Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 17/08/2017 15:51 PM 
HT Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình
Tối ngày 16 tháng 08 năm 2017, nhằm ngày 25 tháng 6 nhuận năm Đinh Dậu, nhận lời thỉnh mời của Ban tổ chức, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW đã quang lâm Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình thuyết pháp cho nhân dân Phật tử tỉnh nhà trước ngày khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Hòa Bình lần thứ II nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Về với tỉnh Hòa Bình lần này, Hòa thượng chia sẻ với đại chúng về lý tưởng hòa bình mà Đức Phật đã dạy xuyên suốt trong 49 năm thuyết pháp của Ngài (theo quan niệm Đại thừa). Cuộc đời của Đức Phật từ khi Ngài chuyển pháp luân độ cho 5 anh em thầy Kiều Trần Như, nói lên bài pháp Tứ Thánh Đế cho đến giờ phút trước khi nhập Niết Bàn Đức Phật nói kinh Di Giáo cuối cùng, giáo pháp của Ngài đều mang lại cho chúng ta niềm an lạc và chỉ ra nguyên nhân và cách diệt trừ sự đau khổ nơi con người. 
Phật giáo Việt Nam đã có trên 2000 năm lịch sử, từ buổi đầu ban sơ cho đến ngày hôm nay, giáo lý Đức Phật, hình ảnh vị sư, ngôi chùa thờ Phật, bài kinh tiếng kệ đã hình thành nên một tôn giáo là Đạo Phật Việt Nam. Tổ tiên người Việt chúng ta từ thời Giao Châu đến ngày nay đón nhận những tư tưởng hiếu đạo, tư tưởng hòa bình, thái độ khoan dung, tinh thần đoàn kết qua giáo lý Đức Phật để dạy con cháu trong muôn đời, đặc biệt là tinh thần hòa bình cầu mong quốc thái dân an, đó cũng chính là ước mơ từ nghìn đời của loài người, không phân biệt sắc tộc, màu da hay tôn giáo. Hơn nữa người Việt của chúng ta ảnh hưởng bởi nền giáo lý từ bi hỷ xả của Đức Phật, cho nên mong muốn đất nước được thanh bình, nhân dân được no ấm, mưa thuận gió hòa lúa tốt màu tươi.
Từ tư tưởng đó của thế giới nói chung và của người Việt nói riêng thể hiện trong cuộc sống mà người Việt luôn hướng tới, cho nên các địa danh của đất nước cũng như tên của con người cũng đều truyền tải bức thông điệp mong muốn hòa bình, an lạc. Cho nên tỉnh Hòa Bình cũng trong ý nghĩa đó. Qua đó, Hòa thượng đã tán thán công đức của Đại đức Thích Đức Nguyên – Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hòa Bình tuy là một vị Tăng trẻ, xuất gia học đạo ở thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình, nhưng lại bỏ nơi phồn hoa đô thị. Đại đức đã mang tư tưởng của “thành phố vì hòa bình” về tỉnh Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, nhận ngôi chùa đầu tiên cũng đặt tên “Hòa Bình” để hoằng pháp lợi sinh, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh xây dựng cuộc sống mới ổn định, an lành hơn, đưa Phật giáo tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.
Qua đó, Hòa thượng chia sẻ về câu chuyện của ngài Phú Lâu Na dấn thân về hành đạo tại nơi người dân còn chưa hiểu Đạo, Hòa thượng đã nhấn mạnh “Hòa bình hay chiến tranh, hận thù hay yêu thương, giận tức hay từ bi tất cả đều do con người gây nên và tự hóa giải. Tinh thần hòa bình chính là tinh thần Đức Phật dã dạy chúng ta trong suốt 49 năm thuyết pháp độ sinh. Cho nên khi nhắc tới Đạo Phật là nhắc tới tư tưởng hòa bình và chính Đức Phật được nhân loại tôn xưng là sứ giả của hòa bình. Nhưng sự thật cho thấy, tất cả đều nhắc đến hòa bình, nhưng chính cuộc sống hiện đại đã làm cho giá trị của hòa bình càng ngày càng xa rời, từng ngày từng giờ mỗi người đang chà đạp lên cuộc sống của nhau, tự làm đau khổ lẫn nhau trong từng hành động, lời nói và ý nghĩ”.
Sau đó, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng về những lời Phật dạy trong kinh điển mà Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu – Phó pháp chủ GHPGVN đã biên soạn thành một cuốn sách mang tên “Những lời dạy của Đức Phật về hòa bình”.
Hiện nay, với mọi phát minh các kỹ thuật mới giết người hàng loạt, với sự đe dọa mới của bom nguyên tử và bom khinh khí, có khả năng tiêu diệt hoàn cầu, Hòa bình trở thành nguồn cứu tinh duy nhất cho nhân loại. Do vậy những lời dạy của đức Phật, vị được tôn xưng là sứ giả của Hòa bình cần phải ôn lại, cần phải suy tầm suy tư, cần phải đem ra áp dụng và trở thành một nếp sống cho toàn thể loài Người.
Từ nạn chặt rừng, thức ăn bẩn, hủy hoại môi trường, làm ô nhiễm bầu không khí, phát động chiến tranh…tất cả đều do con người chúng ta tự gây ra. Nhưng Đức Phật luôn luôn vì một thế giới hòa bình, vì sự sống an lạc của muôn loài muôn vật. Ngài dạy chúng ta chỉ có bao dung, hỉ xả thì cuộc sống mới có tình yêu thương. Bởi hòa bình không phải điều gì xa lạ, mà chính ở ngay trong mỗi con người mà Đức Phật đã nhắm tới “Dở hay thực ở tâm thôi”. Do đó, những lời dạy của Đức Phật nếu chúng ta thấm nhuần được, chúng ta học và áp dụng được thì ít nhất chúng ta sẽ có sự hòa bình trong một gia đình vợ chồng con cái đoàn kết yêu thương nhau, rồi cho tới cộng đồng xã hội và lan rộng hơn tới cả thế giới mà chúng ta đang sống.
Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng hiểu về một số tư tưởng trong vô vàn những lời Đức Phật dạy về sự an lạc trong cuộc sống hòa bình. Đức Phật dạy:
"Này các Tỷ-kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc, cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh". (Tương Ưng I. 128)
Đó là những lời Đức Phật dạy cho tất cả chúng ta từ hàng xuất gia cho đến Phật tử tại gia. Hãy mang những lời dạy của Đức Phật đi đến khắp mọi nơi, không quản gian nan chẳng hề khó nhọc, như tinh thần tôn giả Phú Lâu Na – một vị đại đệ tử của Đức Phật được mệnh danh là Thuyết pháp đệ nhất, để những lời Phật dạy của Đức Phật được tất cả mọi người áp dụng vào cuộc sống.
Nói về tinh thần đấu tranh và hòa hợp, Đức Phật lại dạy: Chiến tranh nào cũng đem đến đau khổ vô lượng vô biên. Chiến thắng sinh thù oán, bại trận nếm khổ đau. Cho nên phương pháp hay nhất là đừng dùng chiến tranh để giải quyết các xung đột, nhưng phải tìm mọi phương tiện hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và các xung đột.
Đúng vậy, nếu chiến tranh đối lại bằng chiến tranh sẽ chỉ mang lại khổ đau, oán thù. Chỉ có sự bao dung, tha thứ mới mang lại sự an lành nhất “Hận thù diệt hận thù không bao giờ hết được – Từ bi diệt hận thù là định luật ngàn thu”.
Về sân hận và nhu hòa, Đức Phật dạy “Cho nên, tốt hơn là đừng nói lời thô ác đối với bất cứ ai, vì lời nói thô ác đem lại những lời thù hận và cho đến đao trượng chạm người. Cho đến thiên chủ Ðế Thích cũng khuyên chớ nên phẫn nộ, vì phẫn nộ nghiền người ác, như núi đá nghiền người.”. Vì vậy, Hòa thượng nhấn mạnh “chúng tôi đọc những lời đó để quý vị giữ lại trong tâm trí, để đối trị được sân hận. Sân là thứ nguy hại nhất trong cuộc sống. Sân sẽ phá tan sự hòa bình, sẽ làm cho bao sinh mệnh khổ đau. Đức Phật dạy Nhất sân chi hỏa – năng thiêu vạn dặm công đức chi lâm. Chỉ một sân hận nổi lên, tất cả mọi sự nghiệp sẽ tan tành. Nhẫn nại, từ hòa, yêu thương sẽ loại trừ được sân hận mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.
Đối với việc hại người và không làm hại người, Ðức Phật trong khi quan sát tâm trí của mọi loài chúng sinh đã tuyên bố rằng, mọi loài thương tự ngã của mình là tối thượng. Nếu chúng ta thương tự ngã của chúng ta, chớ có làm hại tự ngã của người. Mọi loài cầu an lạc. Hại người để cầu an lạc cho mình thật là hạ sách. Ðừng hại người mới là thượng sách đem lại hạnh phúc cho mình. Ðối với đức Phật, chỉ những ai thật sự không làm hại một ai, mới xứng danh là vị "Bất hại". 
Trong các kinh Đức Phật từng dạy, người ác mà hại người hiền ví như ngửa mặt lên trời mà nhổ bọt. Bọt không lên tới trời mà rơi vào mặt mình. Hại người tức là hại mình. Chúng ta hãy tin vào luật nhân quả, phải biết rằng hôm nay mình hại người thì ngày sau cũng sẽ có người hại mình. Hôm nay mình làm phúc cho người nhưng một lúc nào đó mình cũng sẽ được hưởng phúc báo của việc làm phúc hôm nay. Hãy gieo trồng những nhân tốt, tránh điều ác làm điều lành giữ thân tâm trong sạch, quả vị tương lai ngày sau chắc chắn sẽ được gặp Phật, được làm người phúc đức trí tuệ, căn tướng đầy đủ, cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc. 
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng mỗi vị Phật tử hiện diện nơi đây đều đang sống trong một địa danh được mong muốn lúc nào cũng hòa bình thì chính chúng ta hãy thực hiện những lời dạy của Đức Phật về hòa bình, bác ái, yêu thương, từ bi hỷ xả để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, một xã hội an lạc, một thế giới hòa bình trong hiện tại và mai sau.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC