân tạc ra, nhưng lòng mình nghĩ Phật thế nào thì Phật sẽ như vậy là tu Bổn môn, không mê tín. Trên bước đường tu, chúng ta nghe theo Phật dạy và suy nghĩ thực tập có kết quả đúng đắn. Từ đó thầy nghĩ về Phật và Phật do mình nghĩ ra, hay Phật của mình lúc nào cũng đẹp, lúc nào cũng có tướng hảo. Mỗi ngày thầy nhìn Phật ở chánh điện và Phật trong phòng thầy, nhìn kỹ thấy hai Phật này khác nhau; nhưng sau một thời gian tu thiền quán, thầy lại thấy hai Phật này giống nhau y hệt. Và thực tập pháp quán này lâu, mỗi lần tụng Pháp hoa, nghĩ về Phật, nhìn Phật thì thấy Phật nhìn thầy chớp mắt và cười.

Tu Bổn môn phải tìm cái gốc. Phật nhìn thầy cười và bằng lòng việc của thầy là đầu tiên tu, thầy gặt hái được. Và hiện tượng này có, thầy nghĩ Phật biết, mình biết, người không biết, cho nên thầy không quan tâm đến bên ngoài là Bổn môn về gốc tu, không cần bên ngoài thì bấy giờ, thầy thấy bên ngoài tốt lần. Dù thầy không quan tâm đến bên ngoài, nhưng việc xảy ra tốt hơn là xấu. Thực tế cho thấy ai cũng muốn điều tốt, điều may mắn, nhưng nó không tới, ai cũng sợ tai ương, nó lại tới. Nhưng khi chúng ta không sợ tai ương, không quan tâm đến việc tốt xấu, chỉ nghĩ đến Phật thì tâm chúng ta tốt, từ đó việc tốt xuất hiện. 

Lúc trước, tâm chúng ta chưa tốt, nhưng cứ nghĩ mình tốt và lo bên ngoài, bỏ cái gốc bên trong; đó là sai lầm, nên việc xấu cứ xảy đến với mình. Vì vậy, người đi chùa, tụng kinh, lễ Phật, cúng dường, coi chừng tâm không tốt, nên kết quả không tốt được. Người tu sai như vậy, cho nên phiền não phát sinh nhiều; vì khi họ chưa tu thì ít phiền não, nhưng nay tu lại dễ buồn, dễ giận, dễ đụng chạm với người khác và họ có cảm giác rằng người xung quanh không ai tốt. Không nên tu sai lầm theo cách đó. Chỉ cần nhớ tới Phật, không quan tâm đến bên ngoài nữa thì tâm trí lắng yên được và Phật mới hiện vào lòng được; bấy giờ, pháp Phật có công năng tẩy sạch phiền não khiến cho mình hết buồn giận, nên được Phật hộ niệm.

Tu pháp tương đối, nghĩ tốt, làm tốt là cái tốt trong tương đối, nên cái tốt này đối lại với cái xấu, nên hôm nay tốt, ngày mai không tốt nữa. Tu trên pháp tương đối là như thế, nhưng tu pháp tuyệt đối, bỏ cả tốt lẫn xấu, không làm gì, nhưng tốt lành tự đến với họ, đó là cái thiện tuyệt đối. Vì vậy, Phật dạy tịnh là thiện, động là ác. Nhận thức cốt lõi này, chúng ta luôn giữ tâm cho thanh tịnh. Thật vậy, dù khởi niệm thiện là tâm đã động rồi thì ác sẽ tới, như vậy có thiện ác lẫn lộn, nghĩa là ta làm tốt bên ngoài, nhưng bên trong vẫn có cái xấu, nên quả báo chúng ta khó tránh được. 

Lúc thầy còn trẻ, thấy Hòa thượng Trí Tịnh không làm, thầy nghĩ Hòa thượng tiêu cực. Nhưng Hòa thượng luôn khuyên thầy bớt việc, vì càng làm thì tâm càng động, mà phải có động thì mới làm được chứ. Như vậy, ban đầu ta động trong tâm, sau mới động trong hành động. Hòa thượng nói bước ra khỏi thiền thất là ngài cảm thấy không yên. Lúc đó, thầy nghĩ Hòa thượng không đi thì ai đi; nếu thầy không đi hoằng pháp thì ai hoằng pháp. Nhưng khi Hòa thượng viên tịch, thầy suy nghĩ mới thấy cái ý mà Hòa thượng nói rằng bước ra ngoài thiền thất là động. Thật vậy, bước đi là động rồi và ra bên ngoài, thấy biết bao nhiêu việc động xảy ra, cho nên ta khởi tâm động theo thì nhân đó biết bao nhiêu trần lao ập đến với mình.

Người thật tu phát hiện điều mà người thường không biết được. Mới khởi tâm, chưa làm, ngài Trí Giả nói rằng trong một niệm tâm đã có ba ngàn pháp khởi lên. Vì tâm mình không thanh tịnh, nên không thấy sự vận hành của tâm quá mãnh liệt như vậy. Vì vậy, có người ngồi cả ngày mà mắt người thường thì thấy họ tu thiền, ngồi đó. Nhưng mắt Phật thấy ông này ngồi yên, nhưng tâm động. Tu Bổn môn là thấy hoạt động bên trong của tâm, cho nên thấy như vậy thì làm sao cho tâm mình không động và lúc nào cũng có Phật hiện trong tâm mình thì Phật sẽ hiện toàn Pháp giới, nên mình nhìn đâu cũng thấy Phật có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. Còn tượng Phật như thế nào thì tùy theo độ cảm của nghệ nhân làm ra. Phật ở trong tâm mình thì Phật nào cũng có hảo tướng, cũng giống nhau và nhìn trời mây non nước cũng thấy Phật.

Từ lý này, ngài Nhật Liên nói Phật đang hiện hữu và ngài khuyên chúng ta tu hành phải tìm Phật đó, nghe Phật đó thuyết pháp và tu như vậy là tu Pháp hoa, không phải tụng 28 phẩm Pháp hoa, hay 7 phẩm Bổn môn Pháp hoa. Gốc của ngài Nhật Liên dạy như vậy, chúng ta học và hành như vậy, nhưng mang ra giảng dạy lại khác. Tại sao khác. Khác là vì tùy duyên, tùy hoàn cảnh. Thật vậy, Phật giáo hóa hơn ba trăm hội, từ cõi Trời, Ngài nói cho chư Thiên, khi thì Phật dạy trong thiền định, khi Phật nói cho Tỳ-kheo, hay có lúc Phật dạy hàng Bà-la-môn, cư sĩ… nghĩa là Phật nói các pháp khác nhau tùy theo đối tượng nghe pháp. 

Chúng ta học theo Phật mới thấy kinh Pháp hoa là thấy trong thực tế cuộc sống, Phật gặp đủ các thành phần xã hội và Ngài nói pháp cho đủ hạng người mà ta tổng hợp gọi là tam tạng giáo điển, hay Đại tạng kinh tổng hợp lời Phật dạy. Người học, nghiên cứu Đại tạng kinh, tìm giáo lý ở trong đó, tìm Phật ở trong đó. Nếu bỏ cái gốc này mà đi tìm Phật pháp thì không có.

Theo tinh thần Pháp hoa, Phật ở thế giới của Phật, ta ở thế giới của chúng sanh, hai loại hình này khác nhau, nên ta không biết về Phật. Hàng ngoại đạo tu, mỗi người thấy một cách, tu một cách, hay nói chung là tất cả tôn giáo sai biệt khác nhau. Theo ngài Nhật Liên, tất cả kinh điển Vệ Đà cũng là Phật pháp. Tu Pháp hoa mới thấy như vậy. Vì thời Phật tại thế, những người tu theo kinh Vệ Đà, họ thông minh và thấy việc mà người thường không thấy, nên gọi họ là Thánh, có sức thuyết phục người nghe, tin theo, như Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp có năm trăm đồ chúng xuất gia và được vua Tần Bà Sa La kính nể, phong làm Quốc sư, nghĩa là kính trọng đạo đức và trí thông minh của ông.

Vì vậy, ngài Nhật Liên nói trí tuệ của con người là Phật pháp, vì Phật là trí tuệ. Trí tuệ thấp nhất là hiểu biết của loài người, nâng lên một bước, họ biết cảnh giới này giả tạm, nên họ muốn tìm cái vĩnh hằng, nhưng họ tìm chưa thấy. Tuy nhiên, họ có căn lành, giống như chúng ta chưa thấy Phật, nhưng biết có Phật, là thấy Phật bằng niềm tin, nên quyết tâm tìm cho thấy Phật. Hàng Bà-la-môn tu, chịu cực khổ vì mục tiêu của họ muốn biết tại sao mình hiện hữu trên cuộc đời này, trước khi sanh mình là gì và chết, mình về đâu; cho nên họ bỏ công đi tìm câu trả lời. 

Tìm câu trả lời là tu, nhưng chúng ta tìm câu trả lời trong tam tạng giáo điển của Phật là gốc. Phật có trí tuệ siêu tuyệt, nên chúng ta tìm Ngài trong kinh điển. Và ngài Nhật Liên nói tìm Phật trong kinh điển thì ngài đọc phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 của kinh Pháp hoa và ngài ngộ điều Phật nói rằng Trời, người, A-tu-la, hay chúng sanh nghĩ Phật là con của vua Tịnh Phạn đi tu thành Phật. Phật nói không phải như vậy, vì Ngài đã thành Phật từ vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp thường ở Ta-bà thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ thuyết pháp giáo hóa vô số chúng sanh, thọ mạng sai khác, tùy theo loại hình mà Ngài khai phương tiện chỉ bày chân thật thậm thâm vi diệu… Nghĩa là Ngài thành Phật từ lâu và từ đó, Ngài hiện ra trong loài người. Trí Giả gọi là vị liên cố hoa, tức gốc là Phật, nhưng sanh trên cuộc đời mang thân người cũng là Phật. Ví như hạt sen, nhưng rớt trong bùn, mọc lên cũng là sen. Còn cỏ dại mọc lên cũng là cỏ dại. Gốc của Ngài là Phật, nên hiện xuống Ta-bà bùn nhơ tội lỗi, Ngài vươn lên, không giống người thường mà là Phật. Chủng tử là Phật thì mang thân người cũng là Phật.

Ngài Trí Giả nói “Hoa khai liên hiện” là từ cây sen, nhưng trải qua quá trình hành đạo ví như sen ở trong bùn một thời gian trở thành hoa tỏa hương thơm ngát. Sen nở ra, hay tu hành có đạo đức và  tri thức vẹn toàn là Phật. Như vậy, có ông Phật bên trong, nhưng không ai thấy được ông Phật đó mà cứ nói đó là Thái tử Sĩ Đạt Ta đẹp, thông minh, tốt bụng. Tất cả mọi người đều thấy như vậy. Riêng tiên nhân A Tư Đà thấy bên trong của Thái tử là Phật, nên ông bật khóc, vì lúc đó, ông đã 120 tuổi, sắp chết, nên Phật thuyết pháp, ông không nghe được. Ông mới bảo Ca Chiên Diên là cháu của ông theo Phật học.

Tiên A Tư Đà không phải là Phật, chỉ là nhà thông thái cũng có trí tuệ, đã thấy được bên trong của thái tử là Phật. Vì vậy, ngài Nhật Liên cho rằng tất cả trí tuệ của con người là Phật pháp, nhưng chưa tới bằng Phật. Và thái tử đi tu gọi là Sa-môn Cù Đàm, không gọi là Phật. Khi Ngài tu thành Phật rồi, người ta cũng không gọi Ngài là Phật. Nhưng vì Ngài biết rất chính xác mọi việc, nên gọi Ngài là bậc Thế gian giải, nghĩa là mọi việc thế gian Ngài đều am tường. Ở Việt Nam, cũng có Trạng Trình biết rất nhiều việc khó lý giải. Đức Phật cũng được gọi là nhà tiên tri biết tất cả mọi việc xảy ra trên cuộc đời và Ngài truyền đạo vượt qua tất cả mọi chướng ngại mà không ai hại được Ngài, nên gọi Ngài là bậc Thiện thệ. Thiện thệ nghĩa là vượt qua tất cả khó khăn trên cuộc đời mà người khác thì phải chết. 

Hơn thế nữa, cuộc đời giáo hóa độ sanh của Phật thể hiện rõ nét từ vua chúa cho đến trưởng giả, hay các nhà ẩn sĩ, tất cả mọi thành phần trong xã hội đều kính trọng Phật, nên gọi Ngài là đấng Thế Tôn. Nói chính xác, Phật có mười hiệu là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Trên bước đường tu, người ta mới nhận ra Phật như vậy, nên nói “Hoa khai liên hiện”, là hoa nở, hay Ngài là Phật khác với người thường. Nhưng nếu Phật hiện hữu liên tục như vậy, thì Phật ở chỗ này, không ở chỗ khác được và người ta cứ ỷ lại có Phật mà không chịu tu, nên Phật Niết-bàn, gọi là “Hoa lạc liên thành”, nghĩa là Phật Niết-bàn thì Phật thật mới hiện ra. Ý này được nói đến trong phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 với dụ lương y biết tất cả thuốc chữa được tất cả bệnh, ông cho thuốc thì các người con không uống, sợ thuốc đắng. Cũng vậy, không chịu tu hành, sợ khổ cực, theo Phật hưởng sướng hơn. Cúng dường năm, mười đồng để xin Phật phò hộ, còn tu thì không chịu.

Vì vậy, Phật Niết-bàn ví như cha chết, các con không có chỗ cậy nhờ mới lấy thuốc uống. Ngài Nhật Liên nói rằng ngài sanh vào thời không có Phật, nhưng có kinh Pháp hoa. Ngài đọc kinh và thực tập theo Phật dạy trong kinh Pháp hoa, được khỏe mạnh, trí tuệ phát huy, vượt qua mọi chướng nạn, nên ngài khuyên tất cả mọi người nên làm như ngài thì việc của Phật, chúng ta cũng có thể làm được, dù chưa là Phật.

Nhiều người tu theo ngài Nhật Liên, vì ngài tiên đoán được nhiều việc như quân Mông Cổ chưa đánh Nhật Bản, nhưng ngài nói họ sẽ đánh. Và ngài khuyên mọi người lo tu để nhận được sự hộ niệm của Phật thì không bị chết khi quân Mông Cổ đánh nước Nhật, Và sự việc xảy ra đúng như lời ngài tiên đoán, nhưng những người không nghe, nói rằng ngài trù ẻo cho Mông Cổ đánh, nên họ đem ngài ra pháp trường chém. Nhưng khi võ đao đưa gươm lên thì sét đánh gãy cây gươm thành ba khúc là giết ngài không được. Tu hành của ngài đạt được kết quả là vượt qua khó khăn, chướng nạn. Chúng ta thấy cuộc đời giáo hóa độ sanh của Đức Phật cũng vượt qua tai ương mà người thường phải chết, như vua A Xà Thế thả voi say để hại Phật, nhưng chúng phải quỳ xuống dưới chân Ngài.

Ngài Nhật Liên cúi đầu cho chém, nhưng không chém được, nên họ bắt ngài đày ra đảo Sado, một nơi chỉ có tuyết bao phủ, không có sinh vật, cây cỏ nào sống được. Vậy mà ngài tu ở đó trong ba năm, không biết ngài ăn gì, nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Vượt qua chướng nạn như vậy một cách bình an, người ta mới tin ngài là Thánh. Và trong lúc ngài ở đảo, có một võ sĩ tìm ra đảo để giết ngài, nhưng khi thấy ngài ngồi trong động tuyết, anh sợ quá, quỳ lạy xin làm đệ tử. Anh này trở về triều, nói rằng Nhật Liên là Thánh, vì người thường ở trong tuyết không sống nổi. Vì vậy, triều đình đã rước ngài về đất liền. Lúc đó Mông Cổ đổ quân sang đánh Nhật Bản, nhưng cả hai lần quân Mông Cổ đều bị chết. Lần đầu Mông Cổ sang đánh, quyết tâm qua trước mùa mưa bão, nhưng khi thuyền tới gần Nhật Bản thì bị bão nhận chìm. Mông Cổ đi đánh lần thứ hai, chờ hết bão, nhưng cũng bị bão nhận chìm. 

Người Nhật tin rằng ngài là đại Thánh nhân, nên người ta theo tu rất đông. Tu được như ngài Nhật Liên thì khó và hiếm có người được. Riêng chúng ta tu đạt được chút xíu thành quả cũng quý, cũng chuyển đổi được cuộc sống. Như thầy được Phật hộ niệm là thông minh đột xuất, giải được việc khó trước mắt, không phải biết tất cả. Hoặc có người đến định lường gạt, nhờ Phật rọi vô, thầy nhận ra ngay ý đồ xấu đó. Hay thầy không biết được, nhưng lúc sắp đi mà có cảm giác bất an, vì Phật hộ niệm, nên không đi thì không bị tai nạn. Còn ngài Nhật Liên cứ đi đã có Hộ pháp giúp đỡ. Mình chưa đủ lực như ngài, nên không đi thì không chết.

Ngài Nhật Liên căn cứ vào phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, ngài tu đạt được kết quả tốt đẹp như thế, nên gọi ngài là Bổn môn đại sư, tức tìm được cái gốc mà tu. Riêng chúng ta cũng tu Bổn môn, nhưng không đi được đến cái gốc, mình cũng phải học rộng như thông suốt tam tạng Phật dạy là rút tinh hoa của loài người. Tuy nhiên, trải qua mấy ngàn năm cũng phải có thay đổi lớn. Vì vậy, nếu chúng ta chấp vào kinh, chúng ta cũng bị tụt hậu, nên phải có đổi mới liên tục, ngày nay gọi là cập nhựt, vì diễn tiến trên cuộc đời không đứng yên, nên tầm nhìn, hay trí tuệ của chúng ta phải được cập nhựt.

Chúng ta ôm hết tam tạng vào lòng, nhưng kinh Pháp hoa rút ra cho mình một câu là Phật nói kinh Vô lượng nghĩa và nhập Vô lượng nghĩa xứ định, đó chính là cốt lõi của Bổn môn mà mình cần thực tập là Định Vô lượng nghĩa và Huệ Vô lượng nghĩa. Nghĩa là muốn tìm Phật, phải chuẩn bị hành trang, không phải nói đi là đi, như thầy thuở nhỏ mới 12 tuổi muốn tu là tu, không biết gì hết. Nhưng may mắn nhờ Phật thương, Phật cứu, nhưng tu như vậy nguy hiểm, phải chuẩn bị hành trang. Phật dạy kinh Vô lượng nghĩa, đó là chuẩn bị hành trang vượt qua năm trăm do tuần đường hiểm mới không chết nửa đường, không chuẩn bị cũng dễ thoái lui. 

Chuẩn bị hành trang là gì. Phải có sức khỏe, vì hành trình xa. Không có sức khỏe, không đi được tới đâu. Lúc thầy ở Nhật, bạn rủ leo núi Phú Sĩ. Thầy bảo đi thì đi. Các bạn chuẩn bị áo lạnh, giày, mũ. Thầy mặc áo thường, đến giữa chừng núi, lạnh quá khiến nước mắt, nước mũi chảy ra, không thấy đường đi. Muốn tu, quý vị phải chuẩn bị đàng hoàng. Theo thầy, quý vị phải dò đường trước, coi chùa nào thích hợp, sư nào mà mình quý trọng và họ thương mình, mình học được thì mới vô đó tu. Không chuẩn bị mà cạo đầu đại, không ai chứa, lúc đó khó khổ, nằm khóc một mình, đi tới không được, đi lui cũng không xong.

Kinh Vô lượng nghĩa dạy chúng ta chuẩn bị, không phải chuẩn bị thức ăn. Trước hết, phải chuẩn bị đạo đức, ai thấy cũng thương mới bắt đầu hành trình. Tới chùa mà thầy thương bạn mến mới ở tu được. Chuẩn bị mình ăn ở thế nào mà người thương được là kinh Vô lượng nghĩa dạy mình đạo đức thế gian phải có. Nhưng làm sao để người thương. 

Theo kinh nghiệm thầy, phải có sức khỏe tốt và kiên nhẫn lớn, cái gì mình cũng chịu được thì người mới thương.  Nếu không làm được, lại dễ nổi nóng, gặp ai cũng gây, làm sao người thương. Mình như trái banh, đá đâu cũng được, nhưng không chết. Cứ nhớ rằng ai lỗi là việc của họ, còn mình không lỗi. Ai nói xấu mặc, mình không nói xấu. Dù tụng một ngàn bộ kinh Pháp hoa mà không có sức kiên nhẫn,  phạm nhiều lỗi lầm thì vẫn không tu được. Phải chuẩn bị đạo đức con người, ở đâu người cũng thương mến. 

Thứ hai là chuẩn bị nhẫn lực và học vấn. Ở trong chúng, việc nào mình cũng làm, khó khăn nào cũng gánh. Kinh nghiệm của thầy, việc khó làm được, người mới thương, còn thấy khó đùn đẩy thì không ai ưa, gọi là vô dụng. Chịu đựng được và giải quyết được việc khó, ở đâu người cũng dung chứa mình. Làm được như vậy là chuẩn bị hành trang lên đường. Điều thứ ba cần chuẩn bị là ở đâu làm lợi ích chỗ đó, chắc chắn người chấp nhận mình. Ăn hại thì ở không được lâu. Làm nhiều, chi tiêu ít, thặng dư mới còn.

Đi tu, chuẩn bị như vậy xong, thầy nghĩ chỗ nào làm được, mình đến đó. Trước kia, Hòa thượng Trí Tịnh bảo niệm Phật vãng sanh Cực lạc, thầy không nghe, vì thầy nghĩ qua đó không có việc gì cho thầy làm; ăn không là không được. Chỗ nào mình làm được và người ta quý mình là ở đó tu được. Năm 1957 là thời kỳ khó khăn nhất. Lúc đó, Hoà thượng Thiện Hoa là Trưởng ban Hoằng pháp. Tỉnh Phước Long lên thỉnh giảng sư. Hòa thượng hỏi thầy nào đi. Nghe nói đi từ sáng đến chiều mới tới và còn phải vô xa trong rừng. Thầy làm thị giả cho Hòa thượng, ngài hỏi con đi không. Thầy nói ngài cho đi thì con đi. Thầy nghĩ mình ở Sài Gòn giảng, ai nghe. Ở đó nghèo khổ, chắc chắn họ cần nghe pháp. Lên đó giảng được, như người ta nói xứ mù, chột làm vua. Vì vùng đó rất nghèo và còn người dân tộc, họ ở Thác Mơ nhưng không mặc đồ. Chỗ đó chắc chắn làm đạo được. Về Cực lạc không có việc làm, nên thầy không về, vì sợ ăn không, bị tội.

Vì vậy, khi đã chuẩn bị đạo đức cao, chịu đựng được và hiểu biết rộng thì tìm chỗ ứng dụng. Ở Nhật học xong, thầy  nghĩ về Việt Nam có nhiều việc làm. Các người bạn nói ở Việt Nam sau chiến tranh là chết chóc, nghèo khổ, bệnh hoạn thì về làm chi. Thầy nghĩ như vậy về Việt Nam làm gì cũng được, có sao đâu. Và thực tế đúng như vậy, họ mời thầy tham gia Hội Chữ thập đỏ. Tu hành, mình cần có việc làm giúp ích cho cuộc đời. Vì vậy, việc thứ ba Phật dạy vì hạnh phúc cho số đông, vì lợi ích cho chư Thiên và loài người, đó chính là kinh Pháp hoa. Chỗ khổ mà tránh là đọa.

Tóm lại, ta học Vô lượng nghĩa, hay tam tạng giáo điển là chuẩn bị hành trang lên đường. Kinh Pháp hoagọi là ba xe chạy ra khỏi Nhà lửa. Phải có ba xe. Không có ba xe thì không có cách nào vào đạo. Trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, chúng ta có chịu đựng được khó khổ hay không. Nói rõ hơn, bị người đánh, ta không đánh lại; bị người mắng, ta không mắng lại, bị nói xấu, ta không biện minh. Làm được như vậy là đệ tử Phật. Nếu không, không được Phật công nhận là đệ tử, nói chi đến việc Phật hộ niệm. Quyết tâm tu, thể nghiệm đạo đức, tri thức và làm lợi ích cho người thì được Phật nhận là đệ tử và được Ngài hộ niệm, chắc chắn chúng ta vượt qua mọi khó khăn và thăng hoa trên lộ trình đến Phật quả. 

HT.Thích Trí Quảng

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC