Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Khóa Tu Mùa Hè
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 04/07/2018 01:25 AM 
Ngày thứ ba của khóa tu tuổi trẻ "Nguyện theo hạnh Phật"
Ngày 02 tháng 07 năm 2018, nhằm ngày 19 tháng 05 năm Mậu Tuất, bước sang ngày tu tập thứ ba của khóa tu “Nguyện theo hạnh Phật” tại chùa Bằng (Linh Tiên tự), 500 bạn khóa sinh đã có một ngày an lạc trọn vẹn với những câu kinh, lời kệ, thời pháp thoại, và cả những giờ sinh hoạt Chúng, vui chơi tự tại bên quý Thầy và các bạn đồng tu.
Theo thời khóa, ngay từ sáng sớm, dưới sự hướng dẫn của quý Thầy trong Ban tổ chức, các bạn trẻ đã cùng nhau tập thể dục buổi sáng nâng cao sức khỏe và đọc 20 điều nhớ ơn, khởi động một ngày mới nguyện sống thiện lành và ý nghĩa.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đúng 8h30, Thượng tọa Thích Nhật Từ – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Ủy viên thường trực GHPGVN TP. HCM, phó Viện trưởng HVPGVN tại TP. HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ đã quang lâm pháp tòa và thuyết giảng cho 500 khóa sinh về chủ đề “Học Đức Phật, phụng sự nhân sinh, khép lại khổ đau”.
Trong bài giảng, Thượng tọa đã chia sẻ khái quát nội dung trong tác phẩm thơ "Phật sở hành tán" do Bồ tát Mã Minh sáng tác vào thế kỷ thứ II nhằm bật lên lý tưởng mà thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ ngôi vua để trở thành nhà tâm linh vĩ đại mà 26 thế kỷ sau, chúng ta vẫn có cơ hội được trở thành đệ tử của Ngài. Tác phẩm khắc họa bức tranh từ lúc Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni cho đến năm Ngài nhập Niết bàn. Đến tận ngày nay, đây vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất về cuộc đời Đức Phật. Tác phẩm gồm có 14 chương, mỗi chương dài vài chục trang giấy. 
Qua đó, Thượng tọa nhắc về 3 lý tưởng lớn. 
Lý tưởng đầu tiên: Từ bỏ lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Thái tử Tất Đạt Đa thành hôn đầu năm Ngài 29 tuổi, khi đó cha Ngài là vua Tịnh Phạn đã ngoài 60 tuổi. Thời thanh niên, Ngài đã nhận thức được rằng mỗi hoàng tử của hoàng gia có thể cưới năm thê bảy thiếp, mà phần lớn việc thành hôn tràn lan này đều để phụng sự lợi ích và nhu cầu cá nhân của bản thân mà không giúp ích được gì cho những người khác. Nhưng vua cha kiên quyết bắt thái tử phải thành hôn với công chúa Da Du Đà La, bằng tình thương của mình đối với cha và trách nhiệm với cả hoàng tộc, Ngài buộc phải kết hôn với công chúa Da Du Đà La.
Từ khi được đi dạo qua bốn cửa thành, thấu hiểu khổ đau sinh, già, bệnh, chết của chốn nhân gian, tư tưởng của thái tử ngày càng kiên quyết phải đi tìm một con đường giải thoát giác ngộ cho toàn thể chúng sinh, tức là cho số đông. Ngài sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân cũng như lợi ích của tiểu quốc mà ngài sẽ cai quản, nếu tiếp nhận ngai báu từ vua cha là tiểu quốc Ca Tỳ La Vệ, một trong những tiểu bang nhỏ nhất trong 16 bang của Ấn Độ lúc bấy giờ. Bởi nếu ngài nối nghiệp vua cha thì số lượng người ngài có thể giúp họ bớt khổ cũng chỉ giới hạn trong Ca Tỳ La Vệ mà thôi.Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ có 4 giai cấp mà những ai thuộc giai cấp nào, sau này lớn lên chỉ có thể nối tiếp theo những gì mà thế hệ trước trong gia đình mình sinh ra để bảo vệ lợi ích cho từng nhóm lợi ích của mỗi giai cấp. 4 giai cấp đó là giai cấp vua chúa, độc quyền về chính trị và quản trị đất nước. Giai cấp Bà La Môn độc quyền về giáo dục và tâm linh. Giai cấp thương nhân để phát triển các phương diện của xã hội. Giai cấp nô lệ để phục vụ cho các giai cấp trên. Lý thuyết trên được chia theo kinh điển Vệ Đà rằng thượng đế sinh ra mỗi người có một chức năng, nhiệm vụ khác nhau, ai thuộc giai cấp nào thì chỉ được làm những việc của giai cấp đó và không được kết hôn với giai cấp khác. Đức Phật thì nghĩ khác, ngài nghĩ rằng nếu con người sinh ra chỉ được làm một nhiệm vụ thì họ phải có quyền được chọn nhiệm vụ của mình vì bất cứ ai sinh ra đều có máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Đức Phật đã quyết bỏ cái lợi ích của bản thân, của nhóm là hoàng tộc, đất nước của mình mà đi tìm chân lý nhiệm mầu vì lợi ích rộng sâu, không phân biệt lứa tuổi, giai cấp, địa lý, giới tính, vì lợi ích cho toàn bộ nhân sinh trên quả địa cầu này.
Lý tưởng thứ 2, suy nghĩ lớn với hành động mang lại lợi lạc lớn. Sau khi thành đạo, Ngài nhận ra tâm mình chính là nhà đạo diễn để quyết định hành động của bản thân, từ đó tạo nên nghiệp và quyết định tương lai, cuộc sống của mình. Các tôn giáo khác thì đều cho rằng thượng đế, hoặc một đấng tối cao sẽ quyết định cuộc sống của mỗi con người. Ngài quyết tâm phải mang chân lý và 8 con đường đi tới chánh đạo cho thật nhiều người. Ngài đã quyết định độ cho các người đồng tu với Ngài khi xưa là 5 anh em ngài Kiều Trần Như. Điều này còn có một ý nghĩa sâu xa là khu vườn Nai mà các vị trên đang tu hành nằm trong lưu vực của sông Hằng, con sông có ý nghĩa tâm linh to lớn và quy tập nhiều tín đồ của các tôn giáo khác quy tụ về đây. Ngài đã độ được 5 anh em ngài Kiều Trần Như, thương gia – triệu phú Gia Xá và 54 thương gia triệu phú khác. Đó chính là cộng đồng Phật giáo đầu tiên gồm có 60 vị A La Hán. Sau đó ngài khích lệ các vị tăng mỗi người hãy đi mỗi hướng khác nhau để mang lại phúc lạc, hạnh phúc, an vui cho số đông và cho toàn thể nhân loại này. Đức Phật đi về thành Ma Kiệt Đà, đất nước có nền kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục lớn mạnh, quan trọng nhất bấy giờ. Chưa đầy 1 năm sau khi thành đạo, Đức Phật độ được 8/16 vị vua trở thành đệ tử tại gia của ngài, hàng ngàn quan văn, quan võ, hàng triệu tín đồ đạo Bà La Môn, cũng như các tôn giáo khác. Đó chính là suy nghĩ lớn, hành động lớn vì mục đích cao cả cho nhiều người chứ không vì những lợi ích nhỏ, làm những hành động nhỏ. Nếu chúng ta sống cuộc đời mấy chục năm của mình mà có những suy nghĩ lớn, hành động lớn, thì giá trị cuộc sống 1 kiếp của chúng ta có thể bằng 10 kiếp của những người khác. Hoặc như 1 kiếp mà Đức Phật tại thế đã bằng hàng ngàn kiếp của những bậc nhân tài và vĩ nhân lớn khác cộng lại. Qua hình ảnh ẩn dụ là hoa sen, Đức Phật muốn nói rằng mỗi người sinh ra đều ẩn trong mình những đức tính quý báu, dù có sinh ra trong môi trường bùn lầy nhưng ai cũng có thể vươn lên để tỏa hương thơm ngát cho cuộc đời.
Điều thứ 3, ngoài mục đích sống thì phải có lý tưởng sống. Mục đích sống thì thường gắn theo các mục tiêu học tập, sự nghiệp trong cuộc đời mỗi con người. Có người mục đích sẽ tốt nghiệp THPT rồi đi làm, có người mục đích sẽ tốt nghiệp Cử nhân rồi đi làm, có người mục đích học tiếp lên thạc sĩ và tiến sĩ sau đó sẽ có các mục tiêu khác về sự nghiệp. Có những bạn cho rằng tốt nghiệp ra trường, làm quản lý tại các doanh nghiệp nước ngoài, lương mỗi tháng vài ngàn đô la Mỹ đó đã là cuộc sống mãn nguyện. Hoặc có bạn muốn trở thành giám đốc, chủ tịch các tập đoàn kinh tế để làm giàu cho bản thân và gia đình. Dù mỹ mãn như thế, mỗi người đã phải tốn tới mấy chục năm cuộc đời việc kiếm tiền cho mục tiêu sống của mình. Vậy ngoài mục đích sống, chúng ta phải có một lý tưởng sống cao cả và dành sức mình vì lý tưởng sống đó. Lý tưởng này phải vì nhân sinh, vì cuộc sống của số đông, xuất phát từ lòng vị tha và tâm từ bi của mỗi người. Các vị vua và các quan đại thần đã đạt đến đỉnh cao của danh vọng nhưng họ vì ngưỡng mộ và bị lý tưởng sống cao cả của Đức Phật ảnh hưởng nên họ sẵn sàng nhận Đức Phật làm thầy của mình. Nếu Đức Phật không có những lý tưởng cao đẹp thì ngài không bao giờ có thể làm thầy của họ được. Thượng tọa nhấn mạnh "Các con cũng phải đề cao lý tưởng sống, bắt đầu với lý tưởng yêu nước, yêu quê hương xứ sở, sau đó đến lý tưởng làm lợi lạc cho nhân loại trên toàn cầu. Để thực hiện được lý tưởng sống trong nền kinh thế đang phát triển theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, có 5 từ khóa trong suốt cuộc hành trình là nỗ lực, kỹ năng, chuyên môn, kỹ thuật và công nghệ. Ba từ khóa đầu nỗ lực, kỹ năng, chuyên môn của các thế hệ đi trước đã giúp Việt Nam vượt qua được nhóm các nước nghèo và bắt đầu tiến vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. Kỹ thuật và công nghệ chính là 2 chìa khóa để Việt Nam phát triển nhanh chóng, sánh vai với các nước lớn trên thế giới. Các ví dụ như Bill Gate với Microsoft, Mark Zuckerberg với facebook…. Bằng lý tưởng muốn phổ cập máy tính cho xã hội và lý tưởng muốn kết nối tât cả mọi người, một người đã trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới còn một người trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới bằng kỹ thuật và công nghệ. Vậy chúng ta phải có lý tưởng lớn và mục đích sống để làm lợi ích cho dân tộc, cho quốc gia và cho đất nước".
Qua bài giảng, thượng tọa mong muốn các bạn trở thành những cánh chim đại bàng không mỏi với những lý tưởng lớn, tư tưởng lớn, hợp lực cùng nhau để cất cánh bay cao và bay xa, góp phần phát triển đất nước Việt Nam trên tinh thần yêu đất nước, yêu thế giới và yêu toàn thể nhân loại này.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đầu giờ chiều, dưới sự hướng dẫn của quý Thầy trong Ban tổ chức, các khóa sinh đã cùng tham gia vào các trò chơi tập thể như kéo co, truyền chanh, truyền ghế…Trong chốn thiền môn yên ả, nay lại như được thổi một làn gió mới bởi những nụ cười giòn tan vang vọng không gian, những gương mặt đẫm mồ hôi nhưng sáng bừng niềm hạnh phúc của các bạn trẻ. Những tiếng hò reo cổ vũ, những băng rôn khẩu hiệu vô cùng dễ thương, hóm hỉnh của mỗi nhóm được giơ cao. Chính tinh thần đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh, khí thế cho các bạn tham gia vào những trò chơi tập thể lý thú và hết sức tinh nghịch.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Buổi tối cùng ngày, tại lễ đài chính của chùa Bằng, dưới sự hướng dẫn của quý Thầy trong Ban tổ chức, các bạn đã cùng nhau chơi trò chơi vô cùng ý nghĩa mang tên "rung chuông chùa". Đây chính là một trò chơi đòi hỏi vốn hiểu biết khá tốt về Đạo Phật - một tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt hơn hai nghìn năm qua. Và điều đặc biệt khiến Ban tổ chức vô cùng ngạc nhiên, đấy chính là tuy câu hỏi khá hóc búa, nhưng các khóa sinh đã trả lời rất xuất sắc, và chọn ra được 3 bạn giỏi nhất để trao giải.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC