Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Tư tưởng Phật giáo › Chuyện đạo đời
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 21/04/2020 19:24 PM 
Tưởng nhớ ân sư - Đạo đời kiêm ưu
Hôm nay, chúng tôi xin cúng dàng chư tôn đức Tăng Ni và quý vị Phật tử một hình ảnh, tấm gương cao Tăng lãnh đạo GHPGVN, đồng thời là một nhà hoạt động yêu nước lỗi lạc xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của đất nước Việt Nam chúng ta. Đó là cố trưởng lão Hòa thượng (HT) Thích Thế Long trụ trì chùa Cổ Lễ (Thần Quang Tự) - thị trấn Cổ Lễ - huyện Trực Ninh - tỉnh Nam Định ngày nay.
Kính bạch chư tôn đức, kính thưa quý Phật tử!
Trong giáo lý đức Phật dạy chúng ta, người đệ tử luôn luôn phải nhớ đến bốn ơn cao cả, trong đó ơn thứ ba là “sư trưởng giáo huấn tri ân, phụ mẫu sinh thành tri đức”. Trong ơn sư trưởng “bậc thầy” thì cổ đức của Phật giáo phía Bắc chia bậc thầy ra thành bốn bậc thầy. Thầy hạ đao thế phát, tế độ cho mình, “sinh ngã giới thân, dưỡng ngã tuệ mệnh” tức là sinh ra giới thân cho ta, nuôi dưỡng tuệ mệnh cho ta thì bậc thầy đó gọi là tôn sư, tức là nghiệp sư. Bậc thầy truyền trao giới pháp cho chúng ta, được chư tôn đức cử ra, được giới tử thỉnh cầu để đăng đàn truyền thụ ba giới phẩm đó là Sa di giới, Tỳ khiêu giới và Bồ tát giới thì vị thầy đó gọi là giới sư. Nhưng cũng có bậc thầy giúp cho người đệ tử đó bước chân vào đạo nhưng vì hoàn cảnh, nhân duyên mà vị thầy đó không trực tiếp làm nghiệp sư được, nhưng tới khi trưởng thành, thành tựu sự nghiệp của mình thì vị sư nhỏ đó vẫn coi người thầy đầu tiên với mình như một ơn lớn gọi đó là ân sư. Vị thầy thứ tư dạy cho mình biết giáo pháp của Phật, biết giới luật của Phật, biết đường tu, biết đối nhân xử thế trong thế gian thì vị thầy đó gọi là giáo thụ sư. Trong hàng “sư tư đức đại nan thù báo” đó, nhân chuẩn bị ngày húy kỵ lần thứ 34, kỷ niệm 35 năm ngày viên tịch của cố Trưởng lão HT Thích Thế Long – một trong các bậc cao tăng, các bậc có công trong ngày vận động thống nhất và tổ chức thành công hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc để lập nên GHPGVN ngày mùng 7 tháng 11 năm 1981. Chúng tôi cung kính tưởng nhớ tới Ngài, đồng thời cũng là để hậu thế ngày nay – những thành viên của GHPGVN tưởng nhớ về Ngài. 
Hôm nay, GHPGVN phát triển huy hoàng trong lòng dân tộc trên 30 năm thì cũng phải nhớ tới các bậc đã khai sinh ra GHPGVN của chúng ta, cũng là để tưởng nhớ tới công hạnh cao cả của các Ngài, các bậc cao thiền thạc đức cùng chung sức chung lòng xây dựng và thành lập nên GHPGVN, ứng thân trong các chức vụ của hội đồng chứng minh, hội đồng trị sự GHPGVN nhiệm kỳ thứ nhất (1981 – 1987). 
Với tinh thần đó, chư tổ đã dạy “sư tư đức đại nan thù báo, hậu đức ân thâm tự hải nhai”. Khi nhớ tới câu này chúng tôi hoài niệm và tưởng nhớ tới Ngài. Trong phẩm thứ 13 của kinh Ưu bà tắc giới, Phật dạy về độ đệ tử có dạy rằng người thầy đối với người đệ tử như đứa con một, khi độ người đó làm đệ tử của mình, người thầy không bao giờ mong cầu được trả ơn, không mong người đệ tử đó sau này sẽ được danh dự hay được lợi dưỡng, tiếng khen. Mà người thầy chỉ làm tròn trách nhiệm mà Phật tổ đã giao phó đó là “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”. Người xuất gia muốn làm cho dòng giống Phật pháp được lâu dài thì phải tiếp rước người vào đạo tìm duyên lành, gây duyên tốt để những người có duyên với mình - những thiện nam tín nữ đó biết phát tâm quy y Tam bảo, ngộ đạo, hiểu được nếp sống tu phạm hạnh chân lý cao cả, cuộc đời thanh cao của người xuất gia để người thiện nam tín nữ đó phát tâm xả tục, từ thân cắt ái mong với ý nghĩa là để nối dõi dòng Phật pháp. Bên cạnh đó, cũng mong cho tất cả mọi người ngộ được giáo lý Phật, sống trong cuộc sống bình nhật để tất cả trở thành Phật tử thuần thành, thế giới trở thành cõi Phật Lưu Ly bằng hoằng Pháp độ nhân. Cho nên đối với Phật tử thì người xuất gia hoằng Pháp độ nhân, đối với người xuất gia là “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”. Đối với các bậc tổ, các bậc làm thầy thì luôn luôn tâm niệm như vậy. Người đệ tử chúng ta ai cũng sẽ phải làm đệ tử. Ai tinh tiến tu tập, ai nghiêm trì giới luật, nghiêm thân tiến đạo thì cũng sẽ được làm thầy. Thế gian thường nói rằng “có làm con dâu mới được làm mẹ chồng”, người Phật tử chúng ta thì phải làm người đệ tử trọn vẹn, hoàn thành trách nhiệm của người đệ tử thì sau này mới làm được thầy, rồi mới tiếp dẫn được những người đệ tử lớp sau. Chính vì mang ý nghĩa cao cả đó mà chúng tôi tâm niệm rằng, mặc dù thầy luôn thương đệ tử mà cũng chỉ làm tròn trách nhiệm mà Phật cũng đã dạy. Đức Phật đối với tất cả chúng sinh “thị chúng sinh như nhất xích tử”, Đức Phật thương chúng sinh như mẹ hiền thương đứa con đỏ, chỉ sợ con bơ vơ, con lạc lõng, chưa vững bước trong đường đời, đói rét không ai cho ăn, không ai dạy bảo mà người mẹ phải luôn luôn bên cạnh con, đức Phật cũng vậy. 
Từ tinh thần đó mà trong Kinh Pháp Hoa mới nói:
Nhân duyên chư Phật ra đời
chỉ vì thương xót muôn loài chúng sinh,
bấy lâu gây mãi tội tình
chim lồng khôn dễ cất mình bay cao
trông ra lòng cũng quặn đau
mở đường phương tiện đưa vào cảnh vui
Đó là mở đề chuyện Phật thích ca diễn nôm của đại sư Sa môn Thích Trí Hải. Đức Phật, chư tổ rồi các bậc thầy của chúng ta ai cũng thương cho đệ tử và mong cho đệ tử trưởng thành. Khi đệ tử trưởng thành rồi phải hoài niệm, phải luôn luôn nhớ tới ân đức của Tam bảo, ân đức của tổ sư và ân đức của thầy vì trong luật Sa di đã dạy “sự sư như sự Phật, hầu thầy như hầu Phật, thờ thầy như thờ Phật”. Vậy thì phụng thờ ở đây không có nghĩa là nhang đèn sớm tối, không có nghĩa là oản quả đầy mâm mà phụng thờ là phụng thờ lý tưởng, lý tưởng của Phật truyền cho tổ, tổ truyền cho thầy, để làm sao ngọn đèn chính pháp mãi mãi trường tồn trên thế gian này, để Phật pháp không bị tuyệt diệt. 
Trong tinh thần giáo pháp của đức Phật dù rằng thế gian hay xuất thế gian đều dùng bằng phương tiện để hóa độ chúng sinh. Đức Phật luôn tùy căn cơ hóa độ chúng sinh, nhập cảnh nghịch, cảnh thuận đều là hành Bồ tát đạo. Hay trong Bồ tát đạo, việc làm của Bồ tát với chúng sinh có một câu “dâm phòng, tửu tứ vô phi thanh tịnh đạo tràng”, Bồ tát thương chúng sinh mà không ngại nơi đó bùn lầy đều vào trong đó để hóa độ chúng sinh. Người xưa quan niệm quán rượu, nhà chứa là nơi ô uế, nhưng bằng tâm thanh tịnh Bồ tát cứu độ chúng sinh, cứu độ những người đó khỏi bị lầm đường lạc nẻo. Các vị đã dấn thân vào hóa độ chúng sinh, các vị vào nơi đó, vào cảnh đó nhưng chẳng khác gì bông hoa sen vươn lên trong bùn lầy, dù bùn có hôi đến mấy mà hoa sen vẫn thơm ngát, đấy là tinh thần dấn thân của đạo. Do đó trong hơn 2000 năm, lịch sử của Phật giáo Việt Nam với dân tộc Việt Nam hòa chung làm một, vui cùng vui với dân tộc. Khi đất nước khải hoàn, Phật giáo phát triển trong lòng dân tộc, khi đất nước lâm nguy có nạn ngoại xâm, Tăng ni đều dấn thân cùng với người dân để lo cho cuộc sống. Cho nên người xưa mới có câu rằng “được mùa sãi chùa cũng no”, ở đây không có nghĩa hạn hẹp là sư ăn bám mà câu này mang ý nghĩa rằng Phật giáo với dân tộc, dân tộc với Phật giáo tuy hai mà một, hòa chung vào nhau. 
Trưởng lão HT Thích Trí Thụ - Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN đã nói “những gì chúng tôi làm cho dân tộc tức là làm cho Phật pháp, những gì chúng tôi làm cho Phật pháp tức là làm cho dân tộc”. Chính vì vậy Phật giáo Việt Nam là một trong các tôn giáo lâu đời ở đất nước Việt Nam, một tôn giáo có truyền thống bề dày lịch sử gắn liền với dân tộc. Khi đất nước lâm nguy, các bậc tôn đức có thể hi sinh cả chùa chiền, cởi Cà sa mặc chiến bào. Nhưng khi đất nước khải hoàn, hòa bình, nhân dân no ấm thì lại trở về tu hành làm tròn trách nhiệm để xiển dương chính Pháp của Đức Thế Tôn. Đấy là tinh thần bất diệt của Phật giáo Việt Nam và đặc biệt nhất được thể hiện trong tinh thần “hòa quang đồng trần nhập thế” của Phật giáo Trúc Lâm Trần triều, do đức Sơ tổ Trúc Lâm Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng đã chỉ dạy khơi nguồn. Phật giáo Việt Nam từ đó tới nay trong hơn 2000 năm đó rất nhiều các bậc tổ sư, các bậc cao thiền thạc đức là bậc cao Tăng trong đạo nhưng cũng là những người chiến sỹ, nhưng người có công với đất nước mà đã được dân tộc ghi nhận. Nhiều ngôi chùa ở đồng bằng bắc bộ mang tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng, thì cũng có nhiều vị sư ở ngôi chùa làng được dân làng tôn kính thờ làm Thành Hoàng làng. Ở đây có hai ý nghĩa, ý nghĩa đầu tiên là người dân tôn kính vị sư đó, coi vị sư đó là bậc thầy tâm linh hướng đạo cho tu nhân tích đức, nhưng cũng là bậc thầy truyền nghề, bậc thầy có công với người dân ở xứ đó. Ví dụ vị sư có công với dân tộc chúng ta như lương y thiền sư Tuệ Tĩnh, hay trong thời nhà lý là Quốc sư Minh Không vừa là bậc Quốc sư của triều đình, là bậc thầy thuốc của thế gian, cũng có nơi coi Ngài là ông tổ của nghề đúc đồng. Từ đấy mới biết rằng tinh thần “tùy duyên bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên” trong kinh Hoa Nghiêm đã được các bậc tổ, các bậc cao Tăng thạc đức áp dụng như là phương tiện để tu hành. 
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, Phật giáo Việt Nam có rất nhiều các bậc tu sỹ là những tấm gương hi sinh cùng đồng bào để bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh bảo vệ hòa bình, bảo vệ đất nước từ trong chiến khu cho tới vùng hải đảo, hay vùng biên giới. Trong cuốn “Danh Tăng của Phật giáo Việt Nam” chủ biên của Thượng tọa (TT) Thích Đồng Bổn cũng đã ghi lại rất nhiều tấm gương. Trong những tấm gương đó, có bậc danh tăng của Phật giáo thế kỷ XX là HT Thích Thế Long.  
HT Thích Thế Long mà chúng tôi muốn thưa tới ngày hôm nay với chủ đề là “tưởng nhớ ân sư – đạo đời kiêm ưu” bởi vì Ngài là một vị cao Tăng lãnh đạo cao cấp của GHPGVN, là bậc thầy của nhiều thế hệ trung, hạ tọa chúng tôi, nhưng cũng là một trong những vị chức sắc của đất nước. Bởi vì Ngài lúc viên tịch với cương vị là Phó chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) khóa VII năm 1985. 
HT Thích Thế Long tên tục là Phạm Thế Long. Ngài sinh năm 1909 tịch năm 1985, sinh ra ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống tín kính Tam Bảo. Nếu nói về HT thì ngày nay vẫn có một câu ở khu vực chùa Cổ Lễ và khu vực quê của HT là “bố sư, mẹ sư, mợ sư, cậu sư, anh sư, em sư” tức là người ta nói rằng HT sinh ra trong một gia đình có truyền thống kính tín Tam Bảo và có nhiều người xuất gia. HT là con trai út nhưng cũng là con trai độc của cụ ông là Phạm Văn Ngoan và cụ bà là Trần Thị Thanh - pháp danh Diệu Thái. Cụ Phạm Văn Ngoan khi kết hôn cùng cụ Trần Thị Thanh sinh được mấy người con đầu thì đều là nữ, cụ đã ấp ủ một niềm là mong đi xuất gia. Cụ đã bàn với cụ bà nhiều lần là cụ muốn để lại phúc báo cho con cháu sau này, cụ muốn đi xuất gia làm tu sỹ. Nhưng quan niệm ngày xưa, nếu sinh con một bề thì coi đó là người vô phúc. Đặc biệt nhất đối với người già thì rất mong có người nối dõi tông đường, vì vậy cha mẹ của cụ đều nói rằng khi chưa có người con trai nối dõi tông đường thì cụ Phạm Văn Ngoan chưa được đi xuất gia. Còn cụ bà nói với cụ ông rằng “nếu như ông sinh được một người con trai thì ông đi xuất gia tôi bằng lòng”. Ý nguyện đó đã cảm ứng với trời đất, với tiên tổ cụ ông, cụ bà có một phước báu sinh được một người con trai tuấn tú vào năm 1909 đặt tên là Phạm Thế Long. Sau khi sinh người con trai đúng mãn nguyện thì cụ Phạm Văn Ngoan đến chùa xuất gia với pháp danh là Thích Thanh Cát ở chùa Nội ngày nay, thuộc khu vực thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Cậu bé Phạm Thế Long ngày qua tháng lại được mẹ nuôi dạy. Vào năm 15 tuổi, nhân một lần thiền sư Thích Thanh Cát về thăm gia đình, đã gợi ý rằng cuộc đời là giả tạm, nối dõi tông đường không bằng nối dõi Phật pháp cho nên đã bàn với cụ bà xin phép họ hàng cho người con trai của mình được xuất gia. Cụ bà càng lớn tuổi thì càng tin Phật pháp, bởi vì trước đó hai chị gái của HT Thích Thế Long cũng được cụ bà cho đi xuất gia như vậy. Thế là 4 bố con đi xuất gia, chỉ có cụ bà ở nhà. Sau này em trai của cụ bà cũng đi xuất gia, cụ bà cũng ra chùa làng ở. Cho nên mới có câu “bố sư, mẹ sư, cậu sư, mợ sư, anh sư, em sư” ý nghĩa là như vậy. Ngài được người cha là thiền sư Thích Thanh Cát cho đi xuất gia, nhưng thiền sư không trực tiếp độ mà dẫn Ngài vào chùa Thủy Nhai ở huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định xuất gia cầu đạo với trụ trì chùa đó tức là cụ tổ Cổ Lễ sau này, pháp danh là Quang Tuyên. HT Quang Tuyên tức là HT bổn sư của Ngài về thế tục, xét huyết thống cũng là người họ hàng ở trong dòng tộc họ Phạm với HT Thích Thế Long. Ngài được xuất gia cũng với pháp danh là Thích Thế Long. Ngày qua tháng lại, năm 1929, Ngài 20 tuổi, HT Quang Tuyên trụ trì chùa Thủy Nhai đã cho Ngài cầu đại giới với các bậc tôn đức đương thời và trở thành bậc Pháp khí của dòng thiền Tào Động, nối dòng thiền Tào Động đời thứ 46 của chùa Thủy Nhai. 
Ngôi chùa Cổ Lễ là một ngôi chùa cổ kính, được xây dựng từ đời vua Lý Thần Tông, thờ thiền sư nổi tiếng thời nhà Lý là thiền sư Không Lộ, sau này cũng có nơi gọi nhầm là quốc sư Minh Không. Nhưng chúng tôi khẳng định là thiền sư Không Lộ bởi tất cả vùng đó cho tới vùng Xuân Thủy, Hải Hậu đều thờ thiền sư Không Lộ. Đặc biệt ngày kỷ niệm 14 tháng 9 gắn với thiền sư Không Lộ. Vào năm 1995 đến 1998 chúng tôi có hướng dẫn người đệ tử làm luận án tiến sỹ, rất may được sư trụ trì và ban quản lý di tích chùa Hành Thiện cho vào trong cung cấm, được khám phá nơi thờ tự cấm nhất của tín ngưỡng người dân thờ thiền sư Không Lộ, thì hệ thống thờ thiền sư Không Lộ với các chùa thờ thiền sư Không Lộ ở vùng đó đều giống nhau đặc biệt về tạo tượng. Tượng bao giờ cũng được phong bằng một cỗ áo rất đẹp và như một vị đang ngồi ở trong khám, nhưng nếu mở áo ra thì mới thấy nét giống nhau của các tượng từ chùa Phú Xá đến chùa Cổ Lễ rồi một loạt hệ thống thờ thiền sư Không Lộ…các chùa đó đều gọi hiệu là Thần Quang. Sau này có nơi nói là thờ ngài Minh Không ở Điền Xá thì không đúng, bởi vì thiền sư Minh Không và thiền sư Không Lộ là 2 thiền sư khác nhau. Ngôi chùa Cổ Lễ xuất phát từ đó, trải qua năm tháng biến thiên ngôi chùa xuống cấp. Vào năm 1902, HT Quang Tuyên đã về trùng tu và tại đây, HT Thích Thế Long đã tiếp tục theo thầy. HT Quang Tuyên là nghiệp sư của HT Thế Long. Có câu chuyện còn lưu lại nhân gian và các bậc tôn đức cao thiền vùng địa phương cho rằng HT có thần thông, bởi vì HT tu mật cho nên ban ngày không ai nhìn thấy HT bao giờ. HT trong thất rất kín, thợ cứ việc xây chùa Cổ Lễ thượng điện cao tới 29 mét và tháp Cửu Phẩm Liên Hoa Tịnh Độ. Nhưng ban đêm thì HT cứ đi ra soát một lần, chỗ nào đồng ý thì HT để, chỗ nào mà xây không đúng thì HT lấy chân đạp đổ bức tường đó và ngày mai thợ theo sự vẽ lên đất của HT mà người thợ xây lên. Đấy là truyền thuyết để lại về HT Quang Tuyên. HT Thế Long được người thầy dạy bảo và tới năm 1934, HT Quang Tuyên viên tịch thì Ngài kế tiếp sự nghiệp trụ trì của thầy và chăm lo cho việc hoằng Pháp độ sinh. Ngôi chùa Cổ Lễ dần mở mang phát triển với một khuôn viên rất đẹp, và đã trở thành một danh lam thắng cảnh của tỉnh Nam Định nói chung và của Phật giáo Nam Định nói riêng. Sau khi kế đăng sự nghiệp của thầy, Ngài đã tiếp tục xây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 29 mét để xiển dương giáo lý Tịnh độ của Phật giáo vùng địa phương và hoằng truyền chính Pháp ở đây. Cũng vào thời gian đó, Ngài cho đúc một quả đại hồng chung nặng tới 9 tấn mà ngày nay vẫn còn lưu giữ ở tại chùa. Trong thời kỳ chống Pháp, vì sợ giặc Pháp lấy quả chuông đó để đúc súng đạn nên HT cùng nhân dân giấu kín quả chuông xuống đáy hồ trước cửa chùa. Sau này hòa bình lập lại, vào những năm thập kỷ 80, quả chuông mới được trục vớt lên. Vì ngâm ở dưới hồ lâu cho nên quả chuông đánh không kêu nữa, mặc dù trước đây mô tả rằng tiếng chuông chùa Cổ Lễ bay xa ngàn dặm. 
Đối với công việc của Phật giáo, trên cương vị của một người trụ trì là một Tăng sỹ, HT luôn luôn chăm lo cho việc phát triển đạo, mở mang trường học và đặc biệt nhất chùa Cổ Lễ Thần Quang là nơi an cư của địa phương sau này và của sơn môn Cổ Lễ trước đây. Trước đây, ba sơn môn kết hợp với nhau là sơn môn chùa Cả, sơn môn Phú Ninh, sơn môn Cổ Lễ kết hợp thành Ân Phú Cổ thuộc dòng Tào Động ở Việt Nam để cho Tăng Ni tu tập, an cư trong các mùa kết hạ. HT luôn thỉnh các bậc cao Tăng như Tổ Thạch Cầu làm trụ trì chùa Thần Quang sau khi sư tổ Quang Tuyên viên tịch, cũng là để y chỉ cho HT tu tập và dễ làm việc đạo. Ngài mở nhiều đại giới đàn để truyền trao giới Pháp cho Tăng Ni các thế hệ. 
Đối với Phật giáo, vào năm 1971, làm Phó hội trưởng Tổng thư ký hội Phật giáo thống nhất Việt Nam miền Bắc, tức là từ vĩ tuyến 17 trở ra là Phật giáo miền Bắc với danh xưng là Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Ngài làm Phó chủ tịch - Tổng thư ký. Mười năm sau đến năm 1981, Ngài được bầu làm Phó hội trưởng thường trực Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam. Cũng tại đây, Ngài là một trong những danh tăng của 9 hệ phái tổ chức Phật giáo trong cả nước, cùng chung một ý tưởng xây dựng nên GHPGVN thống nhất khắp 3 miền Nam Bắc. Kết quả đó đã thành công, vào ngày 7/11/1981, GHPGVN được thành lập với sự thống nhất của 9 hệ phái tổ chức Phật giáo trong cả nước lập lên ngôi nhà chung của GHPGVN trong sự lãnh đạo của 2 hội đồng là Hội đồng chứng minh gồm các bậc tôn đức đứng đầu là Pháp chủ, đệ nhất Pháp chủ là cố trưởng lão HT Thích Đức Nhuận. Và hội đồng điều hành là Hội đồng trị sự đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước về mặt Pháp lý thì Chủ tịch Hội đồng trị sự lúc đó là cố trưởng lão HT Thích Trí Thủ, 3 Phó chủ tịch thường trực là HT Thích Thế Long ở miền Bắc, HT Thích Thiện Siêu ở miền Trung và HT Thích Trí Tịnh ở miền Nam. Ba miền có 3 vị Phó chủ tịch thường trực hay nói cách khác HT Thích Thế Long là một trong những vị đứng đầu của Hội đồng trị sự GHPGVN để điều hành Phật sự trong nhiệm kỳ thứ nhất. 
Đối với công việc giáo dục của Phật giáo, chúng tôi cũng có một ân đức rất lớn với HT là ngay từ buổi đầu theo học ở trường tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quán Sứ và sau này là trường cao cấp Phật học Việt Nam khóa 1, thì HT chính là một trong những người có công vận động và luôn tranh thủ tình cảm riêng cũng như ngoại giao để được nhà nước chấp thuận cho mở trường học đào tạo Tăng tài. Chúng tôi còn nhớ những buổi làm việc, những buổi ngồi trà đạo, những buổi nói chuyện của Ngài với những vị lãnh đạo đương thời. Chúng tôi lúc nhỏ còn được trực tiếp hầu Ngài khi Ngài nói chuyện với cụ Hoàng Quốc Việt, Ngài luôn luôn đề cập đến vấn đề mở trường học cho Phật giáo Việt Nam và các công việc hàng ngày với các cơ quan đoàn thể. Lúc đó Trưởng ban tôn giáo chúng tôi còn nhớ là ông Phạm Quang Hiệu, Ngài thường nói là 2 họ Phạm với nhau và một cụ linh mục ở giáo xứ thành phố Hải Dương cũng họ Phạm, hay đi công tác nước ngoài. Có lúc HT về kể đùa rằng “3 người họ Phạm ngồi chung một máy bay, chung một dãy ghế nói chuyện mà 2 người 2 tôn giáo khác nhau và một người cộng sản nhưng mà ngủ chung một giường”. Chính những tình cảm đó mà Phật giáo cũng mở được trường dạy học. Sau này các bậc tôn đức đều đánh giá rằng công lao mở trường dạy học, khởi xướng được thành lập trường là do công lao của HT Thích Thế Long. HT luôn chăm lo tới cuộc sống hàng ngày của Tăng Ni. 
Chùa Vọng Cung ở phố Trần Phú, thành phố Nam Định ngày nay vốn là một hành cung của vương triều nhà Nguyễn - vương triều cuối cùng của thời đại quân chủ ở Việt Nam. Nơi đó là để thờ vọng, mỗi khi vua tuần du ra Bắc thì sẽ ở đấy cho nên gọi là Vọng Cung. Sau này được nhà nước Việt Nam cho phép biến hành cung đó trở thành ngôi chùa thờ Phật đặt tên là chùa Vọng Cung. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, giặc Mỹ leo thang miền Bắc, chùa Vọng Cung là nơi tọa chủ, là nơi tu tập của HT thượng thủ tổ Tuệ Tạng cho tới ngày cuối cùng HT viên tịch năm 1959. Nhưng đã bị giặc Mỹ đánh phá, phá tan dấu vết ngôi chùa. Chính quyền đương đại những năm thập kỷ 70 cũng không có cảm tình với Phật giáo và tôn giáo nói chung cho nên cũng muốn xóa sổ ngôi chùa Vọng Cung và rời chùa Vọng Cung ra hồ La Két ở ngoài rìa thành phố Nam Định. Nhưng với tâm niệm lúc đó của thầy chúng tôi là HT Tâm Tịch được Tổ giao cho ở lại trụ trì chùa Quán Sứ, còn HT Tâm Nguyện, HT Tâm Thông cũng là học trò của Tổ thượng thủ thì đi theo Tổ về chùa Vọng Cung. Trước khi Tổ viên tịch thì giao lại cho HT Tâm Nguyện làm trụ trì và HT Tâm Thông làm giám tự. Vì ân đức và nhớ lời thầy dạy như vậy cho nên ba vị HT bàn với nhau rằng dù giá nào, dù lập lều tranh lên trên nền đất ấy cũng không thể rời chùa Vọng Cung đi nơi khác để ở được. Và 3 HT cũng đồng nhất trí rằng HT Tâm Tịch đã thừa đăng ở tổ Quán Sứ, HT Tâm Nguyện và HT Tâm Thông phải thừa đăng ở Vọng Cung chứ nhất định không thể rời đó đi trụ trì nơi khác. Sự chung thủy, tuân thủ của người học trò với thầy mà các bậc thầy đã giữ gìn như vậy. Chính từ ý chí và sự mong mỏi như vậy đã động lòng tới HT Thích Thế Long. HT Thích Thế Long có một uy tín với Đảng và nhà nước. Đặc biệt, cố Tổng bí thư Trường Trinh lúc đó là chủ tịch hội đồng nhà nước nước CHXHCNVN. HT với tư cách là Phó chủ tịch Quốc hội, Ngài vận động và xin cụ Trường Trinh để lại dấu vết Vọng Cung hành cung của thời kỳ quân chủ Việt Nam, nhưng cũng là vết tích của HT Tuệ Tạng thượng thủ và nguyện vọng của HT Tâm Nguyện cho nên xin cụ Trường Trinh có ý kiến cho tỉnh Nam Định được để lại ngôi chùa Vọng Cung không bị hủy bỏ đi, không bị xóa dấu vết, không bị rời đi nơi khác. Mong muốn đó đã được thành hiện thực, chùa Vọng Cung ngày nay đã trở thành danh lam thắng cảnh, Tổ đình phụng sự Tổ thượng thủ và 2 cố trưởng lão HT Thích Tâm Nguyện và HT Thích Tâm Thông. Được như vậy chính công lao lớn nhất về mặt pháp lý là do HT Thích Thế Long. 
Trong tâm niệm của chúng tôi ngay từ bé, thấy tuy HT là bậc cao cấp của GHPGVN, về nhà nước với cương vị là Phó chủ tịch Quốc hội nhưng HT luôn thương lũ học trò nhỏ chúng tôi. Những thập kỷ 70,80 giao thông ở miền Bắc vô cùng khó khăn, đường xá xấu, có những lần chúng tôi nghỉ tết ở trường học Quán Sứ xong về Nam Định để lo việc phụng sự Tam Bảo, giúp thầy phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân. Sau tết trở về học viện Quán Sứ để học, có lần chúng tôi lên tầu hỏa từ Nam Định là 7 giờ sáng mà đến 7 giờ tối mới tới ga Hàng Cỏ tức là ga Hà Nội ngày nay. Trong khi đó với giao thông phát triển như ngày nay, tôi đi ô tô bình thường đảm bảo cự ly khoảng cách mà giao thông cho phép thì chỉ đi hết 1 tiếng rưỡi đồng hồ, mà ngày xưa đi 12 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Từ khó khăn như vậy rồi mua vé xe, mua vé tàu rất khó. Chúng tôi vẫn còn nhớ mỗi khi HT từ Cổ Lễ lên họp Giáo hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ở chùa Quán Sứ hay công tác của Quốc Hội, công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì HT đều ở chùa Quán Sứ. Lúc về bao giờ HT cũng qua lớp học rồi bảo chúng tôi “ngày mai cụ về Nam Định, có đứa nào đi về không? Chuẩn bị xin phép nhà trường đi về với cụ”. Có những dịp tết hay mùa an cư là 3,4 anh em cùng xin về cả. Bây giờ mới nghĩ rằng cụ lân mẫn và vô cùng thương Tăng Ni trẻ, cụ ngồi một mình một ghế bên trên còn bên dưới tất cả 4,5 anh em bế nhau lên ngồi. Vì đi xe của cụ thì chỉ 3 - 4 tiếng đồng hồ là về tới Nam Định. Có một lần tôi hầu thầy tôi về giỗ tổ Vọng Cung, mùng 3 tháng 4 trời ngày hè nắng nóng, tôi ra xếp hàng không mua được vé đi về, liền bạch với thầy tôi rằng “con đi mua vé mà chưa được” thì HT Thế Long đứng đấy và nghe được câu nói đó, HT bảo với tôi rằng “đi đâu hả con?” tôi cũng bạch với HT rằng “con hầu sư con đi về giỗ tổ ở Nam Định”. Thế là HT ôn tồn nói rằng “đợi đấy”, HT gọi cho lái xe và với quan hệ của HT với bến xe ở đó mà một lát sau có người mang cho một tấm vé. HT nghĩ rằng có một mình tôi đi, mà quên mất rằng tôi bạch “con hầu thầy con” thế là HT lại sai người lái xe ra mang một tấm vé nữa để 2 thầy trò tôi có vé xe đi về Nam Định cho kịp ngày giỗ tổ. Từ mỗi một việc làm, cử chỉ của HT đều thương tới Tăng Ni trẻ và luôn luôn vì sự phát triển của Giáo hội qua sự đào tạo Tăng tài. Mặc dù ở trường học thì HT không trực tiếp giảng dạy buổi nào, nhưng mà lần nào lên HT cũng đều có quà cho Tăng Ni và đều đến thăm hỏi lớp học. Mỗi khi tết về, đối với Phật giáo miền Bắc các tổ dạy là đối với người thầy nghiệp sư, thầy giới sư, thầy giáo thụ, thầy ân sư hay là các bậc trưởng thượng thì một năm phải có 3 lần lễ tết, một là lễ tết nguyên đán gọi là lễ khánh tuế, lễ tổ và bái tuế, thứ hai là trước khi đi an cư và thứ ba an cư về là một năm phải có 3 lễ đó trở về tổ đình, trở về các bậc thầy của mình để kính lễ. Nhưng đặc biệt với HT Cổ Lễ thì mỗi một năm về lễ khánh tuế thì tất cả Tăng ni ai cũng được HT mừng tuổi cho một phong bao rất nhỏ. HT gói một tờ tiền rất bé vào một tờ giấy mà tôi vẫn còn giữ. Năm 1985, Ngài viên tịch thì năm đó phong bao HT cho chúng tôi cũng là năm cuối cùng, nên tôi có ghi chú rằng đó là phong bao cuối cùng của HT Cổ Lễ. Đấy là điều minh chứng rằng HT rất thương lớp trẻ và mong cho sự phát triển của Phật giáo trong vấn đề đào tạo Tăng tài. 
Đối với chúng tôi, bây giờ khi đã là bậc thầy của những lớp sau thì chúng tôi mới thấy rằng ân đức của thầy không thể nào quên được. Như một bậc danh tăng suốt một đời lo phụng sự Phật pháp, lo đào tạo Tăng tài. Ngài làm từ Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Phó chủ tịch Tổng thư ký Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Phó hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam miền Bắc, cho đến Hội trưởng hội Phật giáo tỉnh Nam Định hay trụ trì tổ đình, hay giới sư, hay là trưởng sơn môn Ân Phú Cổ. Dù cương vị lớn chung của Giáo hội, tỉnh hội, hay cương vị của một sơn môn, của một người trụ trì thì HT luôn chăm lo cho sự phát triển của Phật giáo, chăm lo cho sự tu hành của Tăng Ni. 
Bên cạnh đó, đối với nhân dân địa phương, với tín đồ Phật tử HT rất ân cần. Chúng tôi những năm còn nhỏ hay theo sư bà Thích Đàm Bình ân sư của chúng tôi đi về hội chùa Cổ Lễ hàng năm, được mở vào ngày 13 đến ngày 16/9 âm lịch để kỷ niệm ngày khánh đản của thiền sư Không Lộ. Chùa Cổ Lễ mở hội rất lớn, trong đó diễn lại sự tích tiền thân trước khi đi xuất gia của Ngài thiền sư Không Lộ vốn là dân chài, cho nên bao giờ cũng bơi chải và các tổ chức lễ hội. HT luôn luôn quan tâm đến nét đẹp văn hóa của lễ hội, luôn luôn quan tâm đến các Phật tử, nhân dân khi trở về với lễ hội. Khi xưa đi lại khó khăn nên nhiều người đi hội phải ngủ lại chùa.  HT sai bảo các vị đệ tử, người giúp việc ở trong chùa lo cho ăn uống cẩn thận mặc dù kinh tế còn rất khó khăn. Chúng tôi coi Ngài là bậc cao Tăng mà suốt đời phụng sự cho đạo pháp, Ngài lo cho chúng tôi, lo cho trường học, lo cho Tăng Ni tới tận hơi thở cuối cùng trước khi Ngài về cõi Phật cũng không thụ bệnh lâu rồi Ngài viên tịch. 
Đối với đất nước Việt Nam, HT Thích Thế Long là một bậc cao Tăng cao cấp của GHPGVN, là một nhà hoạt động cách mạng, một chiến sỹ bảo vệ hòa bình, đối với quốc tế HT cũng là bậc danh tăng của Phật giáo quốc tế trong phong trào “hoạt động Phật giáo Châu Á vì hòa bình”. Hoạt động Phật giáo Châu Á vì hòa bình ABCP được thành lập ngày 14/7/1969 tại Ulaanbaatar thủ đô Mông Cổ. HT tham gia ban đầu là ủy viên của Phật giáo ABCP và cho tới ngày viên tịch Ngài đương kim là Phó chủ tịch Hội Phật giáo châu Á ABCP vì hòa bình. Ngài đã hoạt động xuất sắc giúp các nước Phật giáo liên kết với nhau đấu tranh bảo vệ hòa bình, xây dựng trên nền tảng giáo lý của đức Phật về chủ thuyết hòa bình trong cộng đồng thế giới. HT cũng tham gia cùng với phái đoàn của nhà nước, của Quốc hội và của Giáo hội trong hoạt động thăm hữu nghị các nước Phật giáo cũng như các nước trong năm châu, đã trở thành một nhà hoạt động Phật giáo thế giới trong phong trào vì hòa bình. Cho nên HT là một vị cao Tăng của Phật giáo Việt Nam nhưng cũng là nhà hoạt động của Phật giáo thế giới trong thế kỷ XX. 
Đối với nhà nước, qua sự nghiệp hoạt động của Ngài chúng ta càng thấy rằng tinh thần nhập thế của Ngài, tinh thần của Phật giáo nhà Trần, tinh thần “tùy duyên bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên” trong Kinh Hoa Nghiêm được Ngài áp dụng trong cuộc sống khi Ngài về trụ trì chùa Cổ Lễ năm 1934. Ngài cũng bắt đầu hoạt động vào phong trào Phật giáo cứu quốc. Chùa Cổ Lễ trở thành trụ sở của Phật giáo cứu quốc tỉnh Nam Định, là nơi nuôi giấu cán bộ, nơi hoạt động của các nhà hoạt động bí mật cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. HT tham gia trong các hội liên hiệp Phật giáo cứu quốc và trở thành những vị lãnh tụ của Phật giáo cứu quốc trong những năm đầu mới thành lập. Năm 1945, Ngài là Phó chủ tịch Tỉnh hội Việt minh Nam Định. Năm 1947, Ngài là Phó chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Nam Định. Năm 1951, Ngài là mặt trận liên Việt tỉnh Nam Định và Ngài tham gia các hoạt động bí mật như nuôi giấu cán bộ, đào tạo cho các người đệ tử ngoài việc tu hành nhưng cũng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sử sách tỉnh Nam Định đã ghi lại một sự kiện rất quan trọng trong ngôi chùa Cổ Lễ, đó là việc làm lễ xả Cà sa cho các vị Tăng Ni xuất gia ở trong sự kiện năm 1947. Biên sử của Nguyễn Đại Đồng đã viết lại như sau “ngày 27/2/1947 tại chùa Cổ Lễ, Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc Nam Định cùng chính quyền, tín đồ trong vùng đã làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư trong đó có 2 sư ni, cởi áo Cà sa ra trận. Sau lễ chào cờ là hồi chuông trống róng lên vang lừng từ trong chùa chính, trang trọng nghênh đón đoàn nhà sư khoác áo Cà sa, chân đất, đầu trần, tay cầm mũ vải xếp hàng 3 do Đại đức Tường Minh chỉ huy. Cuối hàng là hai sư cô Đàm Nhung và Đàm Lân khoác túi chữ thập đỏ xếp hàng đứng trước bàn thờ Tam Bảo nơi thiết lập lễ đài. TT Thích Thế Long đọc diễn văn khai mạc, sư ông Thích Nguyên Hồng thay mặt 27 Tăng ni sắp nhập thế lên phát biểu. Sau khi đỉnh lễ Tam Bảo, đỉnh lễ tứ ân, tất cả 27 Tăng ni ngồi tọa thiền đồng thanh tụng bài kinh Bát Nhã và kết thúc bằng 4 câu phát nguyện:
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành
Câu kệ dứt, cả đoàn đứng lên cởi Cà sa để lộ những thân hình tráng niên rắn rỏi trong bộ đồng phục màu cỏ úa, TT Thích Thế Long đỡ các tấm áo Cà sa đặt lên bàn thờ Phật, sư Tường Minh hô đội mũ. Đồng thời các vị đội mũ có gắn sao lên đầu, thế là 27 nhà sư trở thành 27 chiến sỹ vệ quốc đoàn. Đoàn đại biểu chính quyền mặt trận liên hiệp Việt Minh lên phát biểu cảm tưởng khích lệ động viên và cuối cùng là đội trưởng trung đoàn 34 đến nhận quân chuyển sung, kiếm, mã tấu đến tận tay mỗi vị, chấn chỉnh đội ngũ, hạ lệnh xuất phát theo tiếng hô của trung đội trưởng Tường Minh. Tất cả đồng thanh bài ca vang tiến lên đường, tiến ra phố Cổ Lễ và tỏa về các làng quê trong khí thế cứu nước hào hùng”. Đây là toàn bộ đoạn văn của nhà nghiên cứu Đại Đồng viết về biên niên kỷ Phật giáo từ thế kỷ trước và để lại tại chùa Cổ Lễ một câu thệ nguyện của 27 vị sư mà trước đây chúng tôi còn ghi lại được là “cởi áo Cà sa khoác chiến bào, tuốt gươm cầm súng dẹp binh đao, ra đi quyết rửa thù cứu nước, vì nghĩa quên thân hiến máu đào”. Đấy là một sự kiện được ghi trong biên niên kỷ cũng như trong thời kỳ chống Pháp của tỉnh Nam Định. Nhân gian có câu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” được HT đổi lại thành “giặc đến nhà Tăng già cũng đánh”. Cho nên là HT đã hi sinh 27 người đệ tử xuất gia của mình cởi Cà sa mặc chiến bào để ra tòng quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những vị đó có nhiều vị không trở về, nằm trong danh sách các liệt sỹ. HT cũng đưa hài cốt của các vị đó xin phép được làm nghĩa trang liệt sỹ riêng ở trong chùa, bên cạch tháp tổ Quang Tuyên và ngày nay cạnh tháp của HT. HT luôn luôn nghĩ tới việc cứu nước là cứu đạo, HT nói rằng “nước có yên thì đạo mới vinh”. Cho nên HT tham gia các việc kháng chiến chống Pháp, động viên Tăng Ni và đặc biệt nhất là đối với người đệ tử của mình. Sau này khi kháng chiến chống Mỹ, năm 1972 HT cũng cho 7 người đệ tử lớp cùng tu với chúng tôi đi. Năm 1972, khi tôi muốn đi xuất gia nhưng bố mẹ tôi không đồng ý. Tôi theo hầu tập sự xuất gia với HT pháp danh thượng Tâm hạ Chính là sư huynh của HT thượng Tâm hạ Tịch ở chùa Diên Phúc - Nam Hà - xã Tân Thịnh - huyện Nam Trực - tỉnh Nam Định. Bố tôi cho rằng đi như vậy là không học, là mê tín nên tìm xuống cầu xin ý kiến của HT Thích Thế Long - lúc đó đang là một vị sư nổi tiếng, có danh tiếng, có uy đức với nhân dân địa phương, với Đảng, nhà nước và với Phật giáo. HT đã khuyên bảo bố tôi, Ngài thầy rằng những vị đệ tử kia của Ngài có thể là cần phải cho đi tòng quân, nhưng đối với tôi thì HT nghĩ rằng có thể đào tạo người xuất gia thành pháp khí sau này. Cho nên HT đã khuyên chúng tôi và thuyết phục bố tôi. Hiện nay tôi vẫn giữ được bức thư mà HT gửi cho bố tôi về việc cho tôi tiếp tục đi xuất gia và sẽ gửi tôi lên ăn học tại chùa Quán Sứ. HT đã trở về chùa Nam Hà gặp HT Thích Tâm Chính là thầy nghiệp sư đầu tiên của tôi, cho tôi đi học Quán Sứ thay vì làm tiểu chấp lao phục vụ thầy, để cho bố tôi được yên lòng cho tôi đi xuất gia. Chính sự thuyết phục khéo léo như vậy, HT Thích Tâm Chính nhờ HT Thích Thế Long viết một tấm thư và HT Tâm chính viết mấy chữ hán bên cạnh để gửi cho HT Tâm Tịch qua HT Tâm Thông ở Vọng Cung, ủy thác dạy bảo tôi. Từ đó tôi là đệ tử HT Tâm Tịch chính là như vậy. Theo truyền thống của Phật giáo miền Bắc, quan hệ người đệ tử với người thầy như trên tôi đã nói là có 4 bậc thầy: thầy nghiệp sư là thầy hạ đao thế phát, thầy giới sư là thầy truyền giới, thầy dạy học là giáo thụ sư và người dẫn dắt mình vào đạo là ân sư. Người đệ tử luôn luôn kính trọng và bao giờ cũng nhớ tới công lao của các bậc thầy đó. Người thầy còn tại thế thì sớm tối thăm nom khi có điều kiện. Nhưng mà ba nghi lễ quan trọng là ngày cuối năm theo tết cổ truyền dân tộc phải trở về lễ tổ khánh tuế, ngày trước khi đi an cư phải trở về lễ tổ và các bậc trưởng thượng trong đó có các bậc thầy đó và khi an cư xong phải về. Sau này tiếp độ đệ tử phải đem đệ tử đến để trình xin độ đệ tử, khi đệ tử thụ giới cũng phải đến lễ tổ và xin phép thầy cho đệ tử đó thụ giới và khi thụ giới xong cũng như vậy. Năm 1974, nhân ngày giỗ tổ Cao Đà, lúc đó cha mẹ tôi chưa ưng thuận hẳn cho đi xuất gia. Giới đàn khi ấy hiếm người xuất gia nên không được quy mô tổ chức đông rồi hành sám, nghi thức trang trọng như ngày nay. Theo từng địa phương chỉ thỉnh giới sư lên chính điện kết giới trên giới tràng rồi truyền giới. Tối ngày 9/5/1974, tôi được các thầy truyền giới cho làm giới Sa di, lúc đó HT Thích Thế Long làm thầy Hòa thượng. Khi biết tin tôi ở chùa Cao Đà chuẩn bị thụ giới, bố tôi đi xe đạp đến chùa Cao Đà gọi tôi về. Lúc đó, các vị giới sư trong đó có HT nghiệp sư của tôi, HT Tâm Chính, HT Tâm Tịch rất lo sợ vì khi ấy dọa về chính quyền là sợ lắm. HT Thích Thế Long đã bảo cứ an tâm chính niệm để mà truyền giới còn việc đó để HT lo. Sau khi truyền giới xong, HT xuống giải thích và ông bố tôi đã đạp xe đi về ngay trong đêm. Khi giới đàn ở Thánh Ân tự tức là chùa Cả thành phố Nam Định vào tháng 12/1975, HT cho tôi cầu đại giới ở đấy làm Yết Ma sư. Với người thầy thụ giới thì ở Phật giáo miền bắc có một nét đẹp nữa là khi thầy còn tại thế thì thăm nom thăm hỏi và chúc tết. Khi thầy viên tịch thì cúng giỗ. Từ ý nghĩa đó Tổ sư có dạy rằng “sống thì tết, chết thì giỗ”. Khi thầy giới sư viên tịch thì các vị giới tử cũng tổ chức đoàn đến viếng. Ví dụ như chúng tôi thụ giới ở chùa Cả (Thánh Ân tự) thì bức chướng sẽ được đề là “Thánh Ân đại giới đàn năm Ất Mão, giới tử đồng khất bái” tức là tất cả giới tử đồng khóc thương thầy. Chúng tôi thấy rằng sau này cũng phải duy trì điều này cho tinh thần của dân tộc Việt Nam “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” được phổ cập, được duy trì. Đó là nét đẹp nhất của người hậu thế biết công lao của bậc tiền bối, người học trò biết ơn thầy, người con biết ơn cha mẹ, là điều cần thiết nhất trong nền giáo dục. Từ câu chuyện HT hoạt động xã hội như vậy, sau này HT làm tới Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định và HT đã là đại biểu Quốc hội khóa VII nước CHXHCNVN, được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN trong nhiệm kỳ này thì HT viên tịch. HT là một người công dân yêu nước, nhà sư đã tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước, xây dựng Tổ quốc đến tận ngày cuối cùng. Vào ngày 23/3/1985, Ngài đã an nhiên thị tịch tại Thiền sàng Tổ đình Thần Quang tự chùa Cổ Lễ. 
Hôm nay chuẩn bị tới ngày húy kỵ của ngài 4/2 năm ất sửu và chuẩn bị tới ngày kỷ niệm 34 năm ngày húy kỵ, cũng như là 35 năm ngày viên tịch của Ngài là mùng 4/2 năm Canh Tý. Chúng tôi với tấm lòng biết ơn thầy, tưởng nhớ tới bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam, tưởng nhớ tới các nhà chiến sỹ cách mạng hoạt động lỗi lạc như Ngài. Đồng thời nhắc nhở Tăng ni thế hệ trẻ ngày nay và tín đồ Phật tử biết về các bậc cao Tăng có công với đất nước, có công với đạo để cùng nhau tự hào và phát huy tinh thần yêu nước của Phật giáo Việt Nam như là phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình. Trong sự kính mến và ngưỡng vọng về Ngài, chúng tôi rất mong tinh thần Phật giáo “hòa quang đồng trần” và tinh thần nhập thế của GHPGVN mãi mãi sáng ngời trong lòng dân tộc Việt Nam. 

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
Bài giảng Hoằng Pháp Online phát sóng trên Kênh Phật Sự Online ngày 25/2/2020

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC