Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Tư tưởng Phật giáo › Bài viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 14/03/2020 14:18 PM 
Đầu năm bàn về chữ Thọ
Ngày nay, xã hội đang phát triển, nhu cầu cuộc sống của con người càng ngày càng cao. Vì vậy, giữa guồng quay của nhịp sống tân tiến đó, đòi hỏi chúng ta cần phải duy trì, giữ gìn được những nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc. Việc phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là hành động cần thiết để giữ gìn được truyền thống nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam.
Hôm nay, trong những ngày đầu xuân mới Canh Tý, chúng tôi muốn cùng quý vị bàn về việc giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đã được chư tổ áp dụng vào Phật giáo trong những dịp đầu mùa xuân, đó là lễ chúc thọ. 
Theo quan niệm của người xưa, tuổi thọ là do trời cho, bởi phải đầy đủ phúc đức nên mới được sống lâu, điều này cũng hòa nhập cùng với quan niệm của Phật giáo. Nhân gian nói rằng “tứ thời xuân tại thủ, ngũ phúc thọ vi tiên” tức là trong bốn mùa thì mùa xuân đứng đầu. Theo quan niệm của tổ tiên, trong năm phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh) thì chữ “thọ” đứng đầu. Vì có phúc có lộc mà không có thọ thì không được hưởng, chữ “thọ” là sự hưởng thụ cần thiết của một con người. Trong kinh điển của Phật giáo, đặc biệt nhất là Phật giáo Nam truyền, chư tôn đức Phật giáo Nam Tông vẫn thường chúc phúc Phật tử “sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí tuệ”
Do đó vào những dịp đầu xuân năm mới, sau lễ tết nguyên đán, nhiều dòng tộc gia đình đều tổ chức lễ mừng thọ hoặc là lễ khao thọ. Đối với Phật giáo, các chùa cũng tổ chức lễ chúc thọ cho các Phật tử cao niên. 
Người xưa quy định tuổi thọ có 3 bậc. Theo hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng, người 60 tuổi gọi là “đáo tuế” – hay còn gọi là tiểu thọ, người 70 tuổi gọi là trung thọ và người 80 tuổi là đại thọ. Ở các chùa đều tổ chức lễ chúc thọ cho các Phật tử cũng nhằm mục đích tôn vinh những người sống lâu. Ở nhân gian có câu “kính già, già để tuổi cho” hay “kính lão đắc thọ”. Vì vậy, phong tục mừng thọ tức là cộng đồng nhân dân ở khu vực đó mừng thọ cho người tuổi 60, 70, 80, 90, 100 cứ 10 năm một lần. Đặc biệt hơn, trong gia đình có ông bà hoặc bố mẹ vào tuổi thọ thì làm lễ tế thần, lễ tổ tiên và mời tất cả họ tộc cũng như hàng xóm đến ăn khao và mừng cho người được tuổi thọ trời cho thì gọi là lễ khao thọ. Đối với các địa phương, mỗi một phong tục tuy có khác nhau nhưng đều giống nhau một điều là tôn vinh phúc đức của người sống lâu, tôn vinh tuổi thọ cho nên đều có lễ khao thọ. Ở một số nơi, chính quyền địa phương còn tổ chức mừng thọ cho các cụ, đấy gọi là Yến lão. Điển hình như làng Hành Thiện – xã Xuân Hồng – huyện Xuân Trường – tỉnh Nam Định, quê hương của Cố tổng bí thư Trường Chinh đến giờ vẫn còn duy trì nét đẹp truyền thống này. Theo lệ làng từ xa xưa, yến lão của làng được tổ chức ba năm một lần và vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi (theo âm lịch). Đây là các năm làng có cử lễ tế thần ở miếu Tam giáp thần (miếu ở cuối làng, bên cạnh chợ, thờ ba vị thần là Đức Đế Thích - thiên thần, Đức Đông Hải - húy là Đoàn Thượng, là nhân thần và Đức Nam Hải - thủy thần).
Tại các địa phương, sau khi lễ tết nguyên đán, người ta thường chọn nơi đình, đền hoặc miếu để tập chung tất cả người dân lại và làm lễ mừng thọ cho những cụ tuổi chẵn. Đặc biệt là khu vực chùa Bằng, khi mới về chùa, tôi thấy một nét đẹp rất đáng trân trọng. Ngày rằm tháng Giêng là lễ tết nguyên tiêu, làng mở hội bên chùa lễ Phật cầu an, bên đình tế thần cầu an. Nhưng những gia đình có ông bà, cha mẹ tuổi 60, 70, 80, 90 thì vui mừng và đặc biệt nhất là có một cơi trầu đặt ra ba cái khay: một là dâng lên bàn Phật, hai là dâng lên bàn Tổ và ba là dâng bàn thờ Thánh mẫu. Với ý niệm rằng dâng lên Phật tạ ơn Phật, tạ ơn tổ, tạ ơn các vị thần thánh đã ban cho người nhà của họ được tuổi thọ sống lâu. Sau khi cơi trầu được dâng cúng lên bàn thờ, con cháu của người được mừng thọ sẽ đến phòng hòa thượng trụ trì đầu tiên và nói “A Di Đà Phật, bạch thầy năm nay nhà con vui mừng khi có ông con năm nay tuổi thọ 90, chúng con sắm sửa cơi trầu ra lễ Phật và mời thầy xơi miếng trầu mừng thọ cho ông con ạ”. Vị thầy lúc đó bao giờ cũng cầm miếng trầu trân trọng và có lời chúc phúc cho cụ được mừng thọ đó. Sau đó các con cháu chia nhau đi các nhóm, cầm cơi trầu “mời ông bà, mời bác, mời cô chú, mời anh chị ăn miếng trầu mừng cho nhà tôi năm nay có cụ ông nhà tôi tuổi thọ 90”. Nét đẹp đó được người dân địa phương gìn giữ và phát huy tới tận ngày hôm nay. Ở ngoài miếu thờ thành hoàng làng cũng thực hiện nghi lễ như vậy. Sau đó, các cụ trong làng tổ chức lễ chúc thọ bằng việc tế thánh và sướng đọc tên những cụ được tuổi đáo tuế. Cả làng mừng vui khi năm nay lũy tre làng càng ngày càng dầy và những búp măng được mọc, được các cây tre già che chở. Ngày trọng đại đó, tuổi 60 gọi là “lên lão”, những vị tuổi 50 gọi là “vào bô”. Những vị nào năm đó tới tuổi “vào bô” phải chăm lo các cụ như một lời “kính lão đắc thọ”. Những vị tuổi 50 năm đó đều phải ra đình sửa soạn, bưng mâm, làm tất cả mọi việc để 10 năm sau được hưởng phước lộc là lên lão.
Nhìn xa trên thế giới, hiện nay có cụ bà tên là Kane Tanaka ở Nhật Bản đạt kỷ lục tuổi thọ lớn nhất thế giới năm 2020 là 117 tuổi, vừa rồi cụ ông người Nhật Bản cũng đạt kỷ lục nam giới sống thọ nhất là 112 tuổi. Như vậy không chỉ dân tộc Việt mà tất cả các dân tộc trên thế giới cũng đều một mục đích chung là tôn kính những bậc già cả. 
Ở một địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh, tôi gặp được một nghi lễ rất tôn kính người già. Có gia đình trồng được một cây mít. Quả đầu tiên của cây thì người ta hái dâng lên cúng tổ tiên, sau đó được bổ ra làm đôi và người con của gia đình đó mang nửa quả mít kia đến nhà có vị nào già nhất trong làng biếu. Khi tôi hỏi thì vị đó giải thích kỹ hơn về việc này: “dâng lên tổ tiên là trả ơn trời Phật, Tiên Tổ cho trồng được cây để ăn, biếu người già nhất để mong muốn rằng cây ấy sống lâu như tuổi thọ của các cụ và một mặt nữa là miếng ngon nhất phải kính nhớ đến Tiên Tổ, kính nhớ đến người cao niên trong làng”. 
Ngày nay, chính phủ Việt Nam của chúng ta rất tôn trọng người già cả, lập ra Hội người cao tuổi, đặc biệt nhất ai sống đến 100 tuổi thì được Chủ tịch nước tặng nụ hồng, đấy là một điều trân trọng đối với những người sống đủ 100 năm. 
Trên tinh thần ý nghĩa đó, ở tại chùa Bằng, hơn 15 năm qua, Phật tử đều rất hào hứng tới chùa trong ngày đầu xuân để cầu an và đặc biệt nhất là hưởng ứng “lễ chúc Thọ” bắt đầu từ phong tục tập quán và sự tôn trọng đối với những người cao niên. Tôi bạch với Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng tổ chức lễ chúc thọ và được hòa thượng hoan hỷ chỉ giáo về nghi thức lễ và quy định tuổi chúc thọ. Hòa thượng dạy “60 tuổi là đáo tuế và cứ 5 năm một lần, ai tuổi 60, 65, 70, 75, 80, 85 và tuổi 86 trở đi thì ở đạo tràng không tính theo 5 năm nữa mà năm nào còn các cụ là quý năm đó. Từ tuổi 86 trở đi thì năm nào cũng được chúc thọ”. Hòa thượng đã nghĩ ra một cái y màu đỏ và ghi số tuổi được mừng thọ, vị nào được chúc thọ sẽ được đeo lên cổ tấm y đỏ có số tuổi của mình trên đó. 
Từ năm 2005, đức Tôn sư của chúng tôi là Đức đệ nhị Pháp chủ viên tịch, thì Hòa thượng Trí Quảng dạy rằng ngày 26 tháng Giêng là lễ giỗ đệ nhị Pháp chủ thì tổ chức lễ chúc thọ ngày 27 để tiện cho Hòa thượng ra Bắc thắp hương Đức đệ nhị Pháp chủ và dự lễ chúc thọ. 
Từ đó tới nay, truyền thống lễ chúc thọ hàng năm được tổ chức rất trang trọng, có hòa thượng tôn sư và chư tôn đức cao niên cũng như chư tôn đức trong Ban hoằng pháp, các vị chính quyền và đặc biệt nhất là các cụ già và các Phật tử trở về chùa để đạo tràng tổ chức lễ chúc thọ. 
Nhưng năm nay vì nạn dịch COVID-19 nên tôi tạm hoãn lễ chúc thọ của đầu xuân năm mới. Từ tinh thần lễ chúc thọ của dân tộc, và hàng ngày theo dõi các trang tin của Phật giáo, chúng tôi rất vui mừng vì Phật giáo chúng ta đã giữ gìn truyền thống “kính lão đắc thọ”. Ở các chùa đều tổ chức lễ chúc thọ với các nghi thức khác nhau, nhưng đều chung một mục đích là tôn vinh, quý trọng những người cao tuổi. Lễ chúc thọ được Phật giáo hưởng ứng và nâng tầm lên như một nghi lễ quan trọng trong dịp đầu năm để tôn kính người già. 
Khi cuộc sống còn khó khăn, đời sống vất vả đói kém thì tuổi thọ thấp, nhưng ngày nay đời sống được nâng cao, ngành y học phát triển và đặc biệt nhất là thời kỳ đất nước hưng thịnh nên tuổi thọ ngày càng lên cao. Theo quan niệm của người ngày xưa, khi dân tộc chúng ta còn dùng chữ hán thì chữ thọ là chữ tượng hình “trên là chữ sinh, dưới là chữ bát, chữ thập ghép lại với nhau thành chữ thọ”. Người xưa quan niệm rằng thọ phải là tuổi 80 trở lên. Nhưng mà có quy định 4 bậc thọ là 60 - 70 là kỳ, 80 là di, 90 là mạo và 100 là Điệt. Từ chữ, quan niệm cho tới ý nghĩa tôn vinh đều nói lên mục đích rất cao cả là tôn vinh những người sống lâu, những người có tuổi thọ. Vì vậy ông cha ta nói rằng “tứ thời xuân tại thủ”, tức là trong 4 mùa thì mùa xuân đứng đầu, mùa xuân đó là mùa của sự sinh sôi nảy nở, của vạn vật sau tháng đông tàn ủ rũ, con người thêm một tuổi thọ và mọi người với tâm hồn hoan hỷ, với ý nghĩ thanh cao đều chúc tụng nhau những lời hay ý đẹp nhất. Điều đó nói lên rằng dân tộc Việt Nam cũng như dân tộc thế giới đều mong muốn hòa bình, sự đoàn kết và đều mong muốn sống lâu. Từ quan niệm này, trong tất cả buổi lễ chúc thọ, đạo tràng Pháp hoa phía Bắc đều thực hiện nghi thức niêm hương bạch Phật, sau đó đọc một bài văn chúc thọ và kết thúc là một bản kinh dược sư. 
Chúng tôi còn nhớ nhất lễ chúc thọ năm 2016 có trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm - trụ trì chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận - tp. Hồ Chí Minh). Với một giọng oai hùng, một tinh thần tôn kính người cao tuổi, Hòa thượng đọc kinh Dược Sư bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quảng đã rung động lòng đại chúng và chư tôn đức ngày hôm đó. Đó là những nét đẹp ngày đầu xuân mà chúng tôi muốn ôn lại với quý vị. 
Chúng ta biết rằng đạo Pháp với dân tộc là một, những truyền thống tốt đẹp của đạo Pháp cũng gắn liền với dân tộc. Trong đoạn kinh ở Tăng chi bộ kinh 2, phẩm Bệnh chương 5 nói về tuổi thọ, đức Phật dạy phương pháp làm sao để con người có thể sống vui, sống khỏe và sống thọ.
Một thời Thế tôn an trú ở Vesali tại Đại lâm, rồi Thế tôn vào buổi chiều từ thiền định đứng dậy đi đến thăm một Tỳ kheo bị bệnh, sau đó bảo các Tỳ kheo rằng: “này các tỳ kheo, có năm Pháp không tăng tuổi thọ, thế nào là năm. Một là làm việc không thích đáng, hai là không biết vừa phải trong việc thích đáng, ba là ăn các đồ không tiêu hóa, bốn là du hành phi thời và năm sống không phạm hạnh. Năm Pháp này, này các Tỳ kheo không tăng tuổi thọ. Nhưng này các Tỳ kheo có năm Pháp làm gia tăng tuổi thọ, thế nào là năm. Làm việc thích đáng là một. Biết vừa phải trong việc thích đáng là hai, ăn các đồ ăn tiêu hóa là ba, du hành phải thời là bốn và sống phạm hạnh là năm. Năm pháp này, này các Tỳ kheo làm gia tăng tuổi thọ”.
Chúng ta thấy rằng ai cũng mong muốn tuổi thọ, ai cũng mong muốn khỏe mạnh nhưng cũng nhiều khi chúng ta không biết áp dụng phương pháp khoa học, y học và đặc biệt nhất là không sống trong sự chú tâm tỉnh giác của đạo Phật đối với người Phật tử. Từ bản kinh trên, chúng ta cùng bàn về năm vấn đề mà đức Phật dạy để làm sao có được tuổi thọ vững chắc. 
Thứ nhất, đức Phật dạy “làm việc thích đáng”, tức là nếu như con người không làm việc thì của cải vật chất nghèo nàn, từ đó sẽ sống yếu, sống bệnh tật và có thể là chết yểu. Ở đây Đức Thế Tôn dạy chúng ta là làm việc như thế nào gọi là thích đáng, tức là làm việc phải đúng thời gian. Đối với con người làm việc phải đúng với sức lực của mình, không nên làm quá sức. Nhà nước Việt Nam cũng vừa thông qua bộ Luật lao động, quy định giờ làm việc cho con người, từ công chức cho đến giúp việc thì đều phải tuân thủ giờ làm việc. Còn Đức Thế Tôn đã dạy chúng ta vấn đề quan trọng này từ cách đây hơn 2500 năm. Trong cuộc khảo sát 2 người sống lâu nhất thế giới thì cụ bà nói là ngày nào cũng dậy đúng 6 giờ, còn cụ ông nói bí quyết của cụ là luôn luôn vui, thanh thản và nở nụ cười. Cho nên chúng ta hãy làm việc điều độ và giữ gìn sức khỏe, làm cho đúng chức năng, sở trường của mình, luôn luôn để tâm vào công việc thì mới thành công. 
Thứ hai, Đức Thế Tôn dạy “biết vừa và phải trong việc thích đáng”. Đối với người tu sĩ, luôn luôn học hỏi tam tạng thánh giáo, luôn luôn biết đủ với tinh thần “an bần thủ đạo”. Đối với người tại gia hãy biết rằng tùy theo khả năng của mình, làm những việc chính đáng lương thiện, biết dừng đủ đừng nên quá sức, tuân thủ luật pháp. Khi biết các công việc thích đáng mà làm thì ta sẽ luôn luôn chú tâm tỉnh giác trong tất cả mọi việc, từ đó biết tất cả các việc mà bản thân cần phải làm. 
Thứ ba, đức Phật dạy “ăn các món tiêu hóa”. Người Phật tử không được quên lời dạy của Đức Thế Tôn là “bệnh tòng khẩu nhập, tội tòng khẩu xuất”. Tội thì từ miệng mà ra, bệnh thì từ miệng mà vào, cho nên trong 3 nghiệp thì nghiệp Khẩu rất quan trọng. Tiết độ, chú tâm tỉnh giác trong ăn uống. Trong Phật giáo, ngày xưa chư Tổ đã dạy nhiều tổ đình viết ở trong bếp “đạo trụ bệnh tồn” tức là ăn để sống mà làm việc đạo, hay ông cha ta dạy “ăn để mà sống chứ đừng sống để mà ăn”. Nói cách khác, việc ăn uống chỉ để trợ giúp cho sức khỏe. Trong Phật giáo đức Phật dạy rất khoa học. Vì người Sa di còn ham ăn, ham ngủ, mải chơi sao nhãng việc tu tập cho nên giới thứ 9 trong giới của người Sa di là không ăn phi thời. Vì lúc mới tu mang tính tại gia, cho nên ham ăn, vì vậy phải tiết độ trong ăn uống, phải học theo chúng Tăng, mà chúng Tăng lại học theo đức Phật. Chư thiên ăn giờ dần, chư Phật ăn giờ ngọ, chư Tăng theo Phật dùng giờ ngọ, sau giờ ngọ là ngạ quỷ súc sinh, nên các vị Sa di phải học Tăng theo Tăng không được ăn trái thời, bởi đây cũng là đức Phật dạy cho chúng ta một phương pháp y học trong việc ăn uống. Ăn phải nhai kỹ thì không bị đau dạ dày, không bị sạn, hay phân biệt thức ăn ăn được và không ăn được, từ đó luôn chú tâm tỉnh giác trong ăn uống. Trong một trăm điều giới học của giới Tỳ kheo dạy về ăn uống “không bốc ăn, không ăn ra tiếng, không nhai ra tiếng và không ngó bát của người bạn, không che giấu bát để đòi thêm thức ăn”. Đấy là giới luật Phật dạy cho chúng Tỳ kheo cũng như dạy cho Sa di và các Phật tử. Nếu chúng ta ăn uống theo lời Phật dạy, biết ăn uống tiết độ cũng là một trong những phương pháp để duy trì sự sống và sẽ được sống lâu. 
Thứ tư, đức Phật dạy “du hành đúng thời”, tức là đi bất kỳ đâu cũng phải biết chú tâm tỉnh giác và thực hành đúng luật giao thông thì ít khi có tai nạn xảy ra. Bởi tai nạn giao thông phần lớn là do con người gây ra do phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, đi ngược chiều, sử dụng các chất kích thích... Nếu luôn luôn biết đi bên phải đường, quan sát kĩ các ngả đường thì đi đâu chúng ta cũng đều có sự an toàn trong đó. Bên cạnh đó, phải biết đi sao cho đúng hoàn cảnh như ngày trời mưa thì phải mặc áo mưa, trời rét phải mặc đồ ấm, đi xuống sông biển phải chuyển bị đồ phao, leo cây leo núi phải chuẩn bị đai bảo hiểm, tất cả những điều đó ở trong ngụ ý của đức Phật dạy đó là “du hành đúng thời”. Lúc nào nên đi, lúc nào không nên đi. Hiện nay đang dịch COVID-19, cũng không nên đi đến nơi đông người. Hòa thượng chủ tịch HĐTS đã có công văn ngày 31/1/2020 cũng như là công văn của Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, tổng thư ký HĐTS vào ngày 12/1 nhắc tất cả các tự viện, chùa chiền không nên tổ chức tu tập nơi đông người, nếu như đã lên lịch thì hãy tạm dừng. Các Phật tử hãy tu tập ở nhà để tránh sự ồn ào, không vi phạm vào lời hướng dẫn của Giáo hội cũng như là khuyến cáo của chính phủ, bộ y tế. Ngày nay với sự tiến bộ của công nghệ 4.0, các vị hãy mở youtube, xem các trang Phật giáo để được nghe các bài giảng của quý chư tôn đức. Từ đó chúng ta vẫn tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp, nhìn thấy chư Tăng tức là chúng ta có sự thân thừa đối với chư tôn đức Tăng. Mong rằng các Phật tử đừng nên cố chấp là phải về chùa thì mới được tu. Đi đâu đến chỗ đông người hãy dùng khẩu trang để tự bảo vệ bản thân cũng như phòng chống dịch cho tất cả mọi người. 
Thứ năm đức Phật dạy “sống phạm hạnh” là một nét sống đẹp nhất của người tu sĩ. Cuộc sống thanh cao “an bần thủ đạo”, sống thanh bạch luôn luôn vì cuộc sống, chúng ta muốn sống tốt hãy tôn trọng cuộc sống của người khác. Nếu muốn sống lâu thì mình cũng phải bảo vệ mạng sống của người, cho nên giới thứ nhất đức Phật dạy “không sát sinh ” là như vậy. Thứ hai, mình có tài sản mà người khác không có, mình bưng bát cơm ăn mà người khác đứng nhìn, mình ăn sẽ không ngon nên ông cha ta mới nhường cơm sẻ áo “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, vì vậy trong Bồ Tát đạo có nhắc hãy làm phép bố thí, hãy tôn trọng tài sản của người khác mà “không trộm cắp”. Từ đó hạnh phúc cũng vậy, ai cũng mong có hạnh phúc thì mình đừng chà đạp lên hạnh phúc của người khác và ngược lại, cho nên giới thứ 3 đó là “không quan hệ bất chính”. Giữ gìn miệng như tôi đã nói ở trên đó là khẩu nghiệp và đặc biệt nhất là sống không nghiện ngập, hãy sống chân chính đừng sống buông thả, không nên sa ngã nghiện ngập vì sẽ làm mất tất cả trí tuệ, sự nghiệp, thanh danh và sẽ đưa con người đến bại vong. Chúng ta hãy giữ gìn 5 giới mà đức Phật dạy thì ở đâu cũng tốt đẹp, an lạc hạnh phúc và sẽ có thêm tuổi thọ. 
Tuổi thọ đó không ở đâu xa, tất cả điều đó do chúng ta gây dựng nên từ việc tu tập, biết quán chiếu, biết thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. 
Kính thưa chư tôn đức, kính thưa quý vị Phật tử!
Nhân dịp xuân Canh Tý đã về, chúng tôi cùng quý vị ôn lại nhũng lời Phật dạy để chúng ta sống một cuộc sống thật an lạc và biết tôn trọng truyền thống nét đẹp của dân tộc Việt Nam “kính già già để tuổi cho”. Từ đây đại chúng hãy cũng chiêm nghiệm hướng về Viên Minh Pháp Đường nơi mà Đức đệ tam Pháp chủ - bậc thầy, bậc lãnh đạo tối cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tọa lạc. Đức ngài năm nay đã tròn 104 tuổi, đấy là điều phước báu cho GHPGVN chúng ta và cũng như của dân tộc Việt Nam có những con người sống lâu, sống khỏe. Đặc biệt với sức khỏe, trí minh mẫn, ý chí tu tập của đức Pháp chủ đã là một bài học rất trân quý, hiện thực, quý báu cho chúng ta noi gương. Ngài đã là một tấm gương hiện thực về người già hữu ích, bậc cao thiền thạc đức, bậc đại tùng lâm đứng đầu tối cao nhất của GHPGVN. Nhân dịp đầu xuân năm mới xin thành kính dâng lời khánh tuế Đức đệ tam Pháp chủ cùng chư tôn đức hội đồng chứng minh, bái tuế Hòa thượng chủ tịch hội đồng trị sự và chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN cũng như chư tôn đức Tăng ni, Phật tử một mùa xuân an lạc, thành tựu mọi việc và cũng đầy đủ phước báu “sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí tuệ”.

NAM MÔ BẢN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm 
(chương trình Hoằng Pháp Online ngày 20/02/2020) 

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC