Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Thường thức Phật giáo › Bài Viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 06/01/2021 12:19 PM 
Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp được công nhận là Bảo vật quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 9), năm 2020. Trong đó có tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp, Bắc Ninh.

\"\"
Tòa Cửu phẩm liên hoan chùa Bút Tháp, Bắc Ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 9), năm 2020. Trong đó có  tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp, Bắc Ninh.


Tòa Cửu phẩm liên hoa cao khoảng 7 mét, với 12 mái cong, các hàng cột giữa cao to nâng các tầng trên, cùng với kiểu thức vì kèo chồng giường tạo nên sự vững chắc, thoáng đãng mà nhẹ nhàng.

Tòa Cửu phẩm liên hoa cao chín tầng, với 32 bức chạm khắc tỉ mỉ và công phu về nghệ thuật và hàm ý đạo giáo, thể hiện ý nghĩa mỗi tầng là một cảnh giới siêu thoát. Tín chủ mỗi lần xoay tháp tụng niệm danh Phật thì vãng sinh tịnh độ, mà được siêu sinh lên thế giới cực lạc, thế giới Di lặc, cõi vô sinh vô tử siêu thoát Niết bàn.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, cây tháp quay của chùa Bút Tháp được dựng từ thời Huyền Quang, tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Hoa, Huyền Quang). Tuy nhiên, cho tới nay, ngôi tháp của thời Trần không còn để lại một dấu vết nào. Cây tháp chùa Bút Tháp hiện nay, thực sự chỉ là sản phẩm từ giữa thế kỷ 17. Tháp được đỡ ở các góc bởi cột chấn song con tiện. 8 mặt của 9 tầng đều chạm những bức phù điêu liên quan đến tích nhà Phật (mỗi mặt đều có chữ ghi rõ ràng)

Nhìn chung, các hình chạm trên toà “cửu phẩm liên hoa” mang nội dung khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ truyền đăng và các đại sư với các cấp độ thăng hoa khác nhau trên con đường hành đạo. Cách chạm đục tinh xảo, ngẫu hứng, bố cục người và cảnh vật như bức hoạ hoàn hảo.

Nhờ đó, cây tháp vừa có giá trị lớn về tư tưởng Phật giáo, đó là giáo hoá chúng sinh, đưa chúng sinh đến mọi con đường tìm về đất Phật, dù người đó là ai, kẻ ác hay người thiện, chỉ khác chăng trên mỗi tầng của cây “cửu phẩm” ấy là hình tượng của từng người với từng cung bậc, quả tu khác nhau, chứa đựng trong nó một giá trị nghệ thuật, tạo hình đến mức điêu luyện.

Cùng được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 9 năm 2020 với tòa Cửu phẩm liên hoan chùa Bút Tháp, Bắc Ninh còn có 23 hiện vật, nhóm hiện vật: Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa hiện lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội; Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương; Bộ Linga – Yoni Linh Sơn hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang; Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi.

Đó là sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ hiện lưu giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên; Trống đồng Kính Hoa thuộc sở hữu tư nhân tại Hà Nội; Tượng Ganesha hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng; Tượng Gajasimha hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng; Tượng nam Thần hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu; Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông hiện được thờ tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, Khu Di tích Yên Tử, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí.

Và tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung hiện được thờ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng; Bộ tượng Phật Tam thế chùa Bút Tháp hiện được thờ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh; Phù điêu nữ Thần Sarasvati hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định; Phù điêu Vua Pô Rômê hiện lưu giữ tại di tích tháp Pô Rômê, xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận; Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn hiện được thờ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, Kiến Thụy, Hải Phòng;

Cuối cùng là bia Hòa Lai hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận; Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng hiện lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, Hưng Yên; Bộ thành bậc Điện Kính Thiên hiện lưu giữ tại Điện Kính Thiên, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội; Bình gốm hoa nâu Kinnari hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh; Bình gốm hoa sen hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh; Thạp gốm hoa nâu hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh; Hương án chùa Bút Tháp hiện lưu giữ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh; Cửa võng đình Thổ Hà hiện lưu giữ tại đình Thổ Hà, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang.

Như vậy, cả nước đã có 215 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


Hương Thủy/ANTD.VN

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC