Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 13/08/2016 17:17 PM 
Ngày tu tập thứ hai của khóa tu Vu Lan báo hiếu lần thứ VI
Ngày 11 tháng 08 năm 2016, nhằm ngày 09 tháng 07 năm Bính Thân, bước sang ngày tu tập thứ hai của khóa tu Vu Lan báo hiếu dành cho tuổi trẻ lần thứ VI, 260 bạn khóa sinh đã thấm nhuần được sâu sắc ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan cũng như cảm nhận được tinh thần tri ân và báo ân đối với tứ ân trọng của những người con Phật.
Ngay từ 5h00 sáng, dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng bản tự, các bạn khóa sinh đã trang nghiêm thanh tịnh tụng thời kinh Báo đáp công ơn cha mẹ để hiểu được sâu sắc những lời dạy của Đức Phật về ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của song thân, từ đó cảm nhận được sâu sắc tình cảm thiêng liêng và cao cả của cha mẹ dành cho mình.


 
 
 
 

Đúng 8h00, ba hồi chuông trống bát nhã ngân vang, các khóa sinh chắp tay búp sen thành kính trang nghiêm cung đón Đại đức Thích Thanh Tâm – Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Giáo thọ sư lớp giáo lý chùa Bằng quang lâm lễ đường thuyết giảng với chủ đề “Con người đích thực”. 
Trong bài giảng, Đại đức đưa ra ví dụ về cách đếm cừu của người giúp việc khi được ông chủ bảo sang xem đám cưới nhà hàng xóm có bao nhiêu người tham dự; rồi sau đó Đại đức giảng sư hỏi xem các khóa sinh thế nào là làm cừu trong lốt người và đâu là làm người thật sự? 
Đại đức nhấn mạnh con người thật sự, con người đích thực là người biết nhìn sâu vào chính nội tâm để quán chiếu mọi hành động, lời nói và suy nghĩ trước khi làm, đồng thời Đại đức cũng đưa ra câu hỏi liên hệ giữa hình ảnh quê hương Việt Nam với hình tượng bố mẹ và lý giải ân tình về quê hương và ân tình về hai đấng sinh thành dưỡng dục. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Đại đức giảng sư, dưới sự hướng dẫn của quý Thầy, các bạn khóa sinh đã cùng tụng thời kinh A Di Đà cầu nguyện cho Tổ tiên ông bà cha mẹ từ nhiều đời nhiều kiếp được siêu sinh Tịnh Độ, cầu cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc tăng thọ.

 
 
 
 

 
 
 
 
  
Đầu giờ chiều, các khóa sinh đã vân tập về lễ đài để lắng nghe Đại đức Thích Lệ Minh - Ủy viên Ban hoằng pháp TW GHPGVN, trụ trì chùa Thiện Mỹ - thành phố Hồ Chí Minh thuyết pháp với chủ đề “chữ Hiếu và tình người”.
Trong bài giảng, Đại đức đã chia sẻ với đại chúng về “những định nghĩa màu nhiệm về những giá trị nhân văn của chữ Hiếu trong nghệ thuật sống”.
Đại đức đã nhấn mạnh “Nhiều đời nhiều kiếp, Đức Phật có hiếu dưỡng với cha mẹ, nhờ công đức đó mới thành được Bậc Giác ngộ tối thượng. Con người chúng ta muốn thành nhân chi mỹ cũng phải học theo gương hạnh của Ngài. Trong xuyên suốt các bản kinh, Thầy chỉ thấy có duy nhất bản kinh Báo đáp công ơn cha mẹ là Đức Phật rơi giọt lệ mà thôi. Có lẽ hơi thần tượng hóa nhưng rõ ràng đó là sự cảm động của Đức Thế Tôn”.
Qua đó, Đại đức đã chia sẻ và giảng giải chi tiết cho các khóa sinh hiểu rõ mười ân đức sâu dày của cha mẹ trong bản Kinh Báo ân:
Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo
Mười tháng trường chu đáo mọi bề
Thứ hai sanh đẻ gớm ghê
Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần
Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng
Cực đến đâu, bền vững chẳng lay
Thứ tư ăn đắng uống cay
Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con
Điều thứ năm lại còn khi ngủ
Ướt mẹ nằm khô ráo phần con
Thứ sáu sú nước nhai cơm
Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê
Điều thứ bảy không chê ô uế
Giặt đồ dơ của trẻ không phiền
Thứ tám chẳng nở chia riêng
Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo
Điều thứ chín miễn con sung sướng
Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam
Tính sao có lợi thì làm
Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm
Điều thứ mười chẳng ham trao chuốt
Dành cho con các cuộc thanh nhàn
Thương con như ngọc như vàng
Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái sơn”.
Qua đó, Đại đức tin rằng với những người trẻ, khóa tu báo hiếu lần này chính là cơ hội quý giá để chúng ta tìm tòi về cội nguồn tâm linh, và sống cho trọn vẹn hiếu dưỡng, hiếu tâm, hiếu hạnh và hiếu đạo trong mùa Vu lan báo hiếu này. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Buổi tối cùng ngày, nằm trong chương trình của khóa tu Vu Lan Báo Hiếu lần thứ VI năm 2016, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự đã trang nghiêm trọng thể tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL2560 – DL2016. 
Mỗi độ Vu lan về, hình ảnh thân thương của cha mẹ lại hiện lên trong trái tim của những người con hiếu hạnh. Gia đình nào cha mẹ sống đạo đức làm gương mẫu cho con cái, con cái sống hiếu nghĩa với cha mẹ, thì gia đình đó thực sự là hạnh phúc. 
Vì thế, mùa Vu Lan năm nay, chùa Bằng long trọng tổ chức đại lễ để làm sống dậy truyền thống hiếu kính của ngàn xưa. 
Đúng 19h30’, toàn thể đại chúng đã trang nghiêm chắp tay búp sen, cất cao tiếng niệm Phật cung đón chư tôn đức quang lâm lễ đài để chứng minh buổi lễ.
Tháng 7 mùa thu lá rụng vàng
Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan
Bâng khuâng nhớ đến ơn sinh dưỡng
Thổn thức tim con ngấn lệ tràn
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Yoshimizu Daichi - Nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Tịnh Độ tông Nhật Bản, Nguyên Hội trưởng Hội thanh thiếu niên Tịnh Độ tông Nhật Bản, trụ trì Chùa Nisshinkutsu thủ đô Tokyo, chứng minh Sư tối cao Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng bản tự.
Về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A cùng quý vị đại diện cho chính quyền sở tại và đông đảo nhân dân Phật tử thập phương cùng sự tham dự của 260 khóa sinh tham dự khóa tu Vu lan báo hiếu lần thứ VI.

 
 
 
 
 
 
 

Trước khi bắt đầu vào nghi thức “Bông hồng cài áo” thiêng liêng của mùa Vu lan, đại chúng đã cùng xem 2 clip “Mục Kiền Liên cứu mẹ” và “Người mẹ điên tìm con” – để hiểu được tình mẫu tử cao cả, to lớn như biển trời. Hai clip như chạm vào tận sâu tâm khảm của mỗi người, và qua mỗi clip, Đại đức Thích Thanh Hải và Đại đức Thích Lệ Minh đều đã nói kĩ hơn về ý nghĩa của những clip gửi gắm tới người xem, và trả lời cho những câu hỏi “Trong cuộc sống, ta đã từng quên mẹ hay chưa”, hay “những nghịch lý trong tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái”. Từ đó, mỗi người tự lắng đọng tâm tư nhìn lại chính mình, nhớ lại những kỉ niệm tuổi ấu thơ bên cha mẹ, nhớ về những ngày tháng cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ, nuôi nấng chiều chuộng và yêu thương. Để mỗi người đều thức tỉnh, biết nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống này không phải là cơm áo gạo tiền hay những con người xa lạ, mà giá trị đích thực chính là cha mẹ trong nhà là Phật ở đời.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, Phật tử Diệu Tường đã đọc bài “Đoản văn bông hồng cài áo”. Trong tiếng nhạc bài “Lòng mẹ” da diết, sâu lắng, từng lời đoản văn như đánh thức những kỉ niệm bên cha mẹ tận sâu trong tim mỗi người. Nhớ về những bữa cơm gia đình đoàn viên ấm áp, nhớ về cái xoa đầu trìu mến của cha, nhớ về cái ôm dịu dàng của mẹ…Đâu đó những gương mặt đượm buồn, ánh nhìn chất chứa những nỗi nhớ niềm thương tới đấng sinh thành, và cả những giọt nước mắt lăn dài, những tiếng nấc nghẹn ngào cứ khẽ cất lên. 
“Bông hồng con cài áo hôm nay là cả một hành trang
Để con biết rằng mình hạnh phúc biết bao vì vẫn còn có mẹ
Mùa báo hiếu về rồi mẹ ơi, nơi này con lặng lẽ
Gửi về mẹ
Cả một bầu trời nhung nhớ rộng yêu thương!”

 
 
 
 
 
 
 

Một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ và cũng là đặc trưng của ngày Vu Lan, đó là nghi thức cài hoa hồng. Những bông hoa đã được các bạn thanh thiếu niên Phật tử trẻ mang đến cài lên ngực áo từng người tham dự buổi lễ. Mỗi màu hoa mang một ân tình riêng. Màu hoa đỏ dành cho những ai may mắn, diễm phúc còn đầy đủ cha mẹ trên đời để yêu thương, chăm sóc. Màu hoa như nhắc nhở mỗi người hãy biết yêu thương, kính trọng hai đấng sinh thành khi chúng ta còn cơ hội để làm điều đó. Còn những bông hoa trắng để chia sẻ với những ai mang nỗi đau vì không còn cha, còn mẹ, màu hoa trắng như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà sống sao cho tốt, cho phải với ơn sinh thành dưỡng dục của đấng song thân.

 
 
Kính dâng Người bậc áo nâu giản dị
Đóa hồng vàng tươi thắm ánh từ quang
Đem đạo pháp đến khắp chốn nhân gian
Rưới suối từ cho chúng sinh an lạc

 
 
 
 
 

Sau đó, toàn thể đại chúng đã một lần nữa lắng đọng tâm tư, nghẹn ngào xúc động trong nghi thức “Dâng trà” của chư tôn đức và các bạn khóa sinh.
Trong tinh thần tri ân và báo ân, đại diện hàng đệ tử xuất gia thay mặt bốn chúng đệ tử của Hòa thượng trụ trì cũng đã dâng lên chén trà tới nhị vị Hòa thượng để cảm niệm ân đức sâu dày của người Thầy – người Cha trong ngôi nhà Đạo Pháp đã giáo huấn, dạy dỗ nên giới thân tuệ mạng ngày hôm nay.

 
 
 

Sau đó, các bạn nữ đại diện cho các khóa sinh – cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước đã thành kính quỳ trước các bà, các bác, các chú – là những bác công quả, những người giữ an ninh trật tự của khóa tu, là những người đáng tuổi cha – tuổi mẹ, để dâng lên chén trà bằng cả tấm lòng tri ân sâu sắc nhất.
Giây phút ấy, các bạn đã hiểu được: Làm người sống trên đời, không thể nào được phép quên chữ Hiếu, chữ Nghĩa và tinh thần Tứ Ân cao cả, phải biết tri ân, báo ân không phải chỉ là một ngày, mà là cả một đời người. Đó mới chính là tinh thần của người Việt, tinh thần của Phật giáo. 

 
 
 

Cuối cùng, nhị vị Hòa thượng chứng minh của buổi lễ đã ban đạo từ tới toàn thể đại chúng trong buổi lễ vu lan báo hiếu này.
Trước hết, Hòa thượng Yoshimizu Daichi đã chia sẻ với đại chúng về chữ Ân trong tinh thần Tri ân và báo ân đối với cha mẹ của người Nhật Bản và của người Việt Nam như thế nào. Hòa thượng nhấn mạnh rằng “Người Việt Nam và người Nhật Bản cùng là dân tộc trong Châu Á, cho nên tinh thần dân tộc về văn hóa truyền thống Tri ân và Báo ân gần giống nhau”. Hòa thượng chia sẻ rằng trong 50 năm qua, Hòa thượng đã âm thầm lặng lẽ nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam và nhận ra những điểm tương đồng, thứ nhất đó là chữ Ân – nếu không có chữ Ân chúng ta không bao giờ nên người, và phải biết phụng dưỡng cha mẹ, báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đặc biệt là tấm gương của Ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân cách đây 850 năm về trước, khi cha của Ngài đã lâm vào hoàn cảnh bị người giết chết, trước khi chết cha của Ngài đã căn dặn Ngài rằng “Nếu con muốn báo đáp công ơn của cha mẹ thì không gì khác hơn là con phải biết tu, và con phải lấy ân báo oán, chứ con đừng lấy oán để báo oán bởi oán chỉ chồng chất oán”. Ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân sau khi nghe lời cha nói thế liền xuất gia tu học vào năm 13 tuổi. Từ đó, Ngài đi khắp nơi để giảng dạy cho người đời về chữ Hiếu của người con Phật là phải biết tu tập chuẩn mực, phải biết bái sám hành trì lễ lạy, phải có tâm chia sẻ tràn đầy để hiểu được 4 khái niệm đó là: quảng đại từ ân. Khi Ngài giảng dạy những điều đó, dân chúng Nhật Bản đều cảm thấy điều này rất hợp lý đối với xã hội nước Nhật lúc bấy giờ, nên người dân đều đồng cảm với phương pháp niệm Phật và lòng tri ân báo ân của Ngài. Cho nên họ đã xây dựng một ngôi chùa mang tên là “Tri ân Viện”, một ngôi chùa nhắc nhở mọi người phải luôn sống trong tinh thần Tri ân và Báo ân. Qua đó, Hòa thượng mong rằng mỗi khóa sinh tham dự khóa tu nói riêng, và toàn thể đại chúng nói chung, chỉ cần có chữ “ân” trong lòng thì dù đi đâu làm gì chúng ta cũng sẽ thành công, sẽ luôn được sống an lạc và hạnh phúc.
Nhân dịp này, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cũng đã chia sẻ cho các bạn khóa sinh về tấm gương hiếu hạnh của người xuất gia với phụ mẫu qua câu chuyện của 2 vị Tổ tiêu biểu cho hai chùa hai miền khác nhau đó là sự tích Tổ Cáy (Sư Tổ Phóng Kỳ) và Tổ Từ Hiếu (Thiền sư Nhất Định). Qua đó, Hòa thượng chia sẻ rằng, tấm lòng hiếu đạo dành cho cha mẹ không chỉ có ở những người tại gia mà cả những người xuất gia dù đã làm lễ tạ bốn ân trong giới đàn Sa Di nhưng tâm Hiếu hạnh vẫn luôn khắc ghi trong tâm khảm. Nhưng mỗi người một cách báo đáp khác nhau. Nếu như những người tại gia là phải phụng dưỡng song thân, chăm lo săn sóc cha mẹ khi ốm đau già yếu, thì những vị Tu sĩ dùng tu tập, dùng hoằng pháp độ sinh và những điều Đức Phật dạy để lấy công đức lành báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, noi theo gương hiếu đạo của Đức Phật. Qua đó, Hòa thượng mong rằng mỗi người chúng ta, nhất là những người con Phật phải luôn nhớ "Tâm hiếu là tâm Phật - hạnh Hiếu là hạnh Phật", trong muôn việc phúc thì báo hiếu đứng đầu, chúng ta phải luôn sống trong tinh thần tri ân và báo ân, không phải chỉ trong mùa vu lan mà là trong suốt cả cuộc đời mình.

 
 
 

Hai ngày tu học của khóa tu Vu lan báo hiếu dành cho tuổi trẻ lần thứ VI tại chùa Bằng đã khép lại, tuy chỉ ngắn gọn trong 48 tiếng nhưng những điều ý nghĩa mà các khóa sinh học được từ những lời kinh câu kệ, từ những bài pháp của quý Thầy truyền trao sẽ là hành trang cho các bạn trên đường đời, giúp các bạn trở thành những người con hiếu thảo, những người công dân tốt và là những người Phật tử thuần thành của Đức Thế Tôn.

 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC