Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 20/05/2019 17:26 PM 
Người dân khắp khu Hoàng Liệt hân hoan cung đón “Phật đản sinh”
Như tin đã đưa, chiều ngày 17 tháng 05 năm 2019, nhằm ngày 13 tháng 04 năm Kỷ Hợi, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) đã trang nghiêm, trọng thể tổ chức Đại lễ kính mừng Phật đản PL2563 – DL2019, đồng thời kết hợp cùng chư tôn đức Tăng và Phật tử Tổ đình Hồng Phúc (Hòe Nhai) tổ chức lễ rước Phật quanh làng Bằng – khu vực bán đảo Linh Đàm – khu đô thị mới Rice City trong sự đón chờ của tất cả cư dân nơi đây.
Sau khi chư tôn đức, quý quan khách chính quyền cùng toàn thể đại chúng thực hiện nghi thức Phật đản truyền thống, đúng 17h30, hành trình đi bộ rước Phật của đoàn chính thức bắt đầu. 
Với đội ngũ đoàn rước hùng hậu gồm: đôi rồng, đội lân, đội bát bửu, đội lục cúng, đội cờ, đội hoa sen, đội âm nhạc dân tộc, và 4 kiệu Phật tượng trưng cho 4 giai đoạn: Đản sinh – Thành Đạo - Chuyển Pháp Luân - Niết Bàn, đoàn rước đi tới đâu, nơi ấy như bừng sáng, nhà nhà lập bàn thờ thành kính hướng về Đức Bản Sư nhân sự kiện đản sinh của Ngài, chắp tay búp sen cầu nguyện những điều an lành nhất ngóng chờ đoàn rước đi qua. Các gia đình có trẻ nhỏ hân hoan kéo nhau ra đầu ngõ chờ quý Thầy đi qua để xin quý Thầy chúc phúc cho những em nhỏ được bình an mạnh khỏe. Người người kéo nhau ra đình làng chờ đoàn rước tới để thực hiện nghi thức “tắm Phật”. Tất cả đều khiến cho không khí của toàn bộ khu dân cư thêm rộn ràng, náo nhiệt.
Điều đó như minh chứng rằng lễ Phật đản tại chùa Bằng đã trở thành một trong những ngày hội quan trọng, một tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Bởi đã từ lâu, lễ rước Phật không phải chỉ là lễ mà chỉ có các Phật tử tham gia, mà toàn thể nhân dân khu dân cư Bằng A, khu Rice City, khu bán đảo Linh Đàm đều hân hoan chào đón. Từ những cụ ông cụ bà, cho tới các thanh niên, những em nhỏ đều ra đường chắp tay thành kính đón đoàn rước đi qua. Không phân biệt độ tuổi, không phân biệt tôn giáo, bởi “không có đẳng cấp nào trong ta khi nước mắt cùng mặn, khi nước máu cùng đỏ”.
Hơn nữa, điều mà ai tham dự buổi lễ cũng đều dễ dàng nhận thấy, đó chính là nghi lễ phụng thờ đã được phổ cập hơn, khi nhà nhà lập bàn thờ Phật, tất cả gia đình đều treo cờ Phật giáo trong tuần lễ Phật đản. Từ đầu tháng 4 âm lịch, hệ thống loa truyền thanh của khu dân cư luôn phát những tin thông báo về đại lễ Phật đản và lễ rước Phật của chùa Bằng để “lan truyền tin vui”. Trong buổi lễ, cũng chính loa truyền thanh đã giúp ban tổ chức thông báo để người dân biết về những nơi đoàn rước đã – đang và sắp đi qua, cũng như điều hành đoàn kiệu để chương trình được suôn sẻ. 
Đặc biệt hơn cả, đó là khi tín ngưỡng nhân gian và Phật giáo đã hòa quyện làm một. Ngôi đình không phải chỉ để thờ Thánh của người dân như khi xưa quan niệm “Đàn ông ra đình đàn bà ra chùa”, ngày nay đình làng Bằng, miếu thờ vị Thành Hoàng làng Bằng đã thiết lập thêm bàn thờ Phật, thánh tượng đản sinh cùng những băng rôn, khẩu hiệu chào đón ngày Phật đản. Khi đoàn lễ rước Phật đi qua cửa đình đã rước thánh tượng tứ động tâm an trí tại sân đình để nhân dân ra làm lễ đón Phật tại sân đình. Sau đó, ban tổ chức đã để lại một thánh tượng Đức Phật đản sinh trong 3 ngày tại đình làng để nhân dân có thể vào làm lễ tắm Phật. Điều này khẳng định một điều rằng Phật giáo đã đi sâu vào trong lòng dân tộc bởi chính những giá trị từ bi – trí tuệ và tinh thần bình đẳng, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và trở thành một đức tin quan trọng trong lòng dân như chính Đức Thành Hoàng làng của họ.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Khi đoàn rước quay trở về bản tự, cũng là lúc chư tôn đức và Phật tử thực hiện nghi thức linh thiêng nhất của Đại lễ Phật đản truyền thống, đó là nghi thức mộc dục (tắm Phật). Tất cả đại chúng đồng cất cao câu niệm Phật, thành kính thực hiện nghi thức tắm tôn tượng Đức Bản Sư, như hòa mình vào trong dòng nước thanh khiết, gột rửa đi hết những phiền lụy buồn đau của kiếp nhân sinh, giữ thân tâm thanh tịnh, gạt bỏ tham sân si nhiễm ô để sống cuộc đời tỉnh thức.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC