Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 29/05/2016 12:44 PM 
Thanh Hóa: Lễ khai pháp tại hạ trường Thanh Hà
Sáng ngày 28 tháng 5 năm 2016, tức ngày 22 tháng 4 năm Bính thân tại văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hoá – Chùa Thanh Hà – Số 34 Bến Ngự - P. Truờng Thi – TP. Thanh Hoá trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm cố Trưởng lão HT. Thích Thanh Cầm – Đệ nhất Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa và lễ khai pháp hạ trường Thanh Hà.
Quang lâm chứng minh và tham dự có: HT. Thích Bảo Nghiêm- Phó chủ tịch HĐTS TW – Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN – chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa,  ĐĐ. Thích Tâm Đức - UV HĐTS - Phó Ban Pháp chế TW GHPGVN - Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; ĐĐ. Thích Tâm Minh - UV TT Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN - Phó BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; ĐĐ. Thích Tâm Định - UV Ban Từ thiện Xã hội TW GHPGVN - Phó BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; TT. Thích Giải Hiền - Giảng viên Học viện Phật Giáo Việt Nam - Hội trưởng Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức, Ni Trưởng Thích Đàm Nhung – Nguyên Ủy Viên HĐTS TWGHPGVN - Nguyên Truởng BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hoá; Ni Sư Thích Đàm Hòa - UV Dự Khuyết HĐTS TW GHPG VN - Phó BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; Ni Sư Thích Đàm Thành - UV Ban hướng dẫn Phật tử TW GHPGVN, Phó BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; cùng chư Tôn đức Thường trực BTS tỉnh huyện, thị, thành, chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện trong tỉnh Thanh Hoá và chư Tôn đức của các Hạ trường: Thanh Hà, Khải Nam và Hương Quang đồng tham dự.
Về phía chính quyền có Ông Bùi Hải Vinh - Phó Giám đốc sở nội vụ - Trưởng ban tôn giáo tỉnh Ông Trịnh Văn Bảy - Phó trưởng phòng PA88 công an tỉnh - Ông Hoàng Ánh Sáng - Phó trưởng phòng nội vụ Ủy ban Thành phố cùng các ban ngành chức năng của tỉnh và Thanh Phố Thanh Hóa.

 
 
 
 
 
 
Nghi thức dâng hoa cúng dường của Thanh niên Phật tử chùa Thanh Hà

 
 
 
 
 
 
 
 

Tại buổi lễ, Đại đức Thích Tâm Minh - Uỷ viên thường trực Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN - Phó BTS, báo cáo tóm tắt kế hoạch An cư và chương trình thuyết giảng an cư năm 2016.

 
 
 
 
 
 

Nhân dịp này, HT. Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp thoại tới toàn thể hội chúng. Hòa thượng đã nhấn mạnh về ý nghĩa và lợi ích của việc an cư kiết hạ, bên cạnh đó Hòa thượng đã trích dẫn nội dung thông điệp Phật đản PL2560 – DL2016 của đức Pháp chủ GHPGVN về việc xác tín niềm tin vào Tam Bảo: “Niềm tin ấy, giống như viên ngọc làm trong nước vẩn đục, tẩy sạch phiền não cấu uế nơi tâm thức của mỗi con người: "Giống như bảo ngọc tinh luyện nước của vương hoàng hoàn vũ ném xuống nước khiến cho các vật rắn, đất phù sa, tảo rong và bùn nhơ lắng đọng xuống đáy sông và biến nước trở nên trong trẻo, trong suốt nhìn thấy tận đáy. Chính vì thế khi đức tin xuất hiện, mọi trở ngại bị loại bỏ, tha hoá lắng đọng xuống, tinh luyện trả lại yên tĩnh cho tâm hồn; tâm được tinh luyện tạo ước muốn một gia đình bậc thánh luôn nương tựa như bố thí, giữ gìn giới luật, thực hiện những nhiệm vụ "Bố tát” và khởi sự tiến tu tịnh nghiệp, tham thiền. Chính vì vậy trạng thái của đức tin được biết đến như một chất tẩy uế đưa đến sự trong sáng của tâm...” (trích trong chú giải Bộ Pháp Tụ). Và cũng với tinh thần niềm tin trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: "Tin là gốc của đạo, là mẹ đẻ sinh ra các công đức”. Thật vậy, với một niềm tin trong sáng, tích cực, chánh tín là động lực thiết yếu khích lệ, phát huy điều tốt nơi con người, đưa đến sáng tạo, phát huy trí tuệ và dẫn đến hạnh phúc cho mình, cho người và cho cả nhân loại”. 
Ý của Đức Pháp Chủ nhằm dạy chúng ta phải luôn giữ niềm tin bất động với ba ngôi Phật - Pháp  - Tăng. Ngay từ khi bắt đầu bước chân vào đạo cho đến khi xuất gia thì niềm tin và sự nương tựa vào ba ngôi báu luôn tồn tại vững bền trong mỗi một người đệ tử của Đức Phật, không kể người đó là Giáo phẩm hay Tăng Ni hay Phật tử.
Hòa thượng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ba ngôi báu đối với đời sống người Phật tử. Ba phép quy y luôn bên chúng ta, cộng với sự trì giới thành bốn niềm tin bất động gọi là "tứ bất hoại tín". Đây là thuyền bè đưa chúng ta vượt qua biển sinh tử, đây là đất phì nhiêu để chúng ta trồng cây Bồ Đề tâm được đơm bông kết trái, đây là viên ngọc để giúp ta khỏi bần cùng nghèo nàn khổ sở, đây là tràng hoa anh lạc để trang nghiêm pháp thân cho chúng ta. 
Đức Phật chính là sự giác ngộ. Chúng ta đang bị 3 độc Tham - Sân - Si lôi kéo, che lấp khiến ta quên mất Phật tâm trong chúng ta. Nếu tất cả mọi người đều nương tựa vào Phật - Pháp - Tăng, nương tựa vào đức tin ở nơi Phật tâm của mình, các ma chướng sẽ không quấy nhiễu được. 
Tất cả những người tin Phật đều phải tin vào giáo pháp của Phật. Vì vậy các chùa hàng ngày đều phải giảng kinh để mọi người hiểu được lời Phật dạy để tu tập, kể cả khi tập trung đại chúng trong mùa an cư cũng phải khai giảng vô thượng Pháp bảo. Chúng ta tin Phật, Phật nói ra Pháp, nhưng Pháp lại chính là mẹ của chư Phật, bởi chư Phật nương vào chân lý Pháp để Giác ngộ.
Trong mùa an cư này, Tăng Ni xuất gia đặc biệt phải nương tựa vào Luật tạng, giữ gìn oai nghi tế hạnh đi - đứng - nằm - ngồi. Người xuất gia không thể thiếu Luật - Nghi, và người Phật tử cũng không thể thiếu được Luật - Nghi. Giữ Giới để được an lạc giải thoát, giữ Nghi để được mọi người kính trọng.
Đặc biệt Hòa thượng cũng "Mong tất cả Tăng Ni phải giữ giới luật, oai nghi, trong đó có đề cập tới 3 tấm y. Ngày xưa chư Tổ có ví ca sa vi thê, bồ đề vi tử. Người tại gia đi đâu cũng cho vợ con đi theo, thì người xuất gia có 3 tấm y, người tu Tịnh Độ có tràng hạt bồ đề 108 hạt không bao giờ được rời khỏi thân, phải luôn sát cánh bên mình. Mình hơn đời là có tấm y, mà tấm y này là do công đức của 3 thầy Hòa thượng, thầy Yết Ma A Xà Lê, thầy giáo thọ A Xà Lê và 7 thầy đồng đàn tôn chứng trao truyền cho mình mới nên Giới tướng qua vô tác giới thể. Người tu sĩ phải hành trì bằng tấm cà sa để lễ lạy, không thể thiếu".
Hòa thượng đã nhấn mạnh "Phật phi pháp bất hoằng, Pháp phi Tăng bất hiển", Tăng là người thay Phật tuyên dương chính Pháp. Ngôi Tăng bảo rất quan trọng. Hiện tiền Tăng là người dạy cho tất cả mọi người, tuyên dương chính Pháp, nhưng hôm nay, tại hạ trường Thanh Hà này, Hòa thượng muốn đại chúng nhớ về Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Cầm trong ngày hôm nay. Với Phật giáo Thanh Hóa, Ngài là vị Trưởng Ban đầu tiên. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, Phật giáo còn yếu, chính Cố trưởng lão Hòa thượng cùng Ni trưởng Thích Nữ Đàm Nhung lèo lái con thuyền chính pháp, chung tay xây dựng phát triển Phật giáo xứ Thanh. Công lao của Ngài vô cùng lớn, lúc đó vừa phải lao động sản xuất để có lương thực thực phẩm để ăn để tu, nhưng cũng vừa phải lo bảo vệ Phật pháp ở xứ này. Nếu không có các Ngài lúc đó, thì ngày nay chúng ta lại phải trở về con số 0 mà làm lại từ đầu. Sau khi Ngài vắng bóng, lại có Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ tiếp tục chấn hưng Phật giáo xứ Thanh, cùng sự giúp đỡ của chính quyền, và sự hỗ trợ của Phật tử mà Phật giáo Thanh Hóa được như ngày hôm nay. 
Vì vậy, vai trò của vị Tăng vô cùng quan trọng. Tăng chính là sự hòa hợp, đoàn kết. Quý Phật tử tin vào ngôi Tăng bảo - chính là tin vào sự hòa hợp của những người đệ tử Đức Phật. 
Sau cùng, Hòa thượng mong rằng đại chúng hãy "Nương tựa vào ba ngôi báu Phật - Pháp - Tăng và có một niềm tin bất hoại vào ba ngôi báu. Mãi mãi là đệ tử thanh tịnh của Tam bảo".

 
 
 
 
 
 
 
 

Thay mặt Phật giáo Thanh Hóa, Đại đức Thích Tâm Đức – Trưởng BTS GHPHVN tỉnh Thanh Hóa đáp từ tri ân Hòa thượng và cùng nhị vị phó ban trị sự tỉnh đại diện ba hạ trường: Thanh Hà, Khải Nam , Hương Quang tặng hoa tri ân Hòa Thượng.

 
 
 

Tiếp đó, Đại đức Thích Trúc Thông Tánh đã đại diện hành giả an cư tại Hạ trường Thanh Hà dâng lời thỉnh pháp và phát nguyện tu học trong ba tháng an cư.

 
 
 
 
 

Trước khi bắt đâu lễ tưởng niệm cố trưởng lão Hòa thượng nhất Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, toàn thể hội chúng đã lắng lòng đón nghe tiểu sử của Ngài do ĐĐ. Thích Tâm Định - UV Ban Từ thiện Xã hội TW GHPGVN - Phó BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã cung tuyên tiểu sử cố trưởng lão Hoà Thượng Thích Thanh Cầm ( 1918 – 1994), theo đó nêu lại hành trang của Hoà Thượng.
Năm 1983, theo yêu cầu mới xây dựng Hội Phật giáo ở Thanh Hóa, Hoà thượng được chuyển về Trụ trì tại chùa Thanh Hà, một ngôi chùa ở vùng đất Lò Chum - Bến Ngự lịch sử của thành phố Thanh Hóa. Sau 50 năm xây dựng và gắn bó với Phật tử ở chùa Gia Đầu, buổi ra đi thật lưu luyến. Nhưng vì trách nhiệm của Giáo hội, Hòa thượng ra đi để giữ trọng trách mới. Bao năm dưới bóng tùng lâm tỏa mát của Sư tổ, nhiều Phật tử còn cắt cử nhau theo hầu chấp lao phục dịch phụng Phật sự Sư, trong những khó khăn buổi đầu chuyển về chùa Thanh Hà. năm 1984, Hòa thượng làm Trưởng Ban Đại diện Hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, năm 1992 làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa.
Tiếp nhận chùa Thanh Hà, khi ấy là ngôi chùa cũ nát từ thời sau kháng chiến chống Pháp, chỉ còn mấy bộ bàn ghế, ấm chén sứt mẻ. Hòa thượng lại gây dựng từ đầu. Đất chùa thành vườn chùa, Hoà thượng chăm lo tăng gia sản xuất rất vất vả nhưng Hoà thượng rất chuyên chú trong Lễ - Lạy - Cúng Phật nghiêm minh, trau dồi Giới - Định - Tuệ, nên Phật tử thương kính quý Hoà thượng, đến chùa rất đông, phát tâm công đức. Hòa thượng dành dụm trang trải để sửa sang cổ tự ngày càng khang trang quy củ. Hoà thượng thường nói với Phật tử đến cúng Dường: Đất của nhà nước, chùa của nhân dân, sư Tăng quản lý. Đến nay chùa Thanh Hà trở thành chốn tổ của Sư Tăng và là Trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Với trọng trách Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Hòa thượng dẫn dắt Tăng Ni Phật tử trong tỉnh, nghiêm chỉnh thực hiện phương châm của Giáo hội: Đạo pháp - Dân tộc - CNXH. Lấy Hoằng dương Phật pháp vì lợi lạc quần sinh, nhiều hoạt động phong phú để ích đời lợi đạo. Kiên trì loại trừ những biểu hiện tiêu cực lạc hậu, xây dựng nền đạo chính pháp.
Hòa thượng được nhân dân, đoàn thể, chính quyền tín nhiệm mời tham gia nhiều tổ chức xã hội như: 6 khóa liền Uỷ viên MTTQ huyện Hoằng Hóa, Đại biểu HĐND tỉnh khóa 8, HĐND Thành phố và Phường nhiều khóa. Uỷ viên BCH Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa khóa 4, Uỷ viên MTTQ tỉnh Thanh Hóa khóa 9. Nhiều công lao đóng góp cho đất nước nên Hòa thượng được Hội đồng Nhà nước thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, được các cấp chính quyền, MTTQ tặng thưởng nhiều bằng khen và giấy khen.
Bất ngờ thời khắc thiêng liêng tương hội đột ngột, công đức hóa duyên viên mãn. Đức Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Cầm, HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự THPG Thanh Hóa đã thu thần thị tịch vào hồi 17 giờ 43 phút ngày 01 tháng 6 năm 1994 (tức 22-4 năm Giáp Tuất), Phật lịch năm 2538 tại chùa Thanh Hà - Thành phố Thanh Hóa. Trụ thế 76 năm trải qua 56 mùa An Cư Kiết hạ hoằng đạo Phật pháp.Thế là Hòa thượng đã từ bỏ huyễn thân, hóa duyên mãn tận, trở về thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn lưu lại thế gian. Hòa thượng là tấm gương sáng trong công phu tu thân hành đạo, lấy nghiêm trì giới luật làm thân giáo, giới hạnh tinh nghiêm trong sáng, mãi lưu trong ký ức Tăng Ni Phật tử và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

 
 
 

Với tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật, chư, BTS GHPGVN Tỉnh Thanh Hoá và Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam tưởng niệm cố trưởng lão Hoà Thượng Thích Thanh Cầm - Người đã khai sáng tổ đình Chùa Thanh Hà.
Trong khói hương trầm quyện tỏa, Chư tôn đức BTS GHPGVN Tỉnh Thanh Hoá đã thành kính xướng lễ cúng dường, toàn thể đạo tràng chí thành dâng nén tâm hương tưởng niệm, đồng thực hiện thời tụng Bát-nhã phục nguyện cầu nguyện giác linh của cố Hòa Thượng trường tồn Phật quốc. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC