Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 15/10/2018 11:12 AM 
Chùa Bằng: Ngày tu an lạc tháng 9 năm Mậu Tuất
Ngày 14 tháng 10 năm 2018, nhằm ngày 06 tháng 09 năm Mậu Tuất, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên Tự) từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.
Đúng 7h30' sáng, Đại đức Thích Thanh Tâm - Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Giáo thọ sư chùa Bằng đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm pháp tòa và có thời pháp thoại giảng giải cho đại chúng về ý nghĩa 5 phần tiếp theo của chương II Hai Pháp IV. Phẩm Tâm Thăng Bằng trong Kinh Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikàya (nối tiếp bài giảng trong ngày tu an lạc tháng 8 năm Mậu Tuất).
Kinh Anguttara Nikàya, dịch là Kinh Tăng Chi Bộ, là bộ thứ tư trong năm bộ kinh tạng Pali: Dìgha Nikàya (Kinh Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Kinh Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Kinh Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Kinh Tăng Chi Bộ), và Khuddaka Nikàya (Kinh Tiểu Bộ).
Bản Kinh Giữ Tâm Thăng Bằng này gồm có 10 điều, trong ngày tu an lạc tháng trước, đại chúng đã lắng nghe Hòa thượng giải thích ý nghĩa của 5 điều. Trong ngày tu an lạc tháng 9 âm lịch này, đại chúng tiếp tục được nghe Hòa thượng trụ trì giảng giải về 5 điều còn lại trong phẩm Tâm Thăng Bằng.
6. Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna ở tại Varana, trên bờ sông Kaddamada. Rồi Bà-la-môn Àràmadanda đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahà Kaccàna những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Àràmadanda thưa với Tôn giả Mahà Kaccàna:
– Do nhân gì, thưa Tôn giả Kaccàna, do duyên gì, các người Sát-đế-lỵ tranh chấp với các người Sát-đế-lỵ, các người Bà-la-môn tranh chấp với các người Bà-la-môn, các người gia chủ tranh chấp với các người gia chủ?
– Do nhân thiên chấp, bị trói buộc, bị đắm say, bị xâm chiếm, bị đắm trước bởi các dục tham, này Bà-la-môn, nên các quý tộc tranh chấp với các quý tộc, các Bà-la-môn tranh chấp với các Bà-la-môn, các gia chủ tranh chấp với các  gia chủ.
– Do nhân gì, thưa Tôn giả Kaccàna, do duyên gì, các Sa-môn tranh chấp với các Sa-môn?
– Do nhân thiên chấp bị trói buộc, bị đắm say, bị xâm chiếm, bị đắm trước bởi các kiến tham, này Bà-la-môn, nên các Sa-môn tranh chấp với các Sa-môn.
– Nhưng thưa Tôn giả Kaccàna, có người nào ở đời có thể vượt qua thiên chấp, bị trói buộc, bị đắm say, bị xâm chiếm, bị đắm trước bởi các dục tham này, có thể vượt qua thiên chấp, bị trói buộc, bị đắm say, bị xâm chiếm, bị đắm trước bởi các kiến tham này?
– Có người ở đời, này Bà-la-môn, có thể vượt qua thiên chấp, trói buộc, đắm say, xâm chiếm, bị đắm trước bởi dục tham này, có thể vượt qua thiên chấp,  trói buộc, đắm say, xâm chiếm, bị đắm trước kiến tham này.
Vị ấy là ai, này các Bà-la-môn, có thể vượt qua thiên chấp… kiến tham này?
Ở quốc độ phương Đông, này Bà-la-môn, có một thành phố tên là Sàvatthi, tại đấy, Thế Tôn nay đang trú, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Vị Thế Tôn ấy, này Bà-la-môn, đã vượt qua thiên chấp… kiến tham này.
Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Ãràmadaṇḍa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, đầu gối phía hữu quỳ trên đất, chắp tay hướng về phía Thế Tôn, và nói lên ba lần lời cảm hứng như sau:
– Kính lễ Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Kính lễ Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Kính lễ Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Vị Thế Tôn ấy, đã vượt qua thiên chấp… kiến tham này.
Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Kaccàna! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Kaccàna! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, thưa Tôn giả Kaccàna, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay đem đèn vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Kaccàna dùng nhiều pháp môn để giải thích. Thưa Tôn giả Kaccàna, con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Kaccàna nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
7. Một thời, Tôn giả Mahà Kaccàna trú ở Madhurà, tại rừng Gundhà. Rồi Bà-la-môn Kandaràyana đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahà Kaccàna… ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Kandaràyana thưa với Tôn giả Mahà Kaccàna:
– Tôi có nghe như sau, thưa Tôn giả Kaccàna: “Sa-môn Kaccàna không kính lễ, không đứng dậy, không lấy ghế mời ngồi các bậc Bà-la-môn già cả, trưởng lão, các bậc trưởng thượng đã đi quá nửa cuộc đời, đã đạt cuối mức tuổi đời”. Thưa Tôn giả Kaccàna, có phải sự tình là như vậy không? Nếu Tôn giả Kaccàna không kính lễ, không đứng dậy… đã đạt cuối mức của tuổi đời, sự tình như vậy, thưa Tôn giả Kaccàna, là không được tốt đẹp.
– Này Bà-la-môn, có Thế Tôn, bậc Tri giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã tuyên bố về địa vị của tuổi trưởng lão và về địa vị của tuổi trẻ. Vị trưởng lão, này Bà-la-môn, 80 tuổi hay 90 tuổi, hay 100 tuổi đời, nếu vị ấy thọ hưởng các dục vọng, sống giữa các dục vọng, bị đốt cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, bị nhai nghiến bởi các tầm tư dục vọng, cố gắng tìm cầu các dục vọng; người như vậy được gọi là kẻ ngu, không phải là bậc trưởng lão. Dầu cho, này Bà-la-môn, một người còn trẻ, một thanh niên trẻ trung với tóc đen nhánh, đầy đủ tuổi trẻ hiền thiện trong thời sơ khởi của tuổi đời, mà người ấy không hưởng thọ các dục vọng, không sống giữa các dục vọng, không bị đốt cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, không bị nhai nghiến bởi các tầm tư dục vọng, không có cố gắng tầm cầu các dục vọng, người như vậy được gọi là bậc có trí, bậc trưởng lão.
 Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Kandaràyama từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y lên một bên vai, cúi đầu đảnh lễ chân các Tỷ-kheo còn trẻ tuổi và nói:
– Trưởng lão là chư Tôn giả, đã đứng trên địa vị trưởng lão. Trẻ tuổi là chúng con, đã đứng trên địa vị trẻ tuổi.
Thật vi diệu thay, Tôn giả Kaccàna… Mong Tôn giả Kaccàna chấp nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
8. – Khi nào các người ăn trộm cường mạnh, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, các vua chúa yếu đuối, trong khi ấy, thật không an toàn cho các vua chúa để đi qua lại, đi ra, đi quan sát các biên cương. Và trong khi ấy, thật không an toàn cho các Bà-la-môn, các gia chủ để đi qua lại, đi ra, đi giám sát các công việc làm ở ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các ác Tỷ-kheo cường mạnh, trong khi ấy, các thuần tịnh Tỷ-kheo yếu đuối. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo thuần tịnh giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chúng Tỷ-kheo, hoặc đi đến các quốc độ biên địa. Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là bất hạnh cho đa số, là không an lạc cho đa số, là không lợi ích cho đa số, là bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua chúa cường mạnh, trong khi ấy các trộm cướp yếu đuối, trong khi ấy, thật an toàn cho các vua chúa để đi qua lại, đi ra, đi quan sát các biên cương. Và trong khi ấy, thật an toàn cho các Bà-la-môn, các gia chủ để đi qua lại, đi ra, đi giám sát các công việc làm ở ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các thuần tịnh Tỷ-kheo cường mạnh, trong khi ấy, các ác Tỷ-kheo yếu đuối. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, các ác Tỷ-kheo giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chúng Tỷ-kheo, hoặc đi các chỗ khác. Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạnh phúc cho đa số, là an lạc cho đa số, là lợi ích cho đa số, là hạnh phúc, là an lạc cho chư Thiên và loài Người.
9. Ta không tán thán hai loại tà hạnh, này các Tỷ-kheo, ở người gia chủ, hay ở người xuất gia. Người gia chủ, này các Tỷ-kheo, hay người xuất gia theo tà hạnh, do nhân duyên tà hạnh, không thể đem lại chánh lý, thiện pháp.
Ta tán thán hai loại chánh hạnh, này các Tỷ-kheo, ở người gia chủ hay ở người xuất gia. Người gia chủ, này các Tỷ-kheo, hay người xuất gia theo chánh hạnh, do nhân duyên chánh hạnh, có thể đem lại chánh lý, thiện pháp.
10. Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, chận đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều vô phước và làm cho diệu pháp biến mất.
Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều phước đức, và làm cho diệu pháp an trú.
Cuối thời pháp thoại, Hòa thượng mong rằng đại chúng hãy thật tâm tu tập, học thiện pháp, nỗ lực học và hành trì theo giáo pháp của Đức Thế Tôn để mang lại lợi lạc cho mình và cho những người xung quanh, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp ngay trong đời hiện tại.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì, đại chúng tiếp tục trì tụng Kinh Bổn Môn cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

 
 

Buổi trưa, đại chúng thực hành nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.

 
 
 
 

Đầu giờ chiều, dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng bản tự, hành giả tu tập bát quan trai giới đã trang nghiêm, thành kính đối trước Phật đài tụng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển 6, khép lại ngày tu tràn đầy hỷ lạc.

 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC