Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Tư tưởng Phật giáo › Bài viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 02/04/2016 13:52 PM 
Ý nghĩa Bồ đề Đạo tràng
Đức Phật Thích Ca sanh ở vườn Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ. Ngài đi tìm đạo, đến nước Ma Kiệt Đà và đến dòng sông Ni Liên, Ngài ngồi Thiền định dưới cây bồ-đề trong 49 ngày thì đắc đạo, thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ngày nay, có tòa tháp do vua A Dục xây chỗ Đức Thích Ca thành Phật, gọi là tháp Bồ Đề Đạo Tràng.

Sau khi thành đạo, Đức Phật xuống Lộc Uyển giảng pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, giúp họ đắc quả vị A-la-hán. Kế tiếp, Ngài đến thôn Ưu Lầu Tần Loa độ ba anh em Ca Diếp trở thành Sa-môn. Sau đó, Ngài đến Vương Xá độ thêm Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, tổng cộng Phật giáo hóa được 1.250 người đắc Thánh quả. Lịch sử ghi rằng Phật đi đâu có các vị La-hán này theo, là 1.250 người thường tùy với Phật.

Nhưng đến hội Pháp Hoa, có đến 12.000 Tỳ-kheo và các Tỳ-kheo-ni. Mở rộng hơn nữa, lại có hơn 70.000 chư Thiên và Bát bộ quỷ thần cũng có mặt.

Như vậy, từ đầu, theo lịch sử, Phật chỉ có một mình, nhưng Ngài đã giáo hóa độ được 1.250 Tỳ-kheo, đó là con số thực mà lịch sử ghi nhận. Nhưng chúng ta tu, mở rộng tầm nhìn, thấy xa hơn, có 80.000 Bồ-tát đi theo Phật. Vì nếu chỉ có 1.250 Tỳ-kheo ở nhân gian thôi, chắc chắn đạo Phật không thể tồn tại và phát triển.

Tu hành, có cái nhìn siêu hình, mới thấy sự hiện hữu của 80.000 Bồ-tát và hơn 70.000 chư Thiên, cùng Bát bộ chúng, quỷ thần dắt theo quyến thuộc tùy tùng.

Thí dụ đạo tràng chúng ta nhìn bằng mắt thường, thấy có thầy giảng kinh và một số Phật tử đến nghe pháp. Nhưng nhìn theo hướng tôn giáo, đạo hiện hữu không chỉ đơn giản với con số hữu hạn, vì chỉ có như vậy thôi, thì đạo tràng không thể tồn tại, không thể làm được việc lớn.

Thật vậy, khu đất này rộng 24 mẫu, không phải thầy trò mình làm được. Có khu đất này để xây dựng Học viện, gần chúng ta, có Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dù Giáo hội không tới đây hàng tuần, nhưng Giáo hội cả nước có trên bốn vạn Tăng Ni và bao nhiêu tín đồ hướng tâm về đây, tạo thành sức mạnh tâm linh thôi thúc chúng ta xây dựng Học viện. Và thầy làm việc đạo cũng do sức mạnh này. Xa hơn nữa, chúng ta thấy lực vô hình mạnh hơn, đó là lực gia hộ của ông bà, tổ tiên, trời Phật, thánh thần. Chúng ta ngồi đây, nhưng chung quanh chúng ta có bao nhiêu là quyến thuộc tinh thần tùy tùng chúng ta. Chúng ta nghĩ đến ông bà, thì có họ hiện hữu bên cạnh, nghĩ đến thánh thần, thì có thêm bao nhiêu vị này nữa.

Nhìn về vô hình, có vô số Bồ-tát, Long thiên Bát bộ hỗ trợ, mới tạo thành sức mạnh của Phật giáo trên nhân gian. Không có sự hợp tác vô hình này, ta không chịu nổi thế lực ma chướng.           

Trở lại việc giáo hóa độ sanh của Phật, khi Ngài đi một mình đến độ ông Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, mọi người đều nghĩ rằng Phật đến nộp mạng cho ông này. Ưu Lầu Tần  Loa Ca Diếp tu luyện để tiếp nhận thế lực quỷ thần rất mạnh, ông có khả năng huýt sáo là cả ngàn con rắn hổ mang ngóc đầu lên, làm theo lệnh ông. Ông còn có năm trăm đồ chúng tùy tùng. Trong khi nhìn bằng mắt thường, thấy Sa-môn Cù Đàm một mình, một bát, một ca-sa mà vô ở trong tổ chức tà giáo này.

Mọi người nghĩ Phật vô nhà lửa này, thế nào cũng chết. Nhưng sáng hôm sau, thấy Phật đi ra, có năm trăm ông mặc áo sư, cạo tóc, theo Phật. Phật thay đổi tình thế rất nhanh, đó là uy  lực, thần lực của Phật. Thấy như vậy là thấy đạo, mới ham tu.

Riêng thầy, thấy đạo lực của Phật nên quyết tâm tu, không thấy uy lực của Phật, dễ bỏ cuộc. Nhiều thầy tu không mở được con mắt giữa, không khai được huệ vô lậu, thường chán nản, không tu nữa. Phật tử phải nhìn theo hướng tâm linh mà đi tới.

Lúc bắt đầu tu, học lịch sử Phật giáo để biết và từ đó, nhìn qua hướng tâm linh, thì phải do niềm tin mà vào được. Phật dạy niềm tin quan trọng nhất, không có niềm tin, không làm được gì. Có niềm tin Phật sẽ sanh ra tất cả công đức lành, có khả năng đi vào Pháp giới. Vì vậy, Phật nói niềm tin là mẹ của các công đức.

Tu mà mất niềm tin là mất định hướng. Ngài Hư Vân bảo Tỳ-kheo mất phương hướng, thì năm đầu thấy người tu có kết quả, nên ham xuất gia. Nhưng vô chùa tu, cực khổ, chịu đựng thêm năm thứ hai và càng tu càng mệt mỏi, thấy Phật thăng thiên, là Phật cách xa mình, khó vói tới. Vì vậy, năm thứ ba, xin Phật cho tiền để uống thuốc, xây chùa… là biến chất, trở thành tu sĩ giả.

Đọc cuộc đời hành đạo của Hòa thượng Hư Vân, thầy tin rằng vị này có đời sống tâm linh cao, vì ngài đã vượt qua bao khổ nạn, sống đến 120 tuổi. Người tu vượt qua nhiều kiếp nạn, mà không bị tổn hoại mạng sống và làm được những việc khó làm, có tuổi thọ dài lâu như vậy, đó là người mà chúng ta tin cậy được. Thầy chọn mẫu người này để phấn đấu theo.

Ngài Hư Vân có điểm đặc biệt là hành hương từ núi Phổ Đà lên Ngũ đài sơn. Ngài nghĩ về Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi ở trên núi, nên cứ ba bước, ngài lạy một lạy, cho đến đi đủ năm ngọn núi cao ở Trung Quốc. Thầy đến Ngũ đài sơn thôi, chưa đi ngọn núi nào kiếm Bồ-tát Văn Thù. Nghe Ngài nói có Văn Thù, nhưng lên đó, lạnh quá, thầy đi xuống.

Ngài Hư Vân thấy Văn Thù ở đâu. Nếu chúng ta nghiệm lại cuộc sống, sẽ thấy Văn Thù và Phổ Hiền. Thật vậy, trên bước đường tu, thầy nhìn trở lại quá khứ hành đạo từ khi xuất gia cho đến ngày nay, mỗi lần có hoạn nạn, khó khăn, nguy hiểm nhất, thầy gặp Bồ-tát Quan Âm xuất hiện trong lòng bằng niềm tin.

Những người đi trước nói với thầy rằng phải đến chỗ không còn đường sống, gọi là sơn cùng thủy tận, thuyền chúng ta đi tới cùng đường  là đụng vách núi, thì có đạo. Chỉ buông tay xuống là thành Phật. Quý vị dám buông không. Kinh nghiệm tu của thầy, khi gặp khó khăn, nguy hiểm, chuẩn bị chết nhiều hơn sống, mới thấy Quan Âm và sống lại.

Thầy gặp ngài Hư Vân ở điểm này. Khi ngài bị bắt, bị đánh đến ngất đi, là chết, ngài mới thấy Di Lặc ở cung trời Đâu Suất, là chết mới thấy Phật do niềm tin. Ý này được kinh Pháp hoa diễn tả: “… tu rất tích cực trong suốt ba tuần, được thấy Phổ Hiền ngồi trên bạch tượng, phước đức vô lượng, vô số hằng sa chư Thiên tán hoa, cùng trổi kỹ nhạc, tâm hồn thanh thoát, vượt khỏi thế gian, đến cõi thiên đàng, ra mắt Di Lặc, được làm quyến thuộc Đâu Suất Đà thiên…”.

Khi bị hành hạ đến hết sống, hoặc chúng ta bệnh cũng là thử thách mà niềm tin dẫn chúng ta vượt qua đau đớn. Người có niềm tin nói đau thấu trời, nghĩa là nhờ đau quá mà thấy trời.

Chúng ta tu hành, nhờ niềm tin, khi rơi vào cảnh nguy hiểm, liền nói Mô Phật là nói tắt của Nam-mô A Di Đà Phật. Quý vị tu Tịnh độ, nhớ trước khi chết, quên đau, chỉ nghĩ đến Phật Di Đà, sẽ được Ngài tiếp rước về Cực lạc. Thầy có người bạn bị bệnh ung thư, chết đau lắm, nhưng họ rất bình tĩnh, vượt qua đau đớn.

Từ thực tế này, chúng ta nhận biết rằng lúc lâm chung, tùy tâm mình tu chứng mà thấy Cực lạc, hay tu Pháp hoa, thấy Đức Tỳ Lô Giá Na, nghĩa là tâm nghĩ đến Phật một cách mãnh liệt, sẽ thấy Phật.

Ngài Hư Vân thấy lên Đâu Suất, gặp Di Lặc, nghe Di Lặc thuyết pháp. Và Bồ-tát Di Lặc nói với ngài rằng con chưa hết kiếp nạn, nguyện chưa mãn, nên trở về trần gian. Ngài mới tỉnh lại, khỏe lại. Đám giặc cướp thấy vậy, khiếp quá, rút đi.

Tu suốt đời, nhưng sắp chết, tâm vướng mắc với cái đau mà quên Phật, là bị đọa. Riêng thầy, vượt qua tất cả chướng duyên, sống đến ngày nay, nhờ Quan Âm cứu. Cứ mỗi lần gặp nguy hiểm, liền thấy Quan Âm xuất hiện ở ngay đối tác của mình. Trong kinh Phổ môn khẳng định điều này rằng người niệm Quan Âm, quỷ dữ không dám lấy mắt hung dữ nhìn họ. Thực tế là những người hung dữ đã đối xử tốt với thầy, nhờ Quan Âm cứu, hay họ là Quan Âm thử thách xem niềm tin mình có vững hay không; nếu ý chí lung lay thì đáng chết.

Anh Võ Đình Cường viết rất hay, “những kẻ thấp chí bạc tài thì theo nó mà ra vào sông bến cũ”, khác với người kiên gan cả chí là người mang chí lớn quyết tâm thành Phật, về Phật.

Riêng thầy cũng nhờ mang tâm niệm chết rồi về Phật, nên tự tại thẳng đường đạo mà tiến tới. Sanh trong thời Mạt pháp và gặp biết bao lần pháp nạn, nhưng thầy vẫn dấn thân làm đạo để trả ơn Phật. Hòa thượng Trí Thủ cũng nói ngài làm để trả ơn Phật. Thầy nói thêm, nếu chúng ta phải mất mạng này cũng là trả ơn Phật. Chắc chắn chúng ta về Phật, nhìn Phật và Bồ-tát, mà cảm thấy không hổ thẹn, không phải là người ăn hại, không phải là người lợi dụng pháp Phật, nói nặng thì mình không phải sâu giòi trong xương sư tử. Nếu không mang ý chí lớn như vậy, phong ba bão táp mình không vượt được. Thân tứ đại mất, không quan trọng, vì còn niềm tin, còn trí tuệ thì Báo thân chúng ta còn mãi.

Vì vậy, nếu chúng ta không nhìn qua hướng vô hình này để mở mắt huệ, không thể làm việc lớn và không đi trọn con đường thành Phật. Tu hành mà than khổ quá, mệt quá, cuộc đời sẽ tệ lần. Phật tử nghe pháp mà than nóng quá, lâu quá, tốn tiền xe, mất thì giờ…, nên lạy Phật xin tiền, nhưng Phật không cho, thì không đi nghe pháp nữa.

Người bền gan với đạo, chắc chắn sẽ luôn tiến xa trên đường đạo. Nhiều người trong đạo tràng không những đi nghe pháp, còn hộ pháp, cúng dường tiền để làm Phật sự. Hôm nay, trước thời giảng, có Phật tử đến thưa rằng con không đi nghe pháp được, nhưng con xin gởi tiền xây dựng Học viện, đó là điều quan trọng thể hiện sự quyết tâm lo cho đạo tới cùng, không bỏ cuộc.

Quý vị tới đây nghe pháp cũng tốt rồi, đừng bỏ cuộc. Phật dạy chúng ta tu hành, ví như con tê giác một sừng quyết tâm tiến tới, không phải là con ngựa què ốm yếu không đi nổi.

Ngài Hư Vân tìm Bồ-tát Văn Thù không thấy, chỉ thấy lão già ăn mày. Lúc khó khăn, thì ngài thấy ông ăn mày xuất hiện, hết khó khăn, ông này biến mất. Vì vậy, khi ngài đến Ngũ Đài sơn, không thấy lão ăn mày, nghĩ lại mới biết ông này chính là Bồ-tát Văn Thù.

Điều này có nghĩa là mở mắt trí tuệ phát xuất từ tâm hồn, mới thấy sự thật của cuộc đời là bất ly thế gian giác. Bỏ thế gian mà tìm Phật là tìm lông rùa, sừng thỏ. Từ góc nhìn này, chúng ta nhìn Phật qua kinh Hoa nghiêm.

Thật vậy, từ Bồ Đề Đạo Tràng, chúng ta nhìn qua đỉnh cao của giác ngộ. Bồ-đề là giác ngộ, đạo tràng là chỗ thành Phật. Đỉnh cao thành Phật là thành gì.

Thầy đọc kinh Hoa nghiêm nhiều lần, mới nhận được Bồ-đề thọ hạ phá ma binh là nhờ nương trí giác Phật, dẹp bốn thứ ma: ngũ ấm ma, phiền não ma, thiên ma và tử ma.

Phật hàng phục được bốn ma này. Còn chúng ta hàng phục được ma nào là phần chứng Pháp thân. Thầy Tỳ-kheo tu là phá ác, bố ma, tức là bỏ ác, dẹp được ma. Không làm ác, thì ma sợ mình, mình thành công. Đa số chúng ta sợ khó, nhưng nếu dấn thân, không sợ khó, vượt qua khổ nạn, là tới đạo tràng làm Phật.

Phá ma thì phá gì trước. Đối với thầy, đầu tiên, phá phiền não ma trước, tức phiền não dẹp hết, trong lòng chúng ta không còn sợ gì. Thầy thường nói chết là cùng, nghĩa là tử ma không sợ thì sợ gì nữa. Biết nó đến để giết mình, thì chuẩn bị chờ nó giết là xong chuyện. Điển hình như ngài An Thế Cao là thái tử. Khi tu, huệ sanh, ngài thấy được mình thiếu mạng một người ở Trung Hoa. Ngài liền sang Trung Hoa gặp họ để trả mạng, không hề sợ sệt.

Thầy nói sợ chết cũng chết, nhưng không sợ chết, may ra còn sống. Chết mà được về Phật, nghĩa là mình hy sinh thân mạng, được người quý trọng. Ta theo Phật, biết nghiệp không tránh được, trốn không khỏi thì trả nghiệp xong, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng.

Phật ngồi Bồ Đề Đạo Tràng phá phiền não ma, ngũ ấm ma và tử ma xong, cuối cùng giải quyết thiên ma, Ngài thành Phật. Vì vậy, Phật khuyên chúng ta phải giải quyết ba thứ ma kia trước, rồi mới đủ sức đương đầu với thiên ma. Chưa giải quyết ba loại ma kia, mà đụng với thiên ma sẽ mất mạng, uổng đời tu.

Phải phá bốn loại ma trước. Đức Phật cũng phải đi theo quá trình này và Ngài dạy chúng ta cũng phải làm như vậy. Ở đây, thực hiện quá trình này là xuất gia, tu hành. Xuất gia là xuất thế tục gia và phiền não gia. Người xuất gia phải khắc phục hai điều này, nếu còn tại gia là Bồ-tát tại gia khác người ở điểm không còn phiền não. Còn không làm như vậy, cứ nói phiền não quá là sai. Phiền não ai tạo. Mình tạo được thì phải bỏ được. Không bỏ được phiền não, đừng hỏi Phật xin tiền.

Thầy nhớ việc ông Bàng Công Uẩn chở tất cả ngọc ngà châu báu đem ra sông nhận chìm thuyền. Ai thấy vậy cũng tiếc, nhưng ông nói ba thứ của này là phiền não mà.

Cũng vậy, bảy công tử xuất gia cho ông Ưu Ba Ly tất cả tài sản để đền ơn ông đã hầu hạ họ. Người làm công như ông mà được cho như vậy thì mừng lắm, nhưng ông lại khởi niệm rằng người ta có của báu còn bỏ, thì tại sao mình lại ôm làm chi, nên ông cũng bỏ luôn, theo Phật tu, nghĩa là bỏ phiền não.

Mình thường nói sợ phiền não, nhưng thấy phiền não, thấy tiền của lại ham. Phật dạy rằng cầu vật chất đã khổ, cầu được thì cũng khổ thêm, vì phải giữ và mất nó thì lại khó sống.

Tất cả mọi việc trên cuộc đời này xảy đến với chúng ta đều do nghiệp quyết định. Chúng ta tạo thiện nghiệp, hay ác nghiệp. Cái gì ràng buộc làm chúng ta mất tự do và đau khổ là nghiệp. Gia đình ràng buộc chúng ta, nhưng gia đình hạnh phúc, hòa thuận là điều tốt, nhưng có mấy ai được như vậy. Người nói con mình bất hiếu, chồng thế này, vợ thế kia; có ai bằng lòng ai. Trong khi nhìn kỹ, có người không có gì, nhưng cuộc sống họ được an lạc, như vậy thử hỏi ai hơn ai.

Trên bước đường tu, để không bị phiền não, đầu tiên quý vị làm sao không bị tình cảm chi phối, gọi là tám thứ gió thổi vào không xô té mình (Bát phong xuy bất động).

Bát phong xuy bất động là một giai thoại thâm thúy giữa thi hào Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn. Chuyện kể rằng một hôm Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ mà ông rất hài lòng, liền cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn. Nguyên văn bài thơ của Tô Đông Pha như sau:

Khể thủ thiên trung thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Bát phong xuy bất động

Đoan tọa tử kim liên.

Tạm dịch là

Đảnh lễ Bậc Giác ngộ

Hào quang chiếu vũ trụ

Tám gió thổi chẳng động

Ngồi vững tòa sen vàng.

Phật Ấn xem qua bài thơ tán thán đạo lực giải thoát của Bậc Giác ngộ, thấy rất hay, nhưng ngài biết rõ bạn mình nhờ văn hay chữ tốt, chứ chưa phải là bậc Thượng sĩ đạt đến sự chứng ngộ “Tám gió thổi không động”. Cho nên, thay vì khen ngợi, ngài liền phê bình rất nặng, chỉ với hai chữ “đánh rắm” và bảo thị giả đem về cho Tô Đông Pha. Đông Pha sau khi xem lời nhận xét của Phật Ấn xong, liền nổi nóng, lập tức vượt sông sang chùa Kim Sơn để hỏi Phật Ấn cho ra lẽ.

Đông Pha lớn tiếng trách rằng bài thơ của tôi sai chỗ nào mà ngài lại phê hai chữ “đánh rắm”. Thiền sư Phật Ấn liền cười nhẹ, bảo rằng ông nói tám gió thổi không động, mà chỉ một cái đánh rắm thôi, đã bay sang sông rồi. Bấy giờ, Đông Pha chợt hiểu ra mình chưa bất động chút nào cả. Điều này cho chúng ta thấy rằng nói thì dễ, nhưng làm được rất khó.

Hòa thượng Thiện Hòa dạy một điều mà thầy luôn suy nghĩ. Ngài nói rằng tu hành cần ý thức rằng tâm mình có động, thì gió nghiệp mới tác hại được, nhưng mình cứ đổ thừa tại gió thổi làm tâm động. Nếu tâm mình thực sự bất động, dù gió nghiệp có thổi đến, cũng không ăn thua gì.

Chúng ta luyện tập sao cho tám việc: được-mất, khen-chê, tốt-xấu, khổ-vui của cuộc đời không làm mình xao động, giữ tâm hồn luôn yên tĩnh, thanh thản. Riêng thầy, đối trước khen chê, thầy thường kiểm tra coi họ khen mình ra sao, họ chê mình thế nào. Thầy suy nghĩ bây giờ họ khen, nhưng lát nữa, họ chê, vì khen chê là đối đãi. Mình tự hiểu mình là tốt rồi, hay chỉ có Phật hiểu được lòng mình thì tốt, còn người xung quanh làm sao hiểu mình. Họ không hiểu thì thôi, mắc mớ gì mà mình động tâm.

Vì vậy, bước đầu, phiền não ma phải phá trước, vì phiền não không có, thì cái nhìn của mình không còn sai lầm. Phải nói rằng việc tu hành của chúng ta, nhìn chính xác là khó nhất. Nói dễ, nhưng đụng việc, tâm mình có sợ hay không. Thầy bảo Phật tử phải vượt qua phiền não là buồn, giận, lo, sợ. Bốn thứ phiền não này phải phá trước. Cái gì tới cứ tới, mình mở mắt to, nhìn nó và ứng xử tốt nhất. Trước cái chết, nghĩ coi chết cách nào tốt nhất. Hòa thượng Quảng Đức chọn cách tự thiêu để cúng dường Phật.

Năm 1963, thầy cũng định tự thiêu, nhưng may mắn có một Hòa thượng đã cảnh tỉnh thầy rằng ông có làm được  như ngài Quảng Đức hay không mà tự thiêu.

Phải tỉnh táo nhìn chính xác, mà phải đụng việc mới thấy chính xác là thấy lòng mình và thấy sự thật của cuộc đời. Thấy sự thật của cuộc đời là thấy người xung quanh tốt hay xấu với mình. Muốn tìm bạn tốt, phải gặp hoạn nạn mới biết. Lúc ăn nhậu thì có nhiều bạn, nhưng gặp việc, một người tốt kiếm không ra.

Có câu chuyện một bà giàu có tổ chức tiệc tùng, bạn bè tới ăn nhậu vui vẻ, ai cũng tỏ ra hết lòng trung thành. Bà muốn thử xem ai là bạn tốt thật, từ trong bếp chạy ra, bà nói có tên ăn trộm mà bà lỡ tay chém nó chết rồi. Vậy nhờ các ông bạn giúp đỡ, chôn giấu xác chết. Các bạn liền vội vàng cáo từ ra về. Đó là sự thật của cuộc đời.

Phật dạy phải thấy đúng sự thật của cuộc đời, đừng thấy ảo bên ngoài. Lời nói chỉ nghe theo 50% thôi. Gặp nạn mới biết ai là người tốt thật. Và ta phải thấy xa là thấy mối quan hệ giữa ta và họ từ quá khứ như thế nào, mới dẫn đến hiện tại, họ hết lòng với ta. Trái lại, người oan gia nghiệp chướng sanh vô nhà ta để đòi nợ là nguy hiểm. Vì mình đã hại họ, họ căm thù, mới sanh vô làm con mình, để phá cho tiêu tan tài sản của mình, làm sao có hiếu được. Nếu quán sát thấy rõ như vậy, mình trả cho xong nợ. Cũng như ngài An Thế Cao bị một người cho một nhát dao chết, là ngài đi tìm oan gia trả nợ mạng. Người tu khác hơn là nhìn được sự thật của cuộc đời. Còn người không có huệ, cứ tức giận nói rằng tại sao vô cớ hại họ.

Trên bước đường tu, việc đầu tiên làm sao lòng mình hết phiền não, không còn buồn, giận, lo, sợ, để tâm trí thanh tịnh, mới thấy người tốt thì mình giải quyết ra sao và đối với người không tốt, mình giải quyết cách nào. Nhận ra sự thật như vậy, chúng ta làm cho cái tốt tăng thêm và giải quyết việc xấu không còn nữa. 

HT.Thích Trí Quảng

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC