Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 29/11/2022 13:11 PM 
Hà Nội: Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX – Phiên làm việc thứ hai
Chiều ngày 28-11 tại phiên làm việc thứ hai của Đại hội, đại biểu tham dự đại hội lắng nghe các tham luận của Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố và Phật giáo hải ngoại và thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến chương GHPGVN.

Phiên làm việc đặt dưới sự điều hành của Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Mở đầu phiên làm việc là phần tham luận của Ban Thông tin Truyền thông Trung ương do Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương trình bày chủ đề: Phát huy hiệu quả công tác thông tin truyền thông trong thời đại 4.0 góp phần phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo Hòa thượng, cần gắn truyền thông với vấn đề an sinh xã hội, truyền thông về những đóng góp của Phật giáo vào các lĩnh vực như: xây dựng phát triển đất nước, văn hóa xã hội, xây dựng văn hóa, giá trị đạo đức tâm linh, xây dựng nền tảng hướng thượng, trí tuệ trong thời đại toàn cầu hóa.

Thay mặt hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer trình bày tham luận chủ đề: Phật giáo Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa lịch sử vàng son là chủ đề tham luận do Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang trình bày tại Đại hội.

Theo Hòa thượng, trải qua 41 năm, với 8 nhiệm kỳ hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển có chiều rộng lẫn chiều sâu, dặc biệt cả hệ thống Giáo hội thực hiện có kết quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước; hoàn thành trọng trách được Tăng Ni, tín đồ Phật tử tín nhiệm giao phó. Qua từng nhiệm kỳ, từng thành viên giáo hội với những cương vị khác nhau, luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, truyền thống đoàn kết hòa hợp, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Tăng Ni, tín đồ Phật tử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; các thành viên Giáo hội đã làm tròn sứ mệnh của mình một cách vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng thành công ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Giáo dục là nền tảng huy hoạch nhân sự cho Giáo hội là nội dung tham luận do Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội trình bày.

Trong phạm vi tham luận của mình, Hòa thượng đã chia sẻ những giới hạn về quy hoạch nhân sự và giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, Hòa thượng đã đưa ra thực trạng những giới hạn về giáo dục đào tạo và đưa ra giải pháp khắc phục. Kế tiếp, Hòa thượng đưa ra 03 vấn đề để thông suốt tư tưởng, quy hoạch nhân sự, phát huy uy đức trong điều hành Phật sự, làm nền tảng cho chiến lược huy hoạch nhân sự của Giáo hội.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương trình bày tham luận chủ đề: Định hướng phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo hòa thượng để định hướng phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới cần đáp ứng bốn vấn đề đó là: Giá trị văn hóa trong giai đoạn mới – hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển bền vững, Văn hóa Phật giáo – một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam, Văn hóa Phật giáo Việt Nam – thực trạng bảo tồn và phát huy, và định hướng và giải pháp phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thay mặt Ban Hoằng pháp Trung ương, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký trình bày tham luận chủ đề: Truyền thông xã hội và chuyển đổi số trong sứ mệnh xiển dương Phật giáo thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong phạm vị tham luận, Thượng tọa phân loại các trang mạng truyền thông xã hội như sau: Social Bookmarking: tương tác bằng cách đánh dấu các trang mạng và tìm kiếm những trang mạng đã được người khác đánh dấu; social news: tương tác bằng cách bầu chọn các bản tin và bình luận những tin đó; social networking: tương tác bằng cách thêm bạn, nhận xét về các thông tin cá nhân, gia nhập các nhóm và thảo luận; social photo và video sharing: tương tác bằng cách chia sẻ hình ảnh ,video và nhận xét; bách khoa toàn thư tương tác bằng cách thêm đề mục bài viết và biên tập các đề mục, bài đã có.

Thượng tọa kiến nghị 02 vấn đề nhằm hoàn thiện trụ cột cho chuyển đổi số Phật giáo như sau: xây dựng một kho lưu trữ Tam tạng Kinh điển…; xây dựng hệ thống lưu trữ văn bản hành chánh điện tử của Giáo hội từ Trung ương đến Giáo hội cấp địa phương và liên kết có sự thống nhất nhằm thuận tiện tra cứu, trao đổi dữ liệu thông tin hướng đến thay cho việc phát hành văn bản giấy, chuyển đổi giấy chứng nhận Tăng Ni, chứng điệp thọ giới truyền thống thành thẻ từ thông minh….

Vị trí và vai trò của người cư sĩ, Phật tử trong thời đại đất nước hội nhập, phát triển là nội dung tham luận của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương do Thượng tọa Thích Phước Nghiêm, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực trình bày.

Thay mặt Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Thượng tọa Thích Phước Đạt, Phó ban kiêm Chánh Thư ký trình bày với nội dung: Hướng phát triển giáo dục Phật giáo Việt Nam thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển.

Hoằng pháp tại vùng nông thôn, thuận lợi và phát khó khăn là nội dung tham luận của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội do Thượng tọa Thích Đạo Phong, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự trình bày.

Thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự trình bày với nội dung: Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và công tác nhân đạo, bảo vệ môi trường.

Thượng tọa chia sẻ, với lý tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác” và phương châm “Đạo pháp – Dân tộc”, Phật giáo Thành phố, với 40 năm hình thành và phát triển, luôn ý thức trách nhiệm là một tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn sát cánh, đồng hành với Mặt trận Tổ quốc Thành phố: chung tay vận động Nhân dân Thành phố có trách nhiệm để cùng xây dựng Thành phố có trách nhiệm để cùng xây dựng Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Qua đó, Tăng Ni và Phật tử Thành phố luôn ứng dụng lời Phật dạy, tích cực tham gia vào các lĩnh vực hoạt động xã hội, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, với các hành động thiết như: vận động Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng, tham gia công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Kết hợp các cơ quan chức năng, tăng cường công tác chỉ đạo và vận động việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vai trò Ban điều phối và hợp tác đối với sự phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Điều phối và Hợp tác GHPGVN và Giáo hội Liên minh Phật giáo Lào trình bày.

Phật giáo Việt Nam tại Pháp và Châu Âu do Phật tử Tạ Bích Thủy đại diện Hội Phật tử hải ngoại tại công hòa Séc trình bày.

Kỷ cương để hoàn thiện bản thân là nền tảng của sự ổn định và phát triển Giáo hội do Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy  viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày.

Đôi điều về giáo dục ni giới trẻ thời đại hội nhập do Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Phân ban Ni giới Trung ương trình bày.

Truyền bá Phật pháp trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Thượng tọa Thích Giác Duyên, Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai trình bày.

Quá trình phát triển của chùa Pháp Hương – Hội Phật tử Việt Nam tại Châu Mỹ từ năm 2017 đến nay do thượng tọa Thích Đức Tuấn, Ủy viên Hội đồng Trị sự trình bày.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Họi đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đúc kết phiên làm việc thứ hai của Đại hội.

Sau khi lắng nghe 15 bài tham luận tại hội trường, đại hội tiếp tục với phần nghị sự thông qua Hiến chương Giáo hội sửa đổi.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Nội dung Đại hội IX trình Dự thảo sửa đổi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự lấy ý kiến biểu quyết của Đại hội về Dự thảo sửa đổi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Toàn thể Đại biểu tham dự Đại hội nhất trí thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hoài Thái – ảnh: PSO

Từ Đại hội IX tại thủ đô Hà Nội

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC