Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 28/07/2020 00:08 AM 
Ninh Bình: HT. Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Bái Đính
Chiều ngày 26 tháng 07 năm 2020, nhằm ngày 6 tháng 6 năm Canh Tý, nhận lời thỉnh mời của Ban tổ chức, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN đã quang lâm chia sẻ Phật pháp với chủ đề “Hiếu đạo” cho hơn 1500 khóa sinh tham dự khóa tu tuổi trẻ “Về nguồn” tại chùa Bái Đính – xã Gia Sinh – huyện Gia Viễn – tỉnh Ninh Bình.

Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ khi nhìn thấy mỗi khóa sinh tham dự khóa tu tuy đến từ những tỉnh thành khác nhau, không ruột thịt, không quen biết, nhưng cùng chảy trong cơ thể dòng máu Lạc Hồng, cùng là con rồng cháu tiên, cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, đó chính là chung một cội nguồn. Hơn thế nữa, các em đã quy tụ về ngôi chùa Bái Đính linh thiêng này để tham dự khóa tu, cùng nhau tu tập, tụng kinh, nghe pháp, cùng sống với nhau trong một mái nhà tâm linh.

Qua đây, Hòa thượng đã tán thán công đức của Thượng tọa Thích Minh Quang tuy công việc Phật sự của Giáo hội khá dày đặc, nhưng vẫn luôn dành sự quan tâm dành cho lớp trẻ, hàng năm đều tổ chức những khóa tu dành cho tuổi trẻ với quy mô lớn cả về chất lượng và số lượng. Đồng thời cũng tri ân doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã trợ duyên cho những hoạt động Phật sự tại chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc trong suốt thời gian qua.

Hòa thượng chia sẻ “Người xưa có câu “cây có gốc mới nở cành sinh ngọn, nước có nguồn mới biển rộng sông sâu”. Ai cũng phải nhớ về cội nguồn của mình. Mà dân tộc Việt Nam có hai cội nguồn mà thành một gốc, đó là cội nguồn tâm linh và cội nguồn huyết thống. Tuy mỗi chúng ta có những Họ khác nhau như họ Trần, họ Nguyễn, họ Lê, họ Đào.v.v…nhưng chúng ta đều là công dân của nước Việt, đều là con Lạc cháu Hồng, cho nên có chung một cội nguồn huyết thống từ nghìn xưa của Tổ tiên để lại. Thứ hai, chúng ta có cội nguồn tâm linh. Đó là từ hơn 2000 năm về trước, Tổ tiên của chúng ta đã thỉnh mời các vị Tăng, đón các Ngài từ đất nước Ấn Độ, các nước lân cận sang hoằng hóa ở tại Việt Nam để mở mang ra một tôn giáo lớn, một tôn giáo gắn liền với thịnh suy của dân tộc. Đó là Phật giáo mà ngày nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cha mẹ, ông bà, Tổ tiên ta đều về một cội nguồn tâm linh là thờ Phật, giờ đây các con các cháu cũng đã và đang noi theo cội nguồn đó để vun trồng tới cội nguồn tâm linh, là một đệ tử của đức Phật”.

Từ khóa tu tuổi trẻ tại chùa Bái Đính lần này, theo Hòa thượng, các khóa sinh học được rất nhiều những điều Đức Phật dạy, đặc biệt nhất là xây dựng một con người hoàn thiện, một con người chân – thiện – mỹ. Tức là một con người chân thật, một con người với những đức tính tốt đẹp, sống vị tha, biết kính trên nhường dưới, sống có tôn ti trật tự, sống hòa thuận, biết hy sinh vì mọi người và đùm bọc nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chính vì lẽ đó, trước mùa Vu Lan báo hiếu tháng 7 âm lịch gần kề, Hòa thượng đã chia sẻ với các bạn về tinh thần “Hiếu đạo” trong Phật giáo, bởi trong muôn điều phúc, không có phúc lớn nào bằng việc có hiếu, và trong trăm điều tội không tội nào nặng bằng tội bất hiếu.

Đức Phật dạy “Tâm Hiếu là tâm Phật – hạnh Hiếu là hạnh Phật”, bởi ai sinh ra trên đời cũng có cha mẹ. Cha mẹ chính là niềm vui nhất của chúng ta, là phúc đức lớn nhất, cũng là bến bờ bình yên nhất. Đức Phật dạy “Cha mẹ ở đời như Phật tại thế”. Trong cuộc đời con người, hạnh phúc nhất không phải là vợ chồng đoàn kết, cũng không phải là có quyền cao chức trọng, mà ông bà Tổ tiên đã dạy theo tinh thần của Phật giáo, hạnh phúc nhất là chúng ta còn có cha mẹ trong nhà. Người Nhật hay có câu rằng “ngày đau khổ nhất của con người đó là ngày mẹ qua đời”, mẹ qua đời được coi như ngày đại hạn của con người.

Hòa thượng sách tấn các khóa sinh “sau khi chúng ta rời khỏi ngôi chùa Bái Đính này, trở về gia đình sinh hoạt lại bình thường, chúng ta phải nhìn nhận được thấy lúc ta vào chúng ta chưa biết gì, lức ra chúng ta đã thu nhận được cái gì. Thu nhận được những tinh hoa để chúng ta nhìn lại bản thân, trong những ngày trước đây đã đối xử với gia đình ra sao, học hành như thế nào, đối với cha mẹ ông bà anh em có tốt không. Đặc biệt là đối với thầy cô ở nhà trường và đối nhân xử thế ở đời. Ở đây chữ Hiếu mà tất cả mọi người phải nhắc tới đầu tiên là hiếu kính với cha mẹ. Các bạn sau này cũng sẽ được làm cha mẹ, lúc sinh con, chăm sóc con mới thấu được nỗi vất vả khổ sở và tấm lòng vô bờ của cha mẹ. Người xưa có câu rằng “lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ”.

Bằng những ví dụ thực tế từ cuộc sống hàng ngày, trong những hành xử giữa cha mẹ với con cái, lấy tấm gương cao cả là Đức Phật với những lần báo hiếu cha mẹ, Hòa thượng đã giải thích về ý nghĩa bông hồng cài trên ngực áo mùa vu lan báo hiếu, đồng thời phân tích cho các bạn khóa sinh hiểu về ý nghĩa của tinh thần hiếu đạo trong Phật giáo, mà bất cứ người con nào cũng phải khắc ghi. Đó là tinh thần tri ân và báo ân, là sự thấu hiểu và khắc ghi tấm chân tình của cha mẹ. Là sự chăm lo phụng dưỡng đáp đền để báo hiếu song thân. Đôi khi vì những mải mê của cuộc sống thời hiện đại, các bạn đã quá sống vội mà vô tâm với chính cha mẹ của mình. Nhưng sau khóa tu này, các bạn phải tự quán chiếu lại nội tâm, sống chậm lại để lắng nghe và hiểu cha mẹ của mình hơn, không thể cứ đòi hỏi cha mẹ yêu thương và che chở cho chúng ta vô điều kiện, mà chúng ta quên mất đi việc phải đáp đền tình yêu thương vô bờ bến ấy. Hãy làm cho cha mẹ vui từ những hành động nhỏ nhặt nhất như việc trở thành một đứa con ngoan phụ giúp cha mẹ việc nhà, học tốt để trở thành một người công dân tốt, sống có ích và có ý nghĩa cho cuộc đời. Đó đã là sự báo hiếu tốt đẹp nhất dành cho cha mẹ, đừng để tới khi cha mẹ mất đi rồi mới hối hận thì đã quá muộn màng.

Lời sách tấn của Hòa thượng dành cho các bạn khóa sinh trong khóa tu “Về nguồn” đã khép lại thời pháp thoại đầy ý nghĩa và chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc, để các bạn trẻ nhìn nhận lại nội tâm và lựa chọn một thái độ sống tích cực, một ánh nhìn yêu thương và một con tim nghĩa tình.

Mưa pháp nhè nhẹ xao tâm thức

Chuyển hóa đi bao cặn bã sân si

Cho cuộc đời rạng ngời ánh từ bi

Con ước mong mưa pháp rơi mãi mãi

 

BBT website

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC