Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 19/08/2018 22:28 PM 
Chùa Bằng: Đại lễ vu lan báo hiếu PL2562 – DL2018
Tháng 7 âm lịch đã trở về trong hương thu dịu mát, báo hiệu một mùa vu lan báo hiếu lại đến, cũng là mùa của lễ hội tình thương, mùa của những đoá hồng đỏ thắm được vinh dự cài lên ngực áo nếu ai đó diễm phúc còn mẹ ở trên đời để được bảo bọc và chăm lo, và cũng bùi ngùi xúc động, chia sẻ, cảm thông với những ai bất hạnh không còn mẹ nữa để yêu thương.
Trong niềm hoài cảm sâu lắng đó, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) - phường Hoàng Liệt - quận Hoàng Mai - HN trang nghiêm tổ chức khóa tu vu lan báo hiếu lần thứ VIII dành cho mọi lứa tuổi, diễn ra trong 2 ngày 18,19/08/2018 (nhằm ngày 08,09/07 năm Mậu Tuất) Ngay từ đầu giờ chiều, đông đảo các bạn thanh thiếu niên, sinh viên, các vị Phật tử lớn tuổi đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên Tự) để tham dự 2 ngày tu tập tràn đầy ý nghĩa.

 
 
 
 
 
 

Đúng 14h00, sau nghi thức niêm hương bạch Phật yết Tổ, ban nghi lễ đã cung rước Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm quang lâm chia sẻ với đại chúng về ý nghĩa của khóa tu lần này, và tuyên bố khai mạc khóa tu vu lan báo hiếu lần thứ VIII tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự). 
Hòa thượng nhấn mạnh “Trong lịch tu của chùa Bằng, tháng nào và mùa nào cũng có khóa tu dành cho đủ các lứa tuổi. Điều đó chính là sự khẳng định rằng ở tại nơi đây, trong chốn già lam này không có sự phân chia, tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau, cùng trở về tu tập, nghe những lời Phật dạy, chuyển hóa thân tâm, gạn đục những chất cặn bã tham sân si, khơi trong yếu tố giới định tuệ để trở thành một con người hoàn hảo, sống cuộc đời tỉnh thức. Trong các khóa tu, đặc biệt có khóa tu báo hiếu là khóa tu dành cho tất cả mọi tầng lớp hay còn gọi là “khóa tu mở”. Bởi lẽ, dù là cụ già hay em nhỏ ai cũng đều có cha mẹ, ai trong tất cả chúng ta cũng đều phải niệm tới ơn sinh thành dưỡng dục tựa trời biển của cha mẹ. Nhìn lại tấm gương của Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni trong bao kiếp quá khứ, lúc hiện thân làm thái tử con vua, hay khi ứng thân làm con nhà tầm thường, hoặc ngay cả khi ứng thân loài súc sinh, dù ở môi trường hoàn cảnh nào, Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni cũng vẫn thể hiện là một người con có hiếu. Cho tới kiếp cuối cùng, sau khi thành Phật Ngài cũng vẫn là người con hiếu kính với vua cha từ lúc trong hoàng cung cho tới khi Ngài thành đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Trong suốt 45 năm thuyết pháp, Đức Phật dạy các đệ tử luôn phải nêu cao tinh thần hiếu đạo với cha mẹ. Đức Phật có dạy, nếu sinh ra ở đời, người nào đó không được gặp Phật nhưng lại biết hiếu kính với cha mẹ thì cũng coi như là đã gặp được Phật. Hay Đức Phật lại dạy trong Kinh Đại Tập: người con nào có hiếu thì vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ đi khắp năm châu bốn bể, tìm mọi thứ ngon nhất dâng lên cúng dường cha mẹ, tìm những thứ vui nhất để làm vui lòng cha mẹ. Nếu như có đem trọn sự cúng dàng đó báo hiếu với cha mẹ thì người con đó vẫn chưa thể báo đáp hết được công ơn hi sinh của cha của mẹ đối với mình. Trong bản kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy rằng, cha mẹ trong nhà là Phật ở đời, cha là Phật Thích Ca, mẹ là Phật Di Lặc. Vậy mới biết rằng Đức Phật luôn đề cao đạo hiếu. Từ đó, chư Tổ đã dạy tâm Hiếu là tâm Phật – hạnh Hiếu là hạnh Phật. Khi Phật giáo truyền vào Việt Nam hơn hai nghìn năm nay, tinh thần hiếu đạo của Phật giáo và tinh thần hiếu đạo của người Việt gặp nhau ở một điểm đó là biết hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ, kính thờ ông bà Tổ tiên, biết tri ân và báo ân. Do đó, ông bà ta từ xưa đã dạy con cháu rằng trong trăm điều phúc không phúc nào lớn bằng phúc hiếu kính với cha mẹ, ngược lại trong trăm điều tội không tội nào nặng bằng tội bất kính với cha mẹ. Gương hiếu hạnh đó được các bậc vua chúa từ bao đời noi theo, được các bậc Tổ tiên ta từ bao đời cho đến ngày nay đều noi theo, ai cũng biết hiếu dưỡng với hai đấng sinh thành. Ai trong chúng ta cũng đều phải chịu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Vì lẽ đó, 8 năm nay, chúng tôi muốn quy hướng tất cả mọi người, dù xuất gia hay tại gia, dù già hay trẻ đều có một khóa tu để hướng về hai đấng sinh thành nói riêng và ông bà cha mẹ Tổ tiên nói chung, đồng thời hướng về tứ trọng ân cao cả đó là: ơn Tam Bảo tế độ, ơn quốc gia xã hội, ơn cha mẹ sinh thành thầy cô dạy bảo, ơn chúng sinh vạn loài”. 
Qua đó, Hòa thượng cũng mong rằng trong khóa tu này, đại chúng hãy hướng về 4 ân cao cả, đặc biệt hướng về ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Khác với các khóa tu khác là chúng ta chỉ tu tùy theo từng lứa tuổi để nhìn nhận và học hỏi giáo lý cho phù hợp với trình độ và nhận thức của bản thân. Nhưng khóa tu báo hiếu này là khóa tu mở, tức là tất cả mọi người đều có thể đến tham dự trong 2 ngày, vì ai cũng có một nghĩa nặng tình sâu là công cha nghĩa mẹ sinh thành, ai cũng phải luôn ghi nhớ công ơn tấc dạ đinh ninh báo, hiếu nghĩa đỉnh đầu thăm thẳm soi. Vì vậy mà khóa tu mang một ý nghĩa rất quan trọng là báo đền ơn sâu của cha mẹ. “Nhưng chúng tôi khai thác tư tưởng của Tổ tiên ta dạy con cháu rằng con đâu cha mẹ đấy. Vậy thì hôm nay con về tu, cũng là nhằm cầu nguyện cho cha mẹ, nếu cha mẹ còn tại thế thì “đêm đêm con thắp đèn trời cầu cho cha mẹ sống đời với con”, nhưng nếu cha mẹ ông bà Tổ tiên đã quá vãng thì con cầu xin Đức Thích Ca Giáo Chủ rủ tay báu để dắt dìu, cầu xin Đức Di Đà đạo sư soi ánh vàng mà tiếp dẫn cho hương linh ông bà Tổ tiên quá vãng của chúng con tránh đường tà, quay về đường chính để sinh vào cảnh giới an lành của mười phương chư Phật”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự, đại chúng đã thực hiện nghi thức “cung thỉnh gia tiên, cửu huyền Thất Tổ về tham dự khóa tu” trong niềm chí thành, chí kính, đúng ý nghĩa “âm dương cùng tu”. Đây là một nghi thức có phần khác biệt, bởi vì ông cha ta đã dạy “Con đâu cha mẹ đấy”. Tức là hôm nay con trở về chùa cầu nguyện cho cha mẹ thì hương linh cha mẹ ông bà Tổ tiên quá vãng con cũng mời về chùa để lễ Phật, nghe kinh, cùng tu trì để hương linh được giải thoát. Nhưng cũng là để chúng con tỏ lòng tưởng nhớ tới cha mẹ ông bà Tổ tiên quá vãng bằng nén hương thơm, bát nước trong, bông hoa tịnh để cúng dàng lên hương linh cha mẹ. Đồng thời tưởng nhớ tới những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tưởng nhớ tới pháp giới lục đạo chúng sinh để những vị đó trở về đạo tràng nghe pháp, hiểu đạo, chuyển hóa nguồn mê quay về bờ giác.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, toàn thể đại chúng đã trang nghiêm thanh tịnh lắng lòng đón nhận thời pháp thoại của Đại đức Thích Thanh Tâm - Ủy viên thường trực Ban hoằng pháp TW với chủ đề “ăn trộm ân nghĩa”. Trong bài giảng, Đại đức vận dụng hình ảnh người ăn trộm để ví cho hình ảnh người con bất hiếu sẽ như một kẻ đang ăn trộm ân nghĩa hai đấng sinh thành. 
Do đó, hơn một giờ giảng giải và phân tích, Đại đức giảng sư đã hướng dẫn cho đại chúng tâm ý của người con hiếu thảo đối với cha mẹ ngay khi còn sống cũng như khuất bóng để xúng đáng là “người con hiếu thảo có chất liệu của người học Phật”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Đại đức giảng sư, toàn thể đại chúng đã đối trước Phật đài, nhất tâm tụng thời kinh Vu Lan hồi hướng công đức tu tập về Tổ tiên ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp.

 
 
 
 
 

Buổi tối cùng ngày, nằm trong chương trình của khóa tu Vu Lan Báo Hiếu lần thứ VIII năm 2018, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự đã trang nghiêm long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL 2562 – DL 2018.  
Trong truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, với tinh thần báo hiếu, báo ân, tri ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cách để nói lên sự cảm ơn sâu sắc và vô cùng đặc biệt trong cuộc đời của mỗi con người. Từ lâu đời nay, ngày lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành một ngày lễ vô cùng thiêng liêng mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. 
Vì thế, mùa Vu Lan năm nay, chùa Bằng long trọng tổ chức đại lễ để làm sống dậy truyền thống hiếu kính của ngàn xưa. 
Đúng 19h30, ba hồi chuông trống bát nhã chính thức vang lên, hàng nghìn nhân dân Phật tử có mặt tại lễ đường đã cùng khởi thân trang nghiêm, cung kính chắp tay đồng niệm danh hiệu của Đức Phật Bản Sư Thích Ca Mâu Ni cung đón chư tôn đức quang lâm lễ đài. 
Chứng minh buổi lễ có: Trưởng Lão Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Phó trưởng Ban thường trực Ban hoằng pháp TW; Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW, trưởng ban tổ chức khóa tu cùng toàn thể chư tôn đức Tăng Ni đến từ các tổ đình tự viện trong địa bàn thành phố Hà Nội. 
Về phía khách mời có: Phó GS.TS Trịnh Ngọc Thạch - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội; Ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, Ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A, Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân Phật tử thập phương đủ mọi lứa tuổi đã trở về tham dự khóa tu vu lan báo hiếu năm nay. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mở đầu chương trình, nhị vị hòa thượng cùng toàn thể đại chúng đã cử hành nghi thức dâng hương và thắp nến tri ân Tam Bảo, tưởng nhớ Tứ trọng ân. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tiếp sau đó NSND Lan Hương đã đọc bài cảm niệm vu lan, trong tiếng đàn guitar du dương, trầm bổng mà sâu lắng, từng lời cất lên như đang đánh thức những trái tim vô cảm vì bấy lâu nay còn mải mê với cuộc sống mưu sinh mà quên mất đi 2 đấng sinh thành, chợt tỉnh giấc mà quay về bên gia đình, bên “hai vị Phật” quan trọng nhất của đời ta… 
Những câu văn xúc động, nghẹn ngào của Nghệ sĩ Lan Hương như những lời sám hối khiến đâu đó xuất hiện những gương mặt đượm buồn, ánh nhìn chất chứa những nỗi nhớ niềm thương tới đấng sinh thành, và cả những giọt nước mắt hối hận lăn dài trên má, những tiếng nấc nghẹn ngào cứ khẽ cất lên vì những lỗi lầm dù vô tình hay cố ý mà ta đã phạm phải làm tổn thương hai đấng sinh thành.

 
 
 

Một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ đó chính là nghi thức cài hoa hồng. Trong dòng cảm xúc về cha về mẹ, những bông hồng đã được nâng niu, trân trọng cài lên ngực những người con hiếu thảo. Vì rằng “Hoa dù trắng hay hồng đều ý nghĩa…” nên trong mỗi bông hoa đều chứa đựng hình ảnh dịu hiền, sự hi sinh của mẹ, ánh mắt nghiêm nghị của cha, từng cánh hoa là từng giọt nước mắt, từng giọt mồ hôi, sớm hôm tần tảo của cha của mẹ. 
Tất cả đã được đón nhận với tâm thành kính của những người con Phật đang có mặt tại chùa Bằng. Nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” đã được cất lên đã giúp cho mọi người cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng không gì có thể thay thế được.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tiếp theo là nghi thức “Dâng trà” thiêng liêng của chư tôn đức và các em khóa sinh. Trong tinh thần tri ân và báo ân, để tỏ lòng cảm niệm ân đức sâu dày, Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Nhuận và Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng đại diện Phật tử đạo tràng Pháp Hoa đã trang nghiêm thực hiện nghi thức dâng trà cúng Phật, cúng Tổ Tiên để tỏ lòng tri ân với Tam Bảo, và Tổ tiên trong nhiều đời nhiều kiếp. 
Trong thời khắc thiêng liêng, các bạn thanh thiếu niên trẻ tuổi - những chủ nhân tương lai của đất nước đã thành kính dâng lên nhị vị Hòa Thượng và  các bà, các bác, các chú – là những người đáng tuổi cha, tuổi mẹ những chén trà ấm nóng bằng cả tấm lòng tri ân sâu sắc nhất.  
Giây phút ấy, các bạn đã hiểu được: Làm người sống trên đời, không thể nào được phép quên chữ Hiếu, chữ Nghĩa và tinh thần Tứ Trọng Ân cao cả, phải biết tri ân, báo ân. Tri ân và báo ân không phải chỉ là một ngày, một tháng, một năm, mà là cả một đời người điều này lại vô cùng đặc biệt là đối với mỗi người con. Đó mới chính là tinh thần của người Việt, tinh thần của Phật giáo.  
Đặc biệt, các bạn thanh thiếu niên trẻ đó lại chính là những bạn khóa sinh đã trưởng thành từ khóa tu tuổi trẻ tại chùa Bằng vừa qua với chủ đề “Nguyện theo hạnh Phật”. Đúng với chính tên chủ đề khóa tu đó, các bạn đã nguyện theo hạnh hiếu của Đức Phật, biết tri ân và báo ân bằng hành động cụ thể nhất. Đó là trở về “ngôi nhà tâm linh” – nơi các bạn được quy y Tam Bảo, được sinh ra lần thứ 2, về với những người thân trong nhiều đời nhiều kiếp, để cùng tu tập, tụng kinh, nghe pháp, hồi hướng công đức cho cha mẹ ông bà tiên tổ. Và đặc biệt nhất, là ngay giây phút này, chính tay các bạn dâng lên chén trà tri ân nhị vị Hòa thượng – những bậc cao thiền thạc đức của Phật giáo Việt Nam, trong đó có “sư phụ” – người cha, người thầy mà các bạn kính yêu nhất trong ngôi nhà tâm linh này. Hơn nữa, các bạn cũng quỳ xuống dưới chân các bà các ông các cô các chú, dâng lên chén trà tri ân thay cho lời biết ơn sâu sắc nhất. Bởi chính nhờ các ông các bà, các cô các chú trợ duyên từ hậu cần đến khâu tổ chức, mà các bạn có được một khóa tu tuổi trẻ an toàn, lành mạnh và đầy ý nghĩa. Chén trà mà các bạn dâng lên, chính là chén trà của sự hiểu biết, yêu thương và đồng điệu, chén trà của sự biết ơn và báo ơn với chính những người Tứ Trọng Ân mà quý Thầy đã chỉ dạy. Giây phút xúc động hơn nữa, chính là khi đại diện Phật tử đạo tràng Pháp Hoa và các bạn thanh thiếu niên đã dâng phẩm vật cúng dàng chư tôn đức nhân dịp chư Tăng Ni kết thúc ba tháng hạ an cư, giới đức trang nghiêm, hạ lạp tăng trưởng.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng, nhắc lại tấm gương hiếu hạnh cao cả của Đức Phật Bản Sư Thích Ca Mâu Ni và tôn giả Mục Kiền Liên. 
Hòa thượng nhấn mạnh “tuy rằng trong giáo lý Phật đà và tín ngưỡng của dân gian hiện tại có đôi chút khác nhau về sự báo hiếu, nhưng lời Phật dạy vẫn là kim chỉ nam cho chúng ta để những ai còn đang hiểu lệch lạc về tinh thần hiếu đạo, hiếu kính cha mẹ. Trong mùa vu lan, hàng ngày người đệ tử Phật năng trì tụng kinh, lễ Phật, bái sám, ăn chay để mang công đức báo đền ơn sinh thành của cha mẹ. Người thế gian hiện nay đã khiến cho lễ vu lan trở nên “biến tướng” bằng hình thức cúng kính mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã…nhưng trong Phật giáo, Đức Phật chỉ dạy rằng hãy hướng vào cha mẹ, bằng cách người con phải biết vâng lời cha mẹ dạy bảo, biết giữ gìn tài sản của cha mẹ làm ra, biết giữ gìn truyền thống đoàn kết giữa anh em và tôn ti trong nhà cũng như trong dòng tộc, biết hiếu kính cha mẹ, phụng thờ tổ tiên”. 
Qua đó, Hòa thượng mong rằng "mỗi người ngồi trong lễ đường hôm nay, tuy ở những nơi khác nhau, dù quý tôn đức xuất gia và quý vị tại gia nhưng đều là đệ tử Phật. Mà Đức Phật dạy người xuất gia hay tại gia đều phải có nhiệm vụ hiếu kính cha mẹ. Tuy nhiên người xuất gia còn thêm một ân lớn đó chính là ân sư trưởng tế độ giáo dưỡng nên giới thân tuệ mạng. Vậy nên chúng ta trở về đây để cùng nhau hòa hợp trang nghiêm tu tập giáo pháp Phật, được lắng nghe quý Thầy giảng dạy về tinh thần hiếu đạo, để từ đó chúng ta được thấm nhuần tinh thần hiếu kính với cha mẹ và niệm tới 4 ân lớn. Mong các vị hãy luôn giữ tinh thần hiếu đạo với cha mẹ ông bà Tổ tiên không chỉ trong mùa vu lan này mà còn trong suốt cả cuộc đời. Hãy biết trân trọng và dựng xây quê hương đất nước, giữ gìn nét đẹp văn hóa, đạo thờ ông bà của dân tộc Việt cùng với lời dạy của Đức Phật để xây dựng một xã hội thuần tịnh".
Khóa tu Vu lan báo hiếu dành cho tuổi trẻ lần thứ VIII tại chùa Bằng đã khép lại ngày tu thứ nhất, nhưng những điều ý nghĩa mà những thiện nam tín nữ tham dự khóa tu học được từ những lời kinh câu kệ, từ những bài pháp của quý Thầy truyền trao sẽ là hành trang cho mỗi người trên đường đời, giúp mọi người trở thành những người con hiếu thảo, những người công dân tốt và là những người Phật tử thuần thành của Đức Thế Tôn.

 
 
 
 
Trưởng lão hòa thượng Thích Quang Nhuận tặng quà tri ân vợ chồng NSND Lan Hương - NSUT Đỗ Kỷ vì những đóng góp của 2 vợ chồng trong các hoạt động Phật sự tại chùa Bằng suốt một năm qua

 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC