Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 26/10/2017 00:44 AM 
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng về nữ giới trong giáo lý nhà Phật
Chiều ngày 20/10/2017, nhằm ngày mùng 1 tháng 9 năm Đinh Dậu, tại giảng đường chùa Bằng – Linh Tiên Tự, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp thoại gửi tới toàn thể nữ Phật tử - những Ưu Bà Di tinh tiến nhân dịp ngày 20/10 – Ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Đã thành thông lệ, cứ đến ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, Đạo tràng Pháp Hoa chùa Bằng đều tụng kinh, nghe pháp, tu học tại giảng đường của Chùa. Ngày mùng 1 tháng 9 lần này trùng hợp đúng vào dịp kỷ niệm ngày 20/10 – Ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. 
Nhân dịp này, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm pháp tòa chia sẻ pháp thoại nhằm khích lệ, động viên tinh thần các bà, các mẹ, các chị về những lời Đức Phật ca tụng người nữ cư sĩ, đó là:
"Khéo làm các công việc - Thâu nhiếp người phục vụ
Sở hành vừa ý chồng - Giữ gìn của cất chứa
Đầy đủ tín và giới - Bố thí, không xan tham
Rửa sạch đường thượng đạo - Đến đời sau an lành
Như vậy là tám pháp - Nữ nhân có đầy đủ
Được gọi bậc có giới - Trú pháp, nói chân thật
Thành tựu tám chi phần - Nữ cư sĩ như vậy
Với giới hạnh đầy đủ - Sanh làm vị Thiên nữ
Với thân thật khả ái ... "
Thân phận người phụ nữ ở xã hội Ấn Độ cách đây 2.500 năm thường được xem như hạ lưu. Họ không được phép đi học để mở mang kiến thức và tham gia vào các hoạt động tôn giáo để phát triển tâm linh.
Nhận biết được tình trạng bất công và không lành mạnh này, Đức Phật đã cho phép họ được tham gia vào những hoạt động tôn giáo. Họ được phép gia nhập vào tăng đoàn Tỳ khiêu ni (bhikkhunī) với điều kiện phải gìn giữ thêm tám giới do Đức Phật chế định ngoài những giới mà Đức Phật đã chế định cho Tỳ khiêu tăng trước đây.
Những giới này không cố ý làm giảm đi nhân cách của họ mà chỉ nhằm vào những khuyết điểm đặc biệt của giới nữ và để hướng dẫn họ hoàn thành tốt đẹp cuộc sống phạm hạnh không bị trở ngại. Đây là cơ hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại mà người phụ nữ được phép tham dự vào tập thể của tăng chúng.
Đề cao phẩm hạnh của người phụ nữ trong xã hội ngày nay là chuyện khá bình thường, nhưng nếu đem sự việc đó trở lui về quá khứ đến xã hội Ấn Độ cách đây trên hai ngàn năm trăm năm quả là điều nan thuyết.  Thế mà Đức Phật đã làm điều khó làm; đã nói điều khó nói này trong thời điểm ấy.  Ngài đã giải phóng người phụ nữ khỏi những tư tưởng áp bức cố hữu, đã nâng cao quy chế cho hàng phụ nữ và dắt dẫn nữ giới thực hiện địa vị quan trọng của mình trong xã hội.  
Như chúng ta đã biết, nữ giới trong xã hội Ấn Độ bấy giờ được xem là không xứng đáng để hưởng bất luận điều gì cao hơn hàng tôi tớ của chồng, của cha, hay của anh.  Họ không bao giờ được sắp ngang hàng với nam giới trong xã hội.  
Với những lời thuyết giáo chân chính, đức Phật đã ghi sâu vào tâm não của dân chúng thời bấy giờ nhu cầu phải kính nể và tôn trọng phái nữ.  Ngài dạy người nam nên xem người nữ như chị, như em gái và hết lòng bảo vệ họ, nên đối xử hiền hòa, dịu dàng với vợ, xem vợ là ngang hàng với mình, và cho con gái những cơ hội thăng tiến giống như con trai.  
Ngài chưa từng khinh rẻ và xem nữ giới là những "ngọn đuốc soi sáng con đường dẫn xuống địa ngục" (Naraka màrgadvàrasya dìpikà) như Hemacondra, nhà văn hào Ấn.  Thực ra, đức Phật tôn trọng, không xem rẻ phẩm giá người nữ không có nghĩa là Ngài không ghi nhận bẩm chất yếu đuối của họ.  
Theo Ngài, tất cả tính thiện, ác; tốt, xấu ... đều có cả trong hai giới, nam và nữ.  Do vậy trong giáo huấn, Ngài đặt mỗi giới vào đúng vị trí của họ.  Nam hay nữ không còn là trở ngại cho việc thanh lọc thân tâm hay phục vụ độ tha. Đấy cũng chính là tinh thần bình đẳng dành cho nữ giới được thể hiện trong giáo lý Phật giáo.  
Giáo lý Phật giáo đề cao phẩm hạnh người phụ nữ, nhưng trong Phật giáo không chỉ tôn trọng nữ giới trên lý thuyết suông mà ngay sau sự ưu đãi này là một vấn đề rất thiết thực: quyền bình đẳng.  Ở đây, tuy nói về quyền bình đẳng giành cho nữ giới trên ba phương diện: xã hội, giáo đoàn, và vấn đề tu tập giải thoát nhưng kỳ thật đã bao hàm mọi mặt: vật chất, tinh thần; tính, tướng; thế gian và xuất thế gian, ... 
Và với những điều tốt đẹp mà Đức Phật nhìn nhận được ở người nữ, Hòa thượng mong rằng các vị Phật tử đang tu tập hãy noi theo những tấm gương của các bậc thân nữ đã chứng ngộ giải thoát, ví dụ như: hoàng hậu Khemà đã đắc quả A la hán trước khi xuất gia, là trường hợp của Isidàsi, một người phụ nữ đau khổ có bốn đời chồng, sau khi xuất gia sống đời giải thoát đã diễn tả trong một bài thơ nỗi niềm sung sướng vì đã thoát khỏi một cách vinh quang ba điều khó chịu…
Hòa thượng mong rằng, các Phật tử hãy tinh tiến tu tập bởi ai cũng sẽ có thể thành Phật, chỉ cần chuyển hóa tam độc Tham – Sân – Si thành những điều thiện lành, tốt đẹp, những ý niệm trong sạch. Có như vậy, cuộc sống hiện tại mới an lạc, hạnh phúc, sau này mới đạt được quả vị giải thoát, giác ngộ.

 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC