Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 15/01/2018 19:44 PM 
Lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Đạo tại chùa Hiển Linh
Sáng ngày 14 tháng 01 năm 2018, nhằm ngày 28 tháng 11 năm Đinh Dậu, tại chùa Hiển Linh – thôn Yên Chung – xã Yên Sơn – huyện Quốc Oai – Hà Nội đã trang nghiêm tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo 8/12 âm lịch.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trong huyện Quốc Oai và sự tham dự của các vị lãnh đạo đại diện các cấp chính quyền, đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử địa phương.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu chương trình, sau khi các bạn thanh thiếu niên Phật tử chùa Hiển Linh thực hiện nghi thức dâng lục cúng cúng dàng Tam Bảo, sư cô trụ trì Thích Đàm Hiếu đã đọc diễn văn ý nghĩa ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo.

 
 
 

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp thoại giảng giải cho đại chúng về tóm lược lịch sử cuộc đời Đức Phật từ khi sinh ra cho tới ngày thành đạo Vô thượng Chính Đẳng Chính Giác và ý nghĩa ngày thành đạo của Ngài. Hòa thượng chia sẻ “Chúng ta đã được nghe bài diễn văn khai mạc của ni sư Thích Đàm Hiếu, một phần nào quý vị đã nhận biết được rõ ý nghĩa của ngày lễ hay nói cách khác là các vị đã hiểu được nguồn gốc xuất xứ của Đạo Phật - một tôn giáo lớn trên thế giới và có chiều dày lịch sử du nhập tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc Việt Nam. Từ đó chúng ta hiểu được giá trị tôn giáo mà chúng ta đang theo, một tôn giáo luôn đề cao tinh thần hòa bình, niềm an lạc hạnh phúc, đề cao quyền bình đẳng con người, sự giải thoát tâm hồn ngay thực tại mà chính do con người mình gây dựng lên. Đó là chủ đích mà Đức Phật - vị giáo chủ của đạo Phật, tôn giáo mà chúng ta đang theo đã đề ra”.
Qua đó, Hòa thượng cũng đã nhắc đại chúng nhớ tới công đức các bậc tổ sư đã một thời kỳ hoằng truyền chính pháp trên đất nước Việt. Đặc biệt nhất, ở địa phương nơi đây, người dân bao đời đều tự hào với ngôi chùa thầy Sài Sơn Tự, một ngôi chùa gắn liền với sự tích của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh là một trong những vị thiền sư đắc đạo nổi tiếng của Phật giáo vương triều Lý - một vương triều thịnh vượng của lịch sử vương triều Việt Nam, một vương triều tôn kính lấy giáo lý từ bi hỷ xả của Đức Phật làm chủ đích trong việc trị nước của tám vương triều nhà Lý. Thiền sư Từ Đạo Hạnh cũng là 1 trong những vị thiền sư nổi tiếng tô thắm trong dòng thiền của Phật giáo Việt Nam, làm rạng danh cho trang sử vàng của Phật giáo. 
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông
Bao đời nay, hình ảnh ngôi chùa đã trở nên vô cùng gắn bó đối với đời sống tinh thần của người Việt. Chùa là ngôi nhà chung mà ai cũng được vào để lễ Phật, nhìn lên tượng Phật bớt đi những khổ đau hay đến với Phật để học giáo lý làm người trong tình yêu thương, đoàn kết tất cả vì mọi người. Đức Phật không phải là một hình ảnh được xây dựng bởi trí tưởng tượng của con người, mà Ngài là một người thực, có lý lịch rõ ràng, sinh ra là một hoàng tử sống trong hoàng cung nước Ấn Độ, với nhung gấm lụa là, vợ đẹp con khôn, nhưng với ý chí xuất trần Ngài đã vượt ra khỏi tất cả những vật chất tầm thường để lên đường tìm cầu chân lý và trở thành một con người phi thường, giác ngộ giải thoát, chứng đạo Vô thượng Chính Đẳng Chính Giác – vị thầy của 3 cõi và cha lành của 4 loài. Những giáo lý của Ngài để lại trong 49 năm thuyết pháp không phải là những điều xa xôi kém thực tế, mà lại vô cùng gần gũi với mỗi con người. Những giáo lý nhiệm màu đó chính là kim chỉ nam đưa con người tiến tới hạnh phúc, bình an, giải thoát.
Hòa thượng khẳng định “ý nghĩa đích thực của sự kiện này trước hết là biểu trưng cho vượt qua chính mình. Trải qua biết bao tháng ngày dài khổ hạnh, công phu nhọc nhằn gạn lọc chân lý cạn sâu, hy sinh thân mạng để tìm tòi mối đạo mới cảm nhận hết giá trị chói lọi của bậc Đại Giác. 
Thứ hai, một sự khai sáng tuyệt vời cho nhân loại. Ngài xuất hiện để tìm phương pháp cứu giúp chúng sinh thoát khỏi đau thương, tăm tối như chính lời Ngài phân tỏ với Xa-Nặc lúc chia tay: "chính vì đêm tối Ta mới đi tìm ánh sáng." Cho nên, trong khoảng thời gian 49 năm còn lại của đời mình, Ngài soi rọi Ánh Đạo Vàng đến khắp muôn phương và hiển thị rõ ràng rằng: "Nếu cõi đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời." 
Thứ ba, cánh cửa giải thoát đã mở ra cho tất cả chúng sinh. Phật tính bình đẳng là cơ sở quan trọng để sau này Ngài thu nhận một cách rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội: thiếu niên, kẻ phạm tội giết người, phụ nữ, kỷ nữ, người bần tiện, ngoại đạo, hoàng tộc v.v. vào trong giáo đoàn. "Tình thương là sợi dây liên lạc giữa người với người, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn." Đức Phật đã nêu cao nhân phẩm mọi người. Sự việc Ngài đã cởi bỏ áo gấm tột bậc cao sang của một Thái tử để khoác lên mình y bá nạp, cầm bát đi khất thực tận hang cùng, ngõ hẻm của đời sống là một sự hòa hợp lớn lao, thoát xác vĩ đại con người sống trong sự bình đẳng, hòa ái.
Thứ bốn, đề cao giá trị nhân bản. Ngài chứng quả ngay trong kiếp người, chứng tỏ con người có địa vị tối ưu để trở thành Phật như kinh Hoa Nghiêm dạy: "Nhân thị tối thắng, năng sinh nhất thiết chư thiện pháp cố."Ngài đã trả lại giá trị đích thực của kiếp người. Ngài lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết mọi vấn đề bế tắc của thời đại, cả về nhân giới, tâm giới và siêu giới. Con người tự chịu trách nhiệm đối với cá nhân mình và hạnh phúc của chính mình chứ không có vấn đề ban phúc giáng họa từ một đấng tối cao. Đức Phật đã mang đến niềm tin, trí tuệ và giải thoát cho con người. Ảnh dụ "Người cùng tử" trong kinh Pháp Hoa là Đức Phật nhắc con người đừng đánh mất chính mình, hãy tìm và trở về với con người thật nơi chính mình. 
Và cuối cùng, thiết lập một nền giáo dục toàn diện. Nền giáo dục cần phải đặt trên nền tảng của chuyển hóa, hướng thượng tinh thần, tâm thức con người. Tâm là chủ quyết định cho mọi hành động của con người. Con người là chủ thể xã hội. Vậy một nền giáo dục đích thực phải bắt đầu từ việc cải tạo tâm. Bao cuộc cách mạng xã hội đã thất bại vì chính những người làm cách mạng muốn chinh phục thiên nhiên, chinh phục xã hội trong khi chưa làm chủ được tâm mình. Đổi mới tư duy là yếu tố quyết định cho mọi công cuộc đổi mới. Hãy cảnh giác mọi sự trá hình, lẩn khuất và ngụy biện của tà tâm và ma đạo. Đạo Phật với tinh thần vô ngã, vị tha, tứ vô lượng tâm, lục độ ba la mật sẽ cung cấp chất liệu tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đưa xã hội loài người hướng đến Chân-Thiện-Mỹ”.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng đại chúng hãy tinh tấn tu tập, siêng năng ra chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp để hiểu và thực hành theo những giáo lý Đức Phật dạy, ngõ hầu xây dựng một cuộc sống bình an, hạnh phúc ngay trong thực tại.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Kết thúc thời pháp thoại, Hòa thượng đã đăng đàn truyền thụ tam quy ngũ giới cho hơn 100 thiện nam tín nữ trong xã Yên Sơn đã phát tâm quy y Tam Bảo, nương tựa ba ngôi báu để sống cuộc đời chân thiện mỹ. Hòa thượng đã giảng về ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo. Hòa thượng đã nói rõ ý nghĩa và lợi ích của việc thọ trì Tam quy - Ngũ giới. Tam quy giúp mỗi người có chỗ dựa tinh thần thù thắng, vững chắc, tránh bị đọa vào ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ngũ giới là phương pháp thiết thực và cụ thể giúp chúng ta ngăn ngừa những hành động sai trái nơi thân, khẩu, ý, từ đó mà đạt được sự an vui trong hiện đời và vị lai. Lễ truyền thụ quy y lần này bao gồm thành phần đa dạng, từ những em nhỏ, các bạn thanh thiếu niên, các cô chú trung niên cho đến các bác lớn tuổi. Toàn thể đại chúng đều thành kính lắng nghe lời giảng của Hòa thượng trụ trì, nhất tâm nguyện thọ trì những lời Phật dạy, thực hiện giữ gìn 5 điều giới và 3 phép quy.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trao tặng sư cô trụ trì Thích Đàm Hiếu pho tượng Phật A Di Đà

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC