Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 09/07/2019 15:45 PM 
Hải Phòng: Tổ chức đại lễ tưởng niệm Trưởng lão HT Thích Trí Hải
Sáng 6/7/2019 tức ngày mùng 04/6/năm Kỷ Hợi, tại Chùa Long Hoa (thôn Chi Lai, xã Trường Thành, huyện An Lão), Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hải Phòng tổ chức đại lễ tưởng niệm nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Hải viên tịch (1979-2019).

 

 
Chứng minh và dự lễ có Hòa thượng Thích Thanh Dũng – Phó Pháp chủ - Chánh thư ký HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Đàm – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Duyên – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Dục - Ủy viên HĐCM GHPGVN; HT. Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; HT. Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS – Trưởng ban Ban TTTT TƯ. GHPGVN; HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS – Trưởng ban Ban HPTƯ. GHPGVN; HT. Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch HĐTS – Trưởng ban TTXH TƯ. GHPGVN - Trưởng ban BTS GHPGVN Tp. Hải Phòng; TT. Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch – Tổng thư ký HĐTS TƯ. GHPGVN; Chư Tôn đức trong ban thường trực HĐTS GHPGVN, Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng, Đại diện BTS GHPGVN nhiều tỉnh thành trong cả nước, chư Tôn đức trong sơn môn Tế xuyên – Tỉnh Hà Nam, Tăng ni các tỉnh thành phía Bắc, Các Tăng ni sinh trong thành phố Hải Phòng cùng đông đảo tín đồ Phật tử trong và ngoài thành phố Hải Phòng cùng về dự.
 


 
 Về phía khách mời có ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng vụ Phật giáo BTGCP; Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng cùng các vị đại biểu các ban nghành của TP. Hải Phòng; Huyện An Lão và xã Phi Lai. Các nhà khoa học, Học giả, Trí thức, cư sĩ Phật giáo cùng tham dự.


 

Sau phần nghi lễ toàn thể hội trường lắng nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cung tuyên tiẻu sử Cố Trưởng lão  Hòa thượng Thích Trí Hải :
Hòa thượng pháp danh Thích Thanh Thao, hiệu Trí Hải, thế danh Đoàn Thanh Tảo, sinh năm Bính Ngọ 1906, tại làng Quần Phương Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Xuất thân từ một gia đình có ba anh em, sống bằng nghề nông và dệt vải, song thân Ngài là cụ ông Đoàn Văn Đích tự Phúc Thực và cụ bà Nguyễn Thị Tuất hiệu Diệu Mậu.
Ngài mến đạo Phật và có ý định xuất gia lúc 12 tuổi. Sau năm năm học ở chùa làng khi 17 tuổi, được song thân cho phép và Sư cụ Thanh Dương hướng dẫn, giới thiệu, Ngài chính thức nhập đạo dưới sự dạy dỗ trực tiếp của Tôn sư Thích Thông Dũng, tại chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Chẳng bao lâu Ngài được thọ giới Sa Di ở Tổ đình Tế Xuyên
 
Năm 19 tuổi, do yêu thích tinh thần tập thể và các mối quan hệ trong nếp sống tu học, Ngài cùng một số tu sĩ trẻ, thành lập Đoàn Thanh Niên Tăng, lấy tên là Lục Hòa Tịnh Lữ.
Năm 20 tuổi (1925) Ngài thọ giới Tỳ Kheo. Sau đó tiếp tục đi học và kiết hạ trong suốt năm năm.
Năm 25 tuổi (1930), Ngài bắt đầu ra trụ trì chùa Phú Đa, xã Yên Lập, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà. Và một năm sau đó, lại trở về trông coi chùa Mai Xá vì Tôn sư của Ngài viên tịch.
Năm 27 tuổi, cùng với một số Tăng sĩ và Cư sĩ, Ngài đã lập Ban Phật Học Tùng Thư để nghiên cứu, phiên dịch và ấn hành các kinh điển với mục đích phổ biến giáo lý cho các hàng Phật tử.
Năm 29 tuổi (1934), tự nhận thấy có trách nhiệm với Phật pháp đương thời, cần phải chấn hưng và phát triển sâu rộng Phật giáo ở miền Bắc, Ngài cùng một số Tăng Ni Phật tử có uy tín, đạo tâm được toàn thể Phật tử mời đứng ra tiếp nhận và tổ chức chùa Quán Sứ - Hà Nội làm Trụ sở Trung ương, và chính thức thành lập Hội Bắc Kỳ Phật Giáo làm cơ sở pháp lý cho việc phục vụ chánh pháp.
Năm 1935, để truyền bá giáo lý và tạo nhận thức đúng về chủ trương của hội trong việc tương trợ và hệ thống hóa các đoàn thể Tăng Ni Phật tử, Ngài cùng Hội xuất bản tờ tuần báo “Đuốc Tuệ” và lập nhà in. Tờ Đuốc Tuệ là tiền thân của “Diệu Âm” và “Phương Tiện” sau này. Ngoài ra, Ngài còn chủ trương một tờ nhật báo “Tân Tiến”.
Năm 1936, Ngài đứng ra tái thiết lại toàn bộ ngôi chùa Quán Sứ với qui mô và kiến trúc mới. Đồng thời, tổ chức đại lễ suy tôn Đại lão Hòa thượng Vĩnh Nghiêm lên ngôi Thiền gia Pháp chủ, và lập trường Tăng học đặt tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội bên bờ sông Hồng. Ngoài ra, Ngài còn tích cực vận động có được 50 mẫu ruộng tại tỉnh Thái Bình để giải quyết vấn đề kinh tế căn bản cho các Tăng sinh yên tâm tu học.
Năm 1937 - 1938, trên bình diện quốc tế, Ngài mở cuộc công du sang Trung Hoa trong hai tháng để tham khảo Tam Tạng kinh điển và tiếp xúc các vị Cao Tăng như Thái Hư Đại Sư... để học hỏi kinh nghiệm cũng như phương pháp tổ chức chỉ đạo. Cuối năm 1938, Ngài lại vân du sang Lào, Thái Lan, lập chi hội Phật giáo Việt kiều Hải ngoại và đặt quan hệ Phật sự với Phật giáo của hai nước này.
Năm 1941 - 1942, nhằm phát triển công tác giáo dục và từ thiện xã hội, Ngài ủy thác cho cư sĩ Thiều Chửu lập trường học Phổ Quang và nghĩa trang Tế Độ. Cả hai cơ sở này đều tọa lạc ở ngoại ô Hà Nội. Một trường Ni học cũng được khai giảng tại chùa Bồ Đề, bên cạnh trường Tăng học. Sĩ số Tăng Ni sinh ngày một đông phải di chuyển đến các Phật học trường khác như: chùa Cao Phong ở Phúc Yên do Tổ Tuệ Tạng hướng dẫn; chùa Côn Sơn ở Hải Dương do Hòa thượng Tố Liên giảng dạy; chùa Hương Hải ở Hải Dương do Hòa thượng Thái Hòa đào luyện...
Năm 1943, Ngài phác thảo một chương trình kiến thiết một Đại Tùng Lâm rộng 20 mẫu tây ở ga Thường Tín - Hà Đông, với qui mô rộng lớn trong đó có ngôi chùa, nhà Pháp Bảo, nhà Tổ, nhà Tăng trang nghiêm, tiện nghi, tiêu biểu cho một cơ sở hoằng dương chính pháp. Ngoài ra còn có những cơ sở giáo dục như trường Tiểu, Trung và Đại học, bệnh viện, siêu thị, nhà dưỡng lão v.v... nhằm phát huy văn hóa dân tộc. Và nơi thánh tích Phật giáo, Ngài cũng có kế hoạch trùng tu khu danh lam Trúc Lâm Yên Tử. Các công việc đang tiến hành thì phải đình chỉ vì năm 1945 - 1946, một nạn đói ghê gớm lan tràn khắp miền Bắc. Thể hiện lòng từ bi, Ngài cùng Hòa thượng Tố Liên và Cư sĩ Thiều Chửu thành lập Tổng Hội Cứu Tế đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội để giúp đỡ những người đói khổ, dựng lên một Cô Nhi Viện nuôi hơn 200 trẻ thất lạc, bơ vơ. Cuối năm 1946, chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ, các Phật sự phải đình chỉ và số phận các cô nhi bấp bênh. Ngài phải đưa một số em về chùa Mai Xá và dạy nghề thủ công để tự túc. Còn các em khác thì theo cụ Thiều Chửu lên Phúc Yên sinh sống.
Năm 1950, Ngài thỉnh được Đại Tạng kinh từ Nhật Bản để bổ sung vào Thư viện Phật giáo tại chùa Quán Sứ làm tư liệu nghiên cứu dịch thuật cho chư Tăng Ni miền Bắc.
Năm 1951, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập. Sáu tập đoàn Phật giáo suy tôn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ và Ngài làm đệ nhất Phó Hội chủ. Đến năm 1952, Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc được thành lập tại chùa Quán Sứ Hà Nội nhằm thống nhất Phật giáo toàn quốc. Đại hội đã suy cử Tổ Tuệ Tạng lên ngôi Thượng Thủ và bầu Ngài làm Trị Sự Trưởng.
Năm 1953, với mục đích tiếp tục đào tạo Tăng tài và trao đổi văn hóa với các nước trong tổ chức Phật giáo thế giới. Ngài cùng quí Hòa thượng khác, dưới danh nghĩa Tổng hội và Giáo hội đề cử một số chư Tăng sang du học ở Nhật Bản, Tích Lan và Ấn Độ. Và cũng trong năm này, Ngài đứng ra xây trường Trung Tiểu học Vạn Hạnh trong khuôn viên chùa Hàm Long - Hà Nội, cùng với trường Tiểu học Khuông Việt tại chùa Quán Sứ, cả hai đều giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông.
Năm 1954, vào thời gian đất nước tạm chia đôi, dù gặp bao khó khăn tài chính, bao xúc động tâm lý, Ngài vẫn quyết tâm xây hoàn tất chùa Phật Giáo Hải Phòng để tiếp tục Phật sự và ổn định tinh thần Phật tử. Ngài đã ở lại miền Bắc để hướng dẫn Tăng Ni Phật tử cho tới ngày thống nhất đất nước.
Năm 1958, Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam ra đời tại miền Bắc. Ngài cũng hòa mình tham dự nhưng không còn giữ chức vụ gì. Nơi chùa Phật Giáo Hải Phòng, Ngài vẫn cố gắng hướng dẫn Phật tử, sáng tác và phiên dịch nhiều tác phẩm, gồm 30 cuốn. Ngài có công đặc biệt là đã phiên dịch và cổ xúy thực hiện việc tụng kinh theo nghi lễ tiếng Việt cho Tăng Ni Phật tử miền Bắc.
Hòa thượng còn là vị trú trì Tổ đình Bồ Đề trên 30 năm. Tại đây sau nạn thiên tai lụt lội năm 1971, Ngài đã xây dựng lại tất cả và duy trì qua hai cuộc kháng chiến.
Năm 1979, Ngài vào thăm miền Nam, được Tăng Ni Phật tử nghênh tiếp nồng hậu và kính mến đặc biệt. Khi trở về Bắc được mấy hôm, Ngài lâm bệnh và thị tịch ngày 7 tháng 6 năm Kỷ Mùi, (30-6-1979) tại chùa Phật Giáo Hải Phòng. Ngài trụ thế 74 tuổi, hoằng đạo 57 năm.
Hòa thượng Thích Trí Hải là một trong những bậc cao Tăng của lịch sử Phật giáo Việt Nam, Ngài sống mãi trong lòng Tăng Ni Phật Tử Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau.
Danh mục những tác phẩm của Hòa thượng còn để lại như sau:
-          Nhập Phật nghi tắc. 
- Nghi thức tụng niệm. 
- Khôn sống 
- Gia đình Giáo Dục. 
- Truyện Phật Thích Ca. 
- Phật học Ngụ Ngôn. 
- Lời vàng. 
- Kinh Thập Thiện. 
- Kinh Kiến Chính. 
- Phật học Phổ thông. 
- Phật học vấn đáp. 
- Đồng nữ La Hán. 
- Cái hại vàng mã. 
- Phật hóa tiểu thuyết. 
- Kinh lục độ tập. 
- Tâm chúng sinh. 
- Thanh gươm trí tuệ. 
- Luận quán tâm. 
- Phẩm quán tâm. 
- Khóa Hư Lục. 
- Trúc Lâm Tôn Chỉ Nguyên Thanh. 
- Nhân gian Phật giáo đại cương. 
- Nghi thức thụ Tam qui. 
- Duy Ma Cật và Viên Giác. 
- Các văn sớ. 
- Nghĩa khoa cúng chúc thực. 
- Phật giáo Triết học. 
- Hồi ký thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam. 
- Sa di luật dịch 2 tập. 
- Phật giáo Việt Nam.
Tiếp theo Chư Tôn đức dâng hương cúng dàng Tam bảo, Dâng hương tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Hải.

Một số hình ảnh buổi tưởng niệm:




















 
Đại đức Thích Đức Lợi thông qua chương trình làm việc
 

























 
HT Thích Bảo Nghiêm cung tuyên Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Hải

















Chư Tôn đức niêm hương tưởng niệm




 




 

Tiếp theo là chương trình toạ đàm khoa học: “Sa môn Thích Trí Hải, một danh tăng lớn của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, một tấm gương đạo hạnh sống mãi trong lòng đạo Pháp dân tộc”. Do Giáo hội Phật giáo thành phố Hải Phòng và  Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hải Phòng, Sơn môn tổ đình Tế Xuyên - Tỉnh Hà Nam tổ chức
 
 Toạ đàm thu hút 35 báo cáo tham luận là những bài viết, công trình nghiên cứu của nhiều chư Tôn đức hoà thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, đại đức, các nhà khoa học trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Các báo cáo tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề liên quan đến công đức to lớn của Sa môn Thích Trí Hải trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 20, những tư tưởng về Phật pháp, văn hóa, giáo dục đề cập trong 50 tác phẩm mà Sa môn Thích Trí Hải để lại cho hậu thế… Một số tham luận thể hiện những hồi ức, suy nghĩ của các vị chư tăng, hòa thượng về con người, đạo hạnh của Sa môn Thích Trí Hải vì đạo pháp, vì dân tộc.
 
 Xin giới thiệu một số hình ảnh buổi tọa đàm.











HT. Thích Quảng Tùng Khai mạc buổi tọa Đàm























Ông Nguyễn Xuân Bình phát biểu
















 


















Hòa thượng Tiến sĩ Thích Gia Quang đọc tham luận





Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thanh Nhiễu đọc tham luận



Thượng tọa Tiến sĩ Thích Đức Thiện đọc tham luận









Hòa thượng Thích Hải Ấn đọc tham luận









Hòa thượng Thích Thanh Giác đọc thơ của Hòa thượng Thích Giác Toàn 



Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang tổng kết buổi Hội thảo





Hòa thượng Thích Thanh Giác dâng lời cảm tạ







 

Phúc Thịnh

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC