Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 17/04/2017 18:51 PM 
Lễ khởi công động thổ ngôi chính điện và lầu chuông, lầu khánh chùa Nghiêm Phúc
Sáng ngày 16 tháng 04 năm 2017, nhằm ngày 20 tháng 03 năm Đinh Dậu, chư Tăng và Phật tử chùa Nghiêm Phúc – thôn Thuần Mỹ - xã Trạch Mỹ Lộc – huyện Phúc Thọ - HN đã trang nghiêm, trọng thể tổ chức lễ khởi công động thổ Đại hùng bảo điện và lầu chuông, lầu khánh chùa.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Minh Tín – Ủy viên thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội kiêm Trưởng Ban giáo dục Tăng Ni, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Phật giáo Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN thị xã Sơn Tây; Thượng tọa Thích Minh Nguyên - Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN huyện Phúc Thọ, trụ trì chùa Nghiêm Phúc; Thượng tọa Thích Giải Hiền – Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó BTS GHPGVN huyện Vĩnh Lộc – tỉnh Thanh Hóa cùng chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa, tự viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về phía chính quyền có: Ông Ngọ Duy Hiểu – Đại biểu Quốc hội, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Ông Lê Văn Cửu – Phó giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban tôn giáo thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Hữu Quyết – Phó trưởng công an huyện Phúc Thọ cùng quý vị đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân Phật tử địa phương đã về tham dự buổi lễ.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu chương trình là lời phát biểu khai mạc của Thượng tọa Thích Minh Nguyên – Trưởng BTS GHPGVN huyện Phúc Thọ, trụ trì chùa Nghiêm Phúc. 
Chùa Nghiêm Phúc được tọa lạc ở hướng Tây của thôn Thuần Mỹ xã Trạch Mỹ Lộc huyện Phúc Thọ TP Hà Nội, được xây dựng vào năm Gia Long thứ 11 và được đại trùng tu lại vào năm Khải Định, gần đây nhất đã được đại tu vào năm 1996. Nhưng trải qua bao mùa mưa nắng, nay chính điện đã xuống cấp, vách tường rạn nứt, mái thấp, không có hiên, vào mùa mưa thì bị dột, hắt không còn đủ điều kiện để phục vụ cho chư tăng trong các thời khóa tu tập và Bố Tát cũng như nhu cầu sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của nhân dân và quý Phật tử địa phương.
Nay nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, dưới sự quan tâm chỉ dạy của Chư Tôn Đức trong Giáo Hội cũng như đồng thuận của nhân dân cùng sự cho phép của các cơ quan chính quyền. Ngôi chùa chính dự kiến sẽ khởi công trùng tu với tổng diện tích mặt bằng là 230m2 gồm ba hạng mục chùa chính bao gồm 3 gian hậu cung, 5 gian 2 trái tiền đường, lầu chuông, lầu khánh 8 mái. Nguồn kinh phí chủ yếu là xã hội hóa và dự trù kinh phí cho công trình là trên 8 tỷ. Với 3 hạng mục Chùa chính cùng lầu chuông, lầu khánh. (vật liệu tường xây bằng đá ong, và mái bằng gỗ mít), tạc thêm 23 pho tượng gỗ mít, sơn sửa lại 20 pho tượng với hình thức tượng sơn giả cổ, đúc thêm một quả khánh nặng 150kg và 4 quả chuông đẩu tổng trọng lượng nặng 145kg cùng sập thờ, hoành phi câu đối, cửa võng. Lát 500m2 sân bằng gạch bát cổ và mười cột đồng trụ bằng đá ong. ốp bệ Phật bằng gỗ bách xanh, dự kiến xây dựng trong một năm.

 
 
 
 
 
 
 
Ông Khuất Văn Lộc – Trưởng thôn thôn Thuần Mỹ đã trình bày sơ lược kế hoạch xây dựng chùa Nghiêm Phúc
 
Ông Hà Xuân Hùng – Chủ tịch UBND xã Trạch Mỹ Lộc đại diện chính quyền phát biểu chúc mừng buổi lễ
 
 

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ nói lên ý nghĩa của ngôi chùa trong đời sống tâm linh của người Việt từ xa xưa tới nay, cũng như công đức của việc “làm chùa, tô tượng, đúc chuông”. Hòa thượng đã nhấn mạnh “Đối với ngôi chùa nào, tòa Tam Bảo là tòa thờ quan trọng nhất. Nếu nói về địa lý thì sẽ được dựng ở trung tâm, giữa các công trình hạng mục xung quanh. Còn nếu nói về sự tôn kính thì Đại hùng bảo điện là nơi tôn kính nhất trong một ngôi chùa”. Trong lời đạo từ, Hòa thượng cũng đã chia sẻ về lịch sử quá trình hình thành ngôi chùa, “quay ngược dòng lịch sử về cách đây hơn 2600 năm khi Đức Thế Tôn còn tại thế, sau khi rời khỏi hoàng cung xuất gia tu đạo thành Phật, hoằng hóa thì suốt 45 năm thuyết pháp theo Nam truyền hay 49 năm thuyết pháp theo Bắc truyền, Đức Thế Tôn chủ trương cho đệ tử du hóa, tức là không ở nơi đâu một thời gian dài, mà đi hoằng hóa từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ hải đảo cho tới đất liền, để hòa nhập với đại chúng. Trước giờ Ngọ một lần ăn, giữa đêm một lần nghỉ chỉ có 3 tấm y và 1 bình bát “Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, kỳ vị sinh tử sự, giáo hóa độ xuân thu”. Trải qua năm tháng, thân tứ đại của Đức Thế Tôn cũng dần dần theo quy luật của sinh – già – bệnh – chết. Năm Đức Thế Tôn 55 tuổi, các đệ tử thấy rằng cần phải có người hầu Đức Thế Tôn khi đau ốm, và cần có một nơi để Thế Tôn an trú. Do đó, đại chúng tìm người thị giả và đã cử được Tôn giả A Nan làm thị giả cho Phật. Và công cuộc tìm nơi xây dựng Tinh Xá đã do Đại trưởng giả Tu Đạt tức là Ngài Cấp Cô Độc là một đại trưởng giả giàu lòng tôn kính Tam Bảo. Ông đã tìm và chọn được thế đất của Thái tử Kỳ Đà. Sau đó, sự nhất tâm của đại trưởng giả Tu Đạt đã chạm tới trái tim của thái tử Kỳ Đà, và thái tử quyết định dâng cúng đất cho Đức Phật. Tinh Xá được dựng lên với tên gọi là Tinh Xá Trúc Lâm, giao cho Ngài trưởng lão Xá Lợi Phất trụ trì. Đấy là ngôi nhà Phật ở đầu tiên. Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn năm 80 tuổi, giáo pháp của Ngài được các đại đệ tử hoằng truyền, lan tỏa ra các nước và cho tới ngày nay khắp 5 châu 4 biển. Hơn hai nghìn năm có lẻ về trước, trên đất Giao Châu của chúng ta, Tổ tiên ta đã đón nhận ánh sáng của Đức Phật qua các vị Phạn Tăng cùng các thương gia từ Ấn Độ sang Giao Châu buôn bán làm ăn, và hình thành nên Đạo Phật ở tại đất Giao Châu – đất Việt Nam của chúng ta. Những ngôi chùa được thờ Phật, được dần dần xây dựng và ngày nay vẫn còn hiện hữu trên đất Việt đó là chùa Pháp Vân (Thuận Thành – Bắc Ninh) hay còn gọi là chùa Dâu. Ngôi chùa vẫn còn hiện hữu và có thể coi như là một ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Rồi cho tới các triều đại, đặc biệt là triều đại Lý – Trần. Tuy trong văn bản không ghi chép lại, nhưng hai vương triều đều lấy Đạo Phật làm Quốc giáo, từ vua quan cho tới người dân lao động đều phụng thờ Tam Bảo, thụ trì 3 phép quy và 5 giới, tụng đọc kinh 42 chương, tu giáo lý thập thiện. Dân tộc Việt Nam đón nhận lời Phật dạy và dần dần những lời Phật dạy đó ăn sâu vào trong các ca dao, tục ngữ để dạy con người chúng ta. Đó là một di sản văn hóa phi vật thể còn lưu lại trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Song song bên cạnh đó, các vị xuất gia đương thời cùng với những người thế tục đương thời, đó là các bậc Tổ sư trong Phật giáo và Tổ tiên của chúng ta trong quá khứ đã đón nhận Đạo Phật tới từng địa phương, đặc biệt đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam làng nào cũng chọn thế đất đẹp để dựng ngôi chùa thờ Phật”.
Sau cùng, Hòa thượng mong rằng dưới sự trợ duyên của nhân dân Phật tử gần xa, sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, Thượng tọa trụ trì cùng chư tôn đức Tăng bản tự sẽ xây dựng ngôi chùa Nghiêm Phúc ngày càng trang nghiêm, tố hảo, tổ chức thêm nhiều khóa tu dành cho mọi lứa tuổi, đáp ứng được nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của nhân dân Phật tử thập phương, giúp Phật giáo huyện nhà ngày càng phát triển hơn nữa.

 
 
 
 
 

Cuối buổi lễ, chư tôn đức Tăng Ni và đại diện chính quyền cùng toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, thực hiện nghi thức động thổ ngôi Đại hùng bảo điện và lầu chuông, lầu khánh chùa Nghiêm Phúc, thả chim bồ câu cầu nguyện thế giới hòa bình, Phật pháp xương long, nhân dân an lạc hạnh phúc.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC