Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 18/04/2016 23:22 PM 
Phú Thọ: Lễ bổ nhiệm trụ trì chùa Thọ Khuê
Ngày 17 tháng 04 năm 2016, nhằm ngày 11 tháng 03 năm Bính Thân, tại chùa Thọ Khuê – xã Yển Khê – huyện Thanh Ba – tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì cho Đại đức Thích Đạo Tuyên.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban truyền thông TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Đạt – Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS TW GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa, tự viện trong địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Ông Bùi Văn Quang - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Thọ; Bà Nguyễn Thị Thủy – Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ cùng các vị lãnh đạo đại diện cho HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Phú Thọ, huyện Thanh Ba và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương đã về tham dự buổi lễ.


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu buổi lễ là bài phát biểu khai mạc của Phật tử Nguyễn Đức Tâm – Trưởng Ban Phật giáo xã Yển Khê. Trong bài phát biểu, Phật tử Nguyễn Đức Tâm cũng nêu rõ lịch sử của ngôi chùa Thọ Khuê. 
Thọ Khuê tự được xây dựng ngay từ những năm đầu thời nhà Nguyễn ở thế kỷ 18. Tọa lạc trên đỉnh: Sứ gò chùa cao chừng 8m50 so với mực nước biển. Thọ Khuê tự được xây dựng theo kiểu chữ đinh với diện tích hơn 70m2, gồm 2 tòa tiền đường và thượng điện. Nhưng do sự hà khắc của thiên nhiên và do sự tàn phá của chiến tranh, nên kiến trúc cổ xưa không còn được nguyên vẹn. Đến năm 2006 chùa Thọ Khuê được trùng tu ngay trên nền đất cũ với diện tích khoảng 200m2, chùa ngoảnh mặt về phía Tây Nam. Hai bên tả hữu là hai gò đồi có hình rồng, đầu hổ chầu về, đúng với quan niệm: tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ của thế đất chùa.
Trong chùa có nhiều bức tượng cổ có kiểu dáng đẹp, nghệ thuật độc đáo từ thế kỷ 18 như tượng: Thích Ca sơ sinh, tòa tam thế, tượng Mẫu Hậu .v.v…
Chùa Thọ Khuê không những là nơi thỏa mãn về vấn đề tâm linh của những người con ở mảnh đất Bà triệu thời xưa và Yển Khê thời nay. Mà chùa Thọ Khuê còn là di tích lịch sử được tính công nhận từ năm 1995.
Ngoài ý nghĩa là một công trình tôn giáo, ngôi chùa Thọ Khuê còn là một di tích lịch sử gắn liến với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào ngày 14/3/1945 tại chùa Thọ Khuê đã diễn ra lễ ra mắt của mặt trận Việt Minh trước đông đảo quần chúng nhân dân địa phương, cán bộ của Đảng đã diễn thuyết kêu gọi nhân dân Hạ Hòa và Thanh Ba đứng lên kháng Nhật cứu quốc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhân dân xã Yên Khê cùng với nhân dân trong cả nước đã nhất tề đứng lên phá kho thóc của Nhật chia cho người nghèo. Như vậy, chùa Thọ Khuê không chỉ là một công trình tôn giáo, không chỉ là nơi giải tỏa tâm linh , cầu ban phúc lộc của chúng sinh mà còn là một cơ sở cách mạng của huyện Thanh Ba và xã Yển Khê trong những năm tháng đầy hy sinh gian khổ của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp.

 
 
 
 
 
 
 

Sau bài phát biểu khai mạc của Phật tử Nguyễn Đức Tâm là nghi thức dâng lục cúng cúng dường của các Phật tử chùa Thọ Khuê.

 
 
 
 
 

Tiếp theo, Đại đức Thích Đạo Nguyện - Ủy viên thường trực kiêm Chánh văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ đã đọc công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì cho Đại đức Thích Đạo Tuyên, Thượng tọa Thích Minh Nghiêm - Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ đã trao quyết định bổ nhiệm cho Đại đức tân trụ trì.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Nhân dịp này, Ông Nguyễn Xuân Tình – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yển Khê đã có lời phát biểu chúc mừng Đại đức tân trụ trì Thích Đạo Tuyên. Đồng thời ông mong rằng “Đại đức trụ trì sẽ phát huy vai trò to lớn của mình trước Giáo hội và địa phương, thực hành tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh, hướng dẫn Phật tử học Phật tu nhân, tích cực tham gia các công tác thiện nguyện vì mục đích an sinh xã hội và mang giáo lý giải thoát áp dụng vào đời sống thường nhật. Thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương về lĩnh vực tôn giáo, cùng nhân dân địa phương tiếp tục tu sửa tôn tạo, để chùa Thọ Khuê ngày càng khang trang bề thế, động viên Phật tử và nhân dân trong xã thực hiện phương châm sống “Tốt đời đẹp Đạo” đoàn kết một lòng, hang hái lao động sản xuất, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng tiến bộ, lành mạnh, xây dựng chùa Thọ Khuê dần trở thành chùa tinh tiến, xứng đáng là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh và địa phương

 

Sau lời phát biểu của Phật tử Nguyễn Thị Đoàn – đại diện cho Ban hộ tự chùa Thọ Khuê, Đại đức tân trụ trì đã đọc lời phát nguyện trước chư tôn đức chứng minh, nguyện tinh tấn tu học, nhận lĩnh trách nhiệm mà Giáo hội giao phó, đồng thời phát nguyện thực hành đúng theo hiến chương Giáo hội và Pháp luật nhà nước, kiến tạo trùng tu ngôi Già lam và hướng dẫn đạo hữu Phật tử tu tập, hướng tới tốt đời đẹp đạo. 

 
 
 
 
 
 

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng. Hòa thượng đã nhắc lại cho đại chúng về tầm quan trọng của ngôi chùa trong đời sống của người dân Việt, từ đó nêu lên ý nghĩa và vai trò của người trụ trì “Mỗi một tự viện là một viên gạch để xây nên ngôi nhà Phật giáo Việt Nam vững bền. Từ ngàn xưa, ông cha chúng ta đã lấy ngôi chùa làm trung tâm tâm linh và văn hóa trong cộng đồng dân cư Việt. Chính vì vậy, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nhà nho Ngô Sỹ Liên đã phải ghi rằng “Phàm những nơi nào đất đẹp thì nơi đó dựng chùa”. Hòa thượng bày tỏ niềm vui mừng khi được về tham dự buổi lễ tại ngôi chùa Thọ Khuê – một ngôi chùa có vị thế đẹp, “đất địa linh sẽ sinh ra nhân kiệt”.  Hòa thượng nhấn mạnh rằng “Tăng bảo gắn liền với Phật Pháp Tăng. Phật và Tổ đã dạy Phật phi pháp bất hoằng – Pháp phi tăng bất hiển, tức là không có giáo pháp thì không hoằng truyền được, nhưng có Phật mà không có Tăng thì không ai truyền trì mạng mạch. Do đó, ba ngôi Phật – Pháp và Tăng như kiềng ba chân vững chãi. Ngôi chùa Thọ Khuê từ nay trở đi đã có đủ 3 ngôi báu, vững chãi trường tồn cùng đất trời”. Hòa thượng cũng đã nhắc tới trong Kinh tuổi trẻ, Đức Phật có nói về vị Sa di nhỏ hôm nay sẽ là đại sư, cao tăng của mai sau. Qua đó, Hòa thượng đã có lời tán thán Đại đức Thích Đạo Tuyên “tuy tuổi còn trẻ nhưng có sự dạy bảo của hai vị nghiệp sư và y chỉ sư, rồi lại được học tại trường Cao Đẳng Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam ra, tức là có sự thế học và đạo học. Hơn nữa, vị sư trẻ này có giới luật nghiêm minh và tinh tiến tu học”. Đặc biệt Hòa thượng cũng thay mặt Thầy nghiệp sư, Thầy Trưởng Ban trị sự tỉnh Phú Thọ có đôi lời gửi tới Đại đức Tân trụ trì “Phải hiểu rằng, trụ trì là ngôi vị rất cao quý “Trụ Pháp Vương Gia – Trì Như Lai Tạng”. Vào nhà Như Lai tại nơi đây, ngồi tòa Như Lai vừa xong và đang mặc áo Như Lai thì phải hành sự Như Lai. Mà hành sự Như Lai trước nhất phải lấy Giới đức mà trang nghiêm pháp thân mình, cho nên đại đức gắng tu và học, phúc tuệ được song tu, luôn luôn tu phúc để làm mọi công việc Phật sự, tụng kinh bái sám niệm Phật sam thiền, giữ gìn Giới – Định – Tuệ, luôn phải trau dồi cho mình bằng Tuệ học nghiên cứu Tam tạng thánh giáo, mặc dù đã được học ở trường nhưng kiến thức Phật học của chúng ta là vô bờ bến, do đó mong đại đức sớm tối vẫn phải lấy Tam tạng thánh giáo làm phương châm học tu cho mình. Như vậy mới trọn vẹn phúc đức và trí tuệ. Thứ hai, bây giờ các vị là trụ trì đã ra nhận một ngôi chùa, Tổ đức đã dạy phải làm sao “Nội hàm chúng diệu, ngoại ứng huyền cơ”. Có nghĩa rằng làm sao trong chúng trong chùa tín đồ Phật tử luôn đoàn kết hòa hợp như nước với sữa như vải với nâu để chung xây ngôi chùa, cùng gìn giữ nề nếp tông phong. Đối với công việc của người xuất gia phải tiếp dẫn hậu lai – báo Phật ân đức. Giờ đây, đại đức sẽ truyền thừa Tổ ấn để duy trì mạng mạch Phật pháp bằng tiếp dẫn những người Phật tử xuất gia và cả những nam nữ thanh thiếu niên đến chùa học Đạo. Chùa là nơi học Đạo, là nơi tiêu dao tự tại sau những ngày vất vả làm ăn, cho nên chùa đáp ứng cả tâm linh và cả tinh thần. Đại đức hãy cố gắng làm được những việc như vậy. Thứ ba, đại đức về đây trụ trì là quê hương thứ hai của mình, gắn bó với địa phương này như quê hương chôn rau cắt rốn, người tu của chúng ta mượn cảnh tu thân, nhưng đến đâu thì làm tròn trách nhiệm ở đó. Cho nên Tổ mới dạy rằng “đất vua, chùa làng, phong cảnh Phật”. Đại đức hãy trông nom và xây dựng cảnh già lam huy hoàng tráng lệ. Thứ tư, chúng ta là người tu sĩ, Đức Phật dạy phải luôn tôn trọng pháp luật của Nhà nước hiện hành như giáo luật mà Đức Phật đã dạy. Đại đức hãy luôn cùng chính quyền địa phương thực hành tốt chính sách của Đảng và Nhà nước với tôn giáo và nghĩa vụ của một người công dân. Đại đức luôn hợp tác với chính quyền các cấp và nhân dân Phật tử để chúng ta vừa là tu sĩ nhưng cũng là công dân của địa phương. Mong Đại đức làm tròn trách nhiệm của mình”.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng các vị lãnh đạo chính quyền hãy tạo điều kiện giúp đỡ Đại đức Thích Đạo Tuyên hoàn thành trách nhiệm của một vị tu sĩ và một người công dân. Đồng thời, Hòa thượng cũng khuyến tấn quý Phật tử hãy cùng chung tay gánh vác Phật sự và gắn bó với trụ trì, coi thầy trụ trì như người thân của mình để thầy trò cùng chia sẻ, cảm thông và cùng xây dựng ngôi chùa ngày càng khang trang, đưa Phật giáo tỉnh nhà ngày càng phát triển lớn mạnh.

 
 
 
 

Tại buổi lễ, ban tổ chức đã đón nhận những lẵng hoa tươi thắm của chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN, chư tôn đức trong BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ, đại diện các cơ quan chức năng và Phật tử đại diện các Đạo tràng gửi tới chúc mừng Đại đức trụ trì.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Trong buổi lễ này, ban tổ chức cũng đã trao tặng những suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn huyện Thanh Ba đúng theo tinh thần “Ban vui cứu khổ” của Đạo Phật.

 
 
 
 
 
 

Khép lại buổi lễ là nghi thức thả bóng bay và phóng sinh cầu nguyện đất nước hòa bình, chúng sinh an lạc.

 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC