Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Tư tưởng Phật giáo › Bài viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 12/01/2017 08:39 AM 
Thấy đạo, truyền đạo
(Bài giảng tại tổ đình Thiên Thai, Long Hải)
Trong tông môn chúng ta, Tổ chọn cái tên rất quan trọng, là Thiên Thai Thiền Giáo tông và sau đó, thêm Thiên Hữu hội. Vì vào thời Pháp cai trị, Phật giáo chưa được coi là tôn giáo, nên mới có thêm tên Thiên Hữu hội. Hội này gồm bốn chúng Tăng Ni và cư sĩ là tổ chức đầu tiên mà Phật giáo có.

Và Thiên Thai Thiền Giáo tông ra đời do tu chứng của Tổ. Ngài dùng chữ Giáo tông và Thiền tông kết hợp lại thành tên này. Nếu nói gần, Thiên Thai Thiền Giáo tông là kế thừa chùa Thiền Tôn ở Huế do Tổ Liễu Quán sáng lập.

Vì nếu chúng ta tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam, sẽ thấy khởi đầu từ Khương Tăng Hội  ở nước Khương Cư, sau đó là Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở Ấn Độ và kế tiếp là Tổ Vô Ngôn Thông và Tổ Thảo Đường là hai vị Tổ người Trung Hoa.

Như vậy, chúng ta kế thừa Thiền tông từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, chư Tổ đều là người nước ngoài. Và Tổ Liễu Quán đắc pháp ở Tổ Nguyên Thiều cũng là người Trung Hoa, nhưng ngài đã sáng lập dòng Thiền Việt Nam.

thinhphap.jpg
Thính pháp

Nối tiếp dòng Thiền Trung Hoa, đến đời ngài Nguyên Thiều sang Việt Nam hành đạo trong thời chúa Nguyễn. Ngài Nguyên Thiều thuộc đời thứ 33 dòng Lâm Tế, đến Tổ Tử Dung đời thứ 34, ngài Liễu Quán đời thứ 35. Như vậy, từ Thiền tông Trung Hoa truyền sang Việt Nam đời thứ 35 thuộc Tổ Liễu Quán ở Huế.

Chùa của chúng ta ở núi Thiên Thai, nhưng phát xuất từ gốc là chùa Thiền Tôn ở Huế. Và Tổ Liễu Quán là người Phú Yên ra Huế lập chùa. Vào thời kỳ đó đất nước chúng ta chia hai, chúa Trịnh chiếm miền Bắc và chúa Nguyễn chiếm miền Nam.

Tổ Liễu Quán đắc đạo và truyền bá giáo pháp ở thủ đô của chúa Nguyễn, nên được chúa Nguyễn ngưỡng mộ. Chữ “Đạo” mà Tổ đắc được nằm ngoài ngôn ngữ, văn tự.  Hòa thượng Pháp Lan diễn tả lý đó là “Chỉ kỳ đạo vô vi nhơn phục”. Đắc đạo là có được cái đạo mà chỉ làm thinh, ẩn cư, không phải chức quyền, nhưng người nhìn thấy phải sanh tâm kính phục. Trước khi đắc đạo, ngài là tu sĩ bình thường, nhưng đắc đạo, chúa Nguyễn kính phục ngài hơn các vị Tổ Trung Hoa. Đó là điều mà Tăng Ni phải suy nghĩ.

Và từ đời thứ 35 của Tổ Liễu Quán truyền xuống đến đời thứ 36, 37, cho đến đời thứ 40 là Tổ Hải Hội, ngài mới xây dựng chùa Long Hòa. Tổ Hải Hội cũng gốc người Phú Yên, nhưng đắc đạo, ngài vào miền Nam làm đạo.

Thực tế cho chúng ta thấy người chưa đắc đạo thường suy nghĩ nhiều cách để có chùa, có đệ tử và có người kính trọng mình. Nhưng càng suy nghĩ, tính toán nhiều, thì không có chùa, không có đệ tử, hay có đệ tử ăn hại, vì đó là tính toán, khôn dại của người đời, không phải là đạo.

Chúng ta bỏ đời, tìm đạo là đạo vô vi nhơn phục. Phật gọi đó là thấy nhân duyên, tức thấy mối liên hệ giữa người với người, giữa mình và người. Nếu mối quan hệ là thù, chúng ta đến đó để trả quả báo, chấp nhận quả báo giáng xuống mình. Điển hình như An Thế Cao đắc đạo, ngài từ nước An Tức sang Trung Hoa để cho kẻ vô danh đâm chết, nghĩa là ngài tìm cái chết để trả quả báo. Hay là người tìm cái sống để mở đạo, mà mở đạo hay trả quả báo đều vui.

Vì vậy, đắc đạo, thấy nhân duyên và tìm nhân duyên đó để hóa độ.  Đức Thích Ca đắc đạo, thấy đạo là thấy nhân duyên giữa Ngài với năm anh em Kiều Trần Như. Ngài liền đến giáo hóa họ, giúp họ đắc Thánh quả A-la-hán. Điều này chúng ta cần lưu ý. Khi chưa đắc đạo, chúng ta tính toán, nhưng người không theo, còn phản chúng ta. Cụ thể là năm anh  em Kiều Trần Như chống đối Sĩ Đạt Ta kịch liệt, nhưng khi Ngài đắc đạo, cũng con người Sĩ Đạt Ta, mà họ sụp lạy và coi Ngài là bậc Thầy tôn quý. Việc giáo hóa của Phật như vậy làm chúng ta suy nghĩ.

Người thấy đạo, đắc đạo, mở đạo đúng thì tới đó, người người kính trọng, lễ bái hết lòng. Nếu người không nghe, chúng ta không nên làm, vì càng làm càng lún sâu vào nghiệp chướng.

Cũng người đó, hôm trước bị người chống đối, nhưng hôm sau, mọi người lại kính ngưỡng. Đó chính là thể hiện chữ “Đạo” mà Tổ Tổ tương truyền.

Khi Tổ Huệ Đăng tới chùa Long Hòa, ngài nhận được kinh Pháp hoa do Tổ Long Hòa trao cho và bảo Tổ Huệ Đăng phải thọ trì bộ kinh này. Tổ tin tuyệt đối bộ kinh Pháp hoa và ôm kinh vô hang núi tu, đói khát không màng, chỉ quyết lòng tìm đạo, nên đạo của ngài sáng lên. Nói cách khác, tâm ngài sáng tỏ, thấy duyên mở đạo, mới lập Thiên Thai Thiền Giáo tông, nghĩa là ngài thấy vào thời kỳ này, người Pháp cho thành lập hội, nên ngài lập hội được. Đó là cái thấy đúng đắn của Tổ.

Năm 1981, khi tôi được giao trách nhiệm làm Trưởng ban Hoằng pháp, tôi đến đảnh lễ Hòa thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận. Tôi thỉnh ý Hòa thượng dạy cho tôi hoằng pháp cách nào ở nước xã hội chủ nghĩa, vì ngài đã sống ở miền Bắc rất lâu. Hòa thượng nói rằng người ta cho hoằng pháp cách nào thì làm cách đó. Câu nói đơn giản của ngài, nhưng đối với tôi rất quan trọng, Nhà nước cho làm gì thì làm, không cho mà làm là bị cản trở, cho đến tù tội và chết chóc.

Ngoài ra, hoằng pháp với quần chúng nhân dân thì nhân dân cần gì, ta cho họ cái đó; cho cái họ cần là người đắc đạo, sống với đạo. Hòa thượng Pháp chủ sống trong xã hội chủ nghĩa hoàn toàn yên ổn là vì ngài làm đúng những gì Nhà nước cho phép và quần chúng cần gì, ngài làm cái đó. Vì vậy, ngài được tôn kính.

Tổ chức Thiên Thai Thiền Giáo tông được chính quyền Pháp cho phép hoạt động, đương nhiên hoạt động không bị trở ngại. Như vậy, ngộ đạo của Tổ Huệ Đăng là ngài đã thấy rõ thời kỳ đó, ở hoàn cảnh đó và với những người đó, thì Ngài làm được việc gì tốt nhất. Vì vậy, phải nói ở thời kỳ đó, Thiên Thai Thiền Giáo tông của Tổ được phát triển mạnh so với các hội đoàn khác bị hạn chế. Nhờ vậy, hội của chúng ta hoạt động khắp các tỉnh Nam Kỳ không bị chướng ngại.

Có thầy hỏi, Tổ dạy rằng nên tụng quyển 7 kinh Pháp hoa. Cầu an, cầu siêu, hay cầu gì cũng tụng quyển 7. Học quyển 7, tu quyển 7 và truyền bá quyển 7 là quan trọng nhất.

Các thầy thọ học với Tổ, đối với quyển 7 kinh Pháp hoa, mỗi người hiểu một cách, ứng dụng một cách. Hòa thượng Huê Nghiêm nói Tổ chỉ dạy như vậy, nên ngài chuyên tụng quyển 7 một cách thành tâm và lạy thêm Ngũ hối, tụng chú Chuẩn Đề. Với cách chuyên hành trì như vậy, Hòa thượng Huê Nghiêm chữa khỏi nhiều bệnh, nhất là bệnh tà.

Như vậy, cùng là học trò của Tổ Thiên Thai, mỗi người làm một cách, nhưng phải hết lòng tin tưởng mới có hiệu quả. Một Hòa thượng khác cũng tụng quyển 7 và nói với tôi rằng chú phải tìm xem quyển 7, Phật dạy gì thì theo đó mà làm, mà tu.

Riêng tôi, sau nhiều năm tháng hành trì, tôi đã nhận ra nghĩa lý của quyển 7. Trước nhất, tôi thấy Bồ-tát Dược Vương có danh hiệu là Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến Bồ-tát. Tôi suy nghĩ làm sao mà mọi người muốn thấy Dược Vương. Trong kinh nói vì Dược Vương chứng được Giải nhứt thiết ngữ ngôn đà-la-ni.

Như vậy, học theo Dược Vương, để mọi người muốn thấy chúng ta thì ta phải hiểu được lòng người. Tăng Ni làm đạo, phải làm sao hiểu lòng người. Tôi lại nhớ kinh Pháp hoa, Phật dạy chúng ta rằng chúng sanh muốn gì, nghĩ gì, làm được gì, nếu ta giải đáp đúng ba điều này là chúng sanh muốn thấy ta.

Quán chiếu nghĩa lý của quyển 7 kinh Pháp hoa như vậy, tôi sáng ra, từ đó, cuộc đời tu của tôi là làm sao biết rõ người muốn gì, nghĩ gì, làm được gì và tôi tùy duyên mà đáp ứng cho họ giải tỏa được vướng mắc, buồn phiền và có cuộc sống tốt đẹp theo Phật.

Tổ của chúng ta ngộ yếu lý của quyển 7 mà mở đạo thành công. Nếu chúng ta không thấy lòng người, cứ bắt buộc người làm theo mình, chắc chắn không được. Người không theo làm ta buồn phiền, đau khổ là  rơi vào ma đạo, thuộc phiền não thì cách đạo xa, không thể ngộ đạo, không truyền đạo được.

Tôi gợi một số ý để quý vị hiểu rõ thêm về công hạnh của Tổ và áp dụng được điều Tổ dạy có kết quả tốt đẹp. Cầu Tổ gia hộ cho quý vị thấy đạo và truyền đạo được giống như Tổ đã làm.

HT.Thích Trí Quảng

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC