Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 25/03/2019 22:37 PM 
Chùa Bằng: Ngày tu an lạc tháng hai năm Kỷ Hợi
Ngày 24 tháng 03 năm 2019, nhằm ngày 19 tháng 02 năm Kỷ Hợi, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.
Đúng 7h30' sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và đăng đàn truyền giới cho hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, nhân dịp kỷ niệm ngày Bồ Tát Quán Thế Âm đản sinh 19/2 âm lịch, Hòa thượng đã thuyết giảng cho toàn thể đại chúng nghe về “tóm lược của kinh ngũ bách danh”. 
Trong bài pháp thoại, Hòa thượng đã giải thích về sự ra đời cũng như ý nghĩa của bản kinh ngũ bách danh để hàng Phật tử hiểu rốt ráo về bản kinh mình đang đọc, đang lễ lạy và hành trì: “Bồ Tát Quán Thế Âm nằm trong hệ thống tư tưởng giáo lý Đại thừa. Bốn vị Bồ Tát được nhắc tới nhiều nhất đó chính là Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền, Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương. Khi Phật giáo Đại thừa được thịnh hành ở Trung Quốc, các vị Tổ sư đã lấy 4 ngọn núi danh tiếng của Trung Quốc đặt tên nơi ứng hiện thân của các vị Bồ Tát, đó là Nga Mi Sơn Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Cửu Hoa Sơn Đại Từ Địa Tạng Vương Bồ Tát, Phổ Đà Sơn Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngũ Đài Sơn Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Riêng đối với Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, một vị Bồ Tát được tất cả những người đệ tử Phật theo Đại thừa giáo tin tưởng và cầu nguyện như một sự cứu hộ cho chúng sinh. Nhân lành nảy nở ở cõi Ta Bà để kết quả viên mãn Cực Lạc hoa khai. Cho nên trong các kinh điển thường nhắc tới Bồ Tát Quán Thế Âm thường ứng hiện ở cõi Ta Bà với một hạnh nguyện “chúng sinh còn kêu một tiếng khổ ta nguyện không làm Phật”. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm thứ 25, khi ngài Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Đức Phật Thích Ca là hạnh nguyện Quan Âm Bồ Tát như thế nào. Đức Phật Thích Ca đã trả lời rằng Bồ Tát Quán Thế Âm đang ở cõi Ta Bà cứu độ chúng sinh. Nhưng về chất Phật, Bồ Tát đã thành Phật từ lâu, đã hầu hàng nghìn Đức Phật trong hàng nghìn kiếp quá khứ. Nhưng vì hạnh nguyện cứu khổ cho chúng sinh mà Ngài ở lại ngôi Bồ Tát để tế độ. Trong phẩm Phổ Môn cũng nói lên hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm đó là Ngài cứu cho chúng sinh 7 nạn, ban cho chúng sinh 2 điều vui, nhổ cho chúng sinh 3 mũi tên độc. Cũng chính vì hạnh nguyện đó mà từ lâu tại Việt Nam có các bậc Tổ sư vì lòng bi mẫn muốn xiển dương hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên đã lập ra những thắng tích, đặc biệt nhất là Hương Tích Sơn của Việt Nam có 2 điểm là Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh có chùa Hương với điển tích Quan Âm Bồ Tát ứng hiện ở đó và tại Hương Sơn – Mỹ Đức có chùa Hương – một nơi quy tụ những người tham dự lễ hội đông nhất và kéo dài nhất. Trong chùa Hương – Mỹ Đức – Hà Nội có động Hương Tích, chúng ta có thể thấy được những phiến đá nhũ hóa nhấp nhô mà thiên nhiên ban tặng trong động. Các vị Tổ sư đã hướng dẫn mọi người tin vào Phật lực gia trì, và đặc biệt tin vào hạnh nguyện gia trì của Bồ Tát Quán Thế Âm. Với những mong cầu của con người trong cuộc sống thường ngày, chư Tổ đã khéo léo phương tiện hóa độ chúng sinh theo tâm nguyện của người dân để đặt ra điển tích của Bồ Tát Quán Thế Âm với sự tích Quan Âm Nam Hải. Rồi đặt ra những danh thắng, những hiện tượng thiên nhiên trong khu vực chùa Hương, động Hương Tích để khuyến hóa mọi người trở về học theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm. Hàng năm vào ngày lễ hội từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, hội chùa Hương là nơi quy tụ mọi người trở về được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, suối nước trong veo và cảnh tùng lâm Tổ đình u tịch để tĩnh tâm hưởng thụ sự ban tặng của thiên nhiên cho con người, cho đất trời Việt Nam. Đồng thời cùng nhau đi hội để tăng sự gắn bó, đoàn kết, yêu thương như hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm “mắt từ nhìn chúng sinh”. Nhìn và cứu độ chúng sinh tất cả với tâm bình đẳng, Ngài được mệnh danh là “Thí vô úy” để chúng sinh vơi bớt đi những sự khổ đau, phiền muộn, mang lại niềm an lạc. Chính từ đó, trích lục từ Tam tạng thánh điển, từ phép sám hối của các bậc Tổ sư, chư Tổ Việt Nam đã diệu dụng soạn ra một bộ sám hối nằm trong hệ thống kinh tạng, gọi là Ngũ Bách Danh. Bộ Ngũ Bách Danh này được trích lục kinh điển từ tam tạng thánh giáo, đặc biệt dựa vào bộ Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ Môn, cũng như các kinh Bi Hoa, kinh Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm.v.v.. để các Tổ soạn ra hồng danh 500 thánh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm làm một phương pháp sám hối, lễ lạy. Nói là kinh nhưng lại thuộc về phép sám. Bởi Tông Thiên Thai đã đặt ra phép sám hối dựa trên hồng danh của 53 Đức Phật quá khứ và 35 Đức Phật hiện tại, cũng như dựa trên hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, trở thành một phép sám hối hồng danh 108 lạy, bạt trừ 108 phiền não. Trong Tam tạng thánh giáo không nhắc tới bản kinh Ngũ Bách Danh. Nhưng trích lục 500 thánh hiệu trong bản kinh Ngũ Bách Danh đều nằm rải rác trong các kinh điển Đại thừa. Phải nói đây là một sự kết tập diệu dụng về Sự, về Lý và hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm trên tinh thần Đại thừa, nhằm cho hành giả tu tập. Thứ nhất hàng ngày lễ lạy hồng danh này đối với thân rèn luyện cho thân không lười biếng, giải đãi mà vẫn tâm thành “ngũ thể đầu địa” để lễ lạy 500 thánh hiệu. Về công dụng thì nhắc lại hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, tất cả chỉ vì cứu độ chúng sinh ở cõi Ta Bà. Trong 500 thánh hiệu này hầu như tuyệt đối là phục vụ cho cuộc sống nhân sinh của chúng ta”.
Trong kinh Ngũ Bách Danh này, khoảng 200 lễ đầu tiên được nhắc tới là để chữa trị cho con người trong 2 loại bệnh Thân (tứ chi, lục phủ ngũ tạng) và bệnh Tâm (tham lam, sân hận, si mê). Trong Kinh Ngũ Bách Danh còn có những lễ mong cầu cho con người sinh ra khỏe mạnh, thân tâm an lạc, đồng thời cũng mong cầu trời mưa hòa gió thuận, sinh ra được gặp bạn hiền, được gặp thầy giỏi, gặp thiện quốc vương. Đây là yếu tố để con người trưởng thành. Muốn được như vậy, ngoài việc do bản thân nỗ lực còn do sự gia trì của Tam Bảo, của các vị thần vương. Cho nên trong kinh có một đoạn dài từ lễ 219 đến 271 và lễ 385 nhắc tới hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài nhận lời thỉnh cầu của hành giả tu tập, sai khiến và điều khiển, ứng thân làm các vị thần Thiên Long Bát Bộ và các vị thần ở xung quanh chúng ta mà hộ trì cho chúng ta. Tâm của ta với lòng bi mẫn của Ngài cảm ứng đạo giao nan tư nghì. Mình là năng lễ, Bồ Tát là sở lễ. Năng lễ sở lễ tính không tịch. Vắng lặng, tâm mong cầu, nguyện của Ngài ứng hiện. Vì vậy, Bồ Tát luôn hộ vệ chúng sinh qua thần tướng của các vị thần. Con người luôn mong có cuộc sống thanh bình, nhưng đất nước cũng có khi loạn lạc chiến tranh, chính vì vậy các vị Tổ đã thể hiện tư tưởng Phật pháp không rời thế gian, không rời bản hoài độ chúng sinh. Cho nên cũng vì lòng bi mẫn, trong kinh cũng có 2 điều lễ về sự mong cầu thanh bình cho đất nước từ các vị thần. Bắt đầu từ lễ 395 cho tới cuối cùng đều nhắc lại tinh thần qua các bài kệ, qua hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm ở phẩm Phổ Môn thứ 25 trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Ngài dẫn dắt cho chúng ta thực hành theo hạnh nguyện và sống một cuộc đời chân - thiện - mỹ. 
Qua đó, Hòa thượng khuyến tấn hành giả tu tập hãy “đến với cửa Phật bằng tâm thanh tịnh, không tham lam sân hận và si mê, lấy niềm tin Phật – tin Pháp – tin Tăng – tin Thánh giới làm niềm tin kiên cố bất hoại, tinh tiến tu và học theo hạnh chư Phật và Bồ Tát. Từ đó con người sẽ bình yên, cuộc sống sẽ an lạc, hạnh phúc”.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tiếp theo, dưới sự chủ lễ của quý Thầy, toàn thể đại chúng tiếp tục trì tụng Bộ Kinh Pháp Hoa bằng tất cả sự chí thành chí kính của những người con Phật.

 
 
 
 
 

Buổi trưa, đại chúng xếp hàng trang nghiêm thiền hành về trai đường, thực hiện nghi thức Cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Buổi chiều cùng ngày, trước Phật đài trang nghiêm, Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng bản tự và nhân dân Phật tử đã đồng xướng lễ và lạy 500 danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm trong kinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, gia đình bình an mạnh khỏe, đoạn trừ thân bệnh và tâm bệnh để cùng hưởng cuộc sống an lạc trong tinh thần chính pháp.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC