Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 22/11/2016 20:28 PM 
Chùa Bằng: Thượng tọa Thích Tiến Đạt thuyết giảng tại Pháp hội Dược Sư
Chiều ngày 21 tháng 11 năm 2016, nhằm ngày 22 tháng 10 năm Bính Thân, nằm trong chương trình tu học 10 ngày của Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự), nhận lời mời của Ban tổ chức, Thượng tọa giảng sư Thích Tiến Đạt đã quang lâm thuyết giảng cho đại chúng tiếp tục, trọn vẹn về ý nghĩa của Bộ Kinh Dược Sư trong những ngày Pháp hội mà năm 2015 Thượng tọa đã giảng.
Trong thời pháp thoại này, Thượng tọa đã chia sẻ cho hàng Phật tử về lợi ích của việc nghe danh hiệu, niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư mà được vãng sinh Tây Phương. Ngoài những lợi ích tiêu tai, diệt trừ khổ đau khi nghe danh hiệu của Đức Phật Dược Sư, thì còn có lợi ích nữa là lợi ích được vãng sinh. “Nếu ai được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, người nào tu Tịnh Độ muốn được sinh Tây Phương vẫn phải niệm danh hiệu Đức Dược Sư để làm tư lương hỗ trợ cho sự vãng sinh”. 
Đặc biệt, Thượng tọa cũng nhắc tới công đức của việc tu tập bát quan trai giới, đó là “Quan là cửa ải. Nếu một ngày một đêm chúng ta giữ được 8 giới cấm thì đó chính là chúng ta đã học được hạnh xuất gia, thực tập hạnh xuất gia trong 1 ngày 1 đêm. Và việc thực tập ấy chính là công phu, công đức của giới bát quan trai có khả năng giúp chúng ta vượt qua được cửa ải của sinh tử”. 
Qua đó, Thượng tọa cũng giúp đại chúng phân biệt được khái niệm thế nào là “cư sĩ” và thế nào là “Phật tử”. Cư sĩ là "cư gia chi sĩ", là những bậc có học có tu ở trong Phật pháp nhưng họ hiện thân tại gia, tâm họ là tâm xuất gia, họ có đủ trình độ Phật pháp, họ có đủ giới đức. Người đó mới gọi là cư sĩ tại gia. Bậc cư sĩ phải trọn vẹn thập thiện và phải đem chính pháp thập thiện này để giáo hóa chúng sinh. Hiện nay nhiều vị Phật tử tự lạm xưng danh "cư sĩ" nhưng thực chất chỉ là Phật tử mà thôi, chưa đạt được danh "cư sĩ". Phải như cư sĩ Duy Ma Cật có thể giảng kinh thuyết pháp, có thể lý luận với tất cả các hàng Phật tử tại gia và xuất gia. Hoặc như thời trước ví dụ như cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, có thể giảng được Kinh Lăng Nghiêm, không chỉ giảng dạy cho cư sĩ mà còn giảng dạy được cả cho người xuất gia. Đấy mới gọi là các bậc cư sĩ. Các vị đó tuy thân tại gia nhưng luôn hiện tướng Trưởng Giả, có địa vị trong xã hội, có uy quyền tiền của, do đó họ có thể làm tất cả những Phật sự một cách dễ dàng. Những người đó mới gọi là cư sĩ. Ngày nay trong Phật pháp có cư sĩ Tống Hồ Cầm thật sự là vị có tu có học thức. Cư sĩ là gì? Sĩ là kẻ sĩ, là người có tri thức Phật học, nhưng họ ở tại gia họ tu chứ không phải chỉ nghiên cứu. Giới đức và sự tu tập của họ không kém gì người xuất gia.
Cuối cùng, Thượng tọa nhấn mạnh “mục đích của việc tu đó là để khi sống ta được an lạc, khi chết được giải thoát. Hãy xem những việc mình làm từ khi sinh ra đến nay sát hại bao sinh linh, xem việc tu của ta là bao so với sự tạo ra nghiệp của ta để khi lâm chung ta sẽ được giải thoát”. Đồng thời, Thượng tọa cũng khuyến tấn đại chúng khi tu pháp môn nào phải kiên định, nhất tâm, chuyên tâm tu tập, không được pha tạp thấy pháp môn nào hay là bỏ để theo “Trường kỳ huân tu, nhất môn thâm nhập” bởi nếu không như vậy sẽ không được vãng sinh nơi Tịnh Độ.  
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được, sắp tới BBT xin trân trọng đăng tải những video clip pháp âm bài giảng của Thượng tọa trên trang chuabang.com, xin kính mời quý độc giả đón xem:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC