Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 30/12/2020 12:06 PM 
Ngày tu an lạc tháng 11 năm Canh Tý - Khóa tu Tịnh Độ tại chùa Bằng
Ngày 29 tháng 12 năm 2020, tức ngày 16 tháng 11 năm Canh Tý, hòa trong niềm hân hoan hướng về kính mừng lễ khánh đản Đức Từ Phụ A Di Đà, hơn 1000 Phật tử đã tinh tấn trở về chùa Bằng (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tham dự ngày tu an lạc theo lịch tu học hàng tháng, nhất tâm huân tu niệm Phật, cầu sinh Tịnh độ.
Đúng 8h00, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ niêm hương bạch Phật yết Tổ và đăng đàn truyền trao Bát quan trai giới cho hàng Phật tử phát tâm lĩnh thọ.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sau đó, đại chúng nhất tâm cung thỉnh Hòa thượng Thích Khế Chơn - Phó Chủ tịch HĐTS, Phó trưởng Ban kiểm soát TƯ, Phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên – Huế, trụ trì chùa Thiên Minh quang lâm thuyết giảng đề tài “Phát khởi niềm tin là điều kiện cần thiết cho Pháp môn Tịnh độ”.
Mở đầu bài giảng, Hòa thượng nêu lên nguyên ủy “vô vấn tự thuyết” của bản Kinh A Di Đà; vì nhân duyên của chúng sinh cảnh giới Ta Bà mà Đức Phật Thích Ca đã nêu lên những hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà, khai thị pháp môn Niệm Phật để chuyển thân và tâm trở về bản thể thuần khiết nhất của con người. Pháp môn này được hiểu đơn giản là người tu chỉ cần nhất tâm trì niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, gọi là lục tự Di Đà thì khi mệnh chung sẽ được vãng sinh về cõi Tịnh độ để tiếp tục con đường tu tập giải thoát.
Hòa thượng nêu rõ, theo kinh Đại A Di Đà, về thời đức Phật Thế Tự Tại Vương ra đời có một vị quốc vương tên Kiều Thi Ca. Vua Kiều Thi Ca nghe Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi vua xuất gia làm vị tỳ kheo hiệu là Pháp Tạng, một hôm Ngài đỉnh lễ Phật quỳ xuống chắp tay cầu Phật chứng minh và phát 48 lời nguyện. Do nguyện lực ấy sau này thành Phật hiệu A Di Đà. Sau đó, Hòa thượng giải thích ý nghĩa danh từ A Di Đà. “Đức Phật A Di Đà là Đức Phật làm giáo chủ ở cõi Tây Phương Cực Lạc, tên Ngài có 3 nghĩa: Vô Lượng Quang có nghĩa là hào quang trí tuệ của Ngài vô lượng vô biên chiếu khắp mười phương thế giới; Vô Lượng Thọ có nghĩa là thọ mạng của Ngài sống lâu không thể nghĩ lường được; Vô Lượng Công Đức có nghĩa là Ngài làm những công đức to lớn không thể kể xiết.”
Qua bài thuyết giảng, Hòa thượng giảng sư khẳng định: phát khởi niềm tin hướng về Tịnh độ để chỉ một tâm nguyện vô cùng thiêng liêng cao quý, là niệm khởi đầu tiên trên con đường tu hành Tịnh độ của người Phật tử để chuyển hóa tâm thức từ trạng thái mê vọng trôi lăn trong vòng sinh diệt triền miên trở thành giác ngộ, đồng thời khởi lên tâm nguyện tu hành thành Phật để cứu độ chúng sinh.
Hòa thượng viện dẫn về ý nghĩa vô thường để dẫn dắt thính chúng ý thức rõ sự hợp tan, sinh diệt để nhất tâm phát khởi niềm tin hướng về cảnh giới Tịnh độ. “Nhìn xa xa, những dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp, người không hiểu thì cho rằng dãy Trường Sơn ấy có bao giờ thay đổi, nào ngờ đâu mưa núi gió ngàn, dãy Trường Sơn kia cũng phải thay hình đổi dạng. Nhìn ra biển cả bát ngát mênh mông, thuỷ triều vẫn có lúc xuống khi lên, dòng sông kia nước vẫn có lúc trong lúc đục. Quả đất chúng ta đang sống cũng có chỗ này lở chỗ kia bồi, mà cỏ cây hoa lá vẫn nằm giữa lẽ đổi thay của mùa xuân hạ thu đông:
Xuân đáo bách hoa khai
Xuân khứ bách hoa lạc,
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Nghĩa là: Xuân đến trăm hoa cười, xuân đi trăm hoa rụng. Trước cuộc đời việc cứ đi mãi, nhìn trên đầu tóc đã bạc rồi. Mùa xuân trần giới có đến có đi, đoá hoa giả nhân thế có nở có tàn, thì cuộc đời con người cũng tàn úa theo lớp bụi trần gian.
Tất cả chúng ta đây, ai ai cũng mở mắt chào đời bằng tiếng khóc rồi tuần tự người trước kẻ sau, tất cả đều chấm dứt cuộc sống bằng một sự yên lặng nhắm mắt ra đi. Tất cả mọi người trên đời này, khi mới sinh ra đều nằm trên chiếc nôi nghe những tiếng hát, tiếng ru êm đềm của cha mẹ. Thế rồi tất cả chúng ta, ai nấy cũng đều nằm dưới lòng đất lạnh và khuất sau nấm mồ. Giữa chặng thời gian ấy, cuộc đời con người kéo dài nhiều lắm là trăm năm. Thế nhưng mấy ai đạt được số trăm năm ấy. Thế mà trên chặng đường ấy niềm vui thì ít cảnh khổ thì nhiều, tiếng cười chưa dứt tiếng khóc đã đến. Thân này có sanh rồi phải diệt, giữa cuộc đời có hiệp rồi phải tan, có ai ngăn lại được đóa hoa sắp tàn, ai cản được một mùa xuân sau 90 ngày đêm, và ai giữ lại được cho mình mảnh trăng tròn cuối tháng; vì hoa nở để tàn, trăng tròn để khuyết, hoa tàn trăng khuyết nước chảy mây trôi là lẽ vô thường xưa nay không dành riêng cho ai cả.”
Cuối cùng, Hòa thượng giảng sư tán thán công hạnh hoằng Pháp lợi sinh của Hòa thượng trụ trì đã mở ra các khóa tu cho hàng Phật tử trở về tu tập, đồng thời ca ngợi các Phật tử đã tinh tấn thực hành đúng đắn pháp môn niệm Phật, và cầu nguyện chư Phật gia hộ cho tất cả đại chúng thân tâm an lạc, phúc trí trang nghiêm, gia đình hưng thịnh, bà con quyến thuộc luôn luôn được sống an lành dưới ánh hào quang từ bi của Phật tổ.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sau đó, đại chúng nhất tâm cùng trì tụng Kinh A Di Đà và nhất tâm niệm danh hiệu Ngài. Mỗi người mỗi niệm khác nhau nhưng đều chung chí nguyện cầu sinh tịnh độ nên âm ba danh hiệu Phật vang vọng.
 
 
 
 
 
 
 
 
Buổi trưa, đại chúng cùng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.
 
 
 
 
 
Đầu giờ chiều, chư Tăng bản tự hướng dẫn đại chúng niệm Phật và lễ 48 đại nguyện của Ngài, khép lại ngày tu an lạc thành tựu viên mãn.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC