Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
    › Giới thiệu › Tóm tắt tiểu sử
Tóm tắt tiểu sử

CÁC THẾ HỆ TRUYỀN ĐĂNG VÀ DANH TĂNG

 SƠN MÔN TẾ XUYÊN - BẢO KHÁM Ở TỈNH HÀ NAM

 


Tóm tắt: Theo các nguồn tư liệu hiện có, chùa Tế Xuyên (Bảo Khám Tự) được xây dựng từ thời Lý nhưng các tài liệu ghi chép không nhiều. Một nguồn tài liệu cho biết năm 1770, một vị phu nhân của chúa Trịnh Sâm, tên là An Hòa, người ở Tế Xuyên đã đóng góp tiền của, ruộng đất để tu sửa lại chùa. Tiếp theo, các thế hệ sư tăng trụ trì, tu hành tại đây đã đóng góp nhiều công sức để chùa Tế Xuyên trở thành chốn Tổ của sơn môn trong khu vực và cũng là nơi phát xuất của nhiều danh Tăng Phật giáo Việt Nam. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi bước đầu giới thiệu giai đoạn thành lập sơn môn Tế Xuyên và các thế hệ truyền đăng, danh Tăng của sơn môn từ khi thành lập đến nay.

 

Cũng như nhiều ngôi chùa Việt Nam khác, Tổ đình Tế Xuyên - Bảo Khám được các vị tiền bối khai sáng tạo dựng làm nơi quy hướng tâm linh hướng về tinh thần từ bi - trí tuệ - nhẫn nhục - hỷ xả - đoàn kết hòa hợp của Đức Phật, với mục đích để mọi người cùng nhau xây dựng quê hương, giáo dục con cháu sống cuộc sống hữu ích, tốt đạo đẹp đời.

 Theo Lịch sử truyền đăng chùa Bảo Khám, Sơn môn Tế Xuyên xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được viết bằng chữ Nôm đính sau cuốn Bảo Khám Tự cúng Tổ khoa, văn bia Bảo Khám tự tiền tu công đức bi ký, đặc biệt là Thiền phả Bảo Khám Tự cúng Tổ khoa cùng các bài tựa bạt kiêm phương danh pháp cúng, giới điệp, hoành liễn còn lưu giữ tại chùa, kết hợp với lời kể của người dân địa phương, ngoài thờ Phật, Sơn môn Tế Xuyên - Bảo Khám còn thờ các vị Thiền tổ, song thân phụ mẫu các đời Thiền tổ, Pháp quyến thuộc Sơn môn pháp phái đã từng tu hành ở đây. Ngoài ra, chùa còn phối thờ bà Hoàng phi của chúa Trịnh Sâm - người đã khởi tâm đóng góp tiền của, ruộng đất để tu sửa lại chùa. Ngoài việc tập tăng Bá tát[1], an cư kiết hạ, khai tràng thuyết pháp tu học, chùa Bảo Khám còn là một trung tâm khắc in và ấn tống rất nhiều bộ kinh luật cốt tủy của Phật giáo, đây là nơi tàng bản ván khắc hơn 10 đầu kinh luật để các chùa trong trấn phủ về ấn tống, cũng là thư viện lưu giữ hàng trăm bộ kinh được in từ mộc bản phục vụ công việc tu học và giảng pháp cho hai bộ Tăng Ni mỗi độ an cư kiết hạ.

Bên cạnh đó, các vị tổ của Sơn môn Tế Xuyên - Bảo Khám đã đóng góp nhiều công sức trong việc tu sửa, đúc chuông, tạc tượng, làm cho Sơn môn Tế Xuyên - Bảo Khám trở thành Sơn môn của nhiều chốn Tổ trong khu vực. Sơn môn Tế Xuyên - Bảo Khám là nơi phát xuất của nhiều đấng Tăng tài, là những bậc danh Tăng của Phật giáo Việt Nam.

1. KHÁI QUÁT GIAI ĐOẠN ĐẦU THÀNH LẬP

Theo sách Nam Xương phong vật chí thì thủ phủ Phật giáo của huyện Nam Xương[2] thời Lê đóng ở Vĩnh Trụ, nổi tiếng khi một nơi nhưngđến ba ngôi chùa cùng tên là Sùng Khánh và đều có quy mô đại danh lam. Trên đường ra Đàng Ngoài hoằng hóa Thiền tông Lâm Tế, sau khi rời Thiên Tượng (Nghệ An), qua Khánh Quang Trạch Lâm (Thanh Hóa), Tăng đoàn của Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết từng dừng chân nghỉ lại một trong 3 chùa Sùng Khánh trong huyện Nam Xương để khai tràng thuyết pháp trước khi ra đến kinh đô.

Bài Hương Hải Thiền sư ngữ lục tự trong sách Hương Hải Thiền sư ngữ lục cho hay: Vào tháng 5 năm Đinh Mão niên hiệu Cảnh Hưng 8 (1747), đệ tử nối pháp của Thiền sư Hương Hải trụ trì chùa Linh Quang Nguyệt Đường thiền tự, giữ chức Chính pháp sự là Như Tông Hòa thượng soạn bài tựa, Thiền môn đệ tử là Tính Hạo viết chữ, Sa di Chiếu Lâm cùng thợ khắc xã Liễu Chàng là Phó Xá khắc ván nhân lần chùa Sùng Khánh xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân khắc in lần đầu cuốn Hương Hải Thiền sư ngữ lục.

Tóm thuật vài thông tin liên quan đến 3 ngôi chùa có tên là Sùng Khánh trong huyện Lý Nhân để thấy: Trước khi có chùa và Tăng đoàn Sơn môn Tế Xuyên - Bảo Khám thì trong địa hạt Phật giáo đã hiện diện và ảnh hưởng sâu rộng, người dân đã thấm nhuần giáo lý Phật giáo. Trụ trì những chùa có lợi dưỡng lớn như chùa hàng phủ, huyện và xã, theo quy định trong điển chế của triều đình thì đều tuần tự do các vị Tăng thống, Tăng phó, Tăng chính quản nhiếp. Từ sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, nhất là từ thời Minh Mệnh, ân sủng của triều đình đối với Phật giáo được chuyển sang Nho giáo thì Phật giáo chỉ được coi là Tả đạo. Ngoài những vị Tăng cương ở những ngôi quốc tự thuộc kinh đô và đất Thang mộc Thanh Hóa, còn lại các nhà sư thuộc Bắc thành và các tỉnh nói chung buộc phải tuân thủ chính sách khảo tăng, số lấy đỗ được gọi là Ân tứ Đao điệpÂn tứ Hòa thượng thì thoát khỏi thuế khóa và phu phen tạp dịch, hưởng lương như lý trưởng (Cửu phẩm hoặc Tòng cửu phẩm). Nếu thi không trúng, nhà sư cũng không khác gì nhân đinh trong làng.

Khi quyền lực của các Tăng thống, Tăng phó, Tăng chính thời Lê bị thiết chế tôn giáo của triều Nguyễn phân giải, thì cũng là lúc cấu trúc chùa hàng tổng, hàng xã phân rã. Nhiều chùa hàng xã ở dạng tiểu danh lam trở nên nổi danh nhờ vào giới tướng, giới đức của những vị sư có tài đức kiêm chân tu thực học. Tế Xuyên - Bảo Khám là một trong những ngôi chùa như vậy.

Sơn môn Tế Xuyên bắt nguồn từ chùa Hải Thiên - Hồng Ân tỉnh Hưng Yên[3], thuộc dòng thiền của Tổ sư Minh Châu Hương Hải[4] chùa Linh Quang - Nguyệt Đường.

2. CÁC THẾ HỆ TRUYỀN ĐĂNG

A. Linh Quang Nguyệt Đường

Thiền sư Minh Châu Hương Hải Tổ Sư

Thiền Sư Hiển Mật – Chân Lý Tổ Sư

Thiền Sư Sơn Tăng Như Tông Tổ Sư

 

B. Hải Thiên – Hồng Ân Lịch Đại Tổ Sư:

Đệ nhất Tổ: Đạt Tôn Sa Môn, Tịnh Tâm Giải Thoát, Pháp Tự Tính Thức – Giác Đạo Tổ Sư,

Đệ nhị Tổ: Hành Thiện Tháp, Tự Hải Tâm – Khoan Hòa Tổ Sư. Viên tịch ngày 22 tháng Giêng, họ Nguyễn, quê Đồng Nại – Bình Giang

 

C. Tế Xuyên Bảo Khám Lịch Đại Trụ Trì

2.1. Đệ nhất tổ: Đại Sa môn Tịch Viên - Thích Từ Tế tổ sư (? - 1864)

2.2. Đệ nhị tổ: Ứng viện hậu học Chiếu Trí - Thích Không Không Tổ sư (? - 1890)


2.3. Đệ tam tổ: Đại Sa môn Phổ Tụ - Thích Hoàn Hoàn Luật sư (1842 - 1926)

2.4. Đệ tứ tổ: Hòa thượng Thích Doãn Hài (1874 - 1958)

2.5.Đệ Ngũ tổ: Chân Thực tháp, tự Thông Đoan – Thích Thiện Bản tổ sư (1884 - 1962)

2.6.Kế đăng đời thứ sáu: Hưng Đồng tháp – tự Tâm Thiều – Thích Hải Triều Hòa thượng (1910 – 1982)

2.7.Kế đăng đời thứ bảy: Nhân Hòa tháp – tự Đức Hạnh – Thích Nguyên Trác (Thanh Trác) Hòa thượng (1922 – 2001)

2.8. Đại đức Thích Quảng Tế thuộc thế hệ thứ bảy tổ đình Tế Xuyên (Pháp tử Hòa thượng Đức Hạnh – Nguyên Trác). Hiện nay, Đại đức Thích Quảng Tế đang thay mặt sơn môn trông nom chùa Tế Xuyên – Bảo Khám.

3. CÁC BẬC TỔ ĐỨC, DANH TĂNG CỦA SƠN MÔN TẾ XUYÊN - BẢO KHÁM

3.1. Sư tổ Thích Thông Tập – pháp hiệu Duy Tiến – tháp hiệu Hòa Bình (1889 – 1976)

3.2. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm An – pháp hiệu Từ Tuệ – tháp hiệu Phổ Đồng (1892 – 1982)

3.3. Đại lão Hòa thượng Thích Thông Ban – pháp hiệu Nhân Hòa – tháp hiệu Hải Nhân (1901 – 1998)

3.4. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải – tự Thanh Thao – tháp hiệu Thanh Minh (1906 – 1979)

3.5. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch – pháp hiệu Như Sơn – tháp hiệu Cao Phong (1915 – 2005)

3.6. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Nguyện – pháp hiệu Tinh Cần – tháp hiệu Nam Bình (1917 – 1990)

3.7. Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Bích (Thanh Bích) – pháp hiệu Trí Tính – tháp hiệu Phúc Thắng (1912 – 2013)

3.8. Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Giác – hiệu Uyên Minh – tháp hiệu Chân Định (1917 – 1973)



HT.TS Thích Bảo Nghiêm

Phó chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN

Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương