Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 13/01/2018 16:34 PM 
Nam Định: HT. Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Vọng Cung
Ngày 11/1/2018 (25-11-Đinh Dậu), nhân Đại lễ An nhập Bảo tháp, Truy tiến Tổ khai sáng chư Hòa thượng, Ni trưởng, Ni sư giác linh tại chùa Vọng Cung (28 Trần Phú, phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định), HT. Thích Bảo Nghiêm đã có thời thuyết giảng Phật pháp tới đại chúng.
Trong nội dung bài giảng, Hòa thượng đã ôn lại những lời Phật dạy, ôn lại tấm gương của Tổ, của chư Hòa Thượng, quý Ni trưởng, Ni sư đã từng một thời lưu dấu, nhằm “ôn cố tri tân” - Ôn lại việc cũ mà ngắm cảnh mới. Đức Phật đã dạy người đệ tử luôn phải nhớ tới 4 ơn: Ơn Tam Bảo tế độ, che chở. Ơn quốc gia, xã hội giữ gìn cho ta cuộc sống thanh bình. Ơn cha mẹ sinh thành, thầy tổ tế độ. Ơn đàn việt, pháp giới chúng sinh. Trên tinh thần niệm tứ trọng ân đó, chúng ta cùng cảm niệm ân đức của Tổ mà đặc biệt là tổ khai sáng tổ đình Vọng Cung, cũng như những hình ảnh, những kỷ niệm mà Hòa Thượng có dịp thân cận nhị vị Trưởng lão trụ trì tổ đình cũng như quý Ni trưởng, Ni sư đã phụng sự tại tổ đình Vọng Cung. Qua đó ôn lại những kỷ niệm của người xưa, nhìn lại cảnh sắc ngày nay, để từ đó biết tri ân và báo ân. 
Hòa thượng chia sẻ “Niệm tới 4 ơn đó là lời dạy của Đức Phật - đấng cha lành, bậc thầy vĩ đại của chúng ta. Khi còn tại thế, suốt 49 năm thuyết pháp, Đức Phật luôn luôn đề cao chữ Hiếu làm đầu và dạy rằng người đệ tử phải tri ân và báo ân. Sau này, Chư Tổ đem tư tưởng tri ân và báo ân đó thành niệm tới 4 ơn cao cả. Hằng ngày, sau các thời lễ, ta đều có 4 lễ cuối cùng là lễ cảm ơn trời đất, lễ cảm ơn quốc gia xã hội, lễ cảm ơn cha mẹ sinh thành, thầy cô dạy bảo và lễ cảm ơn pháp giới chúng sinh. Trong 6 năm tu khổ hạnh, sau khi Ngài rời khỏi hoàng cung, từ biệt vua cha, từ biệt ngai vàng, bệ ngọc, từ biệt vợ đẹp, con xinh để một mình vào trong núi tuyết tu khổ hạnh. Trong những năm cuối, Ngài đến học với vị tiên tên là Uất Đầu Lam Phất -  vị tiên tu hành nổi tiếng đương thời. Nhưng chỉ trong 1 ngày, Ngài đã chứng được quả vị mà người thầy đã tu cả đời là pháp Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vượt trên 33 tầng trời. Ngài cảm thấy rằng phương pháp tu của vị tiên này chưa mãn nguyện, chưa rốt ráo bởi vì vẫn nằm trong vòng sinh tử, chưa vượt ra khỏi Tam giới. Ngài quyết định từ biệt vị thầy Uất Đầu Lam Phất, xuống tắm tại dòng sông Ni Liên Thiền, uống bát sữa của nàng chăn bò Su Gia Ta. Trải cỏ dưới gốc cây Tất Bát La, với lời thệ nguyện: “Nếu không đắc đạo, chẳng hề đứng lên”. Qua 7 tuần thất tư duy, Ngài đã chứng được đạo Vô thượng Bồ đề vào ngày mùng 8 tháng chạp. Nếu không có ngày thành đạo đó, chúng ta sẽ không có chân lý của Phật Pháp, chúng ta không có một Đức Phật xuất thế. Sau khi Ngài thành đạo, Ngài nhớ tới ơn xưa của người đã giúp cho Ngài tu hành cho dù trong chỉ 1 ngày 1 đêm. Ngài đã đi đến độ cho Ngài Uất Đầu Lam Phất. Nhưng đến nơi vị tiên đó đã qua đời. Từ đây Ngài đến rừng Nai xứ Ba La Nại, hóa độ cho 5 vị tỳ kheo đã từng tu với Ngài ngày xưa.. Bài pháp đầu tiên là bài pháp về Tứ Thánh Đế, về 4 chân lý là Khổ, nguyên nhân sinh ra khổ (Tập), rồi từ đó người nêu ra 8 con đường giải thoát (Đạo) để đi đến Niết Bàn vi diệu, chấm dứt sự khổ (Diệt). Sau khi Ngài giảng pháp Tứ Thánh Đế, 5 anh em ngài Kiều Trần Như chứng quả A La Hán. Mặc dù Ngài đã vượt hẳn lên tất cả mọi người, nhưng Ngài vẫn không quên tình thầy, nghĩa bạn đã cùng tu tập với Ngài là vị tiên Uất Đầu Lam Phất, 5 anh em ông Kiều Trần Như và sau này về thăm vua Tịnh Phạn cùng mọi người trong hoàng cung., báo thâm ân Phụ Mẫu. Đức Phật luôn dạy chúng ta tri ân và báo ân, các vị tổ sư đã truyền tư tưởng đó thành tư tưởng tứ trọng ân”.
Qua đó, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng hiểu về 4 ơn: Ơn được nhắc đến đầu tiên là ơn Phật. Nếu không có Phật xả bỏ vương vị, xả bỏ xã tắc sơn hà khi người còn đang tại thế thì chúng ta sẽ không thể có Đức Phật xuất thế hôm nay. Tất cả mọi người Phật tử chúng ta phải luôn nhớ ơn, luôn niệm Phật. Những lời Phật dạy, những giới luật Phật răn, những điều giảng giải lời Phật, tất cả tạo thành Pháp. Sau khi Ngài độ cho 5 anh em Ngài Kiền Trần Như và tiếp tục là những người có duyên được gặp Đức Phật, từ Bà La Môn đến vua quan, thân tộc cho tới những người thuộc đẳng câp hạ tiện trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Từ đó chúng ta thấy Phật luôn đề cao và chuyển hóa con người, dù là ai cũng có thể xuất gia học đạo, thành tỳ kheo, tỳ kheo ni, trở thành 1 ngôi cao quý trong tam bảo là Tăng bảo. Ơn đầu tiên trong tứ trọng ân là ơn Phật, nhưng suy rộng là là ơn Tam Bảo, ơn Hiền Thánh Tăng. Chư Tổ đưa thành 4 niềm tin bền chắc là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin có Tịnh giới. Sau khi nhập niết bàn, Đức Phật trao y bát cho tổ Ma Ha Ca Diếp, để rồi từ đó đến nay, tổ tổ tương truyền, sư sư tương trụ cho đến tận ngày hôm nay. 
Đối với tổ đình Vọng Cung, đất địa linh sinh nhân kiệt. Suốt chiều dài lịch sử thời quân chủ của đất nước Việt Nam từ thời lập quốc cho đến năm 1945, trải qua các chiều đại, đứng đầu là các vị vua để lãnh đạo đất nước. Vọng Cung tức là cung thờ vọng vua, để khi Vua chúa nhà Nguyễn từ kinh đô Phú Xuân - Huế ra Bắc, qua đây sẽ ngự ở đất Vọng Cung này. Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai sinh, chấm dứt thời kỳ quân chủ. Lúc đó hành cung không còn tác dụng nên nhân dân địa phương đã chọn hành cung cũ làm nơi thờ Phật để lưu dấu dấu tích xưa của các vua chúa nhà Nguyễn, trở thành chùa Vọng Cung. Chùa Vọng Cung ngày xưa có một hội Phật tử là cư sĩ tại gia toàn các vị thiện tri thức. Trong đó, cụ Vĩnh Bảo và các cụ đã đến chùa Cao Đà (xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), bạch với tổ Cao Đà (Hòa Thượng Thích Thiện Bản) để thỉnh Ngài về trụ trì ngôi chùa này. Nhưng tổ chỉ dạy cho các cụ về Hòa Thượng Thích Tâm Thi – một bậc cao tăng ở Chùa Cồn, Hải Hậu, Nam Định. Cũng chính ở chùa Vọng Cung này, Phật giáo chấn hưng đã cung thỉnh Ngài làm Thượng thủ Tăng già với pháp hiệu Tuệ Tạng – tổ sư đệ nhất khai sáng của tổ đình Vọng Cung vào Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 1951. Đây là ĐHPG thống nhất lần thứ 2 sau thời kỳ thống nhất các tông giáo, hệ phái của PGVN sau thời kỳ PGVN thống nhất đầu tiên là khi Đức Thượng Hoàng Trần Nhân Tông giao quyền lãnh đạo đất nước cho vua Anh Tông, Ngài làm thái thượng hoàng trong vòng 5 năm rồi lên non Yên Tử xuất gia. Ngài đã tập hợp các tông giáo và hệ phái của PGVN lúc bấy giờ trên non Yên Tử và thống nhất toàn bộ PGVN lúc bấy giờ thành phái Trúc Lâm Yên Tử. 
Cả cuộc đời của Tổ Tuệ Tạng phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục Tăng tài, vì sự nghiệp Hoằng Pháp độ nhân. Đại hội thỉnh Ngài 7 lần vào ngôi thượng thủ, Ngài 6 lần từ chối. Khi nhận lời đại chúng vào ngôi thượng thủ, Ngài soạn ra một bản tâm thư gửi Giáo hội Tăng già toàn quốc để nói về tâm nguyện, bản hoài của Ngài cũng như Chư Tôn Đức là chấn hưng Phật giáo đương thời. Trong bức tâm thư, nói về 6 phép Hòa để làm tiêu chuẩn cho Giáo hội tăng già. Thân cùng ở với nhau, miệng không mắng nhau, ý cùng vui với nhau, cùng giữ chung giới luật, bảo ban, giúp đỡ lẫn nhau và lợi hòa cùng nhau (no cùng no, đói cùng đói). Trong bức tâm thư, Ngài cũng nói rằng nếu Ngài nhận lời ở ngôi Thượng thủ mà chư Tăng không hòa hợp với nhau, không đồng tâm với Ngài trong ba việc mà Ngài cho rằng là 3 việc cấp bách, hằng ngày phải làm trong Giáo hội tăng già thì Ngài không thể ngồi yên trên cương vị Thượng thủ. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã trân trọng trích đọc lá tâm thư của Tổ Tuệ Tạng:
Điều thứ nhất, Hoằng dương chính pháp: “Cái chướng ách rất lớn của các chư Tăng Ni hiện thời là ở các chùa thờ Phật mà một phần lớn dân chúng bác đạo, vô đạo hay còn có số người lui tới lễ bái thì lại tín ngưỡng phức tạp, tư tưởng hỗn loạn. Nếu không có một mãnh lực truyền bá PG thì không làm sao giải thoát được chướng ách ấy và cứu vãn được tư trào mê tín dị đoan làm mất hẳn tinh thần giáo nghĩa của đạo Phật để nâng cao địa vị Chư Tăng. Huống hồ, món ăn nuôi sống tinh thần của dân tộc là văn hóa PG. Chúng ta bừng mắt nhìn ra thế giới, thấy phần lớn người đời đang hăm hở tiến hóa về tri thức nhưng thoái hóa về đạo đức. Có ai chối cãi rằng không phải tri thức sản sinh ra khoa học, không phải khoa học sản xuất ra công cụ tối tân, tàn sát nhân loại vô cùng ác liệt, đã gây thảm họa tang thương cho khắp thế giới. Muốn giải quyết chiến tranh, gây dựng hòa bình cho nhân loại, quyết phải đem văn hóa PG, xây đắp cho nhân loại một con đường tiến hóa đều đều cả về tri thức lẫn đạo đức”.
Điều thứ hai, người nhắc tới là tổ chức giáo dục. “Giáo dục vốn là sự nghiệp vĩ đại của Phật tử. Vì nó là chủ động lực, khai phát chân Trí tuệ, đại Từ bi cho nhân loại. Ngay từ lúc còn thiếu thời, chúng ta là dòng dõi chính tông của Phật tổ, tất phải noi gương sự nghiệp sáng láng của Phật tổ, ngõ hầu theo kịp đà tiến triển của Phật tử quốc tế. Vì đâu đấy họ đã tổ chức và đương lo tính tổ chức nền giáo dục cho thanh niên, nam nữ. Nhất là bổn vị Tăng Ni VN ngày nay phải nương theo tiếng gọi đương vang dội: Cứu nạn thất học. Việc này, nếu được các Ngài đồng ý, tôi xin đề nghị: Mỗi ngôi chùa đã bị tàn phá mà nay trùng tu lại thì trong đó nhất định phải làm riêng một học đường kiêm giảng đường. Học đường đó để dạy con em trong làng. Có chùa theo chương trình của chính phủ về vấn đề giáo dục, giáo viên tất nhiên đã có chính phủ bổ nhiệm, học phí thì lấy từ công quỹ của làng, nếu cùng thì Giáo hội tăng già sẽ đài thọ. Ngoài giáo dục theo chương trình chính quy, chư Tăng, Ni chủ của ngôi chùa sẽ mỗi ngày giảng cho học sinh một vài câu của Phật dạy để cảm hóa cho chúng, khi lớn lên, mỗi người đều là một tâm hồn nghĩa lễ, liêm sỉ, làm đạo, tu nhân xử thế và phụng sự gia đình bằng tính hiếu đạo, phụng sự quốc gia, xã hội bằng tình nhân nghĩa”.
Điều thứ ba, Cứu tế xã hội. “Xã hội đây là bao gồm cả tầng lớp dân chúng, thập phương thiện tín, mỗi khi cần nhờ đến những tấm lòng hoan hỷ, bàn tay từ bi vỗ về cứu giúp. Tôi thấy các Ngài hằng ngày lễ tụng đều tha thiết phát nguyện rằng Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Nếu lời nguyện đó được thực hiện ra việc làm thì người đời ai mà không kính phục tăng ni, là người đại biểu của đấng Từ bi cứu thế. Việc này nếu được các Ngài đồng ý kiến, tôi xin đề nghị mỗi Giáo hội tăng già địa phương, tùy theo với hiện tại thiên tai ở chỗ mình mà lập nên cơ quan cứu tế xã hội. Tất cả các vị tăng ni chủ chùa đều góp sức trong các công cuộc cứu tế thì mới khỏi trái với bản nguyện xuất gia của mình, mới đủ làm đại biểu của Đấng Đại từ bi cứu thế. Bàn cho đúng sự thật theo nghĩa tứ ân thì chư Tăng Ni mang ơn xã hội lớn nhất vì xã hội đã tạo cho đời tu hành của mình có kết quả.”
Trong bức tâm thư đó, ngoài 3 việc cấp bách trên, Tổ Tuệ Tạng còn đưa ra 8 điều nguyện:
Nguyện thứ nhất: Nguyện từ nay đến hết cuộc đời, tu hạnh giới tinh nghiêm, thiệu long Tam bảo. Giữ gìn giới, hộ trì giới và tu theo giới.
Nguyễn thứ hai: Nguyện từ nay đến hết đời, đồng tuân hành Tăng chế, phụ dực Giáo hội Tăng già. (Tức là Giáo hội đề ra hiến chương gì thì Ngài và toàn thể Tăng già đều phụng trì như thế).
Nguyện thứ 3: Nguyện luôn luôn gặp các bậc Thượng Tri thức, thường được nghe chính pháp của Phật.
Nguyện thứ 4: Nguyện luôn xiển dương chính pháp của Phật, phá tan đi những tà kiến, mê tín dị đoan.
Nguyện thứ 5: Nguyện rằng sẽ là người mô phạm, rường cột cho Phật pháp (bởi vì chư Tăng đã tin tưởng suy tôn Ngài ở ngôi Thượng thủ).
Nguyện thứ 6: Nguyện thường thực hành Bồ Tát đạo để hóa độ chúng sinh.
Nguyện thứ 7: Nguyện cho tất cả mọi người trong thế gian này chấm dứt chiến tranh, dịch bệnh, khổ đau.
Nguyện thứ 8: Nguyên cho tất cả pháp giới chúng sinh đồng thành Phật đạo.
Qua rất nhiều những câu chuyện cũ, HT Thích Bảo Nghiêm đã cùng đại chúng ôn lại những kỷ niệm về tấm gương tình bạn của ba vị Cố trưởng lão Hòa Thượng là HT Thích Tâm Nguyện, HT Thích Tâm Thông, HT Thích Tâm Tịch đồng là học trò của HT Thượng thủ. Từ đó, Hòa Thượng đã rút ra cho đại chúng những bài học về tình bạn cao quý và hiếm có của 3 Ngài, những bài học về tình cảm, sự tôn kính của 3 Ngài dành cho HT Thượng thủ. Hòa thượng cũng nhắc đến và tán dương công đức trong công cuộc xây dựng, giữ gìn ngôi chùa Vọng Cung của hai vị Hòa Thượng cùng Hòa Thượng Thích Thế Long – trụ trì chùa Cổ Lễ, Cố Ni trưởng Đàm Yêng, Cố Ni Trưởng Đàm Ý, Cố Ni trưởng Đàm Hà và toàn thể chính quyền các cấp, nhân dân địa phương cùng nhau hợp sức nên một ngôi chùa Vọng Cung như ngày hôm nay. Mô hình của chùa Vọng Cung mà chư Tôn Hòa Thượng, quý vị Ni trưởng, Ni sư đã gây dựng và giữ gìn dù trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt hay thời kỳ đất nước còn khó khăn, nghèo nàn lạc hậu cũng không bị suy chuyển. Mô hình này xứng đáng là mô hình, khuôn phép mẫu mực, trên ra trên, dưới ra dưới, bình đẳng nhưng có tôn ti trật tự, có giáo luật rõ ràng.
Cho dù ngày nay, các bậc tổ sư đã viên tịch nhưng tinh thần Tứ chúng đồng tu, tinh thần của chư Tổ, những nề nếp, mô hình mà chư Tổ để lại đã được các vị chư Tôn thiền đức tăng ni hiện nay – Thượng tọa Thanh Lợi, Thượng tọa Giác Vũ, Thượng tọa Giác Phúc cùng quý Tăng Ni giữ gìn và phát huy ngày càng khang trang hơn, nề nếp hơn và hằng dương Phật giáo sâu rộng hơn trong mọi tầng lớp nhân dân, Phật tử. Tư tưởng của Phật giáo và dân tộc Việt Nam đồng gặp nhau ở một tư tưởng là văn hóa biết ơn và tri ơn, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây và tôn sư trọng đạo. 
Với tinh thần tri ơn và biết ơn đó, Hòa Thượng mong toàn thể chư Tôn đức tăng ni, quý vị Phật tử tại tổ đình Vọng Cung cũng như trong toàn tỉnh Nam Định hãy cùng nhau gìn giữ và tiếp nối ý nguyện của chư Tổ, nương theo những lời dạy bảo vàng ngọc của các Ngài để mãi mãi xứng danh lịch sử, truyền thống tổ đình Vọng Cung đã oanh liệt trong quá khứ, rạng rỡ trong hiện tại và rạng rỡ mãi mãi mai sau.
 




 

 


















Hoàng Tuấn - Phúc Thông
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC