Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 13/09/2022 00:46 AM 
Chùa Bằng: Ngày tu an lạc tháng 8 năm Nhâm Dần
Ngày 11 tháng 09 năm 2022, nhằm ngày 16 tháng 08 năm Nhâm Dần, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng - Linh Tiên tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) ngay từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.
Đúng 7h30' sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hoằng pháp TƯ đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.
 
Bát quan trai giới là một phép tu hành của người tại gia áp dụng trong một ngày một đêm (24 giờ). Bát quan trai giới là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 tiếng đồng hồ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi.
 
Trong không khí trang nghiêm, các giới tử đã phát nguyện trước Tam Bảo, nguyện tinh tấn tu tập, giữ gìn giới luật trọn vẹn để tăng trưởng phúc báu cho mình và nguyện cho tha nhân khắp cõi Sa Bà sớm biết tới niềm an vui trong Phật pháp.
 
Tiếp theo, Đại đức Thích Tâm Phương – Trụ trì Chùa Nhiễu Long tại huyện Hương Sơn, tĩnh Hà Tĩnh đã có thời pháp thoại chia sẻ với đại chúng về bài văn Cảnh Sách của Tổ Quy Sơn Linh Hựu. Mở đầu có đoạn: “Do nghiệp lực ràng buộc mà có thân, nên chưa thoát khỏi các khổ lụy về thân. Thọ nhận tinh cha huyết mẹ, lại vay mượn các duyên mà hợp thành. Tuy nương nơi bốn đại (đất, nước, gió, lửa) mà duy trì nhưng bốn đại ấy thường chống trái lẫn nhau”.
 
Lời Tổ dạy để nhắc nhở người tu hành về sự khổ đau ràng buộc của thân, bởi do nghiệp lực mà có thân này. Khi đã thọ thân này do nghiệp lực thì không làm sao tránh khỏi mọi khổ lụy, bởi thân này do bốn đại tác hợp và duy trì, vạn pháp giữa thế gian có hợp thì phải có tan theo quy luật “sinh, trụ, dị, diệt” hay “thành, trụ, hoại, không”. Nhưng có được thân này là may mắn phúc đức vô cùng. Vì Đức Phật dạy rằng: “Làm được thân người là khó” và thân do bốn đại tác hợp nhưng bốn đại ấy thường chống trái nhau. Khi nó hòa hợp thì cơ thể ta khỏe mạnh, khi nó xung đột thì thân này sẽ bất an, bệnh tật ốm đau và có thể đưa đến cái chết của mỗi chúng sinh. Và đó cũng chính là quy luật vô thường mà chúng ta thường nghe là “sinh, lão, bệnh, tử”.

 

Trong phần kế tiếp, Đại đức đã dẫn lời Tổ dạy: “Vô thường lão bệnh không hẹn một ai. Sớm còn tối mất, trong khoảng sát na đã qua đời khác. Giống như sương của mùa xuân, móc của ban mai, chốc lát liền không còn, cũng như cây bên bờ vực, như thực vật leo mọc trên vách giếng, làm sao có thể lâu bền được!? Niệm niệm nhanh chóng nối nhau, trong một sát na, chuyển hơi thở thì đã qua đời khác, làm sao có thể yên lòng để đời mình trôi qua vô ích như thế được?”.

Sau cùng, Đại đức sách tấn hàng Phật tử cần "Ý thức được sự vô thường, sự tạm bợ của kiếp người. Bởi Tổ đã khuyên răn chúng ta đừng ỷ lại, vì thân người khó được mà lại dễ mất nên hãy luôn luôn nhớ để mà tu hành, vì chỉ một hơi thở ra không trở vào lại thì sự sống của con người đã chấm dứt. Sự sống ấy thật mong manh như chính sương mùa xuân, móc ban mai… nên chúng ta phải tinh tiến tu hành kẻo lãng phí một kiếp người rồi ra đi trong nuối tiếc".

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Đại đức, đại chúng đã chí thành chí kính tụng bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển thứ 5 cầu nguyện Phật pháp trường tồn, thế giới hoà bình, dịch bệnh tiêu trừ, nhân dân an lạc.

Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.

Đầu giờ chiều, đại chúng tiếp tục trì tụng Bổn Môn Pháp Hoa Kinh cầu quốc thái dân an, khép lại ngày tu bát quan trai tràn đầy hỷ lạc.

 

BBT website

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC