Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 17/04/2016 16:57 PM 
Chùa Bằng: Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương - cầu nguyện và tư vấn mùa thi năm 2016
Hòa trong tinh thần hướng về ngày Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, sáng ngày 16 tháng 04 năm 2016, nhằm ngày 10 tháng 03 năm Bính Thân, tại chùa Bằng (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã trọng thể tổ chức Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương và chương trình Cầu nguyện - tư vấn mùa thi lần thứ IX.
Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ngày 10 Tháng 3 từ đó được dùng cho toàn quốc. Khi nền quân chủ cáo chung thì ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được Việt Nam Cộng hòa công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975.
Đối với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì năm 2007 mới chính thức quy định ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm là dịp để người dân tưởng nhớ công lao các vị vua Hùng, đồng thời nhắc nhở người trẻ những bài học về lòng yêu nước và tinh thần tự lập. Vì thế, tín ngưỡng Hùng Vương, nói cho cùng là một hệ ý thức đến với người dân trên đôi cánh của huyền thoại, nhằm chuyển tải ý thức về cuộc sống tự do, hạnh phúc, dân chủ và công bằng.

 
Ngay từ sáng sớm, các sĩ tử và các bậc phụ huynh đã về chùa Bằng để tham dự lễ cầu nguyện và tư vấn mùa thi
 
 
 
 
 
 
 
 
Các vị phụ huynh và các sĩ tử xin chữ quý Thầy trao để cầu bình an

Và với tinh thần phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật,  cũng nhân ngày giỗ Tổ, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) tổ chức chương trình “Cầu nguyện và tư vấn mùa thi”, nhằm trợ duyên tinh thần cho các sĩ tử, cung cấp cho các em những phương pháp ôn luyện thi đạt hiệu quả cao, giúp các em nắm bắt cho riêng mình những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để có thể tự tin hơn khi bước vào mùa thi chuyển cấp, Đại học...Đồng thời giúp các bậc phụ huynh và các em giải tỏa những nghi vấn, âu lo, đáp ứng nhu cầu tâm linh khi mùa thi đang gần kề.
Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng bản tự.
Về phía khách mời có: Tiến sĩ Vũ Viết Bình – Trung tâm khảo thí, Đại học quốc gia Hà Nội; Ông Nguyễn Đình Tuất - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam phường Hoàng Liệt và đông đảo các cụ ông lão bà làng Bằng A, quý Phật tử gần xa và các vị phụ huynh cùng các em học sinh đang chuẩn bị thi chuyển cấp.

 
Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức tăng bản tự và đại diện các bạn sinh viên và sĩ tử đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ trước khi bắt đầu buổi lễ

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đúng 7h30’, phái đoàn cùng chư tôn đức, quý thầy cô và các em học sinh đã kính cẩn rước lễ sang Đền dâng hương tưởng niệm bậc thầy sư phạm của muôn đời – Tiên triết Chu Văn An. Tiếp theo, là nghi thức phụng thỉnh Tam Bảo, Phụng thỉnh Quốc Tổ Hùng Vương, Việt Nam bách tính Tổ tiên, Hồ Chủ Tịch, các anh hùng liệt sỹ. Sau đó là nghi thức dâng lục cúng. Trong bầu không khí trang nghiêm của toàn thể đại chúng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã dâng lời tưởng niệm Quốc Tổ. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, tại nhà giảng, Hòa thượng trụ trì và ông Vũ Viết Bình – Trung tâm khảo thí Quốc gia đã tư vấn giải đáp những thắc mắc trăn trở của các em, giúp các em có thêm sự tự tin để bước vào kì thi với tâm lý tốt nhất. Đó mới chính là sự hòa hợp giữa Đạo – đời, sự gần gũi của Đạo Phật trong cuộc sống.
Thật nhiều những câu hỏi thiết thực về việc chọn trường, phương pháp ôn thi, cách thi do các em học sinh và phụ huynh đưa ra và đã được Thầy Vũ Viết Bình tận tình giải thích một cách xác đáng.
Đặc biệt, có những em gặp tâm lý căng thẳng trong kì thi đã đặt ra những câu hỏi như "Có cách nào để lấy được bình tĩnh trước khi thi" hay "Làm thế nào để có thể ghi nhớ được kiến thức tốt trước ngày thi". Tất cả những câu hỏi đó đã được Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm giải đáp rất tận tình theo cách rất "Đạo", giúp các em có được tâm bình an trước khi bước vào kì thi chuyển cấp.
Quá trình tư vấn, giải thích đã giúp các em có thêm sức mạnh tinh thần, thêm kỹ năng để học tập, ôn luyện và thi như thế nào để đạt kết quả cao nhất. Đồng thời còn giúp các em thỏa nguyện sở học, ước vọng của mình trong tương lai và ngay trong quá trình học thi.
Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong sự hoan hỷ vô biên của những bậc phụ huynh học sinh và những sĩ tử về tham dự lễ.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC