Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 18/07/2021 22:48 PM 
HT.Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại khoá Học pháp online “Phật học cơ bản”
Vào lúc 20h, ngày 16/7/2021 (nhằm ngày 07/6 năm Tân Sửu), HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương đã có buổi thuyết giảng “Ý nghĩa xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa” tại khoá học pháp online “Phật học cơ bản” trên địa chỉ: trungtam.hoangphaponline.com.

Hoà thượng nhấn mạnh: Người đệ tử Phật, ngoài việc đầu tiên học giáo lý căn bản thì phải học, phải hiểu lịch sử cuộc đời của đức Phật. Đức Phật đã để lại tấm gương gì để chúng ta học tập? Hiện nay, lịch sử cuộc đời đức Phật có nhiều sách sử ghi chép lại. Hòa thượng Thích Thiện Hoa trong sách Phật học phổ thông khóa 1- Nhân thừa Phật giáo viết: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ngày 8/4 âm lịch năm 624 TCN; ngày 8/2 âm lịch năm 19 tuổi xuất gia; Ngài thành đạo năm 30 tuổi” (có thể tìm hiểu thêm tư liệu). Tuy nhiên, trong buổi thuyết giảng ngày hôm nay, HT. Thích Bảo Nghiêm lưu ý các các cư sĩ Phật tử ghi nhớ thêm sự kiện trong năm với Phật giáo Bắc truyền hiện có 4 sự kiện trọng đại: Ngày Đản sanh (15/4), ngày Xuất gia (8/2), ngày Thành đạo (8/12), ngày đức Phật Nhập niết bàn (15/2).

Ý nghĩa sự kiện ngày Thái tử Tất Đạt Đa (đức Phật) xuất gia. Điều đầu tiên chúng ta hiểu được ý nghĩa của từ xuất gia: Xuất gia tức là ra khỏi nhà với 3 ý nghĩa chính: Ra khỏi nhà thế tục; Ra khỏi nhà phiền não; Ra khỏi nhà lửa tam giới.

Xuất gia tức là từ bỏ gia đình (đi tu); Xuất gia có 3 dạng người: Thực tu phạm hạnh (Thân xuất gia và Tâm cũng xuất gia (đầu tròn, áo vuông, sống đời phạm hạnh); Thân tại gia nhưng Tâm xuất gia (Tâm thực sự nghỉ ngơi, không tham, không đắm, luôn vì đạo pháp, vì lợi ích chúng sinh…); Thân xuất gia và Tâm không xuất gia (ở trong chùa vì danh dự lợi dưỡng, ăn của đàn na thính chúng…). Chư Tổ tán dương những người Thực tu phạm hạnh và Thân tại gia nhưng Tâm xuất gia. Và ngài khiển trách những người vào chùa nhưng Tâm hoàn toàn vướng vào bụi trần.

Đức Phật - Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra trong hoàng cung, sống trong nhung lụa, được chăm lo đầy đủ với vợ đẹp con ngoan. Với vương vị ngai vàng là một trong những danh vọng cao quý, nhiều người mong muốn và trong tương lai sẽ kế tục vua cha để trị vì thiên hạ nhưng Thái tử đã xả bỏ tất cả, không mảy may vướng bận để xuất gia.

Sự hy sinh cao cả của Ngài mọi người trên thế gian này không ai có thể làm được. Sau khi đến nhìn lại người vợ và hài nhi yêu dấu lần cuối đang say nồng trong giấc ngủ, Ngài cùng người hầu cận Sa Nặc dắt con tuấn mã Kiền Trắc Ngài rời khỏi hoàng cung vào giờ Tý, vượt thành ra đi. Ngài đã từ bỏ tất cả những người thân yêu, ngôi báu, vương quyền, cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh phúc để đi tìm đạo giải thoát, cứu khổ muôn loài. Sự khổ hạnh, sự hi sinh của ngài vô cùng cao quý, từ một vị Thái tử, xả bỏ tất cả, sống cuộc đời người tu sĩ, đi đến mọi nơi, nghe nơi đâu có Đạo sĩ và thầy dạy nổi tiếng Ngài đã tìm đến, vượt qua tất cả khó khăn trong thiền định, trong tư duy để tìm cầu học đạo. Đức Phật thật vĩ đại, đã xả bỏ được tất cả. Như lời HT. Thích Trí Thủ đã nhận xét về đức Phật đó là: “Xả nhất thiết nhưng Đắc nhất thiết”.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có đức Vua Trần Nhân Tông - Một nhà quân sự lỗi lạc, đã hai lần lãnh đạo quân dân thắng giặc Mông – Nguyên, một nhà tư tưởng, nhà văn hóa, người có công sáng lập thiền phái Trúc Lâm - cội nguồn Phật giáo thuần Việt. Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông làm vua, rồi làm Thái thượng nhưng cuối cùng cũng đã buông xả để xuất gia. Sau khi biết đến đạo, đức Vua sống đời sống tu đạo và cảm thấy rất hạnh phúc. Đức Vua đã từ bỏ đời sống của một vị đế vương trở về cuộc sống đơn giản và thấy rất hạnh phúc, an lạc. Có thể thấy, Phật hoàng Trần Nhân Tông là một con người phi thường đặc biệt. Phật hoàng cũng giống như đức Phật Thích Ca Mâu Ni - một vị Thái tử sắp lên ngôi, Phật hoàng cũng ở ngôi Thái thượng hoàng nhưng Ngài cũng bỏ hết mũ áo, ngai vàng để vào rừng Yên Tử xuất gia tu hành.

Trở về với sự kiện Thái tử Tất Đại Đa (đức Phật) xuất gia đến nay gần 26 thế kỷ trôi qua, nhưng ý nghĩa ngày Phật xuất gia ngày nay vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả những người con Phật. Chúng ta lại học theo hạnh nguyện của Đấng Từ Phụ cố gắng tu tập, noi theo gương sáng của Ngài để tu hành, để tinh tấn, để tăng trưởng trí tuệ, trưởng dưỡng đạo tâm để đi đến con đường giải thoát, giác ngộ.

PSO

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC