Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 20/08/2015 18:30 PM 
Thanh Hóa: Chùa Yên Hoành tổ chức lễ Vu lan báo hiếu PL2559
Chiều ngày 19 tháng 8 năm 2015 nhằm ngày 06 tháng 07 năm Ất Mùi, chùa Yên Hoành - xã Định Tân – huyện Yên Định – Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu PL 2559 – DL 2015.
Quang lâm chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm trưởng ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, ĐĐ. Thích Tâm Đức – Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa cùng đông đảo chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trên địa bàn tỉnh.
Về phía chính quyền có sự hiện diện của: ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Lợi - Nguyên bí thư tỉnh Thanh Hóa; Ông Bạch Ngọc Chiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cùng quý vị đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân Phật tử địa phương đã về tham dự buổi lễ.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu buổi lễ, sau chương trình văn nghệ của các ca sĩ, nghệ sĩ tỉnh Thanh Hóa dâng lên cúng dường Tam Bảo nhân mùa Vu Lan báo hiếu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã chia sẻ đại chúng về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu cũng như ý nghĩa bông hồng cài nơi ngực áo mỗi người.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đạo Phật lấy chữ Hiếu làm trọng, dân tộc Việt Nam cũng coi trọng chữ Hiếu. Đức Phật dạy trong Kinh Địa Tạng rằng “Cha mẹ trong nhà là Phật ở đời”. Trong Kinh Đại Tập thì Đức Phật dạy rằng “Con người ta sinh ra không biết Phật nhưng nếu biết hiếu kính cha mẹ thì có nghĩa người đó đã biết tới Đạo Phật”. Đấy là quan niệm về chữ Hiếu của Đức Phật. Còn đối với dân tộc Việt, Tổ tiên chúng ta từ xa xưa đã dạy “Trong trăm điều phúc, không điều phúc nào lớn bằng người con có hiếu với cha mẹ. Ngược lại, trong tất cả tội lỗi thì không tội nào nặng bằng tội bất hiếu với cha mẹ”. Như vậy, tinh thần Hiếu đạo của người Việt và tinh thần Hiếu đạo của Đức Phật dạy cho đệ tử đều gặp nhau ở một điểm, đó là chữ Hiếu “tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân” – Hiếu với cha mẹ, nhân đức với muôn loài đó là tinh thần bất diệt của dân tộc Việt chúng ta.
Khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, tinh thần hiếu đạo đó cùng với tinh thần Hiếu đạo của Đạo Phật làm nên một bản sắc văn hóa về đạo đức mà tất cả muôn đời con cháu phải noi theo, đó là phải biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đức Phật dạy rằng “Vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, đi khắp năm châu hoàn cầu này, tìm những món ngon nhất dâng cha, tìm những thứ vui nhất tặng mẹ, thì so với công lao cha mẹ sinh thành  ta vẫn chưa thể báo đền được hết ơn sâu”. Còn dân tộc ta thì ví công lao cha mẹ như núi Thái Sơn – nước trong nguồn.
Công ơn tấc dạ đinh ninh báo
Hiếu nghĩa đỉnh đầu thăm thẳm soi
Hòa thượng chia sẻ về câu chuyện cảm động trong lịch sử triều Nguyễn. Ông Vua Tự Đức – vị vua thứ 4 của triều nhà Nguyễn, nổi tiếng là một vị vua có học bởi có người mẹ là Từ Dụ – vị hoàng thái hậu nổi tiếng là hay chữ, nghiêm khắc dạy bảo con. Một lần vua Tự Đức đi săn, nhưng gặp trời mưa bão không thể về. Bà mẹ ở nhà mải miết ngóng trông con. Hôm sau vua Tự Đức về. Quần thần tâu lại với Đức vua rằng Thái hậu từ hôm qua tới giờ bỏ bữa, không ăn, lúc nào cũng nhắc “Không biết Hoàng thượng đã về đến đâu”. Vua Tự Đức lập tức xuống ngựa, vào trong cung, cởi long bào, lấy một thanh roi đặt lên chỗ mẹ, bà Từ Dụ quay mặt trở vào, và Tự Đức quỳ xuống “Con bất hiếu đã để mẹ phải bận lòng dõi theo. Con đây xin tạ tội mẹ bằng roi này”. Nhưng bà Từ Dụ biết pháp luật, nói rằng “Ta trị là trị con ta, chứ còn Hoàng đế đại diện quốc gia ta không dám”. Qua đó, có thể thấy tình mẹ cao cả đến nhường nào. Dù con đã làm vua, đi đâu cũng có binh lính theo, nhưng lòng mẹ vẫn luôn thương nhớ dõi theo và mong ngóng từng bước chân của con. Nhưng con dù là Hoàng đế, nhưng vẫn là con của mẹ.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm còn chia sẻ cho đại chúng câu chuyện về tấm lòng hiếu kính của Đức Phật đối với cha mẹ. Khi Vua Tịnh Phạn đau ốm, Đức Phật chăm sóc, bưng bát cháo cho cha. Lính của nhà vua nói “Xin để con đỡ bát cháo”, Đức Phật trả lời “Hãy để cho ta làm việc của cha” – Lúc này, Ngài tuy là Phật nhưng vẫn là con của vua Tịnh Phạn, và Ngài đang thực hiện tròn bổn phận làm con hiếu của mình.
Từ đó, Hòa thượng nhấn mạnh “Đây là lần đầu tiên trong quê hương của chúng ta có một ngôi chùa, có ngôi chùa thì nền văn hóa đạo đức mà cần phải truyền tải đầu tiên cho người dân chúng ta chính là đạo đức về chữ hiếu. Chúng ta phải yêu thương mọi người, mọi loài thì mới đến được cửa Phật”.
Mùa Vu Lan này, mục đích của Đức Phật chính là dạy con người biết tri ân và báo ân đối với tứ trọng ân. Hòa thượng mong rằng đại chúng hãy luôn ghi nhớ và luôn thực hành, để tinh thần Hiếu đạo sẽ mãi rực sáng trong lòng dân tộc.

 
 
 
 
 
 

Sau đó, đại diện cho hàng Phật tử, Nghệ sỹ ưu tú Thu Hài đã đọc ý nghĩa Bông hồng cài áo. Các em thanh thiếu niên Phật tử đã trang nghiêm cài lên ngực áo chư tôn đức, quý quan khách và toàn thể Phật tử những bông hoa hiếu hạnh, để mỗi người nhớ nghĩ về công lao sinh thành dưỡng dục tựa trời biển của mẹ cha.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên ngôi chùa Yên Hoành của làng Hoành tọa lạc trên núi Chùa này tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu, bởi đây là một ngôi chùa mới được khởi công xây dựng lại vào năm 2014. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC