Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 20/02/2017 17:47 PM 
Bắc Giang: Lễ khai Pháp đầu xuân Đinh Dậu tại chùa Ích Minh
Ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Dậu, nhằm ngày 19 tháng 02 năm 2017, chùa Ích Minh - thôn Đồng Ích - xã Hương Mai - huyện Việt Yên - tỉnh Bắc Giang đã trang nghiêm tổ chức buổi lễ khai Pháp đầu xuân Đinh Dậu với sự tham dự của hơn 300 Phật tử địa phương.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp TW GHPGVN; Đại đức Thích Pháp Minh - Ủy viên Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Bắc Giang; Đại đức trụ trì Thích Pháp Tuệ - Ủy viên Ban Thông tin truyền thông TW GHPGVN kiêm Trưởng ban Thông tin truyền thông tỉnh Bắc Giang cùng chư tôn đức Tăng Ni trong Ban trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Giang.
Mở đầu buổi lễ là lời phát biểu khai mạc của Đại đức Thích Pháp Tuệ. Sau đó, đối trước chư tôn đức, đại diện Phật tử Đạo tràng Hương Mai - bà Lê Thị Nghĩa đã dâng lời tri ân sâu sắc tới Hòa thượng ân sư cùng nhị vị Đại đức Giáo thọ, đồng thời dâng lời phát nguyện tinh tiến tu học trong năm mới Đinh Dậu. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Trước lời phát nguyện chí thành ấy, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời tán thán tới sự tinh tiến, nỗ lực tu tập của Phật tử Đạo tràng bản tự trong thời pháp thoại đầu xuân mới. Cũng nhân dịp này, Hòa thượng đã chia sẻ cho đại chúng về “Công đức của người thuyết pháp và người nghe pháp”. 
Trong giáo pháp của Đức Phật có đề cập tới hai vấn đề mà trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã dạy – “Hạnh phúc thay những người biết nói Pháp” và “Hạnh phúc thay những người biết nghe Pháp”. Có nghĩa rằng, tất cả những người đệ tử của Đức Phật xuất gia hay tại gia đều phải làm tròn trách nhiệm của mình. Thứ nhất là phải tu học Phật pháp, trau dồi cho mình một kiến thức về những lời Đức Phật dạy từ giáo lý căn bản cho tới nghĩa lý uyên sâu, huyền diệu trong Tam Tạng Thánh Giáo cả về Sự lẫn Lý. Khi mình đã am hiểu thấm nhuần lời Phật dạy rồi thì phải đem những gì mình học được, mình tu mình áp dụng được trong thực tế thấy có lợi ích để trao tặng lại cho những người có ảnh hưởng, kết duyên với mình trong cuộc sống. 
Những người tu Phật không kể người xuất gia hay người tại gia đều phải có Phúc – Tuệ song tu. Có Phúc mà không có Tuệ thì không hiểu được Phật pháp. Nhưng nếu có Tuệ mà không có Phúc thì chưa trọn vẹn thành người đệ tử Phật. 
Nếu chúng ta đã được nghe pháp, chúng ta sẽ hiểu an vui hay tai họa đều không phải cho Phật ban hay do Trời giáng, mà tất cả ở chính nơi bản thân chúng ta. Chúng ta phải biết tu tập, chuyển hóa, làm lành tránh dữ, sống từ bi hỷ xả, nghe lời Phật dạy “buông bỏ muôn duyên một lòng niệm Phật”, ứng dụng những lời Đức Phật dạy thì cuộc sống mới được an lành, phải biết tin vào luật Nhân Quả, gieo nhân lành thì mới hi vọng gặt được quả ngọt, những điều không vui mình nhận được là do mình đã gieo quả xấu trong quá khứ từ nhiều đời nhiều kiếp, những điều tốt đẹp mình nhận được cũng là do mình đã gieo trồng căn lành, sống phúc đức từ bi từ trong quá khứ.
Chư Tổ trước kia cũng đem những lời Phật dạy để truyền cho Tổ tiên chúng ta, và Tổ tiên đã nhận những lời dạy đó để áp dụng vào thành những câu ca dao, tục ngữ mà truyền tải vào trong cuộc sống. 
Hòa thượng cũng nhấn mạnh tới quý Phật tử “tại các buổi thuyết pháp, các thầy giảng dạy, các vị nghe và phải nghĩ, rồi tu tập, nhận biết được chân thực những lời Phật dạy, từ đó suy ngẫm và áp dụng truyền tải vào trong gia đình, cộng đồng và cuộc sống của chính quý vị. Khi chúng ta đã nghe được lời Phật dạy rồi, thì phải tâm tâm niệm niệm xem lời Phật dạy đó đưa vào cuộc sống của chúng ta như thế nào. Chúng ta phải có trí tuệ học Pháp. Trong Kinh Tám Điều Đức Phật cũng dạy duy tuệ thị nghiệp. Chỉ có trí tuệ mới làm nên sự nghiệp”.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng mỗi người Phật tử phải quán chiếu được tinh thần thường niệm tri túc, sống từ bi hỷ xả, biết phóng sinh bố thí tạo phúc, biết nghe và hiểu được những lời Phật dạy thông qua những câu kinh lời kệ, hay qua những thời pháp thoại của quý Thầy truyền trao. "Người Phật tử phải luôn ý thức được từng bước chân lên mặt đất có chà đạp vào côn trùng không, người xung quanh của mình có những ai hoạn nạn mình cứu giúp, trong đạo tràng tu tập có người nào đó ốm đau khó khăn mình giúp đỡ hỗ trợ và hỏi thăm, vui mừng trước những thành tựu của người xung quanh, xả bỏ đi những thói hư tật xấu, xả bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín cuồng loạn. Đấy mới là sự tu tập mà có tinh thần Phật pháp trong đó".
Thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng đã khép lại buổi lễ khai pháp đầu năm Đinh Dậu trong niềm hoan hỷ an lạc vô biên của toàn thể đại chúng.

 
 
 
 
 
 


BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC