Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 20/09/2015 00:32 AM 
Khai mạc khóa tu sinh viên lần thứ V với chủ đề “Hướng tới tương lai”
Sáng ngày 19 tháng 09 năm 2015, nhằm ngày 07 tháng 08 năm Ất Mùi, tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) đã chính thức khai mạc khóa tu sinh viên lần thứ V chủ đề “Hướng tới tương lai” với sự tham dự của gần 500 khóa sinh là các bạn sinh viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trong địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.
Tiếp nối thành công của khóa tu sinh viên những năm trước, năm nay, ngay từ 6h00 sáng, các bạn sinh viên đã vân tập về chùa Bằng, xếp hàng đăng ký tham dự khóa tu với gương mặt đầy tươi sáng, đầy hân hoan, đón chào một khóa tu an lành và ý nghĩa nơi chốn thiền môn thanh tịnh, trang nghiêm.



  
  
  
  
  
Trước khi bước vào buổi lễ khai khóa, Hòa thượng trụ trì đã cùng chư tôn đức Tăng trong ban tổ chức khóa tu và đại diện các bạn khóa sinh làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ cầu quốc thái dân an, đồng cầu nguyện cho khóa tu được thành tựu viên mãn.

 
 
 
 
 
 
 

Đúng 8h30’, ba hồi chuông trống bát nhã ngân vang, toàn thể khóa sinh trang nghiêm chắp tay búp sen niệm Phật cung đón chư tôn đức quang lâm lễ đài để bắt đầu buổi lễ khai mạc khóa tu.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, Trưởng ban tổ chức khóa tu; Đại đức Thích Lệ Minh - Ủy viên Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng bản tự.
Về phía quan khách có: Ông Vũ Minh Lý - Ủy viên Ban chấp hành TW Đoàn, Phó trưởng Ban Đoàn kết - Tập hợp thanh niên của Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia.

 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu buổi lễ khai khóa, Đại đức Thích Lệ Minh - Ủy viên Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, Phó ban tổ chức khóa tu đã đọc lời phát biểu khai mạc. Đại đức nhấn mạnh: “Trước các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, trước nguy cơ suy thoái đạo đức ngày càng tăng, không ít các nhà chức trách và các bậc phụ huynh không tránh khỏi băn khoăn lo lắng cho con trẻ của mình và tương lai của xã hội. Vì vậy, để góp phần xây dựng một thế giới an bình, hạnh phúc, đồng thời để giúp giới trẻ ý thức rõ được cuộc sống đang diễn ra xung quanh, và có ý thức sống như thế nào cho thật đáng sống, Chùa Bằng – Linh Tiên Tự tổ chức khóa tu sinh viên lần thứ V với chủ đề Hướng Tới Tương Lai, cũng không ngoài mục đích giúp các bạn định hướng cho mình một lối sống, định hướng phát triển bền vững xã hội, xây dựng con người phù hợp với sự phát triển trong nền văn minh tri thức của nhân loại”.

 
 

Tiếp theo là lời phát biểu của ông Vũ Minh Lý gửi tới các bạn sinh viên tham dự khóa tu. Ông chia sẻ: “Chúng tôi rất biết ơn các thầy đã dành tình cảm, trách nhiệm trong công tác giáo dục các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên. Đạo Phật không chỉ là triết lý, là tôn giáo, nó là nền tảng văn hóa có từ rất lâu đời của nước Việt Nam. Chúng tôi rất mong các bạn không chỉ tu tập trong hai ngày, mà hãy dành thời gian tu thân, dưỡng tâm trong suốt cuộc đời của mình, nếu có thời gian hãy đến chùa nhiều hơn để lắng nghe các bài giảng của Thầy, để được các Thầy truyền trao năng lượng, để hiểu sâu sắc hơn về Đạo Phật, Đạo làm Người. Tôn giáo nào cũng đều hướng tới đạo đức, hướng thiện cho con người, đặc biệt là Đạo Phật”.

 
 

Cuối cùng, với sự chí thiết chí thành, đại diện các khóa sinh đã dâng lời phát nguyện tu học trong khóa tu tới chư tôn đức chứng minh.

 
 
 
 

Trong buổi sáng này, toàn thể khóa sinh đã được lắng nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thuyết pháp với chủ đề “Hướng tới tương lai” cũng chính là chủ đề của khóa tu năm nay: “Dưới nhãn quang của Phật giáo, Đức Phật rất chú trọng tới tuổi trẻ. Tuổi trẻ nếu được giáo dục tốt, có định hướng tốt thì sau này sẽ là những chủ nhân của gia đình, của đất nước. Đối với các bạn sinh viên, giờ đây đang là những người bước chân vào trường Đại học, học tập kiến thức qua các trường mà các bạn đã chọn, nhưng chúng ta biết rằng tất cả đó đều phục vụ trước nhất cho bản thân chúng ta, cho gia đình, và cho đất nước để xây dựng bản thân trở thành một con người tốt, gia đình hạnh phúc và đất nước được thịnh vượng, phát triển. Cho nên ngay từ bước đầu của tuổi trẻ, sinh viên, chúng ta phải định hướng cho chính chúng ta. Chúng ta biết rằng trong Đạo Phật, lời phát nguyện để làm định hướng là điều rất quan trọng. Trong giáo lý Tam tạng thánh giáo, Đức Phật nào cũng vậy, các vị Bồ Tát nào cũng thế, trong suốt 3 đời, các bậc Bồ Tát, các Đức Phật và cho tới các bậc Tổ sư, mỗi một vị có một lời phát nguyện như định hướng cho mình tương lai. Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát luôn cứu khổ ban vui cho chúng sinh, những ai đau khổ, những ai buồn đều cầu nguyện tới Ngài, bởi vì Ngài có một lời nguyện Chúng sinh nào còn một tiếng kêu khổ thì ta nguyện không làm Phật. Tức là Ngài luôn ở ngôi vị Bồ Tát bên dưới Phật để mà ra vào sinh tử, cứu độ cho chúng sinh. Cũng vậy, Bồ Tát Địa Tạng thệ nguyện rằng chúng sinh độ hết mới chứng Đạo Bồ Đề, địa ngục nếu còn ta thề không lên ngôi Chính giác. Rồi cho tới Bồ Tát Phổ Hiền cũng mười nguyện vương, nguyện cho chúng sinh tất cả được an lạc hạnh phúc. Đấy là những lời nguyện sơ qua của các vị Bồ Tát. Cho tới Đức Phật A Di Đà khi còn là một vị tu sĩ, mang hình tướng Tỳ Khiêu, Ngài cũng đã thệ nguyện 48 điều để xây dựng thế giới thanh tịnh, xây dựng một cuộc sống an vui, đầy đủ, ấm no. Phật Dược Sư Lưu Ly khi còn là một vị Bồ Tát, với lòng bi mẫn thương chúng sinh mong mọi người có cuộc sống hạnh phúc, bỏ điều xấu làm điều lành, sống với nhau trong tình yêu thương, do đó cũng phát 12 điều nguyện. Đức Phật Bản Sư Thích Ca Mâu Ni sau khi trải qua 6 năm tu khổ hạnh, đến dưới gốc cây, Ngài trải cỏ cát tường, Ngài cũng thệ nguyện nếu không đắc đạo chẳng hề đứng lên. Rồi các bậc Tổ Sư của chúng ta sau này cũng thế. Chúng ta cũng phải học Phật, học các Đức Bồ Tát, các vị Tổ Sư, cũng như trở lại với trang sử vàng, lịch sử dựng nước và giữ nước của Tổ tiên, ông bà và cha mẹ chúng ta. Các bậc Tổ tiên chúng ta xưa kia cũng đều có nguyện làm sao để xây dựng đất nước, xây dựng gia đình được hạnh phúc, bình yên. Chính vì thế, các bạn trẻ của chúng ta hôm nay hãy thực tập những lời Phật dạy, ôn lại trang sử vàng của dân tộc, của đất nước mà Tổ tiên ta đã làm để chúng ta hãy suy ngẫm và noi theo. Tổ Tiên đã làm, chúng ta cũng quyết làm như vậy. Tổ Tiên đã xây dựng cho mình cuộc sống tốt thì chúng ta cũng nguyện xây dựng cho mình cuộc sống tốt đẹp để xây dựng tương lai con cháu và những thế hệ sau được tốt đẹp”.
Hòa thượng cũng đã nhấn mạnh “Trong kinh điển, Đức Phật luôn luôn nhắc tới tuổi trẻ, và coi như tuổi trẻ là đối tượng chính mà Đức Phật dạy”. Vì vậy, Hòa thượng đã nhắc về “Tứ chính cần” trong đạo Phật, trích từ Kinh Tuổi Trẻ về 4 ví dụ: Đốm lửa nhỏ, con rắn nhỏ, chú tiểu nhỏ và hoàng tử nhỏ. Nếu như được hình thành hoặc chăm sóc trong môi trường tốt, đốm lửa nhỏ có thể trở thành ngọn đuốc sáng xua tan không gian tối tăm, con rắn nhỏ có thể trở thành một loài hữu ích cho ngành y học chữa được nhiều bệnh cho con người, chú tiểu nhỏ sẽ trở thành bậc chân tu cao thiền thạc đức hoằng pháp độ sinh, hoàng tử nhỏ sẽ trở thành vị đại hoàng đế anh minh trị vì thiên hạ mang cuộc sống ấm no cho nhân dân. Nhưng nếu như 4 khái niệm đó mà lại phát sinh trong môi trường xấu, đốm lửa nhỏ có thể hủy hoại cả khu rừng, con rắn nhỏ có thể trở thành rắn độc cắn chết con người, chú tiểu nhỏ sẽ trở thành một vị Tu sỹ xấu, và hoàng tử nhỏ sẽ trở thành vị hôn quân ám chúa.Từ đó, Hòa thượng đã khuyến tấn đại chúng hãy tu tập theo lời dạy của Đức Phật “Ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp”, có nghĩa là: “Tinh tiến tránh làm các điều ác chưa sinh - Tinh tiến vượt qua những điều ác đã sinh - Tinh tiến phát huy các điều thiện đã có - Tinh tiến làm cho các điều thiện phát sinh” để cuộc sống sẽ luôn được an lạc, hạnh phúc.
Đặc biệt, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng về bốn lời dạy Đức Phật dạy cho tuổi trẻ trong Kinh Tăng Chi. “Nếu chúng ta ứng xử được như thế này thì tương lai của chúng ta chắc chắn tốt đẹp. Tương lai của chúng ta phải hướng về bản thân chính chúng ta. Chúng ta có tốt thì gia đình mới tốt và xã hội mới tốt. Chúng ta là một cá thể, nhưng cá thể đó để làm nên một tập thể”. Bốn điều đó là:
-Phải có niềm tin chân chính vào giá trị đạo đức, giải thoát qua nhân cách của Phật, thấu hiểu giáo lý của Ngài và nhân cách cộng đồng của chư Tăng.
-Phải trở thành người Phật tử năm giới ứng xử chuẩn mực hành vi và ngôn ngữ, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần, tâm lý, đạo đức.
-Phải quan hệ hài hòa giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, thầy tổ, chủ tớ, cộng đồng xã hội, quốc gia, nhân loại, thiên nhiên để có khả năng sống hài hòa với mọi người và thế giới xung quanh.
-Phải phát triển trí tuệ, khả năng hiểu biết để vượt qua chi phối bản năng: Tham, sân, si, lười biếng, hoài nghi…Thiết lập một tâm hồn ổn định, trầm tĩnh, tự chủ và sáng suốt.
Cũng nhân dịp này, các bạn trẻ cũng đã nêu ra những câu hỏi, những thắc mắc về Đạo Phật và cuộc sống để được Hòa thượng trụ trì giải đáp cặn kẽ. Buổi pháp thoại đã khép lại trong niềm hoan hỷ của tất cả các bạn sinh viên tham dự khóa tu.

 
 
 
 
 
 

Buổi trưa, các bạn khóa sinh đã được quý Thầy hướng dẫn thực hiện nghi thức cúng Quá Đường trong chính niệm, đầy an lạc.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
  
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC