Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 29/11/2017 20:22 PM 
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Phụng Thánh
Chiều ngày 26 tháng 11 năm 2017, tại chùa Phụng Thánh – ngõ Cống Trắng – phố Khâm Thiên – phường Trung Phụng – quận Đống Đa – HN, nhận lời thỉnh mời của ni sư trụ trì Thích Đàm Nga, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm đạo tràng thuyết giảng với chủ đề “Ý nghĩa Kinh Chuyển Pháp Luân”.
Hơn 2 năm về trước, được sự hoan hỷ tạo mọi duyên lành của cố Ni trưởng trụ trì Thích Đàm Ánh, Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng – Phó pháp chủ GHPGVN đã thành lập đạo tràng nơi đây. Chính khi còn sinh thời, cố Ni trưởng cũng là một trong những người hoằng truyền Pháp Hoa, tạo mọi duyên lành nhất cho đạo tràng Pháp Hoa tu tập, dưới sự hướng dẫn của Phật tử Hoa Bích Đông cùng sự hỗ trợ của anh chị em trong đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc, chúng A Nan Phụng Thánh được tổ chức tu tập trang nghiêm, nề nếp. 
Khi Ni trưởng trụ trì viên tịch, công việc bản tự chưa được ổn định, do đó đạo tràng bị gián đoạn tu tập mất 2 năm, không phải là mất đi đạo tràng, mà chỉ là các Phật tử tu tập không đều đặn như trước được, các vị giảng sư cũng không đủ điều kiện đến giảng cho các vị. Nay ngôi chùa do sơn môn chốn Tổ Phụng Thánh và các quý Ni sư, huynh đệ, đệ tử của Cố Ni Trưởng đã hòa hợp nhau tiến cử Ni sư Thích Đàm Nga về trụ trì chùa Phụng Thánh để khêu đèn thắp hương thờ Phật, thờ Tổ và phụng sự nhang đăng, báo đáp tôn sư.
Qua đó, Hòa thượng đã tán thán công đức hòa hợp của quý Ni sư, huynh đệ, đệ tử của cố Ni trưởng nơi đây và hoan hỷ tán dương công đức của Ni sư Thích Đàm Nga đã tiếp tục lên ngôi trụ trì phụng sự Tam Bảo cần mẫn, thân thừa hòa thượng chư Tăng noi theo hạnh kính Tăng của cố Ni trưởng, hạnh dấn thân của cố Ni trưởng trong những hoạt động thiện nguyện. Đồng thời, Hòa thượng tán thán công đức của Phật tử Hoa Bích Đông vì muốn đạo tràng được tu tập ổn định mà đã cố gắng duy trì đạo tràng sinh hoạt mọi lúc mọi nơi có thể, không ngại khó, không ngại khổ.
Nhân lễ đại tường của cố Ni trưởng vắng bóng 2 năm, Hòa thượng đã nhắc lại những kỷ niệm và những công đức của cố Ni trưởng với Đạo Pháp, với dân tộc, để mỗi chúng ta không quên ơn, không phụ lòng cố Ni trưởng, cố gắng tu học tinh tiến, xây dựng Phật pháp ngày càng phát triển.
Hòa thượng nhấn mạnh “Buổi giảng hôm nay coi như là khai giảng lại Đạo tràng, cũng đồng thời là chuẩn bị cho lễ đại tường cố Ni trưởng, thành tâm tưởng nhớ tới giác linh Ni trưởng. Đồng thời, buổi giảng hôm nay cũng là hướng về sự thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc. Đây là Đại hội đầu tiên đọc bản kinh Chuyển Pháp Luân, nhân dịp Phật tử Hoa Minh Đông xin in lại bản kinh nên tôi quyết định giảng về bản kinh này để quý vị hiểu được sự nhiệm màu ở đây”.
Sau đó, Hòa thượng đã chia sẻ với đại chúng về ý nghĩa của bản kinh Chuyển Pháp Luân. Sau khi đắc đạo nơi cội Bồ Đề, Đức Phật nghĩ tới ông Uất Đầu Lam Phất, muốn độ cho ông, Nhưng khi Ngài đi tới nơi thì ông đã qua đời, Ngài liền đi tới xứ Ba La Nại nơi vườn Nai, nơi có 5 anh em thầy Kiều Trần Như đang tu ở đó, Ngài bắt đầu chuyển Pháp luân, mở ra một thời kỳ hoằng pháp. 
Trong bản kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật mở đầu bằng lời khuyên các tu sĩ không nên mắc vào hai cực đoan: Một là đam mê thú vui dục lạc thế gian, vì nó giả tạm, nhất thời, tầm thường, ngăn cản mọi tiến bộ tâm linh. Hai là khổ hạnh ép sát, nó làm mỏi mệt tinh thần, mê mờ trí tuệ và Ngài khuyên họ nên theo con đường trung đạo dẫn tới một cuộc sống thanh tịnh, trí tuệ, sáng suốt, giải thoát tối hậu. Đó là con đuờng đạo 8 nhánh.
Đức Phật giảng tiếp theo là Tứ diệu đế. Bốn chân lý nói về sự Khổ (Khổ đế), chân lý về nguyên nhân của sự Khổ (Tập đế), về sự diệt Khổ (Diệt đế) và về con đường diệt Khổ (Đạo đế). 
Trong bát chính đạo, điều đầu tiên là chính kiến, tức là nhìn nhận mọi sự vật như thực tri kiến. Đây là điều quan trọng nhất trong 8 con đường, Chúng ta đang nhìn thấy giáo lý của Đạo Phật đưa cuộc sống con người biết yêu thương nhau, đưa con người tới sự tỉnh giác bớt giận bỏ tham, nhìn thấy Đạo Phật là một tôn giáo lớn trong lòng dân tộc trong hàng nghìn năm qua, thấy Đạo Phật được ông bà tổ tiên đi theo từ xa xưa, nhìn thấy sự tu tập của Hòa thượng tôn sư, Ngài tu và chứng, tự giác ngộ và giác ngộ cho người khác để mình với người cùng nhau tu tập. Chúng ta đang thấy chúng ta được sống trong thời kỳ hạnh phúc thịnh trị, Đấy chính là các vị giữ được chính kiến. 
Con đường thứ hai Đức Phật dạy là suy nghĩ chân chính, không vọng tưởng, không mê lầm, không đi vào con đường quá sung sướng, Phật chính là sự giác ngộ, hàng ngày đọc lời Phật, tư duy và nghĩ đến lời Phật dạy, đoạn trừ thanh lọc những độc tố ở tâm chúng ta, chuyển hóa nó thành sự thanh tịnh. 
Con đường thứ ba Đức Phật dạy là chính ngữ tức là nói năng chân chính. Người Phật tử và một con người muốn được người khác yêu mến, tin tưởng thì phải có lời nói đoan trang, chân thật và ái ngữ. 
Con đường thứ tư chính là chính nghiệp, nghề nghiệp chân chính đưa con người ta đến niềm hạnh phúc an vui nhất.
Con đường thứ năm là chính mệnh, tức là có cuộc sống chân chính. Cuộc sống chân chính của người Phật tử chính là lúc nào cũng đường hoàng sống, đói cho sạch rách cho thơm, dù đói khổ thế nào cũng không bỏ bản hoài tu tập, dù khó khăn đến mấy cũng không chà đạp lên cuộc sống khác. Chính mệnh vô cùng quan trọng, là một người Phật tử hãy sống trong chính đạo, không đi theo con đường cực đoan, không sống buông lung, không sống quá khắt khe ép xác hành hạ bản thân. 
Con đường thứ sáu là chính tinh tiến, đức tinh tiến để vượt qua giải đãi mệt nhọc, tinh tiến để “hôn trầm tán loạn tránh xa, mọi người tự giác để mà tiến tu”. 
Con đường thức bảy là chính định, ai sống chú tâm tỉnh giác an trú trong chính niệm là người đó khỏe mạnh. Lúc nào cũng có chất “thiền” trong từng hành động, suy nghĩ để cuộc sống thảnh thơi, vững chãi.
Con đường thứ tám là chính tuệ, Phật giáo nói riêng và nhân loại nói chung đều đề cao trí tuệ. Đại hội lần này của Phật giáo cũng lấy chữ Trí tuệ đứng đầu để làm tiền đề phát triển Phật giáo. Làm việc, hành động và suy nghĩ trên tinh thần trí tuệ. Học Pháp, nghe Pháp có trí tuệ sẽ chuyển hóa rất nhanh, đi con đường đúng sẽ tiến tới quả vị giải thoát, không rơi vào đường mờ nẻo mê. Khi ta học giáo pháp Phật, tư duy trong trí tuệ, chúng ta sẽ hiểu 8 con đường chân chính đó, sẽ hiểu được Đạo Phật là trung đạo, giáo lý dạy con người ta sống chung đạo, không tả khuynh, không hữu khuynh, không đề cao phóng túng, cũng không ép xác khổ hạnh, ai đi được trên 8 con đường đó sẽ được an vui hạnh phúc.
Kết thúc bài giảng, Hòa thượng mong rằng tất cả các Phật tử hãy luôn giữ được tinh thần bát chính đạo cùng lối sống trung đạo, hiểu được sâu sắc những lời Đức Phật dạy, biết chuyển hóa thân tâm, tinh tiến nỗ lực tu học để cuộc sống an vui, giải thoát.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC