Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 17/02/2018 14:52 PM 
Thời khắc linh thiêng đầu năm mới tại chùa Bằng
Vào đêm giao thừa – thời khắc quan trọng nhất trong năm, thời khắc vạn vật thay áo mới, đất trời chuyển mình để sang một năm mới với những khát vọng mới, thành công mới, niềm vui mới. Thế nhưng, dù có hòa mình vào dòng người đón pháo hoa ngoài phố phường nhộn nhịp, hay những cuộc vui bên bạn bè, thì nhiều người Việt vẫn không quên lên chùa lễ Phật, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mọi giai tầng của xã hội.
Tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự), khuya ngày 15 tháng 02 năm 2018, nhằm ngày 30 Tết, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã lên Đại hùng bảo điện, dâng hương, tụng kinh, cúng Phật cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân dân an lạc ấm no. Cũng trong thời điểm này, đã có rất nhiều người dân ra chùa, lễ Phật để khép lại một năm mới với tất bật những muộn phiền, lo toan vất vả, cầu mong một năm mới bình an. 

 
 
 
 
 

Khi kim đồng hồ điểm 0h00’, bước sang ngày đầu tiên của năm mới Mậu Tuất, ngoài kia dòng người hối hả tụ về các điểm xem bắn pháo hoa, thế nhưng đã có nhiều người về chùa Bằng để đón những giây phút thiêng liêng nhất nơi cửa thiền, cùng quý Thầy và đoàn lân sư rồng lễ Phật lễ Tổ, lễ tôn tượng 32 hóa thân và 12 đại nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, vãn cảnh chùa ngắm hoa nở đầy bình dị và an yên.
Về khuya, dòng người càng lúc càng tấp nập. Sau khi cùng gia đình, người thân, bạn bè đón giao thừa ngoài phố, ngắm nhìn những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu và chúc nhau những câu chúc an lành, nhiều người dân lại tiếp tục về chùa như một nghi thức tâm linh không thể thiếu. Họ đi lễ để cầu nguyện một năm mới bình an, hạnh phúc, thành công tới bản thân và gia đình. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đúng 8h00 sáng ngày mùng 1 Tết, đã thành thông lệ, Đạo tràng Pháp Hoa Hà Nội và nhân dân Phật tử thập phương đã trở về chùa Bằng kỷ niệm ngày Vía Đức Đương Lai Giáo Chủ Di Lặc Tôn Phật, lễ Phật, lễ Tổ, khánh tuế Hòa thượng trụ trì và lắng nghe Thầy giảng thời pháp thoại đầu tiên của năm Mậu Tuất, giải nghĩa về năm Tuất theo quan niệm của Can, chi. Đây cũng chính là điều như Chư Tổ đã dạy mỗi người Phật tử đó là “về chùa, lễ Phật, vãn cảnh, nghe thầy giảng kinh”.
Trong thời pháp thoại, Hòa thượng đã chia sẻ với đại chúng về ý nghĩa của chữ Tuất. Theo Hòa thượng, “năm Tuất là một trong 12 năm mà người cổ xưa lấy 12 con linh vật để tượng trưng cho 12 năm, 12 chi. Mỗi một năm, một con vật đều có ý nghĩa trong cuộc sống. Năm Tuất, dân gian lấy hình ảnh con chó để tượng trưng cho 3 nét đẹp nhất đó là nhanh nhẹn thông minh, thủy chung, biết vâng lời. Đây cũng là 3 đức tính mà con người chúng ta rất cần. Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng có 5 điều chúc cho mọi đệ tử, đó là sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí tuệ. Trong 3 phép quy, chúng ta cũng quy y Phật lưỡng túc tôn, quy y Pháp ly dục tôn, quy y Tăng chúng chung tôn cũng tức là chúng ta mong được trí tuệ như biển, sự hòa hợp như tăng chúng. Bởi cũng chính nhờ sức mạnh hòa hợp của tăng chúng, mà hơn 2500 năm nay, Phật pháp vẫn được trường tồn trên thế gian và đã phát triển rộng rãi khắp năm châu bốn bể”.
Con người chúng ta có 3 tính nghe, đó chính là viên – thông – thường. Nhưng tính thường văn của chúng ta rất hữu hạn. Loài chó khi nằm luôn áp sát xuống đất, cho nên nó bắt được tần suất âm thanh rất xa, và nó luôn có nhiệm vụ bảo vệ, canh gác. Cho nên tính thường văn của con chó được phát huy hơn là của con người hay các loài vật khác. Từ việc đó, con người luôn coi chó như một người bạn thân, đặc biệt trong nghành công an, họ có hẳn một trường để dạy chó, huấn luyện nó trở thành một loài vật – một người bạn vô cùng hữu ích, giúp công an phá được nhiều vụ án quan trọng, lập nên nhiều chiến tích hiển hách. Không phải chỉ trong quân đội hay công an, mà ở ngoài đời, cũng có một nghĩa trang dành riêng cho chó.
Đức tính thứ hai của loài chó là sự thủy chung. Người Việt chúng ta có câu “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Con chó có tính linh và đặc biệt con chó có sự thủy chung, nên những người theo Đạo Phật không ăn thịt nó. Đối với con người chúng ta, sự thủy chung trong tình bạn, trong đạo vợ chồng là điều vô cùng quan trọng. 
Con cái luôn phải vâng lời cha mẹ, học trò phải vâng lời thầy dạy bảo, bạn bè phải lắng nghe nhau, vợ chồng lắng nghe nhau, thì con chó tượng trưng cho đức thứ ba này đó là “biết vâng lời”. Khi thấy người lạ đến, con chó sủa để báo động cho gia đình chủ biết là có người lạ. Nhưng chỉ cần chủ báo hiệu im lặng, thì chó cũng sẽ tự khắc im lặng. Ở tại các chùa, con vật này cũng thể hiện là một con vật hiểu biết, thân thiện và rất lắng nghe. Ví dụ như một vị sư lên thỉnh chuông, con chó bao giờ cũng đứng dưới chân gác chuông. Khi vị sư lên tụng kinh, con chó sẽ nằm ở trước đại hùng bảo điện. Đó chính là tính linh của loài chó. 
Chúng ta thấy rằng, ở một con vật lại có 2 điều nổi trội là thông minh và thủy chung như vậy, cho nên từ đó sinh ra một tín ngưỡng là nhiều địa phương trong nước ta thờ chó như một vị thần bảo hộ cho dân, thậm chí đưa ngang cả với Thành hoàng gọi là “ông Quan Hoàng Thành” tức là con chó đá. Hình tượng con chó đá rất đẹp và trở thành một vị thần linh thiêng để mọi người tới cầu nguyện. Phải chăng, đó chính là một sự thượng tôn trí tuệ, thượng tôn tình thủy chung và tính vâng lời?
Cuối cùng, Hòa thượng khẳng định “Mỗi một năm tượng trưng cho một loài vật có một tính linh khác nhau, cũng đều sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc ở tuổi đó. Ví dụ tại thủ đô Hà Nội, 1008 năm trước người khai sinh ra vương thành Thăng Long để rồi trở thành Thăng Long Đông Đô Hà Nội là Đức Lý Thái Tổ. Ngài Lý Thái Tổ mang tuổi Tuất”.
Hòa thượng mong rằng “trong năm mới này, đại chúng hãy phát huy tinh thần trí tuệ, mà trí tuệ phải có được bằng sự tu tập, không có gì bằng sự tu tập, mà Phật giáo đề cao trí tuệ “duy tuệ thị nghiệp”. Một trong 8 điều Đức Phật dạy trong Kinh Bát Đại Duyên Giác, là “tôn trọng và trân quý đó là trí tuệ của con người”. Người đời lấy tam đa thì Phật giáo lấy lưỡng túc tôn – phúc đức và trí tuệ thượng tôn. Trong năm Tuất này, chúng ta cũng phải học tập tính thủy chung, sau trước vẹn toàn không sai. Thứ ba là tính vâng lời, chúng tôi nhắc đến điều này chính là nhắc quý vị biết vâng lời Phật dạy, Tổ dạy, vâng lời các thầy truyền trao để tu học cho một năm trọn vẹn”. Hòa thượng cũng mong rằng đại chúng hãy nỗ lực tu học, lắng nghe giáo pháp để chuyển hóa thân tâm, cảm nhận niềm an lạc trong từng lời Phật dạy. 
Nhân dịp này, mỗi người đều được Hòa thượng trụ trì tặng một tấm thiệp được thiết kế đẹp mắt, mang màu sắc văn hóa Việt và có nội dung là lời Phật dạy, hoặc các câu thi kệ ngắn gọn, hàm xúc, thú vị. Đó là những giá trị tâm linh, giá trị nội tại mà mỗi người phải tu tập và hàm dưỡng trong suốt đời tu của mình.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC