Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 06/01/2017 00:55 AM 
Chùa Bằng: Hàng nghìn Phật tử hướng lòng kỷ niệm ngày thành đạo của Đức Thế Tôn
Sáng ngày 04 tháng 01 năm 2017, nhằm ngày 07 tháng 12 năm Bính Thân, hàng nghìn Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa các tỉnh thành trên toàn miền Bắc đã nhất tâm vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên Tự) để hướng lòng thành kính về ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Đạo và kỷ niệm ngày thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
Đúng 7h30’, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự và toàn thể đại chúng đã trang nghiêm thực hiện nghi thức niêm hương bạch Phật, yết Tổ.

 
 
 
 

Sau đó, ba hồi chuông trống bát nhã ngân vang, hàng Phật tử chắp tay búp sen, cung kính niệm hồng danh Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để cung đón Đại đức Thích Thanh Tâm - Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Giáo thọ sư chùa Bằng quang lâm pháp tòa và chia sẻ với đại chúng về “Oai nghi người Phật tử”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nghi thức khảo hạch nâng y của Đạo tràng Pháp Hoa 
 
 
 
 

Buổi chiều, đông đảo Phật tử đã vân tập về lễ đài chùa Bằng (Linh Tiên Tự), lắng nghe Thượng tọa Thích Chân Tính – Phó Ban Hoằng Pháp TW, trụ trì chùa Hoằng Pháp (Thành phố Hồ Chí Minh) quang lâm pháp tòa và có thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng. Trước tiên, Thượng tọa đã tán thán tinh thần tinh tấn của quý Phật tử khi đông đảo Phật tử đã vân tập về chùa Bằng để cùng tu tập hướng về ngày thành đạo của Đức Thế Tôn, đồng thời bày tỏ niềm cảm phục trước đạo đức cũng như tâm nguyện của Hòa thượng trụ trì đã chiêu cảm khiến cho quý Phật tử mỗi ngày về chùa tu học lại càng đông.
Sau đó, Thượng tọa chia sẻ về ý nghĩa của việc tổ chức đêm hội hoa đăng kính mừng ngày Đức Phật thành đạo “Trong đêm hoa đăng có phần truyền đăng rất ý nghĩa. Hoa nghĩa là đẹp, đăng là đèn. Hoa đăng là những ngọn đèn tạo nên vẻ đẹp. Trong đêm hoa đăng kỷ niệm Phật thành đạo, chúng ta đốt nến. Ngọn đèn tượng trưng cho cái gì, tất cả đều có ý nghĩa riêng của nó. Ánh sáng tượng trưng cho trí tuệ, bóng tối tượng trưng cho vô minh. Ban đêm nếu không có đèn, trời tối, quý vị đi đường rất dễ bị té ngã. Nếu có ngọn đèn sáng chúng ta sẽ thấy rõ đường và không bị lọt hầm té hố. Cũng vậy, khi chúng ta có được trí tuệ, nhìn thấy rõ được thực tướng của vũ trụ nhân sinh là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Khi chúng ta có cái nhìn đúng như vậy, thì mình không bị tạo những ác nghiệp, không tạo ác nghiệp sẽ không bị luân hồi trong lục đạo. Như vậy, trong đêm hoa đăng chúng ta phải nhớ rằng đốt đèn có nghĩa là thắp sáng trí tuệ của mình. Trong đêm hoa đăng, Hòa thượng chứng minh sẽ đốt đèn từ bàn thờ Phật, truyền cho chư tôn đức và truyền xuống hàng Phật tử. Đây gọi là truyền đăng tục diệm, tức là tiếp đèn nối lửa. Điều này nói lên, chúng ta tiếp nhận ánh sáng trí tuệ từ Đức Phật để khai mở cho chính mình, thắp sáng trí tuệ cho chính mình”.
Thượng tọa nhấn mạnh "Qua cuộc đời của Đức Phật, qua sự thành đạo của Ngài, chúng ta thấy rõ rằng không ai cho Ngài trí tuệ, không ai cho Ngài sự thành tựu đạo quả, mà phải chính Ngài tự tìm ra".
Cuối cùng, Thượng tọa khuyến tấn đại chúng “Đạo Phật là đạo hướng về trí tuệ, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Phật là bậc giác ngộ, là bậc tỉnh thức, người giác ngộ là người có trí tuệ. Đức Phật được xem như là bậc đại trí tuệ. Vì vậy, khi chúng ta học Phật phải chú trọng vào việc khai mở trí tuệ, làm sao cho hiểu biết của mình ngày một rộng. Muốn trí tuệ rộng như biển phải thâm nhập kinh tạng, quý vị phải học nhiều, học rộng thì hiểu biết của mình mới hiểu mới rộng. Người tu học Phật pháp chúng ta cần phải biết tiếp nhận ánh sáng trí tuệ của Phật để phát huy ánh sáng trí tuệ của mình, mà trí tuệ này do chính mình tự khai phá. Muốn có trí tuệ, chúng ta phải Văn - Tư - Tu. Văn là nghe, nghe cũng có nghĩa là học, học rộng nghe nhiều thì mới tăng trưởng được trí tuệ, thành tựu biện tài mới giáo hóa được tất cả mọi người, đem đến niềm vui và con đường tốt đẹp cho mọi người”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, Trưởng lão Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ GHPGVN đã làm lễ thọ y, mở y và lên y nâu cho các Phật tử của Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc sau khi các Phật tử đã trải qua kỳ khảo kinh sát hạch: “Vì pháp y tiêu biểu cho pháp Phật, nên không thọ được pháp mà đeo y, thì y chỉ là miếng vải không có tác dụng, không mang lại kết quả lợi lạc nào. Vì vậy, hành giả thọ pháp y phải chuẩn bị thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, tạo điều kiện để cảm Đức Phật qua trung gian Thầy. Hành giả không có cảm giác Thầy đeo và một miếng vải. Thầy truyền pháp không dùng lời nói, hành giả thọ pháp không cảm ơn. Trong một đạo tràng hoàn toàn yên tĩnh, tâm của đạo tràng hoàn toàn yên tĩnh, tâm của người thọ thật vắng lặng, tạo thành một sự cảm thông kỳ diệu nối liền giữa hành giả với Thầy và Phật”. Được biết đợt này, Hòa thượng tôn sư đã làm lễ thọ y cho 1026 Phật tử, mở y là 637 Phật tử và lên y nâu cho 473 Phật tử. Buổi lễ truyền pháp y sẽ được diễn ra trong hai buổi là chiều 7/12 và sáng sớm mùng 8/12 năm Bính Thân.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC