Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 22/12/2017 15:18 PM 
Đại lễ tưởng niệm Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Lịch đại chư vị Tổ sư Phật giáo Hà Tĩnh
Sáng ngày 03.11.Đinh Dậu (20/12/2017) tại chùa Cảm Sơn, phường Đại Nài, Tp. Hà Tĩnh, BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông theo tinh thần thông bạch số 347/TB-HĐTS của HĐTS, và trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm Lịch đại chư vị Tổ sư truyền giáo truyền giới qua các thời kỳ tại vùng đất Nghệ Tĩnh và tổ sư bổn tự Cảm Sơn.
Tham dự và chủ trì buổi lễ có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh;  Chư tôn đức Tăng, Ni BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Chư tôn đức Tăng ni trú xứ các chùa tại thành phố Hà Nội, và các tỉnh phía Bắc.

 
 

Đại diện lãnh đạo chính quyền có ông Trần Nam Hồng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh; ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Tĩnh, đại diện một số sở, ban, nghành, cấp tỉnh và thành phố Hà Tĩnh, gần hai ngàn Phật tử nhân dân về tham dự buổi lễ.

 

Thay mặt ban tổ chức đại lễ, TT. Thích Chiếu Tuệ – Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh cung tuyên tiểu sử của Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông Sơ tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam (1258 – 1308).
Theo đó, Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, Ngài sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh.
Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Năm 21 tuổi (1279), Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt, lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo.

 
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ cung tuyên tiêu sử Sơ tổ thiền phái Trúc Lâm

 

Sau khi chinh phạt Ai Lao Ngài trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian.Năm 1299, Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là "Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa.
Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 01/11/Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh.
Tại buổi lễ, Hòa thượng thích Bảo Nghiêm đã cung tuyên lời tưởng niệm Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông của TƯ GHPGVN.
Lời tưởng niệm nhấn mạnh vai trò của Sơ tổ Trần Nhân Tông đối với đạo pháp và dân tộc cũng như sự đặc biệt của Ngài là người đầu tiên từ bỏ ngôi vua vào Yên Tử quyết tâm sống đời xuất gia giải thoát, từ bỏ những hưởng thụ của thế gian, thực hành 12 hạnh Đầu-đà, tức sống khổ hạnh, đạm bạc…

 
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cung tuyên lời tưởng niệm Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông
 

“Từ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, phái Thiền Việt Nam đầu tiên do Tổ sáng lập đã được lập cước trên những di sản văn hóa muôn đời cho nhân thế, là Trần Nhân Tông thi tập. Đại Hưởng Hải Ấn thi tập, Tăng-già toái sự, Thạch Thất mị ngữ, Trung hưng thực lực
Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ sư đã dạy: ‘Tất cả pháp không sinh/ Tất cả pháp không diệt/ Ai hiểu được nghĩa này/ Thì chư Phật hiện tiền/ Nào có đến có đi’.
Do đó, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp toàn dân, phát huy Đạo Pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau…”
Đặc biệt, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã thắt chặt mối quan hệ giữa đạo và đời, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp trong xã hội. Dù đã thăng trầm theo sự thịnh hưng của dân tộc nhưng vẫn trường tồn xuyên suốt hơn 700 năm qua.
Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh chư tôn đức tăng ni, chính quyền địa phương, cùng đồng bào Phật tử và nhân dân đối trước tôn tượng Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông dâng hương bạch Phật, đảnh lễ tri ân Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm dành một phút nhập từ bi quán tưởng niệm, đảnh lễ tri ân lịch đại chư vị Tổ sư khai sơn tạo tự, truyền giáo truyền giới tại vùng đất Nghệ Tĩnh xưa và bổn tự Cảm Sơn và cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, đạo pháp trường tồn.

 
 

Được biết, sau thời gian gần như trở thành vùng đất trắng về Phật giáo, hơn 10 năm dưới sự dẫn dắt lãnh đạo của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm Phật giáo Hà Tĩnh đang dần hồi sinh với sức sống mạnh mẽ, diện mạo về mọi mặt được thay đổi và đang từng bước vững vàng phát triển hưng thịnh.
Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, từ năm 2008, TƯ GHPGVN và một số tỉnh thành đã tổ chức lễ tưởng niệm Sơ Tổ, Phật giáo Hà Tĩnh do nhân duyên chưa hội đủ nên chưa thể tổ chức, đến nay chùa cảnh đã khang trang, Tăng ni đầy đủ duyên lành hội đủ, BTS Phật giáo tỉnh quyết định lấy ngày 3.1 (âm lịch) hằng năm làm lễ tưởng niệm, kỷ niệm lịch đại chư vị Tổ sư tiền nhân khai sơn tạo tự qua các thời kỳ trên quê hương Nghệ Tĩnh và bổn tự Cảm Sơn, để cho Tăng ni phát huy truyền thống phụng thờ tổ tiên thể hiện tinh thần tri ân và biết ơn cũng như đạo lý “uống nước nhớ nguồn,ăn quả nhớ người trồng cây” của hàng hậu học - Hòa thượng nhấn mạnh.

 

Hòa thượng chia sẻ về việc tại sao Sơ Tổ tịch ngày mồng 1/11 nhưng làm lễ ngày mùng 3/11. Ngày xưa, do điều kiện xã hội chưa phát triển nên tin báo Sơ Tổ tịch từ am Ngọa Vân về đến Thiên Trường và hoàng cung là ngày mồng 3 nên ngày nay Phật giáo và nhân dân tỉnh Nam Định cũng lấy ngày này làm lễ tưởng niệm, với Phật giáo Hà Tĩnh bắt đầu từ hôm nay và mãi mãi ngày sau các thế hệ xin lấy ngày này (3.11.âm lịch) làm lễ tưởng niệm Ngài và Lịch đại tổ sư Phật giáo Hà Tĩnh, bản tự chùa tổ Cảm Sơn, đồng thời Hòa thượng khuyến khích các Tăng ni trụ trì các chùa trên địa bàn tỉnh chọn một ngày thích hợp trong năm để làm lễ tưởng niệm Tổ sư, coi đó là hiệp kỵ các Hòa thượng trụ trì và bậc tiền nhân khai sơn tạo tự hoằng pháp trên đất này nhằm thể hiện tinh thần tri ân và giữ lấy bản sắc phụng thờ tổ tiên như đạo thờ ông bà của dân tộc Việt-Hòa thượng nhắc lại và nhấn mạnh.
Trước đó, vào sáng sớm cùng ngày tại Tổ đường chùa Cảm Sơn Hòa thượng Trưởng ban cùng toàn thể Chư Tăng ni, Phật tử trang nghiêm thành kính lễ Phật, hiến cúng chư vị Tổ sư, các bậc tiền nhân hữu công với Phật giáo Hà Tĩnh.

 
 
 
 
 

Nhân dịp này đại diện lãnh đạo chính quyền các cấp có lẵng hoa, quà đến dâng hương lễ Tổ và chúc mừng Đại đức Thích Chiếu Tuệ chính thức được giáo hội tấn phong giáo phẩm Thượng tọa, và Đại đức Thích Quảng Nguyên vừa được bầu làm Ủy viên Dự khuyết HĐTS.

 

Phần cuối buổi lễ, toàn thể hội chúng đồng tâm tụng Bát nhã Tâm kinh, Tứ hoằng thệ nguyện, phát nguyện tiếp tục sự nghiệp quang huy của Tổ, giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, Tăng-già, phát triển GHPGVN.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Hồng Lam
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC