Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 27/02/2019 22:32 PM 
HT Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng trong lễ khai pháp tại chùa Tương Mai
Tối ngày 26 tháng 02 năm 2019, nhằm ngày 22 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, nhận lời thỉnh mời của Ni sư trụ trì Thích Đàm Thu, Phật tử đạo tràng chùa Tương Mai – quận Hoàng Mai - HN đã thành kính cung đón Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm quang lâm pháp tòa ban thời pháp thoại đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi.
Trước khi bắt đầu vào bài pháp thoại đầu tiên của năm mới này, Hòa thượng đã tán thán công đức của các Phật tử trong việc duy trì nề nếp tu tập vào mỗi buổi tối thứ 3 đầu tiên của tháng. Đồng thời Hòa thượng đã chúc những câu chúc tốt đẹp, an lành nhân dịp đầu xuân tới đại chúng.
Sau đó, Hòa thượng đã chia sẻ về một sự kiện trọng đại trong năm 2019 này của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo toàn cầu nói chung. Đó là Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại chùa Tam Chúc – Hà Nam vào ngày 12 tới ngày 14/5/2019. Theo Hòa thượng chia sẻ sở dĩ Hòa thượng phải nói về điều này, bởi đây là sự kiện lớn nhất của Phật giáo được diễn ra lần thứ 3 tại Việt Nam. Nhưng nhiều người lại tưởng lầm đây chỉ là một đại hội. Hòa thượng đã giải thích về ý nghĩa của đại lễ vesak theo quan điểm Phật giáo Bắc truyền và Phật giáo Nam truyền, đồng thời nhấn mạnh “đây là sự kiện kỷ niệm ngày tháng năm lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tôn vinh là Bậc đại đạo sư của 3 cõi, được kính ngưỡng là đấng cha lành của 4 loài. Đây là lễ kỉ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật: đản sinh – thành đạo và nhập Niết Bàn. Đạo Phật ra đời cách đây hơn 25 thế kỷ. Đức Phật ra đời đánh dấu một sự kiện quan trọng trong thế gian. Nói về sự siêu tuyệt của đức Phật trên thế gian này, Kinh Trung Bộ dùng ẩn dụ: “Như bông sen hồng hay sen trắng sinh ra từ bùn, nước, lớn lên, vươn khỏi nước, không bị nước thấm. Đức Phật được sinh ra và lớn lên trong đời, đã chinh phục đời, không bị nghiệp đời làm cho thấm ướt”. Về mục đích và giá trị, sự có mặt của đức Phật trên đời này được ghi nhận như sau: “Ta sinh ra đời vì hạnh phúc lớn cho các chúng sinh, vì lòng thương đời và vì phúc lạc lớn cho loài người”. Đức Phật ra đời mang cho chúng ta một thông điệp về tình yêu thương, hòa bình. Những ai đi theo Ngài, học theo lời dạy của Ngài thì sẽ cảm nhận được niềm an lạc, hạnh phúc trong đời. Cho tới sau này, năm 1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận ngày lễ Tam Hợp này là ngày hội hòa bình tôn giáo thế giới. Hàng năm, kỷ niệm 3 sự kiện đó bởi đại hội đồng Liên Hợp Quốc và được tổ chức tại Bangkok – Thái Lan. Năm nay là năm thứ 16 mà Liên Hợp Quốc kỷ niệm ngày Tam Hợp: ngày Thái tử đản sinh, ngày Bồ Tát viên thành đại giác thành Phật và ngày Đức Phật nhập Niết Bàn. Tại sao chúng ta nghe một con người mà lại có 3 danh xưng khác nhau? Bởi lẽ khi Ngài mới sinh ra trong hoàng cung là con trai của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, ứng thân vào cõi đời này bằng hình tướng thái tử. Các nước Phật giáo Đại thừa gọi đây là ngày Phật đản – là ngày ra đời của Đức Phật. Theo quan điểm của Đại thừa, Đức Phật thành lập từ hàng hà sa kiếp mà theo kinh Pháp Hoa nói là “cửu viễn thật thành đại ân giáo chủ”. Nhưng Phật giáo các nước Nam truyền coi sự kiện lúc này Ngài chỉ là hiện thân của Thái tử. Cho nên gọi đây là ngày đản sinh của Thái tử. Năm 29 tuổi, thái tử từ biệt ngai vàng bệ ngọc, khước từ danh vọng cao nhất do vua cha chuẩn bị truyền trao, bỏ lại sau lưng dục lạc thế gian để đi xuất gia trong 6 năm. Tới 35 tuổi Ngài thành đạo. Lúc này Ngài tu nhân hạnh Bồ Tát. Tới ngày 8/12 âm lịch theo Đại thừa hoặc theo Nam truyền chính là ngày trăng tròn tháng Vesak, Bồ Tát thành đạo dưới gốc cây Tát Bát La, cho nên gọi là ngày Bồ Tát thành đạo. Từ đây trở đi Ngài mới là Phật”. 
Mỗi một năm, đại lễ Vesak được tổ chức đều đưa ra một chủ đề dựa trên tinh thần tam tạng thánh giáo của Đức Phật, để hướng những người đệ tử Phật thực hiện trong năm đó. Đối với Phật giáo Việt Nam, đây là lần thứ 3 đăng cai tổ chức đại lễ Vesak. Lần đầu tiên Việt Nam được đăng cai là năm 2008, do nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức và vô cùng thành công tại trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Từ đó, tầm ảnh hưởng của nhà nước Việt Nam, chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhà nước Việt Nam được thế giới biết đến. Từ đó vai trò, tầm quan trọng của Phật giáo Việt Nam cũng được bạn bè năm châu biết tới. Hòa chung với sự phát triển của đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng càng ngày càng được mở rộng tầm ảnh hưởng với cộng đồng Phật giáo thế giới. Lần thứ hai là năm 2014, nhà nước giao cho Phật giáo đứng ra đăng cai và tổ chức độc lập tại chùa Bái Đính – Ninh Bình. Và năm nay, Phật giáo Việt Nam chính thức lần thứ 3 được đăng cai tổ chức lễ trọng đại này tại chùa Tam Chúc – tỉnh Hà Nam. Chủ đề chính của lễ vesak năm nay là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Từ chủ đề chính này, các nhà lãnh đạo đã chia ra các nhóm chủ đề khác nhau:
1. Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững;
2. Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững;
3. Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu;
4. Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
5. Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững
Qua đây, Hòa thượng đã giải thích cho đại chúng hiểu rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ đề Đại lễ Vesak năm nay tại Việt Nam. Phật giáo trong thời đại nào, ở quốc gia nào cũng phải lấy mục đích phục vụ nhân sinh, mang lại niềm an lạc cho con người ngay hiện tại và cho cả mai sau. 
Cuối cùng, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử "Chúng ta là những người đệ tử Phật, đang tiếp cận cuộc sống hiện đại, nhưng chúng ta cũng đang là những người phải thắp lên ngọn đèn chính pháp và giữ ngọn đèn đó được duy trì và lan tỏa mãi mãi. Do đó chúng ta hãy suy nghĩ và làm sao để cùng đoàn kết chung tay với cộng đồng xây dựng một xã hội hòa bình thịnh vượng trong thời kỳ hiện đại nhưng vẫn phải giữ gìn những nề nếp văn hóa truyền thống của người Việt".

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC