Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Tư tưởng Phật giáo › Bài viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 14/09/2020 13:03 PM 
Quan niệm về báo hiếu của thế gian và Phật giáo
Bước vào những ngày đầu của Tháng 7 âm lịch hàng năm, theo lịch cố định, chùa Bằng đang bước vào ngày tu thứ hai của khóa tu báo hiếu. Tinh thần của mùa tu báo hiếu này đã được thực hiện hàng chục năm qua. Khóa tu này là khóa tu không phân biệt già trẻ, gái trai…bởi ai cũng có cha mẹ và ai cũng phải thực hành hiếu đạo. Do vậy, khóa tu báo hiếu tại chùa Bằng các năm trước đều có sự tham dự của hàng nghìn người với đủ các tầng lớp độ tuổi.

Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh Covid 19 đang tái bùng phát gây ảnh hưởng rất lớn trên đất nước ta, vì vậy khóa tu tuổi trẻ và khóa tu vu lan báo hiếu trong tháng này của chùa Bằng không thực hiện được. Nhưng với tinh thần tu đạo, học đạo, các Phật tử đã tu tập miên mật ở trong tư gia của mình. Hôm nay, Thầy muốn chia sẻ với quý vị quan niệm về đạo hiếu của thế gian và lời dạy về đạo hiếu trong Đạo Phật.

Ở đạo Phật, trong Tam tạng thánh giáo, đề cập rất nhiều về tinh thần hiếu Đạo. Đức Thế Tôn trong nhiều đời nhiều kiếp tu nhân hiếu để kiếp này thành Phật. Ngay cả khi đã thành Phật rồi, Ngài vẫn thực hành hiếu đạo. Trong kinh điển, rất nhiều đoạn Ngài nói về chữ hiếu, nhắc nhở mọi người thực hiện chữ hiếu như một trong các pháp tu.

Đối với dân tộc Việt Nam trải dài suốt cả nghìn năm lịch sử, Tổ tiên cha ông ta đều dạy con cháu một niềm hiếu đạo. Vì lẽ đó, nền văn hóa đạo đức của người Việt và chữ hiếu trong đạo Phật đã gặp nhau tại một điểm đó là cùng đề cao tinh thần hiếu đạo.

Tuy nhiên, bấy lâu nay, nhìn ra ngoài xã hội, đối chiếu trong kinh điển chúng ta thấy cũng là thực hành hiếu đạo, nhưng ở dân gian và trong đạo Phật lại có hơi khác nhau. Do vậy lần này tôi muốn phân tích kỹ về khía cạnh của thế gian và đạo Pháp, để từ đó chúng ta so sánh thấy việc gì có ích, mang lại lợi ích cho người quá cố, mang lại lợi ích và giữ gìn bản sắc cho người hiện tại thì chúng ta sẽ làm.

Trong những ngày tháng 7 âm lịch này, ai cũng luôn luôn tưởng nhớ tới cha mẹ, nghĩ tới công lao của cha mẹ là điều quan trọng nhất. Ở dân gian quan niệm rằng “cúng cả năm không bằng Rằm tháng 7”. Vì vậy có thể thấy giữa quan niệm của dân gian và lời Phật dạy đều gặp nhau tại một điểm đó là biết ơn cha mẹ, phụng thờ Tổ tiên.

Nhìn về phong tục, tập quán, nghi lễ của thế gian và những nghi lễ truyền thống trong các tự viện có hai điểm khác nhau.

Thứ nhất, chúng ta sẽ cùng điểm lại những nghi lễ, quan niệm và những lời dạy về chữ hiếu được lưu truyền lại trong các câu ca dao tục ngữ ở thế gian. Theo quan niệm của thế gian, tháng 7 âm lịch là tháng tất cả các vong linh được nhờ ơn Phật tế độ mà thoát khỏi chốn khổ đau. Tổ tiên ta từ xa xưa đã tin vào sự gia trì của Phật và những lời Phật dạy. Vì lẽ đó mà tin rằng hương linh quá vãng sẽ được về nhân gian nạp thụ sự cúng dàng, hiếu kính báo đáp của con cháu. Con cháu dâng lễ vật để cúng kính lên cha mẹ, ông bà và Tổ tiên quá vãng. Chính vì vậy mới có câu “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng 7”. Dân gian cho rằng việc con cháu thờ phụng cúng bái quanh năm ngày tháng chỉ là để thể hiện sự thành kính của con cháu. Còn việc mang lại lợi ích, giúp hương linh được hưởng thụ và chấp nhận sự cúng bái của con cháu phải là rằm tháng 7.

Tôi còn nhớ hồi nhỏ khi bà nội tôi còn sống, bà vẫn hay nhắc các bác rằng “tháng 7 cúng tiên tổ, nhớ mua quần áo vàng mã đốt cho các cụ”. Nhưng vàng mã của người xưa vô cùng tao nhã, thanh cảnh. Chỉ một bộ quần áo giấy, thậm chí là mọi người mua từng cuộn giấy màu gọi là “cây vải” để đốt cho các cụ, với suy nghĩ các cụ sẽ tùy theo cỡ người mà may. Ngày nay “phú quý sinh lễ nghĩa”. Do vậy mới đốt nhà lầu, xe hơi, máy bay, ô tô,v.v… theo những gì mà thế gian đang dùng. Bà nội tôi hay đọc một đoạn mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, bởi đó thể hiện rất rõ quan niệm của người ngày xưa về hiếu kính.

Nghĩ đến khúc nhôi lòng càng thảm thiết

Bào thai thập nguyệt bác mẹ sinh ra

Con có cha như nhà có nóc

Con có mẹ như lá có cành

Trời Phật sinh ra con thời thương mẹ

Phòng khi đắm đuối suối mây

Bây giờ mới được thế này mẹ ơi

Thấy áo mà chẳng thấy người

Sao mẹ không mặc ra ngoài phô trương

Khi nằm chiếu, khi nằm giường

Bây giờ gối đất nằm sương ngoài đồng

Mẹ thác đi có một mình không

Ruộng nương ngoài đồng mẹ để cho con

Mẹ như cây gỗ bóng tròn

Bay cao liệng thấp nào còn thấy đâu

Để cho con cháu âu sầu

Trăm năm tu lấy quả cầu ngàn năm

Lại muốn xuân thu vẹn tròn

Làm nên miếng ngọt miếng ngon

Nào mẹ có còn mà con mời ăn

Con nay lắm áo nhiều chăn

Nào mẹ có còn mà con đắp cho

Mã đầu chất đã đầy kho

Sông sâu bể thẳm khôn dò thấy tăm

Bài ca dao đó đoạn đầu nói lên công lao to lớn của người mẹ. Đoạn sau nói về tâm trạng nhớ thương của người con khi mẹ đã không còn, không thể báo đáp được gì ngoài việc đốt vàng mã cho mẹ.

Người xưa quan niệm tháng 7 là tháng báo hiếu cúng ông bà cha mẹ, là một trong những nghi lễ lớn. Nếu như rằm tháng Giêng là lễ cầu an cho người hiện tại, thì tháng 7 là cầu mong cho người quá cố siêu thoát.

Do vậy, đối với người dân đồng bằng Bắc Bộ, tháng 6 – 7 là mùa mưa bão, nước rất lớn. Đặc biệt thượng tuần tháng 7 từ mùng 1 cho tới ngày rằm, nước lũ lên cao. Các cụ lo chống lụt, lo vỡ đê điều. Nhưng nghĩ tới rằm tháng 7, nghĩ tới việc cúng kính cho ông bà Tổ tiên là các cụ lại mừng và nói rằng “Năm nay nước to, thuận buồm xuôi gió chở mã cho tiên tổ”. Năm nào không mưa, các cụ lại nói “Năm nay hạn hán ít nước, đò khê, khó lòng mà chở mã cho các cụ tới nơi được”. Đây cũng chính là những câu các cụ già nói với nhau mà tôi được nghe khi còn bé.

Đặc biệt hơn, người dân luôn quan niệm dù bận bịu đến mấy, rằm tháng 7 luôn phải có mâm cơm cúng, mâm cao cỗ đầy, hương hoa đèn nến và trái cây. Người xưa cúng đúng ngày rằm, với mâm cơm có 6 đĩa và 4 bát (Cỗ của người Thăng Long xưa). Từ xưa tới nay, lễ cúng tại thế gian luôn tế lễ bằng động vật. Ngoài mâm cỗ 6 đĩa 4 bát, người xưa luôn có 1 con gà, đĩa xôi, đĩa cau trầu, chén rượu. Đấy là Tế. Trên bàn thờ, ở chính giữa luôn có một cái bát có đĩa kê ở dưới. Ở trong bát đựng nước mưa (chữ hán gọi là huyền tửu). Bên trên bát nước đó có đĩa đậy lên, trên đĩa là những bông hoa. Tục đi chùa mua hoa gói mang lên cúng Phật cũng đã mất khoảng 20 năm trở lại đây. Người xưa đi chùa hay thắp hương không mang những lẵng hoa hay giỏ hoa to, mà thường ra hàng hoa mua một bó hoa nhiều loại (hoa ngâu, hoa sói, hoa lan, hoa mẫu đơn…) để dâng lên đĩa trên ban. Muốn cúng gì thì trên bàn thờ tiên tổ luôn phải có bát nước đĩa hoa. Sự tinh khiết, hài hòa âm dương, nét tâm linh ở trên bàn thờ tổ tiên, thánh thần đều biểu thị ở bát nước đĩa hoa. Hoa thì phải là hoa tươi, cúng xong phải đem ra ao hồ chứ không được đổ nơi đất liền. Ngoài ra, với cha mẹ còn tại thế, con cháu thường chúc tụng và tặng lụa như ngày tết. Điều đó có nghĩa là lễ tháng 7, thời tiết tháng 7, quan niệm báo hiếu tháng 7 của người Việt xưa rất rõ ràng, đó là “trần sao âm vậy”, xuất phát từ câu chữ hán là “sự sinh như sự tử, sự vong như sự tồn”.

Trong Từ đường hay ở bàn thờ tại tư gia, ông bà Tổ tiên là người chính ngự cao tòa, ngự gian giữa. Trong sớ cầu cho tiên tổ trong nhà có câu “tiên tổ thị hoàng”. Ngày nay, có một số người hiểu sai lệch rằng thần linh là ngự giữa, Tổ tiên là ở bên. Còn có một số lại cho rằng lễ thần linh để thần linh cho tổ tiên vào nhà. Điều này là sai lầm. Các vị đi về nông thôn, còn có một số ngôi nhà gian hay Từ đường sẽ thấy tổ tiên luôn được thờ chính giữa, dòng cả thờ bên phải, các dòng thứ thờ bên trái, thần linh ngự ở đầu hồi nhà. Gia đình, ông bà tổ tiên cũng ngồi chính giữa. Bởi Tiên tổ là thần cao nhất trong các thần tại gia đình. Do vậy tháng 7 là chỉ có cúng tiên tổ ông bà cha mẹ.

Từ quan niệm và sự hưởng thụ báo đáp của thế gian như vậy, chúng ta quay lại nhìn về lời Phật dạy trong kinh điển.

Lễ vu lan này xuất phát từ trong quan niệm của Phật giáo, chúng ta không phân tích dưới góc độ nghiên cứu. Nhưng lưu truyền lại ở các tự viện thì lễ vu lan xuất phát từ bộ Sám Mục Liên, nói về một trong 10 người đệ tử lớn của Đức Phật, đó là Tôn giả Mục Kiền Liên – được Đức Phật công nhận là Thần Thông Đệ Nhất. Theo quan niệm của Đại Thừa giáo, Tôn giả Mục Kiền Liên xuất thân trong một gia đình có bố là Trưởng giả, mẹ là bà Thanh Đề. Khi sinh thời, mẹ Ngài độc ác, không làm việc phúc, dối trá, tham lam bỏn xẻn, cho nên khi thác đi phải chịu nghiệp báo xấu. Với tấm lòng hiếu kính, Tôn giả Mục Kiền Liên bạch Phật cách cứu rỗi vong mẫu, và được Đức Phật chỉ dạy rằng phải cầu vào sự chú nguyện của chư Tăng lúc mãn hạ kết thúc 3 tháng tịnh tu an cư.

Ở đây, chúng ta cùng nhau phân tích về vấn đề này. Khi Phật giáo truyền vào nước ta thì Phật giáo Việt Nam với dân tộc Việt Nam đã hòa quyện thành một bản sắc văn hóa đậm đà của người Việt. Có những nghi lễ của thế gian thì Phật giáo cũng hòa quyện vào tín ngưỡng của thế gian, nhưng cũng có những nghi lễ của Phật giáo, thế gian cũng hòa quyện vào đó. Ví dụ như: tháng Giêng quan trọng nhất là ngày mùng 1 Tết. Đây là ngày được quan niệm là ngày đẹp nhất, ngày cầu mong sự an lạc và suôn sẻ nhất cho 364 ngày sau. Tất cả những điều hay, đẹp, tốt đều ở ngày mùng 1 Tết. Khi Phật giáo truyền vào nước ta, chư Tổ đã uyển chuyển lấy cái vui của dân tộc làm niềm vui của Phật giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi bắt đầu du nhập cho tới bây giờ, Phật giáo luôn đồng hành với dân tộc. Không biết từ khi nào chư Tổ đã đưa lễ vía Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật vào ngày mùng 1 Tết, với hình tượng Đức Di Lặc được tạc khác với tất cả các Đức Phật khác. Đức Di Lặc có tướng béo mập, tâm hồn hoan hỷ qua nụ cười tươi vui. Chư Tổ đã kết hợp sự mong muốn, cầu nguyện, ước vọng của thế gian để đưa hình ảnh Đức Phật Di Lặc đản sinh vào ngày mùng 1 Tết. Ngoài việc mừng năm mới, trong chốn thiền môn mừng xuân Di Lặc. Mọi người ai cũng mong vật chất và tinh thần tốt. Vật chất là đầy đủ cơm ăn áo mặc, tiền tài, danh vọng địa vị..v.v… Còn tinh thần ai cũng mong vui vẻ, hoan hỷ, cuộc sống thanh bình, những điều tốt đẹp sẽ luôn đến. Do đó, hình tượng Di Lặc là người béo khỏe, nở nụ cười tươi tắn rạng rỡ. Vậy mới thấy mùng 1 Tết tuy là quan niệm của dân gian, nghi lễ truyền thống văn hóa đẹp của người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam. Nhưng Phật giáo cũng đưa hình ảnh của Phật Di Lặc vào dịp Tết.

Ngày Tết, nhân dân trang hoàng nhà cửa, sắm sanh lễ vật, sửa sang nơi thờ tự, cúng kính thì trong chốn Thiền môn cũng vậy. Các chùa chiền bao sái, đánh đồ đồng thờ tự, trang trí hương đèn và bắt đầu giao thừa đón mừng năm mới. Trong chùa cũng có nghi lễ cúng Phật, khai kinh trong giờ giao thừa. Người người hân hoan cùng nhau về chùa, lễ Phật đầu năm mới, vị Trụ trì, Tăng ni cũng tay bắt mặt mừng, hân hoan, phấn khởi, chào hỏi, chúc tụng mọi người. Do đó, niềm vui của thế gian, niềm vui của dân tộc, của người Việt, cũng là niềm vui của Phật Pháp, cũng là niềm vui của Phật giáo Việt Nam. Ở đây, nghi lễ của thế gian được Phật giáo hòa nhập thành nghi lễ chung của Phật giáo, của dân tộc Việt Nam.

Tháng 7 là nghi lễ xuất phát từ tinh thần Hiếu đạo theo quan niệm Đại thừa giáo của tôn giả Mục Kiền Liên. Sự tích Đức Phật chỉ tôn giả Mục Kiền Liên cầu Tăng trong ngày Tự tứ bởi tháng 7 là tháng quan trọng nhất đối với Phật giáo Đại thừa, là tháng mãn hạ của chư Tăng. Thế gian, mỗi một năm sau 365 ngày trôi qua thì được nhận một tuổi. Nhưng trong Phật giáo, các vị Đại đức Tăng, Đại đức Ni, phải nhập hạ ba tháng, tịnh tu tam nghiệp, lấy giới học, định học và tuệ học trên phương diện tu Phúc và tu Tuệ, nghiêm trì thi la tịnh giới trong ba tháng để đến ngày cuối cùng, làm lễ Tự tứ tức là kiểm điểm, xét soi, nhìn nhận trong ba tháng cộng trụ với nhau, có điều gì lỗi lầm hãy bảo cho nhau, đoàn kết trong sự tụ họp và giải tán trong sự đoàn kết. Như vậy, lễ tháng 7 là lễ của Phật giáo và chính vì vậy mà Phật chỉ cho Tôn giả Mục Liên trượng thừa vào Tăng lực, sự chú lực của chư Tăng trong ngày Tự tứ để cứu vong Mẫu. Đây là ngày của Phật giáo về đạo Hiếu, về quan niệm của chữ Hiếu. Thì nhân gian cũng học tập vào điều đó: “Cúng cả năm, không bằng Rằm tháng bảy”.

Thế nhưng, quay lại với Phật giáo, chư Tổ trong các chùa chiền, trong các kinh điển không dạy việc cúng bái linh đình, và đặc biệt nhất, không một chỗ nào dạy về đốt mã. Ngay từ thời Pháp, lúc đó còn là thời thực dân phong kiến, vàng mã ở nhân gian vẫn thịnh hành. Trưởng lão Hòa thượng - Đại sư Thích Tứ Liên, bậc danh Tăng của Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ XX đã viết một bài báo nói về nguồn gốc, sự ra đời và tác hại của vàng mã. Ngài trích dẫn, kết luận rằng: “Trong kinh điển Phật giáo, trong cổ truyền của các Tự viện không chỗ nào dạy về đốt vàng mã”. Ngài khẳng định một câu nữa rằng: “Bần Tăng đưa ra tác hại của đốt vàng mã này, nếu ai tìm thấy trong Tam tạng Thánh giáo, một điều nào nói về lợi ích đốt vàng mã thì bần Tăng này xin cam chịu vào địa ngục về tội nói dối”. Chúng ta thấy được sự quả quyết, sự xác chứng của một bậc cao Tăng Phật giáo về tác hại của đốt mã không hiện diện trong kinh điển và trong truyền thống các chùa. Chúng ta thấy không bao giờ có một ngôi chùa nào, vị sư nào quá vãng mà các đệ tử đốt vàng mã. Từ đó, việc cúng kính cũng vậy, trong Phật giáo, việc báo Hiếu cha mẹ, như trong câu đường thỉnh về Đức Địa Tạng, về Tôn giả Mục Liên có câu: “Trì trai giới, thị báo ơn Phụ Mẫu”. Báo ân cha mẹ bằng cách là trì trai. Trì trai tức là ăn chay, giữ chay tịnh bởi vì Đức Phật quan niệm rằng: Chúng sinh có cả chúng sinh hữu tình và chúng sinh vô tình. Dù chúng sinh là hữu tình hay vô tình đều có Phật tính, hay nói cách khác, dù chúng sinh vô tình hay hữu tình đều ham sống, sợ chết. Con người ta cũng ham sống sợ chết. Loài vật cũng ham sống sợ chết mà cây cối cũng vậy. Ta thấy cây cối cũng vươn ra ánh sáng, cũng cố nhoi ra một chút rễ nhỏ xuống lòng đất để duy trì sự sống. Thế thì tại sao, con người lại vô cớ sát hại loài vật, sát hại cây cối thực vật? Lòng từ bi của Phật là bình đẳng, lòng từ bi của Phật là không nỡ làm ai đau khổ, không hại ai. Vậy nên trong năm giới, giới sát sinh cho người tại gia và Sa di là giới đứng đầu tiên. Bảo toàn, tôn trọng mạng sống người khác. Vậy thì muốn được tôn trọng như vậy, mình đừng có ăn, hay trong Bồ Tát giới dạy rằng: Ai ăn các loài động vật chính là ăn cha mẹ mình, ăn vợ con mình, vì những con vật đó theo luân hồi, đều qua nhiều đời nhiều kiếp làm bà con quyến thuộc của mình. Vì vậy mà tất cả mọi người ngồi đây cũng thế, cũng quan niệm như trong Phật Pháp là bà con quyến thuộc của nhau. Ngoài ý nghĩa, Phật tử của một ngôi chùa, còn là con dân Đất Việt, trong Phật Pháp, Bồ Tát đạo thì là bà con quyến thuộc của nhau trong nhiều đời, vậy phải thương yêu nhau, phải bảo vệ nhau, phải giữ gìn mạng sống cho nhau. Đó là trì trai.

Còn giữ giới, giới là sự ngăn che, là sự bảo hộ, giữ giới nào thì được giải thoát nơi giới đó, biệt biệt giải thoát. Không sát sinh thì không tạo sự đau khổ. Ta thấy trong kinh Địa tạng, kinh Thủy sám, khi thác sinh đi thì thần thức đó đến điện Diêm Vương, các con vật kia đến trước điện Diêm Vương, làm chứng người ấy khi còn sinh thời giết tôi, mổ tôi, băm tôi, xay giã tôi, nung nấu tôi, sát hại nòi giống tôi (ăn trứng) nên nay tôi đến đòi. Đó là những lời dạy trong kinh điển Đại thừa. Vì vậy mà báo Hiếu của Phật giáo trong ngày lễ Vu Lan không cúng kính bằng các sự tế tự động vật. Việc này đã được tỏ ngộ ngay trong thời nhà Lương, thế kỷ thứ VI-VII tây lịch. Vua Lương Vũ Đế, trước đây theo đạo Nho, đạo Lão, tế tự, cúng tế quỷ thần bằng rượu, bằng thịt. Thì khi ngộ đạo, vua làm một bài sám hối, trong đó có bài văn tên là Đoạn Tửu Nhục tức là không cho tế lễ các thần linh bằng rượu bằng thịt mà tế đồ chay. Vua giữ giới, vua tụng kinh, vua giảng được kinh. Giảng kinh cho các vị Đại sư đến nghe. Từ đó, ở trong Phật giáo, cho tới ngày hôm nay, về các nước Đại thừa, hoàn toàn giữ giới sát sinh là quan trọng, và ăn chay. Đặc biệt, thời đại này, ô nhiễm thực phẩm, do đó, giữ gìn tiết độ trong ăn uống như lời Phật dạy càng được xiển dương, càng thấy có giá trị chân chính, tiết độ trong ăn uống, chú tâm trong ăn uống, giữ khẩu nghiệp, bệnh từ miệng mà vào. Từ đó việc cúng trong Phật Pháp là cúng chay. Chư tổ không dạy mâm cao cỗ đầy, mà hương hoa tinh khiết. Như ở thế gian, “Nhất tuần sơ, nhị tuần á, tam tuần chung” ba tuần tế tửu, thì trong Phật Pháp là 3 tuần dâng trà. Mâm cao cỗ đầy ở thế gian là “sáu bát, bốn đĩa”, là các động vật thì trong thiền môn, chư tổ không hề nói là trai soạn ra sao mà chỉ dạy trai soạn cho tinh khiết, tức là trai cho thật tinh khiết, không có động vật, không dùng động vật để tế, không dùng rượu để tế. Không giết động vật là giới thứ nhất, không sát sinh. Không tế rượu là giới thứ năm, không uống rượu. Phật Pháp không đốt mã thì thế gian lại đốt mã. Phật Pháp không sát sinh thì thế gian lại sát sinh. Phật Pháp không cúng rượu. Giới thứ năm, không uống rượu, không nghiện rượu, trong Bồ Tát giới còn không được bán rượu, không được tự tay trao rượu cho người khác thì thế gian lại làm.

Quay trở lại, việc đốt mã có được gì không? Đốt mã không được, bởi vì sao? Vì tôi thường nói với các vị: Ông bà, bố mẹ các vị đã khổ cả đời vì con vì cháu, bây giờ chết đi, các vị lại làm khổ lần nữa. Con cái ra thành thị ở, bố mẹ giữ lối quê, sống cảnh thiên nhiên thoáng đãng, sống cảnh bạn bè lối xóm, bà con hàng xóm, họ hàng thân yêu, sống với mái chùa, sân đình, bến nước, cây đa, giờ ra thành phố với bốn bức tường thì không muốn ra. Thế là các vị để cho ông bà, bố mẹ sống cui cút ở nhà. Bây giờ các cụ mất đi, các vị cũng muốn các cụ sống cui cút như thế. Cũng đốt một mâm cơm, một cái bát, một đôi đũa, một cái thìa, một niêu cơm. Giờ người ta đốt nồi cơm điện, không biết các cụ có điện để mà cắm cơm hay không? Rồi cũng đốt chó mèo giấy... Lúc sống các vị đã đày ải bố mẹ sống cô quạnh ở nhà quê thì lúc chết các vị cũng mong bố mẹ như vậy. Cái đó là cái phỉ báng lại cha mẹ. Các vị đốt nhà lầu, xe hơi thì cha mẹ nói rằng không đốt xa hoa lãng phí: “Thôi các anh chị ở nhà mấy tầng thì mặc, còn tôi, tiên tổ để lại cho tôi ba gian nhà lá, thôi cứ để cho tôi”. Đó chính là giấy rách phải giữ lấy lề, vẫn giữ được lề lối của tổ tiên, cho nên các đốt mã là không được.

Cái thứ hai, mong cha mẹ giải thoát, đưa cha mẹ về chùa để cầu siêu cho cha mẹ, mong cho hương linh được siêu sinh thoát hóa, thoát ba đường khổ đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Và còn mong cho cha mẹ ra khỏi lục đạo luân hồi, trời cũng không mong lên mà siêu sinh về cảnh giới an lành của Phật. Nếu đã về cảnh giới của Phật thì mặc quần áo Phật, ở nhà của Phật, vào nhà Như Lai, ngồi tòa Như Lai, mặc áo Như Lai, làm gì phải mặc đồ mã đấy của con cháu. Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Đó chính là miệng nói một đằng, tay làm một nẻo. Nếu như vong linh chưa về với cảnh giới Phật, chúng ta cũng đừng nghĩ lục đạo là xấu xa, trong sáu đường đó, trời, người, A-tu-la là ba đường thiện, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là ba đường ác. Sinh làm trời cũng sung sướng lắm, trở lại làm người cũng sung sướng lắm. Trở lại làm người có 5 phước báo, đó là làm thân người đầy đủ, sinh vào chốn phồn hoa, được gặp Phật, nghe Pháp, được sinh hoạt đạo tràng. Như vậy sinh làm người cũng không phải là tệ. Nếu tái sinh làm người thì sinh vào nhà nào, làm con nhà ấy, làm sao mà mặc đồ mã được. Nếu đọa, đã làm người mà bị vào ngục, giam cầm, theo người xưa gọi là ăn cơm cân, mặc áo số, đến bữa được cân cho từng lạng cơm, áo thì đóng số để người ta biết mã tù nhân. Như thế cũng không thể mặc quần áo mã của mình đốt được. Nếu sinh vào cõi chư Thiên, an nhàn về cảnh giới Phật, tọa liên hoa đài thì cũng không cần đồ mã. Cho nên vàng mã không được ích lợi gì cả.

Về việc cúng, trong kinh Thủy Sám chúng ta vẫn đọc, nói rằng một người đang đi, trời nắng, gánh một gánh rất nặng, leo một dốc rất cao. Đáng lẽ ra con cháu, họ hàng phải ghé vai gánh đỡ. Vậy mà đã không gánh đỡ lại còn bỏ thêm đồ vật nữa cho nặng thêm. Lúc sinh thời làm nhiều chướng duyên, “nhất cử nhất động vô vi thị tội”, ở trong Thủy Sám đã dạy: cất bước ra, động chân, lời nói đều có lỗi. “Hà nhân vô tội, hà giả vô khiên”, ai là người không tội? Ai là người không lỗi? Vậy mà bây giờ thác xuống, con cháu không tu phúc, không bái sám thay cho vong linh, lại còn tế lễ, sáu đĩa là sáu loại vật, bốn bát là bốn con vật, vị chi là mười con vật. Mỗi con vật đó là một án mạng phải đền. Cho nên, như là người sống đang gánh vác nặng, bây giờ thác đi, đang phải chịu tội thì con cháu lại chất thêm tội nữa. Mười con vật đó là mười cái tội. Người đi leo dốc cao, gánh rất nặng, trời nắng mệt nhọc. Con cháu không gánh hộ, lại bỏ thêm đá nặng có thể khiến người đó sẽ ngã xuống đường.

Từ đó, các vị dù ở nhân gian hay Phật pháp, hãy làm điều thánh thiện trong mùa báo Hiếu này. Thứ nhất, là cúng kính. Nhưng mà cúng kính cũng không quan trọng bằng cách đối đãi với người sống, sống mà tốt thì chết cũng tốt. Cha mẹ còn đang hiện tại đây, đợi gì phải đến ngày Tết mới biếu manh áo mới, mới dâng bát canh ngọt, hãy về bên cha mẹ, thăm hỏi, an ủi, động viên. Hằng ngày, dùng điện thoại kết nối thời công nghệ 4.0 mà nhắn tin, gọi điện để hỏi thăm cha mẹ. Ở xa bên đây bán đầu, bên kia bán cầu vẫn liên lạc được với nhau, qua hình ảnh zalo, qua các trang mạng vẫn gọi được, vẫn nhìn được hình, vẫn nghe thấy tiếng. Thời hiện đại này hơn các cụ ngày xưa là như vậy. Ngày xưa bặt vô âm tín, nhưng bây giờ thì không sợ. Hãy thăm hỏi và “đêm đêm con thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại tăng Phúc tăng Thọ, hỏi thăm, săn sóc cha mẹ khi ốm đau. Dưỡng nuôi, báo hiếu tuổi già cha mẹ. Đấy là báo Hiếu. Còn với ông bà tiên tổ quá vãng, hãy bằng việc thánh thiện, làm điều phúc, chăm lo cho mọi người, cứu một người phúc đẳng hà sa, làm chùa, tô tượng đúc chuông, làm cầu, bắc quán, cứu người đau khổ, giúp đỡ kẻ nghèo, thương trẻ mồ côi, tất các các việc đó là việc thánh thiện, hồi hướng phước lành cho cha mẹ hiện tại được tăng Phúc, tăng Thọ, hồi hướng phước lành đó cho cha mẹ, ông bà quá vãng được siêu sinh thác hóa.

Còn trong nghi lễ, mùng 1 Tết, khi nhân gian trang hoàng đường phố, làng mạc thì chùa chiền cũng trang hoàng cảnh giới. Vậy thì trong tháng 7, chư Tăng trong chùa tụng kinh, dâng cúng lịch đại Tổ sư, cũng thờ phụng lịch đại Tổ sư. Nhân gian Việt Nam thờ cúng ông bà trong ba cấp. Tại gia thì thờ cúng cha mẹ, ông bà. Trong từ đường thì thờ cúng tổ tiên. Cao hơn nữa là làng mạc, thờ những người có công, thờ những vị tổ nghề, thờ những vị được tôn làm thánh, đứng đầu bảo hộ, che chở cho dân. Trong đất nước thờ quốc tổ, người sáng lập, người khai sáng ra đất Việt của chúng ta – Vua Hùng, các vua, các Đế vương của các thời đại. Thì tinh thần thờ phụng ở thế gian đó cũng áp dụng trong chùa chiền. Tôi đã nghiên cứu các chùa chiền, kể cả Phật giáo đại thừa Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngôi tổ đường của chùa Việt Nam rất giống với đạo thờ ông bà của người Việt. Người Việt cũng thờ tổ tiên, ông bà, cũng cúng kính vào các tuần tiết, các dịp lễ tết. Rằm tháng 7 thì chùa Việt cũng thờ tổ sư, sư trưởng như là người Việt. Bàn thờ tổ cũng rất trang nghiêm, trước là điện Phật, sau là bàn thờ tổ, và cũng cúng kính như vậy. Nhưng có một khác là tất cả bằng chay tịnh, không tổn hại đến sinh linh, không phá hoại cuộc sống của người khác và chùa chiền thì không đốt mã.

Đốt mã còn cái hại nữa là nếu không cẩn thận sẽ sinh ra hỏa hoạn. Có nhiều người đốt vàng mã mà gây ra cháy nhà, gây ô nhiễm môi trường. Mỗi tàn tro bay lên, ở trên tầng thượng của các tòa nhà trong thành phố, làm ô nhiễm không khí, gây bụi bặm các nhà khác. Vàng mã ngày xưa làm bằng màu của các loại vỏ cây, còn ngày nay, các loại phẩm màu toàn bằng hóa chất công nghiệp. Nên khi đốt lên, mùi rất khét. Các chất này bay lên, rơi vào thức ăn, hay người khác hít phải thì rất độc hại. Người già cũng bệnh, trẻ em cũng bệnh mà người thường cũng bệnh.

Trong buổi hôm nay, chúng tôi muốn so sánh tinh thần Hiếu đạo của người Việt với Phật giáo gặp nhau. Ai trong chúng ta cũng phải có tổ tiên, chim phải có tổ, người phải có tông, uống nước phải nhớ nguồn. Giữ gìn cội nguồn, từ cội nguồn mới có mình. Cây phải có gốc, có gốc mới trổ ngành, sinh ngọn, phải giữ gìn. Nhưng cái giữ và cái thực hiện Hiếu đạo của thế gian và của Phật Pháp vẫn có điều khác. Mong rằng những ai là đệ tử Phật, tin theo Phật phải biết ăn chay, giữ gìn giới. Chúng tôi cũng biết rằng một số người bây giờ có thể không đi chùa nhưng họ vẫn ăn chay mỗi tháng vài ngày. Đó là họ cũng đang tịnh hóa, thanh lọc thân tâm, họ biết được tác dụng của việc ăn chay, sự nguy hại của việc ăn nhiều động vật và cũng tin về sự tội phúc sát hại. Ông bà ta ngày xưa cũng khuyên mọi người đừng sát sinh. Cho nên ông bà mới nói là nhìn vào những nhà đồ tể, những nhà nào hay giết lợn để bán thì trong đám con sinh ra thế nào cũng có một người giống như lợn. Trong nhà giết trâu, trong đứa con sinh ra cũng có một đứa giống trâu. Hay thậm chí anh em trong nhà cũng đâm giết nhau như người ta mổ lợn, giết trâu vì họ đã quen với việc giết chóc như một sự thích thú.

Từ những phân tích đó, mong rằng các vị nghe được, suy ngẫm và hãy tuyên truyền cho tất cả những người xung quanh để hướng về một mùa Vu Lan thật thanh khiết, thật tao nhã, thật ý nghĩa để hướng tới báo đáp cha mẹ hiện tại, cha mẹ, ông bà, tổ tiên quá vãng. Hồi hướng tốt lành lên hai đấng sinh thành. Cũng như trong Phật Pháp chúng ta rộng hơn là báo đáp bốn ơn. Trong gia đình chỉ thờ có tiên tổ, dòng họ nhà mình. Nhưng trong chùa, các vị đừng nghĩ chỉ thờ các vị tổ sư, các vị trụ trì. Mà trong nhà tổ còn thờ cả tổ tiên, ông bà quá vãng của các vị. Bởi vì thầy ở đâu thì trò đấy. Hôm nay thầy ngồi đây, các vị cũng còn ngồi đây, các vị nhận thầy làm thầy. Bởi vì thầy quy y, thầy tế độ, giảng Pháp, các vị phù trì cho thầy, thế là nên tình thầy trò. Thầy đi đâu, các Phật tử cũng đi cùng. Bởi vậy nên trong quá khứ, các Hòa thượng Trụ trì đi đâu cũng có Phật tử theo đấy, các Tổ đi đâu cũng có Tổ tiên mình theo đấy. Vậy thì thờ Tổ thì Tổ có đệ tử của Tổ. Thờ Sư trưởng, Sư trưởng có đệ tử của Sư trưởng. Do đó trên nhà thờ Tổ, ở giữa có chữ “Tổ ấn trùng quang”. Tức là mong Tổ được nối dõi, Tổ Tổ truyền trì, Sư Sư tương trụ, đời này qua đời khác nối dõi “Thiệu long thánh chủng”. Một bên bao giờ cũng Tứ ân trọng báo, báo đáp tứ ân, ân tam bảo tế độ, ân đất nước che chở, giữ gìn, ân cha mẹ sinh thành, ơn thầy dạy bảo và ân tất cả mọi người. Và bên này là tam hữu tề tự tức là thương giúp tất cả mọi người trong ba cõi. Từ cái thờ phụng như vậy, ở nhân gian chúng ta chỉ hẹp trong một gia đình, một dòng họ. Còn trong chùa thì rộng cho cả Pháp giới. Chữ Hiếu của Phật giáo nó rộng lớn và có ý nghĩa cao cả là vậy.

Hôm nay, trong mùa Vu Lan đã về, thầy mong rằng chư vị Phật tử noi gương Phật, học theo hạnh Phật, noi gương Tổ học theo hạnh của Tổ, noi gương chư Tăng, học theo hạnh chư Tăng, để cho chữ Hiếu đạo được trọn vẹn cả âm và dương đồng hưởng lợi. Ngưỡng cầu Tam bảo gia hộ cho tất cả Chư tôn đức và các Phật tử trong mùa Vu Lan cát tường. Và xin chúc mừng Tăng lạp Đức Pháp chủ, Đức Chủ tịch HĐTS, chư Tôn Đức Giáo hội và tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni đã thành tựu trong ba tháng an cư tròn đầy giới đức, lãnh thụ Tăng lạp cao cả. Chúc các Phật tử mạnh khỏe, cát tường và cầu cho hương linh cha mẹ, ông bà, tổ tiên quá vãng được siêu sinh lạc quốc. Cha mẹ, quyến thuộc hiện tại phúc thọ tăng long. Những ai được bông hồng đỏ, hãy tự hào và chăm sóc cho bông hồng đỏ đó, tức là chăm sóc sức khỏe cha mẹ. Những ai được bông hồng trắng, hãy vun bồi cội phúc để bông hồng trắng đó trở nên ý nghĩa. Tức là hãy làm việc thánh thiện để báo đáp cha mẹ, ông bà, tổ tiên quá vãng.


Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm

Phó chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN

Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC