Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 11/07/2016 15:17 PM 
Thái Nguyên: Lễ khai pháp Trường hạ Phù Liễn PL2560 – DL2016
Ngày 10 tháng 07 năm 2016, nhằm ngày 07 tháng 06 năm Bính Thân, tại chùa Phù Liễn – thành phố Thái Nguyên, Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên đã trang nghiêm tổ chức lễ khai pháp khóa hạ an cư PL2560 – DL2016.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực HĐTS TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Thanh Điện - Phó Tổng Thư ký, Chánh VP I TW GHPGVN, Phó ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật Tử TW; Thượng tọa Thích Nguyên Thành – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên, Viện chủ Hạ trường chùa Phù Liễn cùng chư tôn đức Tăng Ni hành giả an cư tại trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên.
Về phía chính quyền có: Ông Đoàn Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; ông Phạm Công Thùy - Chuyên viên cấp cao Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Nguyễn Thị Mạnh Anh - Phó giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên; ông Hà Minh Lợi - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên; bà Nguyễn Thị Linh Sa - Phó Ban Dân tộc Tôn giáo Ủy ban mặt trận Tổ Quốc tỉnh Thái Nguyên; ông Vũ Xuân Cường - Trưởng phòng văn hóa và Thông tin Thành phố Thái Nguyên; bà Đào Thị Hạnh Nguyên - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Văn Thụ cùng quý vị đại diện cho các cơ quan ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương, Đạo tràng Pháp Hoa chùa Lý Triều Quốc Sư (Hà Nội) đã về tham dự chúc mừng buổi lễ.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau lời phát biểu khai mạc của Thượng tọa Thích Nguyên Thành – Uỷ viên HĐTS GHPGVN, viện chủ tổ đình Phù Liễn, TƯ GHPGVN, các sở ban ngành tỉnh Thái Nguyên đã có những lẵng hoa chúc mừng gửi tới ban chức sự hạ trường. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, Đại đức Thích Thanh Thắng đã đại diện cho Ban chức sự hạ trường báo cáo tóm tắt về tình hình hạ an cư năm 2016 của GHPGVN tỉnh Thái Nguyên. 

 
 
 
 
 

Nhân dịp này, ông Đoàn Văn Tuấn cũng đại diện lãnh đạo chính quyền có lời phát biểu chúc mừng tới BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên.

 
 

Đối trước chư tôn đức chứng minh, đại diện chư hành giả an cư đã dâng lời tác bạch nhất tâm thỉnh pháp. Thay mặt cho chư tôn đức chứng minh, HT Thích Thanh Nhiễu đã tùy hỉ nhận lời và có lời sách tấn, nhắc nhở để mỗi hành giả tiến tu, đạt được những thành quả tốt nhất trong mùa An cư năm nay. Trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh tại hạ trường, chư tôn đức và toàn thể đại chúng đã thực hiện nghi thức quan trọng nhất của buổi lễ là nghi thức khai pháp an cư. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp thoại đầu tiên trong mùa an cư tới hành giả an cư và toàn thể hội chúng. Ban biên tập xin lược ghi lại bài giảng của Hòa thượng gửi tới quý độc giả:
Theo dòng lịch sử về phép hạ an cư, ngay sau khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài tọa thiền 49 ngày dưới gốc cây để thụ hưởng pháp lạc, và suy nghĩ pháp màu hóa độ chúng sinh. Tại đây, Ngài đã viên thành Đại giác thành Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài nghĩ tới người bạn cùng tu khổ hạnh với mình khi xưa, cho nên Ngài đi thẳng về xứ Ba La Nại vườn Nai nơi 5 anh em ông Kiều Trần Như đang tu ở đó, và Ngài bắt đầu chuyển bánh xe pháp được ghi lại trong Tam tạng thánh giáo ở một trong Tứ Động Tâm: nơi Phật Đản sinh – Phật Thành Đạo – Phật sơ chuyển pháp luân và nơi Phật nhập Niết bàn. Ngài nói về 4 chân lý bất diệt: Khổ và Niết Bàn. Với Khổ và Niết Bàn là 2 chân lý tượng trưng cho Pháp thế gian và Pháp xuất thế gian. Khổ - Tập thuộc về nhân và quả của thế gian. Diệt và Đạo là nhân và quả của xuất thế gian. Sau khi Ngài thuyết bài pháp Tứ thánh đế cho 5 anh em thầy Kiều Trần Như, ngôi Tam Bảo được hình thành. Cũng bắt đầu từ đây, trong năm đầu tiên sau khi Đức Phật thành Đạo, mùa mưa Ngài ở lại xứ Ba La Nại rừng Nai này, Ngài kết túc an cư, khai mạc phép an cư đầu tiên trong thế gian do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khởi xướng, và Ngài cũng đích thân kết túc an cư. Trong Phật giáo sử cũng ghi lại, 20 năm đầu mùa an cư của Đức Thế Tôn, hàng năm chư Tăng trong 9 tháng du hóa tất cả mọi nơi để hóa độ chúng sinh, thì có 3 tháng mùa hạ ngồi lại một chỗ để tu học, nạp năng lượng chuyển hóa thân tâm, trau dồi Giới – Định – Tuệ để từ đó, có năng lượng và kiến thức, trí tuệ để chuyển hóa cho chúng sinh trong 9 tháng tiếp theo. Sau này, phép hạ an cư cứ thế được chuyển từ Đức Phật cho tới các bậc Tổ Sư, cho tới những nơi nào có những người con Phật xuất gia đều nương vào phép hạ an cư. 
Như Đức Phật đã từng dạy trong Giáo luật “Hạ an cư tỳ khiêu chi yếu vụ”. Người xuất gia 3 tháng an cư trưởng dưỡng đạo tâm như vậy, do đó lấy tuổi hạ làm quan trọng mà không lấy tuổi đời. Tức là sau 3 tháng an cư, do tu tập 3 phép Giới – Định - Tuệ, nhiều vị chứng Thánh đắc quả. 
Phật giáo truyền vào Việt Nam, lịch đại Tổ sư trong hơn 2000 năm qua cũng đều có phép hạ an cư, cho tới ngày hôm nay. Nhưng đặc biệt đối với chư Tăng, các Bậc tổ sư Phật giáo phía Bắc Việt Nam thì phép hạ an cư chia làm 2 phần tu và học rất rõ ràng. Tu là ngày đêm phải 6 giờ tinh tiến, hành trì lễ lạy, bái sám, tọa thiền, niệm Phật, 3 thời ban ngày, 3 thời ban đêm nên gọi đó là ngày đêm 6 giờ chuyên tâm tu tập. Đối với học, tất cả các Tổ đình trường hạ cấm túc an cư đều lấy việc khai giảng giảng kinh pháp làm quan trọng. Mỗi một mùa an cư, vị đường chủ ở trường hạ đó trước đây tại các sơn môn đều chọn lấy một bộ kinh hoặc một bộ luận để giảng vào buổi sáng. Đó là giảng cho đại chúng, tất cả các chúng đệ tử của Phật tại gia hay xuất gia cũng đều được thấm nhuần bài pháp đó. Còn về luật tạng, bởi vì luật tạng là dành cho xuất gia, dành cho từng giới phẩm, ai thụ giới Sa Di thì nghe luật Sa Di, ai thụ giới Tỳ Khiêu thì nghe luật Tỳ Khiêu, Tỳ Khiêu Ni nghe luật của Tỳ Khiêu Ni. Luật là uyển chuyển riêng cho từng giới phẩm. Và từng giới phẩm đó phải học Luật. Do đó buổi chiều là giảng dạy về Luật tạng, còn buổi sáng là giảng dạy về Kinh tạng và Luận tạng. Vì vậy, Tam tạng thánh giáo trong ngày tu ngày nào cũng được tuyên giảng. 
Sau này, Phật giáo VN thống nhất, thành hội Phật giáo thống nhất VN miền Bắc từ năm 1958 cho đến ngày thành lập GHPGVN toàn quốc năm 1981. Thì các tỉnh hội Phật giáo, Thành hội Phật giáo chỉ đạo an cư và đặt ra chỉ tiêu mục đích tu học của năm đó qua các bộ kinh, qua các bộ luận. Dù kinh dù luận hay luật cũng nhằm góp phần trau dồi trí tuệ cho các chúng đệ tử, dù đó là xuất gia hay là tại gia. Truyền thống đó được kế tiếp từ đời này qua đời khác. Ngày an cư, sau khi đại chúng an ổn, phân phòng xá, định vị tác pháp an cư xong thì bắt đầu là ngày khai pháp, tức là mở đầu cho mùa an cư để giảng chính pháp của Đức Thế Tôn. Nhưng chúng ta vẫn biết ở tại trường hạ Phù Liễn, trụ sở của Phật giáo tỉnh Thái Nguyên ở đây, năm nào cũng tổ chức ngày khai pháp rất long trọng. Trên chứng minh có các Hòa thượng, Thượng tọa và các vị hành giả an cư, rồi có sự tham dự của chính quyền, đặc biệt là Phật tử tất cả các nơi vân tập về đây để hân hoan trong ngày khai pháp của chư Tăng tỉnh nhà, đồng thời lắng nghe lời dạy của Đức Phật, lấy đó làm kim chỉ nam, làm tư lương cho cuộc sống của mình, tiến tu đạo nghiệp trong mùa an cư. Hôm nay, phép hạ an cư lễ khai pháp cũng được diễn ra trang trọng như vậy. Vừa rồi, đối với TW Giáo hội thì lãnh đạo tối cao là Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng có lời đạo từ sách tấn Tăng Ni tại mùa an cư và với các Phật tử trong Đạo tràng. Còn theo phép an cư thì bài khai pháp và giảng bài pháp đầu tiên thông thường trước đây ở các tỉnh Tăng Ni đông và hạ đã nề nếp, trải qua nhiều năm, thì ngày khai pháp này sẽ chọn ra một bài kinh, một bộ kinh và bắt đầu theo phép đọc bình văn bằng Hán tự và sau đó vị chủ giảng sẽ giảng ý nghĩa của bộ kinh đó. Nhưng đối với Phật giáo tỉnh Thái Nguyên chúng ta, qua một thời gian vắng bóng các bậc cao đức, may thay có Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ về cùng với chư Tăng một số vị còn lại cựu trụ ở đây để dẫn dựng, phục hồi cho Phật giáo Thái Nguyên được tái lai lại, và cũng rất mừng là có Thượng tọa Thích Nguyên Thành, một vị Tăng trẻ được đào tạo bài bản, giới đức trang nghiêm, đặc biệt là hết lòng trấn hung Phật giáo, hết lòng vì hoằng truyền chính pháp, hết lòng vì giáo hội đã kế tiếp Hòa thượng, nương vào đức Hòa thượng, tiếp tục lèo lái con thuyền cho Phật giáo tỉnh Thái Nguyên đã được 2 nhiệm kỳ.
Ngày nay, chư Tăng đã ổn định, nhưng vấn đề khai giảng mà giảng bộ kinh đối với từng trường hạ như trường hạ Phù Liễn đây hơi khó khăn, bởi vì Phật tử cũng không thể hàng ngày đến nghe pháp hết được mà chư Tăng chư Ni thì còn ít. Sau khi tác pháp an cư trong mùa này, lại phải trở về các trụ xứ, thay phiên nhau theo phép khất luật trong luật chỉ được 6 ngày, đến ngày thứ 7 phải trở về để phục vụ cho các trụ xứ rồi đi tổ chức các khóa tu, tổ chức các sự kiện, cũng là hoằng dương chính pháp, do đó không giảng vào bộ kinh như chúng ta vừa nghe trong chương trình Đại đức Phó BTS đã tác bạch là giảng vào thứ 3-5-7- chủ nhật và giảng các chuyên đề. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một điều mà Đức Phật đã từng làm, là tùy thuận chúng sinh nhi vi lợi ích. Tức là tùy thuận chúng sinh, chúng sinh mong cầu điều gì mình đáp ứng lợi ích cho chúng sinh điều đó, thì chính là việc làm hữu ích. Đức Phật thuyết pháp cũng vậy, căn cơ của chúng sinh có sai khác, Ngài cũng nói các bài pháp sai khác tùy theo từng loại căn cơ của chúng sinh mà thấm nhuần giáo pháp của Phật. Giáo pháp của Phật như một trận mưa lớn, cây cao cây lớn hưởng nhiều, cây bé hưởng ít, cho tới cỏ cây nhỏ bé cũng được thấm nhuần nước mưa. Giáo pháp của Phật nói ra tùy từng người tùy từng căn tu mà thấm nhuần. Cho tới các cụ già có thể không nhớ được nhiều nhưng nhớ được câu Nam Mô A Di Đà Phật. Đấy là cũng đã gieo duyên lành để tạo nhân tốt cho đời hiện tại. Và kết quả được mai sau.
Do đó, chúng ta học pháp của Phật không phải là tu pháp môn nào là hay, mà pháp của Phật pháp nào cũng hay, tùy theo căn cơ, tùy theo chủng tính mà cảm nhận. Đức Phật là bậc đại y vương, tùy theo người bệnh mà thày thuốc cho những toa thuốc khác nhau. Đức Phật cũng tùy theo căn cơ của chúng sinh, cảm nhận mà hưởng giáo pháp của Phật. Ai tính tham lam thì Đức Phật cho bài thuốc bố thí. Ai tính lười biếng thì Đức Phật cho bài thuốc tinh tiến. Ví dụ tất cả như vậy. Do đó mà chúng ta hãy trong pháp hội đây, chư Tăng Ni thì phải tu tập thứ lớp của hạnh Thanh Văn Thừa, Bồ Tát Thừa, là quyền xảo phương tiện để tiến lên Phật thừa. Còn đối với các Phật tử, thì các vị theo từng người thầy của mình tu tập, tu pháp môn Tịnh Độ, tu pháp môn Thiền, tu pháp môn Mật và các pháp môn khác. Riêng đặc biệt ngày hôm nay, Thượng tọa trụ trì ở đây cũng là người thầy lèo lái cho các Phật tử trong những năm qua tu tập, thì ở tại trụ xứ này và tỉnh Thái Nguyên, số Phật tử tham gia tu tập theo kinh Pháp Hoa cũng đã lên con số hàng ngàn. Cũng có nhiều Đạo tràng tu tập và thành lập nên Đạo Tràng Pháp Hoa. Đối với các Phật tử, chúng ta hãy chọn cho mình 1 pháp tu phù hợp với căn cơ của mình, mình hiểu, mình tu mình chuyển hóa được thì rất lợi lạc. Nếu chúng ta chạy theo thời cuộc, theo phong trào, danh vọng thì không có ích gì với bản thân. Dù tu pháp môn nào cũng là pháp môn của Phật. Tổ đã dạy rằng “Nhân tu vạn hạnh quả chứng nhất thừa”. Hạnh nào mà mang lại niềm an lạc cho tâm hồn giải thoát, cho trí tuệ tăng trưởng thì hạnh đó là hạnh tu, tất cả các pháp môn mà chư Tổ dạy được ví như cùng một cây mà ra. Đức Phật là một cây, và các pháp môn các Tổ hoằng truyền là các cành lá. Dù cành to cành nhỏ cành già cành non cành nào cũng đều nương vào thân.Vậy thì các cành làm cho thân cây đẹp, thân cây làm chỗ dựa cho các cành lá.
Do đó mong rằng, tất cả các Phật tử tu pháp môn nào chuyên tâm pháp môn đó, không nên hôm nay tu pháp môn này ngày mai sang pháp môn khác, hay là chống chế nhau, cho rằng tu pháp môn này mới đúng pháp môn kia là sai. Giáo pháp của Phật bình đẳng, tất cả ai học Phật nghe giáo pháp của Phật, đến với giáo pháp Phật chỉ có một vị là vị giải thoát mà thôi. Các Phật tử nên tôn trọng pháp môn của nhau, và nên chuyên trì pháp môn mình tu.
Trong Đạo tràng hôm nay, người áo lam, người áo nâu, người đeo pháp y, người cầm tràng hạt, tất cả đều là con của Đức Phật. Con của Đức Phật thì phải giống Đức Phật. Đức Phật của chúng ta tượng trưng cho sự bình đẳng. “Mỗi người mỗi nước mỗi non – Đến cửa nhà Phật như con một nhà, như áo một mắc như hoa một cành”. Đừng chống chế nhau, đừng chê bai nhau, đừng coi thường nhau, hãy tôn trọng tất cả mọi người là bà con quyến thuộc của nhau, là bồ đề quyến thuộc của nhau mà Đức Phật đã dạy. Trong Kinh Đại Phương Tiện Báo Phật Ân, một lần Đức Phật cùng tôn giả A Nan và các đệ tử đi khất thực, qua một cánh đồng, Đức Phật nhìn thấy đống xương khô liền quỳ xuống lạy. Tôn giả A Nan bạch Phật rằng “Bạch Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn là bậc đại đạo sư của 3 cõi, là đấng cha lành của 4 loài, vậy làm sao Ngài lại lạy đống xương khô?”. Ngài nói rằng “Đống xương khô đó là cha, mẹ, vợ, con, anh em, bà con của ta trong nhiều đời”. Bởi vì tất cả chúng sinh đều có một tính bình đẳng mà Đức Phật đã dạy trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là tính Phật. Phật tâm tâm Phật chúng sinh – Xưa nay cùng một tính linh khác nào. Nhưng Ngài là Phật, còn chúng ta là chúng sinh “Mê thời những luống khổ đau – Tỉnh thời tự tại tiêu dao đời đời”. Vậy con của cha, cha là Phật thì con cũng sẽ là Phật. Đó là ý nghĩa của Diệu Pháp Liên Hoa mà chúng ta đang trì tụng.
Được biết rằng tại đạo tràng chùa Phù Liễn đây hàng năm đều được trì tụng Bộ Pháp Hoa như là bộ kinh thường nhật, các vị phải hiểu ý nghĩa đó để tôn trọng các pháp môn tu, để tôn trọng mọi người và sự bình đẳng giữa mọi người. Đó là điều chúng tôi muốn nói về giáo pháp của Đức Phật đối với các Phật tử, để mỗi người vững tâm tiến bước trên con đường tu tập, là nhân tốt để kết quả mai sau được tốt.
Đối với chư tôn đức Tăng Ni, chúng ta biết rằng các bậc trưởng lão cao niên đức trọng đã dần dần quẩy gót về tây, còn tất cả huynh đệ chúng ta, nhưng chẳng nhẽ anh em không bảo được nhau khi vắng cha hay sao? Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, ta thấy ông bố phải lẩn tránh đi một nơi để các con thấy rằng không có cha sẽ buồn rầu, phải bảo ban nhau để giữ gìn nề nếp. Tăng Ni chúng ta là một trong 3 ngôi của Tam Bảo – chính là Tăng bảo, tức là hòa hợp chúng. Phép hạ an cư nương vào pháp lục hòa làm quan trọng. Pháp lục hòa này được Đức Phật chế dạy. Thời Đức Phật, tất cả chư Tăng trong giáo đoàn hòa hợp, bình đẳng, tôn trọng nhau bởi vì có được lục hòa cộng trụ. Trên thế gian, các bậc vua chúa trước đây cũng như ngày nay đều tôn trọng và kính ngưỡng giáo pháp của Phật, trong đó có học tập tinh thần đoàn kết hòa hợp mà Đức Phật dạy. Hòa hợp cả thân, cả tâm, cả trí tuệ, cả tu tập và sử dụng phương tiện ăn uống nằm nghỉ trong sự bình đẳng tất cả mọi người. Chư tôn đức Tăng Ni ở mỗi nơi đều trở về đất Thái Nguyên này – nơi mà gần như bị tuyệt diệt Phật giáo trong 2-3 thập kỷ trước đây. Nhưng vì hoằng truyền chính pháp, sự tu tập cho mình mà các vị không kể kẻ nam người bắc, không kể ở nơi nọ nơi kia, sơn môn này pháp phái kia đều về tỉnh Thái Nguyên trông nom một trụ xứ, cùng nhau xây dựng BTS đứng đầu là Thượng tọa Thích Nguyên Thành là ngọn cờ để tập hợp tất cả các vị Tăng Ni thành lập nên BTS mà đã trải qua hơn 2 nhiệm kỳ, rồi cho tới BTS của 8 huyện thị thành phố trong tỉnh để cùng nhau hoằng truyền chính pháp. Vậy thì giới luật của Đức Phật làm nền tảng căn bản, làm kim chỉ nam soi đường cho bước đường tu học.
Hiến chương GHPGVN, nội quy Tăng sự, nội quy các Ban ngành làm lục phụ, bên cạnh sự hướng dẫn của giáo hội và thực thi của BTS Phật giáo tỉnh định hướng cho Tăng Ni. Như vậy là có một mục đích chung, có định hướng rõ ràng để cho Tăng Ni có con đường chân chính mà phụng sự Đạo Pháp, phục vụ cho dân tộc. Tuy công việc Phật sự đa đoan của các trụ xứ, Tăng Ni thì ít, tỉnh thì rộng, chùa chiền thì nhiều, nhu cầu tu học của Phật tử và tín ngưỡng tâm linh của nhân dân càng đòi hỏi Tăng Ni chúng ta càng phải đoàn kết và cùng nhau chia công việc Phật sự để đồng đều, không có nơi nào quá nhiều và quá ít. Nhưng tất cả đó chỉ là phương tiện phục vụ chúng sinh. Còn vấn đề tu học cho bản thân chúng ta là điều rất quan trọng. Ba tháng cấm túc an cư là thời gian để chúng ta an trú tại một chỗ, tu tập trau dồi Giới – Định – Tuệ, nghiêm trì Ba La Đề Mộc Xoa, để giới luật ở đâu mà nghiêm trì thì nơi đó Phật pháp được xương long. Đức Phật đã từng dạy rằng Phật pháp được xương long bởi nửa tháng chư Tăng thuyết giới, Phật pháp được xương long bởi mỗi một năm chư Tăng cấm túc an cư. Mới biết rằng phép bố tát thuyết giới, phép hạ an cư là hành trì giới luật một cách nghiêm minh, thực tế cho người đệ tử xuất gia của chúng ta. Mong rằng các vị tôn đức Tăng Ni cùng chung một lý tưởng là hoằng truyền chính pháp, duy trì đạo hạnh để phát triển cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam mà chúng ta đang hướng tới kỉ niệm 35 năm thành lập Giáo hội. GHPGVN là sự kế thừa và ổn định, phát triển của Phật giáo VN trong hơn 2000 năm lịch sử đồng hành cùng dân tộc, phát triển Phật pháp trên đất Việt. Mong tất cả các vị Tăng Ni lấy việc tu học của mình, buổi sáng một người giảng và đại chúng cùng nghe, Phật tử cùng nghe. Cứ thế ai cũng được giảng, ai cũng được nghe. Từ đó mà chúng ta có thể phân tích bài giảng, nhìn nhận về phong cách giảng, giọng nói cử chỉ tứ oai nghi cho từng vị một. Như vậy, Phật giáo Thái Nguyên ai cũng là giảng sư, ai cũng là trụ trì một cách tốt đẹp nhất. Chỉ có trong mùa an cư này, chúng ta kính lạy Đức Thế Tôn, Ngài đã cho chúng ta một phép hòa hợp với nhau, 9 tháng mỗi người một nơi, ngày nay mỗi vị một chùa cách nhau hàng chục cây số. Nhưng mùa an cư này trong 3 tháng thân cùng ở, miệng hòa hợp, ý cùng vui, học chung giới luật của Phật và cùng trao đổi những điều học hỏi được ở nhau, cùng thụ sự cúng dàng của đàn na tín thí. Như vậy, chúng ta có một dịp rất may mắn mà phải nói rằng trên thế gian này chỉ có Đạo Phật mới có phép an cư dài, đủ thấm nhuần và đủ nạp năng lượng như mùa an cư của chúng ta. Tôi đã gặp những vị lãnh đạo tôn giáo khác, tín đồ của tôn giáo khác đều ca ngợi phép an cư của Phật giáo. Đây là một dịp tất cả mọi người được đến với nhau, kể cả những người tại gia cũng được thân thừa với ba ngôi báu đúng như lời trong Kinh Pháp Cú mà Đức Phật đã dạy “Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu”. Mong rằng tinh thần này mãi sáng ngời trên thế gian, phép an cư được hành trì như pháp, như luật, như Phật đã dạy, như Tổ đã truyền. 

 
 
 
 
 

Cuối buổi lễ, HT Thích Bảo Nghiêm đã trao bằng công nhận thành lập đạo tràng pháp hoa tỉnh Thái Nguyên cho BTS PG tỉnh. Năm nay trường hạ Phù Liễn suy tôn HT Thích Thanh Nhiễu giữ ngôi vị đường chủ hạ trường, TT Thích Nguyên Thành giữ ngôi chánh Duy Na hạ trường. Toàn tỉnh Thái Nguyên năm nay chỉ một điểm an cư tập trung duy nhất là hạ trường Phù Liễn với số lượng hành giả an cư là 50 vị, bao gồm 29 Tỳ kheo Tăng, 15 Tỳ kheo Ni và 6 hình đồng.

 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC