Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Tư tưởng Phật giáo › Bài viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 10/03/2017 10:02 AM 
KINH NGHIỆM HOẰNG PHÁP - Phần 3: Từ kinh Pháp hoa nhìn về kinh Nguyên thủy
Trường chúng ta lấy kinh Nguyên thủy làm gốc, lấy kinh Đại thừa làm phương tiện giáo hóa. Vì chỉ giữ tạng kinh Nikaya, thì rơi vô cục bộ, hay chỉ giữ kinh Đại thừa, không đối chiếu với Nikaya dễ bị sai lầm. Trường chúng ta kết hợp cả hai, các thầy cô học Nikaya lấy đó làm nền tảng và sau học kinh Đại thừa cũng đối chiếu với kinh Nguyên thủy, không được rời kinh Nguyên thủy.

Về kinh Đại thừa, tôi chọn ba bộ kinh: Pháp hoa, Hoa nghiêm và Bát-nhã làm nền. Đương nhiên các kinh khác, chúng ta cũng đưa vô được, nhưng cũng phải đem đối chiếu với kinh Nguyên thủy. Cái nào không thích hợp, chúng ta không chê, nhưng không sử dụng.

Trường chúng ta cũng có môn học bắt buộc là kinh Pháp hoa, giáo sư khác dạy bộ kinh này, còn tôi chỉ nhắm vô khía cạnh hoằng pháp khi triển khai kinh Pháp hoa.

Đứng lập trường Pháp hoa nhìn Nguyên thủy bằng cách nào. Kinh Pháp hoa nói rằng trước khi Phật nói kinh này, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa. Theo  tôi, kinh Vô lượng nghĩa là kinh Nguyên thủy, nghĩa là từ kinh Nguyên thủy, nhưng chúng ta tìm thấy được nghĩa lý sâu hơn và triển khai những yếu nghĩa này, tập hợp thành kinh Vô lượng nghĩa.

Trước nhất, chúng ta học kinh văn tự và nếu chấp vào chữ nghĩa là phải như thế, thiết nghĩ không thể đúng được. Đương nhiên lấy kinh văn tự làm nền tảng là phần căn bản. Nhưng qua phần hai sâu hơn là nghĩa lý sâu xa ẩn chứa bên trong cũng rất quan trọng theo tinh thần Đại thừa. Kinh văn tự ai cũng đọc được, nhưng hiểu nghĩa lý sâu thì mỗi người hiểu khác nhau.

Vì vậy, kinh là một, nhưng vì trình độ khác phải hiểu khác, nên gọi là Vô lượng nghĩa, tức có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng trở về Nguyên thủy, dù nhiều nghĩa, cũng không nằm ngoài ba nghĩa chính là đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho cuộc đời. Kinh Nguyên thủy cũng như các bộ kinh Đại thừa đều dạy chúng ta thực hiện ba điều chính yếu này.

Thật vậy, Phật giáo chỉ nhằm xây dựng mẫu người đạo đức trên nhân gian. Con người không đạo đức thì không dùng được. Kinh Nguyên thủy đào tạo người tốt trong xã hội là Hiền nhân và Thánh nhân. Phật dạy các Tỳ-kheo tuyệt đối không chống trái việc người khác khi tiếp xúc. Chúng ta không tranh cãi hơn thua, không trái với suy nghĩ và đời sống của người khác là đạo đức của Phật giáo.

Theo tôi, người tốt là người không làm mất lòng ai. Đó cũng là lập trường căn bản nhất khi tôi nhận trách nhiệm hoằng pháp. Việc đầu tiên, đối với các thầy Bắc tông, tôi rất gần, nhưng khi đến tịnh xá, tôi cũng không làm mất lòng các vị Khất sĩ. Ngoài ra, thuyết pháp, tôi không làm mất lòng các thầy Nam tông. Còn thuyết pháp mà chống phá tất cả mọi người, chắc chắn không thể sống được, dù giỏi.

Trên bước đường tu, Phật dạy chúng ta không làm mất lòng người, như các Tỳ-kheo vào làng khất thực giống như ong lấy mật hoa không làm hư hoa. Tu là thế, không thể khác. Phật có cái nhìn tổng quát về các tôn giáo đương thời và Ngài chia sẻ việc tu hành, Ngài nói đúng với suy nghĩ của họ, họ mới theo. Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp và Xá Lợi Phất là giáo chủ ngoại đạo theo Phật, vì Phật giúp họ an lạc, giải thoát.

Chúng ta thay Phật truyền bá Chánh pháp cũng phải làm như vậy. Nếu chúng ta làm mất lòng ba người anh em: Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ là tự phá nhau, tự hại mình, phạm điều tối kỵ.

Nói không làm mất lòng thì nên nói. Yên lặng không làm mất lòng, nên yên lặng. Đáng nói, ta nói là Chánh pháp. Đáng yên lặng, ta yên lặng là Chánh pháp. Mặc áo Sa-môn, nói Chánh pháp nhưng làm mất lòng người là tà nhân nói Chánh pháp khiến cho người phỉ báng Phật, chê bai Phật giáo.

Làm người tốt, làm Sa-môn tốt, làm Thánh Tăng trên cuộc đời là nền tảng đạo đức của kinh Pháp hoa.Không có đạo đức, đừng  nói cái khác cho phí công. Đạo đức là giới, nhưng không nói như vậy, vì sợ rơi vô chấp giới.

Nghĩa thứ hai của Vô lượng nghĩa là trí tuệ. Trí tuệ là định và tuệ, vì định mới sanh tuệ. Và có tuệ để chúng ta thấy nhân duyên sanh các pháp. Các pháp vốn không thật, vì do nhân duyên mà sanh và theo nhân duyên mà diệt. Cho nên nhân duyên sanh, ta nói nó sanh. Nhân duyên diệt, ta nói nó diệt. Nói ngược lại là sai lầm lớn.

Một giáo sư Nhật lấy thí dụ rất hay. Ông giảng rằng các thầy cố chấp lời Phật dạy là phạm sai lầm lớn. Thí dụ Phật đang thuyết pháp, có con chim bay ngang. Phật chỉ cho mọi người thấy con chim phượng hoàng đang bay trên bầu trời. Nhưng nếu các thầy lặp lại, nói con chim đang bay thì không còn đúng. Muốn lặp lại, phải nói chim đã bay qua rồi.

Nếu biết Phật giáo diệt mà cố làm cho nó sanh là mất mạng. Cho nên tôi thấy một số thầy ẩn tu chờ Phật Di Lặc ra đời, vì xuất hiện sẽ thọ nạn. Nhưng nhân duyên sanh mà không làm đạo, chúng ta đánh mất cơ hội. Thực tế cho thấy sau ngày giải phóng đất nước, tất cả sinh hoạt bị hạn chế, nếu ra thuyết pháp e rằng khó sống. Nhưng ngày nay, Nhà nước công nhận tôn giáo, nhất là Phật giáo, mà chúng ta không làm là bỏ mất cơ hội tốt.

Tôi làm được việc không phải vì giỏi. Lúc trước chưa làm được, nên nhiều người giỏi hơn tôi cũng không làm được. Chúng ta xây dựng được ngôi trường này, có thể tập hợp người tới, vì Nhà nước cấp đất, cấp phép, Tăng Ni, Phật tử ủng hộ. Mấy chục năm trước mà tập hợp đến đây, chắc chắn gặp nạn.

Quan trọng trong việc hành đạo, các pháp sanh, ta theo đó sanh. Các pháp diệt, ta theo đó diệt. Phật giáo phát triển được thì ta phát triển. Phật giáo diệt thì ta ẩn tu. Làm được mà không làm là rơi vô ích kỷ. Không làm được mà cố làm là bỏ mạng.

Phật khẳng định thấy pháp sanh diệt là người đã chứng Vô sanh, nên tùy theo sanh diệt mà xuất hiện trên cuộc đời để giáo hóa độ sanh, không phải lúc nào ta cũng làm được.

Việc thứ ba trong kinh Nguyên thủy, Phật dạy mỗi người đắc Thánh quả đi một hướng, đem hiểu biết, tu chứng dạy người, đừng bỏn sẻn, ích kỷ. Vì có người học được, nhưng không muốn làm.

Chúng ta học được, phải nghĩ đến ơn người trước, ơn thầy Tổ, nên làm để trả ơn. Tôi giảng dạy Tăng Ni là tôi đã trả ơn Phật, ơn thầy Tổ. Không làm như vậy, tôi thiếu nợ đàn-na thí chủ, thiếu nợ Phật, nợ thầy Tổ. Làm là báo ơn, nói rõ là làm lợi ích cuộc đời. Kinh Nguyên thủy cũng ghi rõ ý này.

Vì vậy, đọc kinh Vô lượng nghĩa, lấy ba ý chính là đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho đời, ghi nhớ ba ý này đem vô tâm mình. Từ ba ý này sanh ra muôn ngàn ý khác để ứng dụng, kinh Đại thừa thường nói là lấy bất biến ứng vạn biến. Thiên biến vạn hóa cũng từ cốt lõi ba điều này. Đó là ý nghĩa từ kinh Pháp hoa nhìn ngược về kinh Nguyên thủy có một sự xuyên suốt.

Trước khi nói kinh Pháp hoa, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa. Nói rõ là kinh Nikaya có trước kinh Pháp hoa. Và kinh Pháp hoa là đạo đức và trí tuệ cao nhất của con người cùng với việc làm lợi lạc cho nhân sinh, ba điều quan trọng này kết hợp lại mà thành bộ kinh Pháp hoa đúng nghĩa. Không phải kinh Pháp hoa là bộ kinh giấy trắng mực đen.

Đạo đức trong sạch như hoa sen và trí tuệ cao tột là Diệu pháp được ví như viên ngọc Ma ni. Vì vậy, kinh Pháp hoa tiêu biểu cho viên ngọc sáng nằm trong hoa sen, tức giáo pháp nằm trong con người đức hạnh.

Giáo pháp Phật từ kinh Nguyên thủy phát triển nghĩa lý sâu xa thành kinh Đại thừa và được truyền sang Tây Tạng, Ngài Liên Hoa Sanh dựng thành một câu là Um Mani Pad Me Hum, tức hoa sen chứa một viên ngọc. Nói cách khác, giáo lý Phật, hay một đời giáo hóa độ sanh của Phật trong 45 năm, hay 49 năm thể hiện trong kinh Nikaya và kinh Pháp hoa, nói lên đạo hạnh thánh thiện và trí tuệ siêu tuyệt của Phật, kết tinh thành một viên ngọc sáng trong hoa sen.

Đi vào Pháp hoa qua kinh Vô lượng nghĩa để chúng ta phát huy đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho đời. Điều này, đọc lại bài nguyện hương sẽ thấy rõ: Giới hương, định hương, dữ huệ hương, giải thoát, giải thoát tri kiến hương… Năm phần tâm hương này nếu phát huy đúng như pháp, sẽ trở thành Pháp thân của chúng ta. Còn Pháp thân Phật ở đâu.

Pháp thân Phật ở trong sanh thân Phật, trong viên mãn Báo thân Phật. Ta cũng có Pháp thân, nhưng chưa phát huy được Pháp thân, vì còn phiền não, nghiệp chướng, trần lao. Người ta thường nói kẻ thù lớn nhất của đời ta là ta. Ta này là nghiệp chướng, là phiền não của ta. Nhưng vì lầm chấp nghiệp và phiền não là ta, nên phải khổ với cái thân này.

Phật dạy rằng thân tứ đại ngũ uẩn của mọi người giống nhau, nhưng khác nhau ở điểm biết sử dụng thân này tu để chuyển hóa sanh thân thành thân đạo đức là Thánh hiền. Thân phi đạo đức là ác ma. Như vậy, mọi người khác nhau ở điểm chuyển biến ngũ uẩn thành Pháp thân. Từ đó, Phật dạy tất cả mọi việc, mọi người, nói chung là tất cả các pháp đều có thể thay đổi, chuyển hóa được.

Phật nói thân người là quý, phải trân trọng nó, không phải thân này là kẻ thù. Vì có thân người, ta mới có thể chuyển hóa thành Thánh hiền. Thân này tạo phiền não, trần lao, nghiệp chướng, nhưng ta tu, chuyển hóa phiền não, trần lao, nghiệp chướng thành Pháp thân của chúng ta là thân đạo đức, thân trí tuệ, thân làm lợi ích cho người. 

HT.Thích Trí Quảng

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC