Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 20/02/2018 13:38 PM 
Chùa Bằng "mùng 3 tết thầy"
Ngày mùng 3 và mùng 4 Tết năm Mậu Tuất, nhằm ngày 18 và 19 tháng 02 năm 2018, tại chùa Bằng (Linh Tiên tự), các Đạo tràng đã vân tập về đỉnh lễ và chúc tết Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm theo phong tục truyền thống của dân tộc Việt “Mùng 3 Tết Thầy”.
Với sự mong muốn trở lại nét truyền thống tốt đẹp xưa của các Tổ đình, với phương thức "hành hương" cổ truyền, những năm trở lại đây, tại chùa Bằng (Linh Tiên tự), cứ đến ngày mùng 3 Tết, hàng Phật tử tại gia từ các nơi trở về lễ Phật, lễ Tổ, đỉnh lễ Hòa thượng trụ trì nhằm tri ân công lao dạy dỗ giáo dưỡng của người Thầy khả kính.
Trong ngày mùng 3 và mùng 4 Tết, đã có nhiều đạo tràng đến chúc Tết Hòa thượng nhân dịp đầu năm mới. Tại lễ đài chùa Bằng, trước tôn tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi, hàng Phật tử đã được nghe những lời chỉ dạy tu tập của Hòa thượng trong năm mới, đồng thời cũng được đón nhận những Lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú và Kinh Phúc Đức – món quà lì xì đầy ý nghĩa của Hòa thượng trao tặng.
Ngay từ sáng sớm ngày mùng 3 Tết, đông đảo đạo tràng Pháp Hoa chúng Mọc Quan Nhân – Hà Nội đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên Tự) để lễ Phật, lễ Tổ và khánh tuế Hòa thượng giáo thọ sư của đạo tràng Pháp Hoa nhân dịp đầu xuân mới. Tại đây, Hòa thượng đã tán thán các Phật tử đạo tràng chúng Mọc Quan Nhân trong việc tinh tiến tu tập, giữ gìn và phát huy những nét đẹp trong ngày tết cổ truyền của dân tộc, noi theo gương chư Tổ về chùa lễ Phật, vãng cảnh, nghe thầy giảng kinh. Đồng thời, Hòa thượng đã sách tấn các Phật tử “hãy luôn trân trọng và tự hào là người con quê hương, người đang sinh sống trên đất Mọc Quan Nhân, một mảnh đất văn hóa văn vật, sản sinh ra những anh kiệt cho đất nước, một địa phương đã được ghi vào trang sử vàng của đất Việt. Đất Mọc Quan Nhân và đất Đông Ngạc – Từ Liêm là 2 địa phương của Hà Nội được ghi vào trong sách sử có nhiều vị khoa bảng. Chính các vị đã dạy con cháu giữ gìn đạo đức, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mùng 1 mùng 2 nhớ tới Tổ tiên ông bà cha mẹ cúng kính và phụng thờ, mùng 3 nhớ tới thầy. Trong đó có 2 vị thầy, một thầy dạy ra chữ nghĩa và một bậc thầy tâm linh. Bậc thầy tâm linh che chở, dẫn dắt chúng ta xa nơi đường tà, đi vào nẻo thiện”. 
Hòa thượng cũng khuyến tấn các Phật tử đừng chấp vào chuyện mỗi ngày phải đi lễ bao nhiêu chùa, mà hãy luôn giữ tâm thanh tịnh khi đi chùa, không vội vàng, trước nhất phải quy kính Tam Bảo, kính lễ Tổ sư, thăm thầy trụ trì, vãng cảnh để thấy được cảnh đẹp của ngôi chùa mà Tổ tiên ta đã tạo dựng và các vị sư hiện nay đang giữ gìn, bảo lưu và phát huy. 
Qua đó, Hòa thượng mong rằng đại chúng hãy giữ gìn những nề nếp mà tổ tiên đã để lại, nề nếp đó chính là từ ngôi chùa, ngôi đền, văn miếu, các di chỉ…Đồng thời, Hòa thượng nhắc nhở đại chúng hãy luôn nhớ nghĩ tới 4 ân cao cả của mỗi người con Phật, luôn nuôi dưỡng để Phật tính trong mỗi người để Phật tâm lúc nào cũng hiển bày, Phật tâm hiển bày thì ma tâm sẽ bị dẹp đi, đất nước được thanh bình, cuộc sống bình yên. 

  
  
Hòa thượng trụ trì cùng đại chúng thực hiện nghi thức dâng hương bạch Phật

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  

Sau đó, phái đoàn chùa Hoa Nghiêm – thôn Sâm Hồ - huyện Thường Tín – Hà Nội do Đại đức Thích Quảng Tín hướng dẫn đã về lễ Phật, lễ Tổ và khánh tuế Hòa thượng nhân dịp đầu xuân mới.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Cũng trong buổi sáng này, Tịnh Độ đạo tràng và Phật tử đạo tràng chùa Kim Long – thôn Phú Đa – xã Cần Kiệm – huyện Thạch Thất – Hà Nội cũng đã về khánh tuế Hòa thượng, đồng thời lắng nghe những lời đạo từ của Hòa thượng nhân dịp đầu xuân. Hòa thượng bày tỏ niềm xúc động bởi đã nhiều năm trôi qua nhưng dưới sự dẫn dắt của Phật tử Đặng Thị Minh Châu, Tịnh Độ đạo tràng vẫn giữ được truyền thống “mùng 3 tết Thầy”, cùng nhau về các chốn tổ đình, trụ xứ để đỉnh lễ các bậc cao thiền thạc đức, với ý nghĩa tri ân ngôi Tăng bảo, bởi Tăng bảo là người hoằng truyền Phật và Pháp. Chư Tổ đã dạy rằng “Phật phi pháp bất hoằng, pháp phi tăng bất hiển”. Tức là có Phật mà không có Pháp thì không thể hoằng truyền được, có Phật có Pháp mà không có Tăng duy trì kế vãng, tuyên dương chính giáo thì Phật Pháp không thể tồn tại trên thế gian. Do đó, ba ngôi Phật – Pháp – Tăng vững như kiềng ba chân. Hòa thượng nhấn mạnh “Các vị hôm nay trở về chùa lễ Phật, nghe Pháp, bái Tăng, đó là một trong những công việc là Phật tử làm. Đặc biệt, hôm nay là ngày mùng 3 tết Thầy, đó chính là hành động thể hiện tinh thần tri ân của người đệ tử Phật, nói lên tinh thần tiếp nối truyền thống của ông cha. Người Việt Nam trong 3 ngày tết – 3 ngày quan trọng nhất, đẹp nhất đều hướng tới 3 ngôi Tam Bảo của người Phật tử, cũng ứng với 3 ngôi báu của người Việt là cha, là mẹ, là thầy. Thầy của thế gian có 2 người, một là thầy dạy nên sự nghiệp, nên tri thức. Hai là thầy quy hướng tâm linh. Đối với các vị Phật tử, người thầy quy hướng này chính là Tăng bảo. Chúng ta biết rằng Tổ có dạy “học một thầy kính vạn thầy”. Người Việt lại dạy con cháu rằng “nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Vậy thì đạo đức và văn hóa tôn sư trọng đạo của người Việt hợp với lời của Tổ, trùng với tư tưởng của Phật giáo là tất cả tôn kính. Bởi những người xung quanh ta cũng mang lại trí thức cho ta. Các vị Tăng, vị Ni hiện hữu trên cõi đời này đều là những vị tu sĩ phạm hạnh, cũng là những người thừa hành giáo pháp của Phật, trên xin giáo pháp của Phật để tu thân hành đạo, dưới xin thức ăn của đàn Việt để độ thân sống cho hiện tại. Cho nên các vị Phật tử là đạo tràng của Tịnh Độ, không phải là một pháp môn khác. Sau này Phật giáo Trung Hoa chia thành 10 tông phái, trong đó có tông Tịnh Độ, cũng như là tông hoằng truyền luật của ngài Đạo Tuyên, giống như tông hoằng truyền Pháp Hoa của ngài Trí Khải đại sư. Do vậy đều là đệ tử của Đức Phật, đều tôn kính ba ngôi Tam Bảo như nhau. Dù 10 tông phái nhưng cũng vẫn ở trong gốc đạo Phật, đặc biệt ở Việt Nam chúng ta hiện nay, trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự hợp nhất của 9 hệ phái tổ chức. Nhưng các tông tu đều nằm trong đó. Nhưng chúng ta phải nhớ chúng ta đều là đệ tử của Tam Bảo, tất cả các lời dạy của Tổ sư khai triển các tông phái đó đều là khai triển lời dạy của Đức Phật trong từng khía cạnh khác nhau. Giáo pháp của Phật như ngọc Ma Ni, mỗi người nhìn giáo pháp của Phật, học theo giáo pháp của Phật đều thấy ánh sáng tỏ rạng. Dưới mỗi góc độ sẽ đều thấy những ánh sáng khác nhau, nhưng đều là ánh sáng do ngọc Ma Ni chiếu ra. Cũng chính vì lẽ đó, chúng ta phải nhớ rõ Tăng bảo là điều vô cùng quan trọng. Chư Tổ đã dạy “học một thầy kính vạn thầy”. Trông thấy vị Tăng, Ni nào chúng ta đều phải kính bái làm thầy của mình cả. Bởi vì biết đâu thánh phàm là ngọc ẩn trong đất, ta phải có tâm cung kính cúng dàng. Như vậy ta mới không có lỗi thiên lệch. Thiên lệch là 1 trong 5 lỗi mà Đức Phật gọi là ngũ lợi sử (thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ). Cho nên mong tất cả chúng ta hiểu ra điều này để tu tập”.
Qua đây, Hòa thượng đã chia sẻ cho đại chúng về ý nghĩa của pháp môn Tịnh Độ. Đây là pháp môn không sai khác, không lạc đường, không ảnh hưởng gì trong sự phát triển của Giáo hội, trong sinh hoạt của Phật tử. Nhưng được sự hướng dẫn của Giáo hội, bởi Giáo hội vô cùng quan tâm tới việc hướng dẫn Phật tử tu tập, hoằng pháp cho tất cả các Phật tử bình đẳng trong tất cả pháp môn. Theo lời của hòa thượng Trưởng Ban hoằng pháp, “các Phật tử phải cùng yêu thương đoàn kết lẫn nhau, hòa hợp như nước với sữa, đừng chống đối nhau”. Trong Đạo Phật, tính bình đẳng là quan trọng, tục ngữ có câu "so bó đũa chọn cột cờ", trong đạo tràng hay tổ chức nào cũng chọn một người để nghe, để theo. Cho nên khi chúng ta đã tôn 1 người nào lên thì hãy tôn trọng người đó, đừng nên có ý nghĩ tách rời. Hòa thượng khuyến tấn đại chúng “phải coi Tăng Bảo là điều quan trọng. Tăng Bảo tức là Giáo hội, cho nên Giáo hội phân công như thế nào thì những vị Tăng phải chấp hành như vậy, Phật tử phải phụng hành theo như thế, phải luôn luôn nhất tâm cùng Phật nhất hướng cùng Tăng. “Đức Tăng như hải, Phật do xưng tán”. Công đức của Tăng lớn Phật còn phải khen ngợi, mong các vị hãy nương tựa vào Tăng mà tu tập, nương vào tập thể Giáo hội, nương vào tập hợp của đạo tràng mà tu tập”.
Cuối lời đạo từ, Hòa thượng đã đọc lại lời Tổ dạy trong bài cảnh sách buổi sáng:
Bài cảnh sách trong nhà tịnh nghiệp,
Tuân lời vàng cổ triết Thiền tông,
Muốn tu Tịnh độ thành công,
Cốt sao ba nghiệp sạch trong làu làu.
Thân khẩu ý trước sau tinh khiết,
Thời hiện tiền tịnh nghiệp mới nên,
Trau dồi ba nghiệp chưa chuyên,
Vãng sinh Tịnh độ nhân duyên lu mờ.
Qua đó, Hòa thượng khuyến tấn đại chúng “Hãy luôn giữ 3 nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, Thân khẩu ý luôn luôn phải hướng về Tam Bảo, hướng vào giáo pháp của Phật để tu. Các Phật tử đã chọn con đường tu Tịnh Độ để hướng vào cực lạc hiện tại và cực lạc mai sau. Cực lạc hiện tại chính là giáo lý nhân quả của Đức Phật, nhân của Ta Bà tốt thi quả cực lạc sẽ nở hoa sen vàng. Hãy tiến tu đạo nghiệp, tinh tấn tu học đừng để uổng công tu, chuyển hóa thân tâm để cuộc sống được an lạc”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Buổi chiều cùng ngày, Hòa thượng tiếp tục đón tiếp phái đoàn Phật tử cộng hòa Séc và Phật tử tại cộng hòa liên bang Đức trong niềm hoan hỷ ngày đầu xuân mới. Tại đây, Hòa thượng chia sẻ cho đại chúng về ý nghĩa ngày tết cổ truyền dân tộc “Lễ tết của chúng ta đi sâu vào lòng dân tộc. Lễ tết chính là dịp đoàn tụ, bởi vì tất cả mọi người làm ăn ở phương trời nào, nhưng ngày Tết cũng mong được về nơi quê cha đất tổ, trước nhất là để thắp lên bàn thờ Tổ tiên nén hương để tưởng nhớ tổ tiên ông bà quá vãng và cha mẹ con cái cháu chắt gặp mặt nhau trong Từ đường của dòng họ, gặp nhau quây quần bên mâm cơm gia đình. Nét đẹp truyền thống đó được Tổ tiên ta gây dựng và được lưu giữ cho đến ngày nay. Đặc biệt, người Việt Nam chúng ta có một nét đẹp là ngày Tết đi chùa, lễ Phật cầu an và vãn cảnh, bởi mỗi một ngôi chùa truyền tải một thông điệp về kiến trúc, mỹ thuật, về ngôi chùa, thờ tự, hình tượng cũng như vườn cảnh. Cho nên chùa bao giờ cũng đi với cảnh đẹp thanh tịnh. Các vị trở về ngôi chùa Bằng hôm nay nói riêng hay trở về các ngôi chùa Việt Nam nói chung cũng chính là trong tinh thần đó”.
Qua đây, Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ khi trong ngày “mùng 3 tết thầy” này, được tiếp đón phái đoàn của bà con Việt Kiều ở Séc, Đức, Mỹ đã về quê hương ăn Tết, đầu năm đi lễ các chốn Tổ đình, đặc biệt tới đỉnh lễ Đức Pháp Chủ đầu tiên. Tổ đình Quang Lãng – Viên Minh là ngôi Tổ đình ở đầu thế kỷ 20, vị danh tăng là Tổ Nguyên Uẩn mở ra Pháp hội Viên Minh ở đó, hoằng truyền chính pháp. Cho tới ngày nay, Đức Đệ Tam Pháp Chủ là bậc cao tăng uy tín trong nước và trên thế giới, năm nay tuy Ngài 102 tuổi nhưng sức khỏe và trí tuệ của Ngài vô cùng minh mẫn. 
Hòa thượng cũng chia sẻ và giới thiệu cho các Phật tử việt kiều về lịch sử của ngôi chùa Bằng: “chùa khi xưa trong quá khứ cũng là một ngôi chùa nổi tiếng, được tạo dựng từ khi nào chưa rõ nhưng có thể có gắn tích với thời nhà Trần, bởi vì Thành Hoàng làng này thờ học trò của Ngài Chu Văn An, vốn là một người con của vua Thủy Tề cho lên học thầy Chu Văn An. Nhưng do năm đó trời đại hạn, thầy Chu Văn An thương dân vùng này không có nước mưa, cây cối và người đều chết khô, người học trò liền nói “Con có cách làm trời mưa giúp thầy khỏi buồn, nhưng con sẽ bị mất mạng”. Khi người học trò nói xong thầy đồng ý và cầm nghiên mực vẩy lên trời, trời liền mưa như trút nước, dân làng có nước để ăn và sống, người thầy đi tìm không thấy học trò đâu, chỉ thấy xác một con thuồng luồng nổi lên. Người học trò vì thương thầy nên đã làm trái mệnh trời nên bị phạt. Có lẽ ngôi chùa gắn liền với thời dân cư đó, tuy năm nào tạo dựng thì chưa rõ nhưng hiện nay còn lưu lại 2 dấu tích là 1 tấm bia khắc vào năm 1617 do ngài Nguyễn Văn Tông tự Huệ Nguyên xây dựng trùng tu, và 1 tấm bia năm 1654 do Ngài Huệ Quảng Lê Khả Đắc trùng tu. Ngôi đại hùng bảo điện ở đây từ đó đến nay thì nền móng và nền tường có một điều đặc biệt, gạch giống gạch trong Hoàng Thành Thăng Long và ở Văn Miếu, cấu trúc của tường rất chắc. Cho nên năm 2017 vừa qua chúng tôi trùng tu Đại hùng bảo điện nhưng không dám phá móng hay động đến tường mà chỉ dỡ mái bê tông, vì chùa này trong thời kháng chiến chốn Pháp bị giặc Pháp đốt, cho nên làm mái bê tông, giờ chúng tôi quay trở lại mái gỗ. Vì vậy, các vị trở về Tổ đình chùa Bằng hôm nay cũng là ngôi chùa cổ có được năng lượng trong quá khứ của chư Tổ tu hành, và thời hiện tại chúng tôi nối noi từ năm 1996 về kế đăng trụ trì”.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng “tất cả mọi người dù ở đâu, ở phương trời nào cũng đều là anh em bởi đều là con Quốc Tổ, đều là con Lạc cháu Hồng, thì chúng ta đều phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đặc biệt các đồng bào sống xa quê hương cũng nên nương tựa vào nhau, hãy cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt, ngày Tết cố gắng về quê thăm viếng kính lễ Tổ tiên và thăm người thân, du xuân để biết được không khí đổi mới của đất nước, biết được phong tục tập quán của Tổ tiên mình. Đặc biệt, hãy tạo điều kiện để những thế hệ con cháu sau này giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa người Việt. Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới đồng bào hải ngoại, cho nên mong rằng các vị hãy chung sức chung lòng với Đảng, Chính phủ, nhà nước để xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau phái đoàn các Phật tử Việt kiều, đạo tràng Pháp Hoa Bằng Liệt cũng vân tập về chùa Bằng lễ Phật, lễ Tổ và khánh tuế Hòa thượng trụ trì.

 
 
 
 

Sáng sớm ngày mùng 4 Tết, trong chuyến du xuân đầu năm, các Phật tử chùa Linh Thông – huyện Thanh Trì – HN do Thượng tọa Thích Trí Như trụ trì đã vân tập về chùa Bằng lễ Phật, lễ Tổ, dâng lời khánh tuế và nhận lời chúc phúc đầu năm của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm.

  
  

Ngay sau đó, Hòa thượng tiếp tục đón tiếp phái đoàn đi hành hương đầu năm của đạo tràng chùa Bà Đá (Tổ đình Linh Quang) – trụ sở BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội. Nhân dịp này, Hòa thượng chia sẻ “Các Phật tử chùa Bà Đá có diễm phúc được sinh hoạt tu tập tại một Tổ đình cổ xưa, một nơi đào tạo ra Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam trong nhiều thời đại và cho tới cả ngày nay. Chùa Bà Đá là trụ sở BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, cũng là nơi đã được vinh dự sau khi đọc tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã về chùa Bà Đá và tại đây, Ngài gặp Tăng Ni Phật tử thủ đô Hà Nội và đưa ra tiêu chuẩn là diệt giặc đói và diệt giặc dốt. Cũng tại buổi thăm này, Ngài đã có bữa cơm thân mật với Hòa thượng trụ trì là cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thao. Đó là một kỷ niệm dấu ấn của Phật giáo Hà Nội, cho nên các vị tu tập ở đó có được năng lượng của chư Phật gia trì, năng lượng của chư Tổ và được sự dạy bảo của hiện tiền chư Tăng trong Ban hoằng pháp”
Qua đây, Hòa thượng đã tán thán công đức của Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội cũng như chư tôn đức thượng tọa, đại đức Tăng Ni trong Ban giáo thọ chùa Bà Đá đã hàng tuần giảng dạy và mở lớp chuyên tu tại Bà Đá (giờ đây chuyển lên Tổ đình Hồng Phúc – Hòe Nhai). Tuy xung quanh Tổ đình Bà Đá có rất nhiều tôn giáo bạn, nhưng ngôi cổ tự vẫn sáng ngời trong trang sử vàng Phật giáo Việt Nam cũng như trong lịch sử Phật giáo Hà Nội.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng “quý vị sẽ có một năm đầy đủ sức khỏe, bồ đề tâm kiên cố, tu học được thành tựu. Mong quý vị hãy nỗ lực cố gắng tu học hơn nữa trong năm mới, học theo hạnh Phật, thực hành theo giáo lý Đạo Phật để chuyển hóa khổ đau thành an lạc, hạnh phúc và giải thoát”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Cũng nhân dịp đầu xuân mới, tiếp phái đoàn chùa Hiển Linh – huyện Quốc Oai – HN do Ni sư trụ trì Thích Đàm Hiếu dẫn đoàn, Hòa thượng đã có lời chúc phúc đầu xuân và nhắc nhở hàng Phật tử “chùa Hiển Linh là một địa danh gần với chùa Thầy, thánh tích của Phật giáo Việt Nam, nơi phụng thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh – một danh tăng Phật giáo thời nhà Lý. Quần thể chùa Hiển Linh làm rạng danh cho quần thể di tích chùa Thầy – núi Sài”.
Qua đó, Hòa thượng mong rằng “Địa linh sản sinh ra nhân kiệt, địa phương có nhiều người thành đạt, các Phật tử hãy phát huy tinh thần cha ông, làm rạng danh quê hương xứ sở, tinh tấn tu học trở thành người Phật tử thuần thành của Đức Thế Tôn”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
  
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC