Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 25/12/2018 10:39 AM 
Chùa Bằng: Lễ khánh đản Phật A Di Đà
Ngày 22 tháng 12 năm 2018, nhằm ngày 16 tháng 11 năm Mậu Tuất, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) để trang nghiêm thành kính làm lễ khánh đản Phật A Di Đà và tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.
Đúng 7h30', Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng và đại diện Phật tử đã làm lễ niêm hương bạch Phật. Sau đó, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã đăng đàn truyền giới Bát Quan Trai cho hàng Phật tử. 
Đồng thời, Hòa thượng trụ trì và toàn thể đại chúng đã tụng thời kinh A Di Đà và chuyên chú nhất tâm niệm thánh hiệu A Di Đà.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, nhận lời mời của Hòa thượng trụ trì, Hoà Thượng Yoshimizu Daichi từ Tokyo Nhật Bản đã quang lâm về chùa Bằng và có thời pháp thoại tới đại chúng về pháp môn Tịnh Độ.
Nhân dịp này, Hoà Thượng Daichi đã giới thiệu về lịch sử vị tông tổ khai sáng ra Tịnh Độ Tông NB, đó là Ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân法然上人, một vị tổ tu tập niệm Phật chuyên tu 専修念仏của Tịnh Độ, ngài đã từng đọc tụng thiên kinh vạn quyển và hành trì danh hiệu của Đức A Di Đà tại chùa Diên Lịch, Núi Tỷ Duệ từ thời hành điệu. Tỷ Duệ Sơn là trung tâm Phật giáo phát triển cường thịnh vào thời Heian (Thời Bình An). Ngoài ra Ngài cũng được xem như là một hành giả Tịnh Độ niệm Phật nhiều nhất ở Nhật Bản vào lúc bấy giờ. Theo Ngài Pháp Nhiên cho rằng tu tịnh độ thì cần phải có : Tín, nguyện và hành. Nghĩa là chúng ta phải đặt niềm tin tuyệt đối vào tha lực bản nguyện của Đức A Di Đà, lập thệ nguyện từ bi cứu độ chúng sinh từ vô lượng kiếp, và sau cùng chúng ta tu tập và thực tiễn hành pháp y như ngài A Di Dà.
Để thực hành phương pháp tu tập của hành giả Tịnh Độ có hiệu quả công năng trong việc thân tâm nhất như, Ngài Pháp Nhiên còn dạy chúng ta cần áp dụng vào ngũ chủng chính hạnh cụ thể là 5 phương pháp đúng đắn trong sự hành trì. Đó là đọc tụng (tụng kinh), lễ bái, niệm phật (trong lục niệm), quán sát (quán tưởng, quán tượng, niệm tam muội), tán thán(xưng dương hạnh nguyện, 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của chư Phật).
Trong quá trình giảng pháp, Hòa thượng Daichi nghị luận phân tích nhấn mạnh đến vấn đề “Vãng sinh:往生”nghĩa là vãng sinh ở đây không chỉ bao trọn ý nghĩa là đợi chết chúng ta mới vãng sinh, mà bản thân vãng sinh là làm cho chúng ta có động lực mạnh mẽ tinh tiến niệm Phật cầu về thế giới Tịnh Độ ngay ở nhân gian này. 
Thế giới của chư Phật là thế giới thanh tịnh thanh trừng và tịnh cảnh các pháp giới mà không còn sự ràng buộc nào ngăn cản chúng ta đó là cõi “TỊNH:浄”, còn “ĐỘ:土” chính là đất, là thổ nhưỡng nhằm chỉ cụ thể hoá nơi chốn là đạo tràng. Do vậy cõi “Tịnh Độ nhân gian” chính là nơi đạo tràng tu học có đầy đủ giới định, tuệ, có đầy đủ cả hai phương diện từ bi và trí tuệ, mà Hòa thượng Daichi sử dụng khái niệm dễ hiểu chính là trí não tâm hồn. Mà trí não và tâm hồn của chúng ta chính là năng lượng, là sức mạnh của Đức A Di Đà ban độ cho hết thảy chúng sinh. 
Hơn thế nữa, Hòa thượng Daichi nhấn mạnh thêm: Đức A Di Đà là cha lành của bốn loài, của pháp giới tàng thân, nên Đức A Di Đà đang ở trên quê hương “cực lạc Tịnh Độ極楽浄土”, hàng ngày hằng đêm hằng giờ hằng khắc hằng sát na vi trần ngài đều canh cánh nhớ đến đàn con “thơ dại”(chúng sinh đa nghiệp), đang lạc lõng ở cõi “Ta bà duệ độ娑婆穢土”này. Nên chúng ta niệm Phật để được trở về quê hương, nơi mà mỗi hành giả Tịnh Độ đã từng đi qua, giờ đây chúng ta cùng hứa hẹn sẽ “câu hội nhất xứ”(cho dù mỗi cách sống khác nhau, mỗi nghiệp quả thiện ác khác nhau nhưng cùng tu tập niệm Phật chúng ta sẽ cùng nhau“câu hội” gặp gỡ ở một trú xứ. Đó chính là vãng sinh Tịnh Độ cực lạc nơi trần gian này.
Sau đó, Hòa thượng Daichi ứng dụng những phương pháp thực tiễn mà khi Ngài bị căn bệnh ung thư tuyến tuỵ, phẫu thuật hơn 13 tiếng đồng hồ vào năm 1994 và Hòa thượngvượt qua được hai bờ sinh tử thông qua căn bệnh mà cả thế giới khó chữa trị khỏi. Hòa thượngrơi vào trạng thái tuyệt vọng trong cuộc đời của mình khi từ 106 cân, sau 3 tháng còn 46 cân. Từ năm 1995 đến nay, nhờ sự giúp đỡ của Hòa thượng Thích Trí Quảng mà Hòa thượng Yoshimizu Daichi thường xuyên về VN ăn chanh, tắm nắng, hoằng pháp nhiều nơi, nhận được nhiều tình cảm cao quý từ nhà nước, Phật giáo, bà con Phật tử kính mến, dần dần khoẻ mạnh đến ngày hôm nay.
Chính vì vậy, Hòa thượng xem Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình. Hòa thượng đưa ra kinh nghiệm sống, sự nhiệm màu trong quá trình niệm Phật, để khi ngài giảng về “diện tướng truyền面相伝” dường như toát lên được cả kinh nghiệm tu tập một đời của ngài gần đến bát thập lão niên.
Tuy tuổi cao sức yếu nhưng trong quá trình giảng pháp, Hòa thượng Daichi đứng lên ngồi xuống vừa niệm Phật vừa thao tác những nghi thức tác pháp, chỉ dẫn cho hàng nghìn Phật tử về “Thập Niệm Truyền十念伝” chỉ điểm trên gương mặt và toàn thân thể. 
Nghi thức thao tác ấy của Hòa thượng rất hoạt khí, linh hoạt khiến cả đạo tràng cũng thao tác theo từng động tác, vừa quán tưởng vừa niệm Phật để cho thân tâm an lạc, vận khí điều hoà, nội công tu tập, qua câu tục ngữ trong Tịnh Độ Tông Nhật Bản “念ずれば花開くnenzureba Hanahiraku”(nghĩa là nếu chúng ta tin tưởng được điều gì đó, thì kết quả tốt đẹp sẽ đến với chúng ta.
Cuối cùng, bằng kinh nghiệm tu tập của bản thân, Hòa thượng nhấn mạnh niềm tin tuyệt đối vào đức Phật A Di Đà, lấy niệm Phật là vi tiên, là chuyên tu, là trụ cột của cuộc sống và đức Phật luôn trong trái tim Hòa thượng. Ngài giảng dạy phương pháp niệm Phật như bài thuốc trị liệu dẫn đến kết quả thân tâm an lạc, pháp hỷ xung mãn.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau thời pháp thoại đầy ý nghĩa của Hòa thượng Yoshimizu Daichi, toàn thể đại chúng đã trang nghiêm xếp hàng ngay ngắn, niệm Phật kinh hành về trai đường để thực hiện nghi thức cúng Ngọ, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.

 
 
 
 
 
 
 
 

Đầu giờ chiều, đại chúng chắp tay búp sen trang nghiêm thành kính niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà, cung đón Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm quang lâm pháp tòa, giảng giải cho đại chúng hiểu sâu về 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà. Qua đó, Hòa thượng mong các Phật tử hãy tinh tiến tu tập, tự phát ra cho mình những lời nguyện để noi theo gương hạnh của chư Phật, chuyển hóa thân tâm, hướng tới cuộc sống giải thoát, an lạc.

 
 
 
 
 
 
 
 

Buổi tối cùng ngày, sau thời tụng khóa tụng kinh A Di Đà, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã trao tặng gần 50 phần quà cho những cô bác trong Ban công quả - những người đã âm thầm lặng lẽ phụng sự từng hoạt động Phật sự, hộ trì quý Thầy, hộ trì Phật pháp trong suốt những năm qua tại chùa Bằng. Hòa thượng đã tán thán công đức lành của các Phật tử trong Ban công quả bằng chính bài cảnh sách phân công:
Phục vụ người tức phục vụ mình,
Chăm lo củi nước hoàn thành,
Cũng là đường lối tu hành cần chuyên.
Giúp ta giác ngộ cơ thiền,
So đo hơn thiệt não phiền càng tăng.
Tổ Tào Khê siêng năng giã gạo,
Tổ Tuyết Phong tần tảo làm cơm,
Qui Sơn bếp núc chăm nom,
Kính Sơn quét tước thường làm vệ sinh,
Tổ Bách Trượng thanh minh trong chúng,
Ngày không làm thời cũng không ăn,
Thọ Xương cày cấy chung thân,
Ðều là những bậc vĩ nhân cửa Thiền.
Gương xưa mãi mãi còn truyền,
Cần lao phục vụ lực điền tận tâm.
Nay đại chúng tùng lâm cộng trụ
Chức vụ thường thiếu sự gắng công,
Ai đủ sức nên xung phong,
Rụt rè khoáng phế việc chung sao đành,
Có công Phật Tổ mới thành,
Không thời biển khổ lênh đênh đời đời.
Hòa thượng mong đại chúng hãy coi ngôi chùa Bằng chính là ngôi nhà thứ hai của mình, cùng đoàn kết hòa hợp, tinh tiến tu tập, chung tay góp sức xây dựng để mọi hoạt động Phật sự đều được thành tựu, để chốn già lam ngày càng trang nghiêm thanh tịnh, tố hảo hơn nữa, làm nơi quy ngưỡng tâm linh cho muôn đời con cháu hiện tại và mai sau.

 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC