Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 30/01/2018 17:18 PM 
Lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thành Đạo tại chùa Hòa Bình Phật Quang
Sáng ngày 29 tháng 01 năm 2018, nhằm ngày 13 tháng Chạp năm Đinh dậu, tại chùa Hòa Bình Phật Quang – tỉnh Hòa Bình đã long trọng kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo để cầu quốc thái dân an, đồng thời làm lễ trao giáo chỉ tấn phong giáo phẩm Thượng tọa cho Đại đức Thích Đức Nguyên – Đại đức Thích Thanh Tạo.
Chứng minh buổi lễ có: hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Đức Nguyên - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hòa Bình; Thượng tọa Thích Thanh Tạo – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hòa Bình cùng chư tôn đức Tăng đến từ các chùa, tự viện trong và ngoài địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Hòa Bình; Đại tá Phí Mạnh Thành – Phó trưởng phòng PA88 Công an tỉnh Hòa Bình; Ông Quách Đình Minh – Giám đốc Sở tư pháp Hòa Bình cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân Phật tử địa phương đã về tham dự buổi lễ.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Trước khi bước vào chương trình hành chính, Thượng tọa Thích Đức Nguyên đã có lời tác bạch cầu pháp, cung thỉnh Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm quang lâm lễ đài và có thời thuyết pháp tới toàn thể đại chúng.

 
 
 


Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng đã bày tỏ niềm vui mừng khi “hàng năm bắt đầu từ ngày mùng 10 đến ngày 15, Thượng tọa Thích Đức Nguyên trên cương vị là Trưởng BTS và trụ trì chùa Hòa Bình Phật Quang đều tổ chức lễ mừng ngày Đức Phật thành đạo, tổng kết một năm tu học của Phật tử, một năm công tác Phật sự của Ban trị sự, đó là những đóa hoa tươi thắm của Phật giáo tỉnh Hòa Bình, của Phật tử tu học dâng lên kính mừng ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Đây là một việc rất đáng trân trọng và tôi nghĩ cũng nên làm và duy trì theo truyền thống. Hi vọng về sau Thượng tọa cùng chư tăng và Phật tử giữ được không khí trang nghiêm, ý nghĩa cao cả này để thắp lên ánh đuốc sáng trí tuệ của Đức Thế Tôn nhân ngày thành đạo của Ngài”. 
Sau đó, Hòa thượng đã nhắc lại sơ qua cuộc đời của Đức Phật từ khi sinh ra cho tới ngày thành đạo vô thượng Bồ đề. Thái tử Tất Đạt Đa sau khi rời khỏi hoàng cung từ bỏ ngai vàng bệ ngọc, xã tắc sơn hà, vợ đẹp con ngoan. Ngài nhìn thấy cuộc đời là giả tạo, với tâm nguyện mong muốn tìm chân lý để thoát mọi sự khổ đau cho chúng sinh cũng như ngược dòng thời gian là bản hoài của Bồ Tát Hộ Minh khi từ cung trời Đâu Suất giáng trần đã mang thông điệp là vị độ chúng sinh. Cho nên Thái Tử Tất Đạt Đa sau khi vâng lời phụ hoàng, kết duyên với công chúa Da-Du-Đà-La sinh một người con đó là Hoàng Tử La-Hầu-La, vào một đêm ngài với người thân cận nhất của mình là người nô bộc Xa-Nặc và một con ngựa thân quen Kiền-Trắc để mà đi vào núi tuyết xuất gia tìm đạo, tìm chân lý. Sau 6 năm khổ hạnh, 5 năm tầm sư học đạo, vào đêm ngày mùng 8/12 lúc sao mai vừa mọc, tỏ ánh sáng phá tan màn đêm tối thì cũng là lúc Bồ Tát Gotama thành đạo vô thượng chính đẳng chính giác. Ánh sáng quang từ nơi cội Bồ đề tỏa phá tan màn vô minh hắc ám cho chúng sinh. 
Đối với Phật giáo Bắc truyền nói chung và các tự viện, tổ đình của Phật giáo miền Bắc nói riêng hàng năm đều kỷ niệm 2 sự kiện quan trọng nhất là ngày Đức Phật đản sinh và ngày Đức Phật thành đạo. Còn ngày Đức Phật nhập Niết Bàn thì chư Tăng Bố tát tụng giới bản, đọc lại kinh Di Giáo. Ngày 8/Chạp thì đọc kinh Chuyển Pháp Luân và kỷ niệm ngày Phật thành đạo. Từ sự kiện thành đạo, có thể thấy rõ từ đây chuyển tải một thông điệp nói lên ý nghĩa giải thoát. 49 năm thuyết pháp của Đức Thế Tôn thành lập nên Tam tạng thánh giáo. Sau này các bậc tổ sư đã dựa trên tam tạng thánh giáo để nghiên cứu triển khai trở thành các tông, các phái. Nhưng dù tông nào, phái nào cũng chuyển tải lời dạy của Đức Thế Tôn, nếu ai học và thực hành thì sẽ đạt được giải thoát và giác ngộ. 
Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn nghĩ đến những người bạn tu của mình khi xưa và muốn độ cho họ, đó là nhóm 5 anh em thầy Kiều Trần Như đang tu ở tại rừng Nai – xứ Ba La Nại. Tại đây, Ngài đã thuyết giảng bài pháp Tứ Thánh Đế, 5 vị đó sau khi nghe xong đã giác ngộ chứng A La Hán, Tam Bảo được hình thành từ đây. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật Bảo, bài pháp Tứ Thánh Đế là Pháp Bảo và 5 anh em thầy Kiều Trần Như là Tăng Bảo. 
Qua đó, Hòa thượng muốn khai thác về vấn đề “Tăng Bảo” với toàn thể hàng Phật tử hiện diện tại buổi lễ. Bởi chư Tổ đã nói lên tầm quan trọng của Tăng Bảo đối với Phật Bảo và Pháp Bảo qua câu “Phật phi pháp bất hoằng, Pháp phi tăng bất hiển”. Nếu như có Phật mà không có Pháp thì không có đường lối, nhưng nếu có Phật, có Pháp mà không có Tăng thì không có người hoằng truyền. Do vậy, Đức Phật là bậc Thầy đưa đường chỉ lối, giáo pháp là chỉ ra con đường giải thoát, yêu thương. Từ ngày Đức Phật nhập Niết Bàn cho tới nay đã 2561 năm, đều do các bậc thánh tăng đệ tử của Ngài trực tiếp dạy, rồi cứ thế truyền cho Tăng sĩ ngày nay. Cho nên muốn biết được Phật, muốn hiểu được Pháp là công lao của Tăng. Trong kinh điển ghi lại rằng “Đức Tăng như hải, Phật do xưng tán”. Công đức của Tăng lớn Đức Phật còn khen ngợi. Qua câu chuyện khi Đức Phật còn tại thế, theo tích truyện tôn giả Mục Kiền Liên, khi tôn giả đi thăm vong mẫu, biết vong mẫu đang bị đọa chốn khổ đau, về bạch Phật cầu xin tìm con đường giải thoát cho vong mẫu, Đức Phật đã dạy cho tôn giả Mục Kiền Liên rằng hãy đợi đến ngày chư Tăng kết thúc 3 tháng an cư, đạo hạnh tăng trưởng, đến đó cầu chư tăng để tiếp năng lượng cho vong mẫu. Nhờ công đức đó sẽ được thoát khỏi chốn khổ đau sinh thiên giới. Điều đó chứng minh rằng công đức của chư Tăng lớn như biển rộng sông dài. Trong 49 năm thuyết pháp của Đức Thế Tôn xưa kia không hề được ghi chép lại bằng bất kì sách vở hay công nghệ nào, nhưng để bảo tồn lại những giá trị lời Đức Phật dạy, Đại tôn giả A La Hán Ca Diếp đã triệu tập 500 vị thánh tăng A La Hán, tới hang Thất Diệp trong mùa an cư ngay năm Đức Phật nhập Niết Bàn, được sự bảo trợ của Quốc vương A Xà Thế đương thời, đã kết tập lại những lời Phật dạy. Tại hội nghị kết tập kinh điển này, Ngài A Nan – một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật với hiệu “Đa văn đệ nhất” đã đọc lại kinh tạng, Ngài Ưu Ba Li đã đọc lại những lời Phật dạy thành luật tạng. Kinh tạng và luật tạng là chính những lời Đức Phật giảng dạy, còn luận tạng là bàn luận nghĩa sâu, triển khai lời Phật dạy từ kinh tạng và luật tạng mà ra. Cho nên thành tam tạng thánh giáo. Sau hội nghị kết tập kinh điển này, những lời Phật dạy được xác chứng bởi Ngài A Nan đọc, cho nên mới có câu “như thị ngã văn”, tức là “chính tôi được nghe”. Chữ “tôi” chính là lời xác quyết của Ngài A Nan. 
Trải qua 4 kỳ kết tập kinh điển từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên cho tới thế kỷ thứ nhất tây lịch đều do các bậc thánh tăng đệ tử Phật kế tiếp nhau để truyền trì. Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, 300 năm sau, một đại quốc vương trị vì xứ Ấn Độ là vua A Xu Ka, mà chữ hán dịch là A Dục. Vua A Dục đã cử người con lớn của mình là thái tử Ma Hin Đa đi hoằng truyền chính pháp của Thế Tôn sang các nước. Cứ thế trải qua 25 thế kỷ, qua các bậc tổ sư hoằng truyền, Phật giáo mới bắt đầu từ lưu vực sông Hằng - Ấn Độ đi khắp năm châu. Đối với Phật giáo Việt Nam rất diễm phúc khi ngay từ đầu thế kỷ thứ nhất tây lịch cho tới thế kỷ thứ 3 tây lịch, đất Việt mới chỉ là một châu của Trung Hoa gọi là Giao Châu, dân tộc ta được gọi là dân Giao Chỉ. Nhưng chính ở đất Giao Châu, tổ tiên ta đã đón nhận ánh sáng từ bi của Đức Phật từ các vị Tăng sĩ Ấn Độ, tiêu biểu như ngài Khương Tăng Hội, ngài Chi Cương Lương,… là những vị đón nhận ánh sáng giáo lý của Đức Phật để truyền cho người dân chúng ta thời đó, rồi bắt đầu Tăng sĩ có mặt. Tăng sĩ có mặt thì giáo pháp được hoằng truyền. Cơ sở tu hành cũng bắt đầu từ am cốc, rồi các thiền viện và sau này trở thành chùa chiền. Ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam đó là chùa Dâu – huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh. 
Phật giáo Việt Nam đã có mặt trên đất Việt hơn 2000 năm, các bậc tổ sư trong quá khứ đã kết hợp cùng các vị tổ tiên của chúng ta trong quá khứ lập nên một Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi đất nước lâm nguy, có khi Tăng sĩ phải cởi cà sa mặc chiến bào ra chiến trường đánh đuổi quân xâm lược. Có khi chùa chiền bị tiêu hủy để không làm nơi trú ngự của quân địch. Triều Đinh, thời hoàng đế Đinh Tiên Hoàng xuất hiện vị quân sư chỉ đạo chiến lược quân sự chính trị ngoại giao cho vua Đinh là Tăng thống Khuông Việt. Từ đó, các triều đại về sau như triều Đinh, triều Tiền Lê, triều nhà Lý, triều nhà Trần, 400 năm thời quân chủ của 4 vương triều đó, vai trò của các vị thiền sư rất quan trọng. Có những ngài làm Quốc sư, có những ngài vua phong làm Tăng thống, nhưng có những ngài khi đất nước lâm nguy thì cố vấn quân sự ngoại giao cho vua, khi đất nước hòa bình khải hoàn thì trở về tự viện mà không nhận bất cứ một chức vụ nào. Đó chính là tinh thần “tùy duyên bất biến” của đạo Phật.
Chính nhờ những công lao to lớn đó của các vị thiền sư mà xưa kia, ngôi chùa được xây dựng bởi các vị vua chúa, các vị quan lại rồi cho tới những người dân. Sau này, ngôi chùa gắn liền với dân cư, cộng đồng người dân sinh sống. Đất đẹp ở chỗ nào thì người dân dựng chùa nơi đó, vì mọi người tâm niệm rằng thờ Phật – học Phật – theo Phật để an dân. Từ xưa tới nay, ông cha tổ tiên chúng ta đều tôn thờ Đức Phật bởi giáo lý của Đức Phật mang lại hòa hợp, bình đẳng.
Qua đây, Hòa thượng đã nhắc lại về những buổi ban sơ của tỉnh Hòa Bình cách đây hơn chục năm, người dân chỉ biết đi lễ theo sự tín ngưỡng. Từ đó tán thán công đức của Thượng tọa Thích Đức Nguyên, Thượng tọa Thích Thanh Tạo trong việc không quản ngại khó khăn vất vả, cố gắng phục hưng lại Phật giáo tỉnh Hòa Bình này, quy tụ được những người con Phật trong các dân tộc trên đất Hòa Bình cùng về chùa tu tập, hoằng truyền chính pháp. Từ tên ngôi chùa Hòa Bình trên đất Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã nói lên thông điệp của Đức Phật về sự bình đẳng, hòa hợp. Đặc biệt, Hòa thượng cũng tán thán công đức của chư tôn đức Tăng Ni trong BTS, sự phát tâm vô điều kiện phụng sự của các Phật tử, sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương đã giúp cho Phật giáo tỉnh Hòa Bình ngày hôm nay phát triển sánh vai với Phật giáo các tỉnh thành khác.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng hai vị thượng tọa “sẽ vững tay lái, chắc tay chèo, giữ gìn rường cột của Phật pháp, đưa Phật giáo tỉnh Hòa Bình sánh ngang với các tỉnh thành trong cả nước, đưa Phật tử tinh tiến tu tập, an trú trong chính pháp”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của hòa thượng Trưởng Ban hoằng pháp TW, Đại đức Thích Quảng Tiếp đại diện Văn phòng TW GHPGVN đã tuyên đọc quyết định tấn phong giáo phẩm Thượng tọa của Đức Đệ Tam Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cho Đại đức Thích Đức Nguyên, Đại đức Thích Thanh Tạo. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã trao giáo chỉ tấn phong cho tân Thượng tọa Thích Đức Nguyên bởi trước đó 10 ngày, Thượng tọa Thích Thanh Tạo với tư cách là Tăng sĩ của tỉnh Nam Định đã được đón nhận giáo chỉ tấn phong tại BTS GHPGVN tỉnh Nam Định. 

 
Thượng tọa Thích Đức Nguyên lễ tạ Tam Bảo

 
 
 
 
 
 

Tiếp theo, Đại đức Thích Trí Thịnh cùng chư tôn đức Pháp tử và đại diện Phật tử bản tự đã dâng lời tác bạch khánh chúc nhị vị Thượng tọa được tấn phong giáo phẩm. 

 
 
 
 
 
 
 
 
  
 
 
 
 
 

Nhân dịp này, nhị vị thượng tọa cũng đã đón nhận những lẵng hoa tươi thắm của chư tôn đức chứng minh, hàng Pháp tử, các vị lãnh đạo chính quyền, đại diện Phật tử các đạo tràng trong tỉnh Hòa Bình, khép lại buổi lễ thành tựu viên mãn tràn đầy hỷ lạc.
Hi vọng rằng dưới sự hướng dẫn của nhị vị thượng tọa giới đức trang nghiêm, tu hành đạo hạnh, Phật giáo tỉnh Hòa Bình sẽ ngày càng phát triển, góp phần xây dựng Phật giáo Việt Nam vững mạnh trong lòng dân tộc.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC