Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 02/05/2021 21:35 PM 
Thừa Thiên Huế: Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin truyền thông Phật giáo
Sáng 29/04/2021 (18.3.Tân Sửu), Ban Thông tin Truyền thông Trung ương phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ Khai mạc Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tin Truyền thông Phật giáo thời đại 4.0 tại Chùa Từ Đàm (01 Sư Liễu Quán, P.Trường An, TP. Huế).
 

Chứng minh và tham dự có: HT.Thích Giác Quang – Phó Thư ký Ban Thường trực HĐCM; HT.Thích Quang Nhuận, HT.Thích Quán Chơn – đồng Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh; HT.Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban TTTT TƯ, Trưởng ban tổ chức; TT. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT. Thích Khế Chơn – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban TT Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; HT Thích Đức Thanh – UVTT HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT Huế; HT.Thích Hải Ấn – UVTT HĐTS, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT Huế; HT.Thích Huệ Phước – UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh TT.Huế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức; TT.Thích Đạo Phước – UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức cùng toàn thể các học viên tham dự khóa bồi dường nghiệp vụ, cùng Chư tôn giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni Thường trực HĐTS, Ban Trị sự PG tỉnh TT. Huế; gần 500 Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử thuộc Ban Thông tin truyền thông Phật giáo 63 tỉnh thành trong cả nước.

 

Đại diện cơ quan chức năng liên quan có: Ông Vũ Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Trương Quốc Hưng – Phó Chánh văn phòng Viện nghiên cứu lập pháp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; ông Nguyễn Phúc Nguyên – Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân – Nguyên Phó Trưởng ban TTTT Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Thanh Bình – Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT. Huế; ông Dương Đình Luân – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh TT. Huế; ông Nguyễn Văn Lập – Trưởng ban Tôn giáo tỉnh TT. Huế; đại diện các sở ban ngành tỉnh TT. Huế.

 
Hòa thượng Thích Gia Quang - Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng lần thứ 4

Hòa thượng Thích Gia Quang phát biểu khai mạc nhấn mạnh: “Khóa bồi dưỡng lần này nhằm bổ túc và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ về công tác thông tin truyền thông cho kịp với thời đại mới, nhằm hoằng truyền chính pháp, ứng dụng Phật pháp vào những thành tựu công nghệ có hiệu quả, phù hợp với thời đại ngày nay, góp phần xiển dương Phật pháp, làm lợi lạc nhân sinh...

HT. Thích Đức Thanh – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế, đánh giá cao khóa bồi dưỡng lần này và bày tỏ sự tri ân công đức đối với Ban TTTT TƯ đã tích cực, tiên phong trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức cho Tăng Ni, Phật tử về công tác truyền thông.

 
HT.Thích Đức Thanh - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại lễ khai mạc

Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bày tỏ hy vọng rằng, qua 02 ngày tham dự khoá tập huấn, các học viên sẽ lĩnh hội và thu hoạch được nhiều kiến thức từ các chuyên gia dồi dào kinh nghiệm trong công tác quản lý và định hướng phát triển thông tin truyền thông; từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong ứng xử và ứng xử có văn hoá trong thời đại công nghệ thông tin, giữ gìn và phát huy giá trị trong sáng của đạo Phật, giá trị đạo đức Phật giáo mà Chư lịch đại Tổ sư đã trao truyền qua nhiều thế hệ, góp phần vào công tác ổn định phát triển GHPGVN lớn mạnh.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vũ Chiến Thắng nêu cao ý nghĩa và tầm quan trọng của khoá bồi dưỡng lần này. Theo ông, đây là dịp Ban TTTT TƯ giáo hội quan tâm đánh giá về năng lực quản lý, nghiệp vụ trong lĩnh vực TTTT Phật giáo.

 
Ông Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu

Ông Vũ Chiến Thắng cho biết: nhiều Phật sự quan trọng của GHPGVN đã được Ban TTTT TƯ Giáo hội chỉ đạo, triển khai đăng tải trên các trang: phatgiao.org; phatsuonline.vn; giaohoiphatgiaovietnam.vn; giacngo.vn; Kênh thông tin tổng hợp Phật sự online TV; Truyền hình An Viên; website của Ban Thông tin truyền thông PG các tỉnh thành…đã giúp cho mọi tầng lớp trong xã hội được tiếp cận Phật giáo một cách chính thống, từ đó có cái nhìn chính kiến để áp dụng vào trong đời sống hàng ngày.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid – 19, các kênh thông tin truyền thông Phật giáo đã có những hoạt động tuyên truyền tích cực về việc thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ trong công tác phòng chống dịch. Thay mặt Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, ông đánh giá cao những kết quả mà Ban TTTT TƯ giáo hội cũng như Ban TTTT PG các tỉnh thành đã đạt được trong thời gian qua, đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành và triển khai có hiệu quả các hoạt động Phật sự, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của tín đồ và người dân.

 
TT. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN phát biểu

Nhấn mạnh những thành tựu đã đạt được của Ban TTTT Trung ương Giáo hội, TT. Thích Đức Thiện cho biết, hoạt động truyền thông Phật giáo từ năm 2019 đến nay đã thu hút hàng nghìn lượt người tham gia, đưa những giáo lý Phật giáo đi vào cuộc sống. Kịp thời xử lý những khủng hoảng truyền thông, ngăn chặn những hình ảnh xấu tác động đến Phật giáo.

Thượng tọa hy vọng, qua khoá tập huấn lần này, các học viên sẽ tăng khả năng nhận diện được những sự việc câu view, những người giả danh tu sĩ, …để kịp thời xử lý truyền thông, giữ gìn hình ảnh của Giáo hội. Phát huy những trang web, trang tin chính thống của Phật giáo, góp phần quảng bá những hình ảnh tốt đẹp của đạo Phật.Trước tình hình mới của đại dịch Covid-19, nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực, Thượng tọa cũng nhắc nhở Tăng Ni, Phật tử làm công tác thông tin truyền thông Phật giáo cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, để cộng đồng cùng nhau nghiêm túc thực hiện phòng, chống đại dịch Covid-19.

Cuối buổi lễ, HT. Thích Khế Chơn kính tri ân chư Tôn đức giáo phẩm Hoà thượng chứng minh, Hoà thượng Chủ tịch HĐTS, Ban TT HĐTS; các ban viện Trung ương, Ban Trị sự PG các tỉnh thành; đại diện các ban, ngành Trung ương, địa phương, … đã chấp thuận, ủng hộ và tham dự Khóa bồi dưỡng.

 
HT. Thích Khế Chơn - Phó Chủ tịch GHPGVN, Phó Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu

Được biết, đây là lần thứ 04 Ban TTTT TƯ Giáo hội tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tin Truyền thông Phật giáo. Khóa bồi dưỡng dành cho chư Tăng Ni, cộng tác viên và quý Phật tử tham gia hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông Phật giáo. Chương trình khóa bồi dưỡng lần thứ 4 này được diễn ra trong 02 ngày, từ 29 đến 30/4/2021 (18 -19/3/Tân Sửu). 

Sau phần khai mạc Giảng viên Phó giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thanh Xuân - Nguyên phó trưởng ban TT Ban Tôn giáo Chính phủ trình bày chuyên đề "Tăng Ni với việc giữ gìn hình ảnh đạo Phật thông qua truyền thông".

 
Ông Nguyễn Thanh Xuân - Nguyên phó trưởng ban TT Ban Tôn giáo Chính phủ trình bày chuyên đề "Tăng Ni với việc giữ gìn hình ảnh đạo Phật thông qua truyền thông"

Chiều cùng ngày khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin truyền thông Phật giáo thời đại 4.0 cũng nghe 2 chuyên đề:

Chuyên đề "Một số vấn đề về Thông tin truyền thông Phật giáo dưới góc nhìn luật pháp" do ông Trương Quốc Hưng, Phó Chánh Văn phòng Viện nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày.

Theo đó, Tăng ni, Phật tử cần tìm hiểu và nâng cao kiến thức pháp luật trong các hoạt động trong đó có hoạt động thông tin truyền thông tránh tình trạng vi phạm. Những mặt tiêu cực hay tích cực trên mạng truyền thông phải biết đâu là thật hay để câu view để có phương hướng giải quyết đúng.

 
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Chánh Văn phòng Viện nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày chuyên đề "Một số vấn đề về Thông tin truyền thông Phật giáo dưới góc nhìn luật pháp"

Diễn giả trình bày những khúc mắc trong nội tình nhà chùa làm ô danh Phật giáo. Còn rất nhiều phức tạp xảy ra thường trong các chùa..Người làm truyền thông cần hiểu pháp luật để chuyển tải sự kiện khách quan, đúng pháp luật,trong cuộc sống hiện nay còn quá nhiều phức tạp, người làm truyền thông không nên “bôi mỡ cho kiến cắn” để tiếp tay kẻ xấu làm cho dư luận hoang mang. Chuyện tai tiếng đối với Phật giáo hiện nay bị kẻ xấu soi mói. Truyền thông thời đại 4.0 ngày nay phải xử lý ngay, đừng để lan rộng biến thành sự kiện lớn hơn, nếu nhà chùa không hiểu pháp luật, cần có người hiểu pháp luật giúp đỡ. Giáo luật và pháp luật cần song hành. Giáo hội giúp Tăng, ni hiểu thêm về luật pháp.

 

"Quý thầy là tấm gương cho xã hội nên phải mẫu mực Phật giáo là môn khoa học cuộc sống giúp cho ta bớt khổ đau, do vậy Phật giáo không phải là một tôn giáo..” – ông Hưng chia sẻ.

Chuyên đề "Một số vấn đề về Phật giáo, giáo hội và Tăng ni trên mạng internet". Góc nhìn từ công tác quản lý và truyền thông trong thời đại 4.0" do ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin Truyền thông trình bày.

 
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin Truyền thông trình bày chuyên đề "Một số vấn đề về Phật giáo, giáo hội và Tăng ni trên mạng internet"

Ông Lâm diễn giảng và lấy ví dụ: Chùa Tam Chúc từ tháng Giêng đến tháng Tư thông tin mạng chiếm 10% về Phật giáo, trong đó chùa Ba Vàng bị xâm phạm quá đáng...Hậu quả không gian mạng tạo nên cảm xúc sợ hãi, sự tức giận, ném đá lẫn nhau...nó nuôi dưỡng cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực.

Ngày nay xuất hiện tin giả lan nhanh hơn sự thật, tác động nhiễu loạn xã hội rất nhiều mà ít có cải chính, chia xã hội thành nhiều nhóm phản ứng tranh luận lẫn nhau. Mạng xã hội cũng bị lạm dụng để tuyên truyền quảng cáo gọi là tin hot nhưng không đúng sự thật; tôn giáo, doanh nhân, chính quyền thường là điểm để tạo tin hot câu view.

 

Ngày xưa đạo Phật gắn bó với xã hội là chuyện bình thường, ngày nay mạng truyền thông đã gây hoang mang xã hội, xuyên tạc châm biếm trên mạng hiện nay chỉ chiếm phần nhỏ những thành phần xấu khai thác mọi khuyết điểm của đối tượng lan truyền khá nhanh. Những sự kiện như thế ảnh hưởng không nhỏ cho những bậc chân tu.

Chả lẽ cứ để sự kiện xấu lan truyền? Chúng ta cần nhiều Facebook nêu lên những sinh hoạt tốt, người tốt, việc làm tốt để mọi người không bị ảnh hưởng kẻ xấu lạm dụng.

Suốt buổi trình bày của giảng viên xoay quanh vấn đề cái lợi và hại của mạng xã hội, thủ đoạn tinh vi để nhà quản trị Facebook tiếp tay, chẳng qua vì cái lợi.

"Hành vi xử lý không thể vào tương tác như đổ dầu vào lửa mà hãy để tự nó lắng đọng với thời gian khi trong tay ta có phương tiện báo chí..” – Ông Lâm cho hay.

Ngày cuối của khoá bồi dưỡng TTTT, phụ trách buổi diễn giảng do bà Nguyễn Thuý Hà - Học viện Báo chí & Tuyên truyền đảm trách với chủ đề: “Góc nhìn về Truyền thông Phật giáo và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam”.

 
Bà Nguyễn Thuý Hà - Học viện Báo chí & Tuyên truyền đảm trách với chủ đề: “Góc nhìn về Truyền thông Phật giáo và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam”

Kết thúc buổi diễn giảng là lễ bế mạc. Lễ bế mạc có sự hiện diện của Chư tôn đức Giáo phẩm Trung ương; Chư tôn đức Ban Thông tin Truyền thông Trung ương; Chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện chính quyền, ban ngành các cấp tỉnh, thành phố địa phương, cùng toàn thể các học viên tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ.

Phát biểu bế mạc, Hòa thượng Trưởng Ban Tổ chức đánh giá cao sự cố gắng của tất cả các học viên là các biên tập viên đang thực hiện công tác quản lý, công tác chuyên môn nghiệp vụ truyền thông tại các ấn phẩm thông tin truyền thông Phật giáo.

 
Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh: “khóa bồi dưỡng nghiệp vụ đã đạt được những kết quả khá tốt như việc thực hiện nghiêm túc giờ giấc, đảm bảo nội dung vừa cung cấp những kiến thức cơ bản, vừa bổ sung những kiến thức mới...và để phát huy hiệu quả khoá học này, đề nghị quý Chư tôn đức Tăng, ni, cư sĩ, Phật tử học viên tiếp tục nghiên cứu, hợp tác tích cực trao đổi nghiệp vụ truyền thông báo chí, đoàn kết, năng động thực hiện hoàn thành xuất sắc công tác truyền thông Phật giáo”.

 

Ban tổ chức đã tặng bằng tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến tập thể và cá nhân đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác tổ chức Khóa Bồi dưỡng, góp phần phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam và khen thưởng các tổ chức, cá nhân có công đức đóng góp để ban tổ chức tổ chức thành công Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ.

TT.Thích Đạo Phước - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, phát biểu tổng kết cho biết. Qua 02 ngày tổ chức, với sự tham gia của hơn 400 học viên trên toàn quốc, đã có 04 chuyên đề được triển khai, giảng giải với các giảng viên đầy kinh nghiệm, truyền đạt những kinh nghiệm quý giá, những thông tin bổ ích, hữu ích phục vụ công tác thông tin truyền thông Phật giáo.

Khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ do Ban Thông tin Truyền thông Trung ương phối hợp cùng GHPGVN tỉnh TT.Huế được tổ chức lần thứ 04 này nhằm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng truyền thông cho các học viên để các học viên ngày càng phục vụ ngày càng tốt hơn trong vai trò công tác truyền thông Phật giáo.

HT.Thích Hải Ấn - Phó Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức phát biểu cảm tạ cùng lời chúc của ban tổ chức cho công tác thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, đóng góp vào sự lớn mạnh trang nghiêm của tổ chức Giáo hội hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào tháng 11 năm 2021.

Thông tin, hình ảnh tổng hợp từ Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh TT. Huế và các cá nhân.

Hình ảnh tổng hợp Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin truyền thông Phật giáo:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Hồng Lam
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC