Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 22/12/2017 15:13 PM 
Hà Tĩnh: Lễ phạt mộc xây dựng ngôi Tam bảo chùa Đại Hùng - kinh đô Ngàn Hống
Sáng ngày 02.11.Đinh Dậu (19/12/2017) chùa Đại Hùng, phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh , Hà Tĩnh, tổ chức lễ phạt mộc xây dựng ngôi Đại hùng bảo điện và rót đồng đúc tượng Quốc tổ Hùng Vương và mẫu Âu Cơ.
Tham dự chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW , Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh;  HT. Thích Phước Minh – Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni GHPGVN tỉnh TT. Huế; Chư tôn đức Tăng, Ni BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Chư Tôn đức Tăng ni trú xứ tại tỉnh Nghệ An, Thái Bình.

 

Đại diện lãnh đạo chính quyền các cấp có ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đặng Quốc Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hoàng Trung Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện một số sở ban ngành; đại diện cấp Ủy chính quyền thị xã Hồng Lĩnh; phường Đậu Liêu các phòng ban, gần hơn 1000 Phật tử, nhân dân cùng tham dự.

 

Đại Hùng là một trong 4 ngôi cổ tự trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh gồm: Thiên Tượng, Long Đàm, Cực Lạc, Đại Hùng theo sử sách chép lại chùa được xây dựng vào đời nhà Trần, trên địa thế tuyệt đẹp thuộc dãy núi Hồng Lĩnh, độ cao khoảng100m so với mực nước biển. Trải qua biến thiên với thời gian và lịch sử nhiều hạng mục bị hư hỏng phế tích, hiện vật còn lưu giữ có quả chuông cao gần 1m nặng khoảng 100kg, trên chuông còn nguyên chữ “Đại Hùng Tự Chung”. Theo các dòng chữ được khắc trên chuông, chuông được đúc vào năm thứ 7 niên hiệu Cảnh Thịnh 1793 -1807.

 
Quả chuông còn sót lại của chùa Đại Hùng xưa
 
Mặt tiền quang cảnh chùa Đại Hùng ngày nay

Theo "Đại Việt Sử ký toàn thư", "Lĩnh Nam Chích Quái", "Thủy Kinh Chú Sớ" và từ các truyền thuyết, văn bia, thần phả, thần tích cũng như các công trình ngiên cứu, tham luận của các học giả, nhà sử học về thời kỳ Hồng Bàng đã khẳng định rằng: Kinh Dương Vương là cháu ba đời của vua Thần Nông, làm vua và đặt tên nước là Xích Quỷ vào khoảng năm 2879 (trước công nguyên). Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là nữ Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ là con gái cụ Đế Lai. Bà Âu Cơ sinh ra được bọc Rồng trăm trứng, nở trăm chàng trai, người con cả là Hùng Đoàn được cha truyền ngôi, phong là Hùng Quốc Vương , thành lập ra Nhà nước Văn Lang. Họ Hùng là cháu ba đời của Thủy Tổ Kinh Dương Vương (thuộc họ Hồng Bàng), truyền được 18 đời...
Buổi sơ khai lập nước, Kinh Dương Vương đóng đô tại núi Ngàn Hống và trở thành kinh đô Ngàn Hống (thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) Lạc Long Quân sau này trở thành vị vua trí dũng của nhà nước Văn Lang.

 

Trải qua sự thăng trầm của thời gian cùng sự thay đổi của vạn vật, ngôi chùa Đại Hùng thuộc Kinh Đô Ngàn hống xưa đã xuống cấp về mặt kiến trúc và quá chật chội không thể đảm bảo an toàn và đáp ứng được các sinh hoạt tâm linh với cấu trúc của một quần thể di tích lịch sử. Để bảo tồn và phát huy các giá trị của chốn thiền môn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân ngày một đông thầy trụ trì cùng phật tử bổn tự đã hoàn thành chính điện tạm thời thờ Phật và tu tập trong thời gian qua. 

 
Đại đức Thích Thanh Vượng báo cáo công tác triển khai xây dựng
 

Tại buổi lễ, Đại đức Thích Thanh Vượng đã tóm tắt báo cáo các hoạt động và công tác chuẩn bị trong thời gian qua, đồng thời nêu lên những khó khăn thuận lợi và mong muốn xây dựng ngôi Đại hùng bảo điện để tiếp nối lịch đại Tổ sư hoằng truyền Phật pháp cho bà con Phật tử có nơi tu học, khôi phục phát triển nơi đây xứng tầm kinh đô Ngàn Hống xưa, tạo sức hút cho nhu cầu du lịch tâm linh thân thiện với môi trường của người dân ngày càng tăng.

 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Văn Hồng - phó chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh gửi lời chúc mừng đại đức Thích Thanh Vượng và chùa Đại Hùng, khái lược quá trình hình thành và phát triển của chùa Đại Hùng cũng như ý nghĩa nhân văn trong đời sống và giáo dục xã hội cộng đồng của một ngôi chùa. Ông mong muốn các nhà hảo tâm và đồng bào Phật tử sẽ hết lòng ủng hộ để ngôi đại hùng bảo điện sớm thành tựu.
Cũng tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có đạo từ giảng về ý nghĩa ngôi chùa nêu cao ý nghĩa tinh thần dân tộc giá trị đạo đức của ngôi chùa mang lại, cũng như “đạo lý uống nước nhớ nguồn” của con Lạc cháu Hồng, Hòa thượng cũng tán thán Đại đức trụ trì một tăng trẻ với chí nguyện lớn đã phát tâm về Hà Tĩnh để hoằng pháp lợi sinh, Hòa thượng cám ơn lãnh đạo các cấp đã tạo điều kiện tốt đẹp để Phật giáo tỉnh nhà ngày càng phát triển đi lên trong sự phát triển chung của Giáo hội. Kế đó, Hòa thượng cũng khuyến tấn Phật tử phát tâm trợ duyên cho Phật sự sớm viên thành, hơn thế nữa là phải thường xuyên về chùa tu tập và khuyến hóa con em về chùa tu học Phật pháp.

 
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm ban đạo từ
 

Cuối buổi lễ, Chư tôn đức niêm hương bạch Phật sái tịnh, chú nguyện cho lễ rót đồng đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân, mẫu Âu Cơ và lễ phạt mộc, tham quan công trình chánh điện, nhà tổ đang trong tiến độ thi công.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Hồng Lam
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC