Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 20/01/2021 13:10 PM 
Hà Nội: Lung linh đêm hội hoa đăng kính mừng Đức Phật Thích Ca thành Đạo PL. 2564 tại Chùa Bằng (Linh Tiên Tự)
Hàng năm, cứ vào ngày mùng 08 tháng 12 âm lịch, hàng vạn người con Phật trên khắp năm châu lại nô nức đón mừng sự kiện đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Hòa chung với niềm vui đó, tối ngày 19/01/2021 (tức ngày 07/12/Canh Tý), chùa Bằng (Linh Tiên Tự) đã kết hợp cùng chùa Hoằng Pháp (TP. HCM) trang nghiêm, trọng thể tổ chức Đêm hội hoa đăng kính mừng kỷ niệm ngày đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo PL. 2564 – DL. 2021.

Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó Pháp chủ, kiêm giám luật HĐCM GHPGVN, bậc tôn sư của Đạo tràng Pháp Hoa; HT. Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trụ trì chùa Bằng, Trưởng ban tổ chức chương trình; TT. Thích Chân Tính – Trụ trì chùa Hoằng Pháp (Tp. HCM), đồng Trưởng Ban tổ chức đêm hội hoa đăng; TT. Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN Tp. Hà Nội; TT. Thích Tâm Hải -  Trưởng Ban thông tin truyền thông GHPGVN Tp.HCM cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa, các tự viện trong và ngoài địa bàn Hà Nội.

Về phía chính quyền có sự hiện diện của: ông Nguyễn Hữu Ngọc – Tổng tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Bộ Quốc Phòng; ông Nguyễn Xuân Chinh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt; ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch HĐND phường Hoàng Liệt; ông Nguyễn Xuân Thảo – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A; Bà Lê Minh Ngọc – Phó giám đốc bệnh viện quốc tế Vinmec; NSND Lan Hương; NSUT Đỗ Kỷ và hàng nghìn Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa các tỉnh thành phía Bắc và nhân dân Phật tử thập phương cùng về tham dự buổi lễ.

Trong không khí trang nghiêm, Đại đức Thích Tâm Hiếu – chư Tăng chùa Hoằng Pháp đã thành kính dâng bài xướng kệ thỉnh chuông cúng dường Tam Bảo nhân ngày lễ trọng đại này. Toàn thể đại chúng đã lắng đọng tâm tư, lắng nghe âm thanh của tiếng chuông giữa đêm trường tĩnh mịch, rũ bỏ hết những não phiền nghiệp chướng của kiếp nhân sinh vội vã, trở về với sự thanh tịnh bình an của thực tại.

Tiếp theo chương trình là Diễn văn khai mạc Đêm hội hoa đăng kính mừng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo đầy ý nghĩa của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban tổ chức. Hòa thượng nhấn mạnh: “Khắc khoải với lý tưởng giải thoát, hành giả Cồ-đàm trải qua nhiều phương pháp tu hành khổ hạnh, chuyển hoá nội tâm, tuệ giác khai mở. Cuối cùng, khi sao mai vừa mọc, Ngài chiến thắng tất cả ma quân, thành Phật với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Từ đó ánh sáng giác ngộ lan toả, con đường giải thoát được giới thiệu cho những ai như những đoá sen tuy sinh trưởng từ bùn mà bản thân không nhiễm mùi tanh hôi. Sự hiện hữu của Đức Thế Tôn vừa là con người mang tính chất lịch sử vừa là con người biểu tượng. Ở nơi Ngài luôn chứa đựng những chân lý sống động, cao sâu. Nhất cử, nhất động, nhất niệm, nhất ngôn của Ngài đều là bài học quý giá, thiết thực muôn đời. Ngài trải qua biết bao tháng ngày dài trăn trở, sáu năm trường khổ hạnh, công phu nhọc nhằn gạn lọc chân lý cạn sâu, dám hy sinh thân mạng và tất cả mọi thứ trên đời để tìm tòi mối đạo mới cảm nhận hết giá trị chói lọi huy hoàng của đấng Đại giác”.

Sau khi chư tôn đức chứng minh cử hành nghi lễ dâng hương là thời khắc mà toàn thể đạo tràng mong đợi nhất, cũng chính là thời khắc linh thiêng nhất trong đêm lễ, khi Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng đón nhận ngọn lửa của tình thương và trí tuệ từ bàn Phật, nơi bài trí tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với đèn hoa rực rỡ, rồi truyền sang cho chư tôn đức hiện tiền như một sự sẻ chia chính pháp rạng ngời, truyền trao mạng mạch Phật Pháp để mạng mạch Phật Pháp đó được lan tỏa khắp muôn nơi, ai ai cũng được thấm nhuần chính pháp.  

Tiếp đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thảnh thơi bước từng bước chân an lạc, xuống gần hơn với đại chúng để truyền trao ánh sáng của tình thương và sự hiểu biết đó cho đại chúng. Ánh sáng đó lần lượt được truyền trao tới cho hàng Phật tử, rồi lan dần khắp khuôn viên chùa, càng làm cho buổi lễ trở nên linh thiêng, huyền ảo. Những ngọn nến đó còn chiếu rọi vào mỗi trái tim, mỗi tâm thức của chúng sinh đang u mê lầm lạc trong ngôi nhà lửa vô minh giả tạm, đưa chúng sinh trở về với bản tính chân như, về với Phật tính sẵn có trong mỗi con người. Khắp không gian thiền môn tràn ngập ánh sáng ấm áp xua tan đi cái lạnh đêm đông, nguồn ánh sáng đó như phá tan đi màn vô minh si ám, thắp lên ngọn đèn trí tuệ tỉnh thức trong tim mỗi người.

Dưới ánh nến lung linh, huyền ảo, cầm ngọn nến trên tay, hàng vạn con tim đang hòa chung một nhịp đập, đang dâng trào niềm cảm xúc, hướng tâm thành kính, dâng nén tâm hương cúng dàng đức Từ phụ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và đón nghe lời pháp nhũ đầy ý nghĩa của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Tôn sư đạo tràng Pháp Hoa. Trưởng lão Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ trước cột mốc 10 năm kết hợp của chư Tăng chùa Bằng và chùa Hoằng Pháp, bởi đây không chỉ là sự kết hợp của hai ngôi chùa, mà còn là sự kết hợp của pháp môn tu, làm cho giáo lý của Đức Phật càng thêm sáng.

Hòa thượng chia sẻ “sự kiện Đức Phật thành đạo chính là thắp sáng được ngọn đèn tâm, gọi là tâm đăng. Nếu chúng ta muốn thắp sáng được ngọn đèn tâm, trước nhất phải có giới đức, rồi có chính định thì ngọn đèn tâm của chúng ta mới sáng lên được. Đức Phật đã thể hiện việc này, từ một con người mà thể nghiệm trở thành một pháp tu và truyền dạy cho chúng ta. Nếu ai muốn thắp sáng ngọn đèn tâm của mình để nhìn thấy quá khứ - hiện tại – vị lai thì đó là phương pháp tu hành gọi là “ Giới - Định và Tuệ”. Tuệ tức là ngọn đèn tâm. Ngọn đèn tâm của Đức Phật sáng lên chiếu khắp mười phương, cho nên các vị Bồ Tát được mồi ngọn đèn đó của Đức Phật mà tới với Ngài, tạo nên một thế giới mà trong Phật giáo Đại thừa gọi là “Thường Tịch Quang Tịnh Độ”, đó là thế giới bất tử vĩnh hằng. Nhưng ngọn đèn tâm đó không thể mồi cho người đầy nghiệp chướng trần lao và phiền não, cho nên lúc bấy giờ Ngài mới dùng trí tuệ của mình quan sát xem thử ai có thể tiếp nhận được ngọn đèn đó. Và Ngài nhìn về Lộc Uyển thấy có năm nhà hiền triết, đây là những con người đức hạnh vẹn toàn ở trên thế gian. Cho nên Ngài tìm tới để khai tâm cho các vị này, gọi là mồi ngọn đèn tâm. Tất cả những gì Ngài đã tu chứng được thì Ngài truyền lại. Ngài Kiều Trần Như là người đầu tiên nhận được ngọn đèn tâm của Đức Phật truyền sang cho tâm của Ngài. Vì thế, Ngài trở thành vị thánh A La Hán đầu tiên gọi là “Tối Sơ A La Hán”. Sau đó bốn người còn lại lần lượt diệt được trần lao và nghiệp chướng, ngọn đèn tâm đó cũng được sáng lên, và 50 vương tử dòng Gia Xá cũng phát tâm xuất gia theo Đức Phật và đã thành A La Hán, tức là đèn tâm đã sáng. Khi đó, Đức Phật mới chỉ dạy “tâm của tất cả các ông đã sáng thì nên lấy cái tâm sáng đó mà gọi vào tâm u tối của chúng sinh, để làm cho tâm của chúng sinh cũng được sáng như vậy, tạo thành một xã hội an lành”. Vì lẽ đó, mỗi một tỳ kheo đi một hướng để soi sáng lòng người và làm đẹp cho cuộc đời, đó là truyền thống Phật giáo của  chúng ta. Đây là hình thức tâm truyền tâm”.

Qua đó, Trưởng lão Hòa thượng chỉ dạy “Lễ hoa đăng tức là mồi ngọn đèn tâm của Đức Phật truyền sang ngọn đèn tâm của chư Tăng thanh tịnh, truyền sang cho tất cả mọi người trong xã hội để làm cho mọi người đều sáng lên trong lòng mà thấy được những việc nên và không nên làm để tạo thành một xã hội an bình thịnh vượng. Khi tâm ta đã sáng, ta sẽ thấy làm cho xã hội tốt đẹp tức là làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp, làm cho những người xung quanh an vui thì chính là làm cho chúng ta an vui và có thể sống ở trên Niết Bàn, nói một cách khác là mang thế giới cực lạc của đức Phật A Di Đà vào trong cuộc đời này để xây dựng thế giới cực lạc tại nhân gian”.

Lời khai thị mộc mạc, giản dị và dễ hiểu của Trưởng lão Hòa thượng ban bố cho hàng Phật tử chính là kim chỉ nam cho những người con của đức Thế Tôn vững bước trên con đường tu tập đạt đến giải thoát, giác ngộ.    

Sau đó là nghi thức xưng tán Phật và phần ý nghĩa ngày Đức Phật thành đạo do Thượng tọa Thích Chân Tính tuyên đọc. “Sự kiện Phật thành đạo là một thiên tình ca bất tận về tình yêu con người và muôn loài: Đức Phật đã chiến đấu và chiến thắng, trước hết vì tình thương, một tình thương rộng lớn vô bờ bến với tất cả chúng sinh, tất cả các cõi. Vì tình thương tưởng hết thảy mà Ngài thành đạo, và Ngài thành đạo cũng vì tình thương tưởng đó… Ngày thành đạo của bậc Chính Đẳng Giác lại về, nhắc nhở chúng ta, mỗi người đệ tử của Ngài phải phản quang lại mình, phải tinh tấn hơn nữa để có được an lạc, phải thăng hoa trong đời sống tu tập, phải biết dừng lại để soi chiếu nội tâm, tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh để xây dựng cho mình một cảnh Niết Bàn ngay trong cuộc sống hiện tại”.

Trước khi kết thúc chương trình đêm hội hoa đăng, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS TƯ GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN thành phố Hà Nội, đại diện cho Ban tổ chức đã dâng lời cảm tạ lên chư tôn đức chứng minh, cùng toàn thể đạo tràng. 

Đêm hội kết thúc trong sự lung linh tỏa sáng, mầu nhiệm diệu huyền của những ngọn nến tỏa chiếu từ tình thương và sự hiểu biết, hòa lẫn trong cung bậc thanh thoát, trầm bổng của tiếng nhạc thiền du dương và câu niệm Phật nhất tâm của đại chúng.

Sau đêm hội hoa đăng, Hòa thượng trụ trì cùng đại chúng đã tụng trọn vẹn bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa (tụng kinh thông tiêu truyền thống) dưới sự hướng dẫn của chư tôn đức Tăng chùa Bằng với tất cả tấm lòng chí thành, chí kính hướng về đấng Từ Phụ - đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Diệu Tường - Thành Trung - Phạm Duy

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC