Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Lịch Sử Phật Giáo › Bài viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 08/03/2022 22:28 PM 
Những gương mặt các nữ Tôn giả đệ tử của Đức Phật
Nhân ngày 8-3, BBT xin giới thiệu lại một cách tóm tắt về các gương mặt nữ đệ tử của Đức Phật, qua đó, thấy vai trò của nữ giới, sự bình đẳng trong giải thoát, không phân biệt giới tính từ hơn hai ngàn năm trước.

Nữ Tôn giả Maha Pajapati Gotamì (Ma-ha Ba-cà-ba-đề hay Kiều-đàm-di)

Nữ Tôn giả sinh tại Devadaha, thuộc vương tộc Maha-Suppa Buddha (Thiện Giác). Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) cưới Gotami và chị của Gotami là Mahà Màya. Hòang hậu Màya sau khi sinh Thái tử Siddhattha (Bồ-tát) bảy ngày thì thác sinh về Đâu-suất. Nữ Tôn giả là dì ruột và là mẹ kế của Thái tử. Khi Thế Tôn về thăm hoàng cung lần thứ hai để độ cho vua Tịnh Phạn đang hấp hối; thì khi đó, nữ Tôn giả xin phép Thế Tôn cho nữ Tôn giả xuất gia (vào dịp Thế Tôn thăm hoàng cung lần thứ nhất, ba năm sau ngày Thành đạo, nữ Tôn giả đã chứng quả Tu-đà-hoàn) cùng với năm trăm Thích nữ khác và được thành lập Ni đoàn Tỳ-kheo đệ tử Phật, Đức Thế Tôn từ chối. Nữ Tôn giả không nản chí, cạo tóc, khoác cà-sa, theo chân Thế Tôn đến Vesali tiếp tục cầu xin, Thế Tôn lại từ chối. Sau đó, nhờ Tôn giả Ananda khẩn khoản tìm cách bạch xin Thế Tôn, Thế Tôn mới thuận cho với điều kiện tôn trọng "Bát Kỉnh pháp".

Từ đó, nữ Tôn giả tinh cần hành đạo và đắc A-la-hán. Nữ Tôn giả đã được phép Thế Tôn thay Thế Tôn lãnh đạo Ni đoàn.

Nữ tôn giả Khema

Nữ Tôn giả sinh tại Sàgala, xứ Magadha trong dòng hoàng tộc. Nữ Tôn giả có nhan sắc rực rỡ được vua Bimbisara tuyển làm hoàng hậu. Vua mong nữ Tôn giả (Hòang hậu) đến Veluvana (Trúc Lâm tinh xá) tham bái Thế Tôn, nữ Tôn giả thoạt đầu e ngại không dám đi, vì sợ Thế Tôn chỉ trích lòng tự hãnh về nhan sắc lộng lẫy của nữ Tôn giả. Sau đó, vua đã lập chước đưa hoàng hậu đến gặp Thế Tôn trong bối cảnh sắp đặt như là tình cờ. Trưởng lão Ni Kệ kể rằng Thế Tôn đã thị hiện thần thông hóa hiện một thiếu nữ, đẹp đẽ vượt xa hoàng hậu, đứng hầu quạt Thế Tôn. Rồi thiên nữ trở nên già nua, xấu xí và quỵ ngã xuống. Hòang hậu Khema bừng tỉnh và đắc A-la-hán ngay tại chỗ.

Vua Bimbisara chấp thuận cho nữ Tôn giả xuất gia. Đức Thế Tôn khen nữ Tôn giả là Tỳ-kheo ni có Trí tuệ và Thiền quán đệ nhất.

Nữ Tôn giả Uppalàvana (Liên Hoa Lâm)

Nữ Tôn giả sinh tại Sàvatthi, con gái một vị trưởng khố giàu có, nhan sắc rất xinh đẹp, hàng vua chúa, quý tộc đều tranh nhau hỏi cưới nàng. Phụ thân nữ Tôn giả yêu cầu nữ Tôn giả xuất gia. Vào Ni đoàn, nỗ lực tu tập, một hôm khi đang dọn dẹp chuẩn bị cho lễ Bồ-tát, nữ Tôn giả nhìn ngọn đèn vừa đốt lên mà thiền quán liền đắc A-la-hán với thần thông vi diệu. Thế Tôn khen nữ Tôn giả là nữ đệ tử Thần thông đệ nhất.

Nữ Tôn giả Kisagotami

Nữ Tôn giả sinh tại Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khổ. Lớn lên lại lấy chồng giàu, bị gia đình chồng khinh thường. Đến khi sinh được một con trai kháu khỉnh thì vị trí của nàng trong gia đình chồng trở nên khá hơn. Nhưng con trai nàng bất ngờ bị chết đi, nàng đau khổ đến cuồng dại, cứ ẵm xác con đi khắp nơi để xin thuốc chữa.

Nàng đến tịnh xá Thế Tôn và xin Thế Tôn cứu giúp. Thế Tôn dạy nàng hãy đến nhà nào không có người chết lấy về một hạt cải, Thế Tôn sẽ chữa lành cho con nàng. Nàng ra đi vào từng nhà hỏi xin hạt cải, tất nhiên nàng không thể thỏa được yêu cầu, vì nhà nào mà lại không có người chết? Nàng tỉnh ngộ, hiểu được ý Thế Tôn muốn dạy nàng; đem con vào nghĩa trang; rồi bạch xin Thế Tôn xuất gia. Thế Tôn nói pháp, nữ Tôn giả chứng sơ thánh quả tại chỗ. Vào Ni đoàn, nữ Tôn giả tinh cần phát triển thiền quán, không bao lâu sau thì chứng đắc A-la-hán. Nữ Tôn giả được Thế Tôn khen là một nữ đệ tử có hạnh mang thô y đệ nhất.

Nữ Tôn giả Sonà

Nữ Tôn giả sinh tại Sàvatthi, trong một gia đình quý tộc, lập gia đình, có con trai và con gái. Rồi người chồng xuất gia. Nữ Tôn giả giao gia tài cho con trai và con gái. Đến khi con trai lập gia đình, người dâu lại tỏ ra hắt hủi nữ Tôn giả. Buồn rầu, nữ Tôn giả xin gia nhập Ni đoàn quyết tâm tu tập. Nhân nghe bài kệ của đức Phật, nữ Tôn giả liền đắc A-la-hán. Đức Phật khen nữ Tôn giả là nữ đệ tử Tinh cần đệ nhất.

Nữ Tôn giả Bhadda Kundalakesa.

Nữ Tôn giả sinh tại Ràjagaha, con vị thủ khố của vua, được cưng chiều lắm, sống rất sung sướng. Một hôm trông thấy một tên cướp đang bị dẫn đi hành hình, nàng bỗng đâm ra yêu hắn. Nàng lo lót cho các viên chức để giải thoát tên cướp. Tên cướp đến với nàng và dụ dỗ nàng đem nhiều lễ vật lên núi cúng tế, rồi nhân đó cướp hết nữ trang quý giá của nàng và định giết nàng phi tang. Thừa lúc tên cướp vô ý, sau khi hắn để lộ hung ý, nàng xô nó xuống vực sâu, thoát nạn. Thế rồi nữ Tôn giả quyết chí xuất gia, gia nhập Giáo đoàn Ni-kiền-tử. Nữ Tôn giả trở thành một nhà hùng biện, nhưng không vừa ý với giáo lý của Ni-kiền-tử, nữ Tôn giả ra đi khắp nơi và thách thức mọi triết nhân tranh biện, nữ Tôn giả đã thắng tất cả.

Cuối cùng, nữ Tôn giả đến Sàvatthi, được Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) chấp nhận sự thách thức đấu lý của nữ Tôn giả. Trong buổi tranh luận, nữ Tôn giả đuối lý, đảnh lễ trí tuệ của Tôn giả Sàriputta và xin thờ Tôn giả Sàriputta làm thầy. Tôn giả Sàriputta khuyên nữ Tôn giả đến quy y Phật, nữ Tôn giả nghe theo, được Đức Phật nói Pháp độ cho đắc A-la-hán. Nữ Tôn giả liền được thọ Đại giới và gia nhập Ni đoàn Tỳ-kheo đệ tử Phật.

Nữ Tôn giả Patacara

Nử Tôn giả sinh tại Sàvatthi, con một vị thủ khố của vua. Nàng yêu một người giúp việc và trốn đi với người này khi cha mẹ ép gả nàng cho một người quyền quý.

Nàng sinh được một con trai; hai năm sau khi sắp sinh người con thứ hai, người chồng trong khi đi tìm vật dụng làm chòi lá bị rắn cắn chết. Nàng sinh đứa con thứ hai và trở về nhà cha mẹ. Trên đường về gặp cơn mưa bão, đứa con lớn bị nước cuốn trôi, đứa con nhỏ bị chim tha mất... về đến nhà thì được tin cha mẹ và em trai nàng đã chết vì cơn mưa bão ấy. Nàng quá đau đớn, trở nên điên dại, đi lang thang, xé nát quần áo, bị người chọc ghẹo, ném đá...

Nàng đến Jetavana, gặp Thế Tôn và được Thế Tôn cho phép lại gần. Vừa thấy Thế Tôn, nàng bỗng hồi tỉnh, nằm mọp xuống đất và vội vàng nhặt tấm y, do chư Tỳ-kheo ném đến, quấn lấy mình. Nàng đảnh lễ Thế Tôn, được Thế Tôn giảng về Nhân quả và Tứ đế, nàng chứng liền quả Dự lưu, và được cho gia nhập Ni đoàn.

Một hôm, đang lúc rửa chân, nữ Tôn giả nhìn những dòng nước lan chảy trên mặt đất, vẽ thành đường dài, ngắn khác nhau, liền tưởng đến vô thường của đời người, nữ Tôn giả quán pháp sanh diệt mà Thế Tôn đã dạy, và chứng đắc A-la-hán. Từ đó nữ Tôn giả trở nên vị thuyết pháp giỏi, giáo giới đệ nhất. Kinh chép nữ Tôn giả đã thuyết pháp độ được năm trăm vị Ni khác đắc A-la-hán.

Nữ Tôn giả Dhammadinnà (Pháp Thí)

Nữ Tôn giả sinh tại Ràjagaha, trong một gia đình trưởng giả, có chồng là Visàkha, sống hạnh phúc. Chồng được nghe Thế Tôn thuyết pháp và chứng A-na-hàm quả. Trở về nhà với thái độ thanh thoát mà nghiêm túc, khác với vẻ tình tự như mọi khi. Nữ Tôn giả cặn hỏi lý do. Tôn giả Visàkha xuất gia và trao quyền tự do lại cho nữ Tôn giả cải giá. Ít hôm sau đó nữ Tôn giả gia nhập Ni đoàn, nỗ lực thiền quán và không bao lâu thì đắc quả A-la-hán. Tôn giả Visàkha đến thăm hỏi và được nữ Tôn giả giảng pháp rành mạch (về Niết-bàn, về Diệt thọ tưởng định...) Tôn giả Visàkha trình lại Thế Tôn sự việc. Thế Tôn xác nhận nữ Tôn giả Dhammadinnà là bậc Đại tuệ, Thuyết pháp đệ nhất trong hàng nữ đệ tử của Thế Tôn.

Nữ Tôn giả Sumànà

Nử Tôn giả sinh tại Sàvatthi, là chị của vua Kosala. Được nghe Thế Tôn thuyết pháp, nữ Tôn giả vững lòng tin giải thoát, nhưng chưa xuất gia được vì còn bận lo hầu hạ bà ngoại. Sau khi bà ngoại mất, nữ tôn giả đem theo nhiều lễ vật dâng cúng Giáo hội. Được nghe Thế Tôn dạy, nữ Tôn giả liền đắc quả A-la-hán và được thọ Tỳ-kheo ni giới.

Nữ Tôn giả Ubirì

Nữ Tôn giả sinh tại Sàvatthi, trong một gia đình quyền quý. Rất xinh đẹp, được tuyển vào cung vua Kosala (xứ Kosala). Khi sinh được một công chúa đặt tên là Jiva, đẹp lạ thường, vua hết lòng yêu vì công chúa và cất nhắc nữ Tôn giả lên ngôi hoàng hậu. Bỗng nhiên công chúa chết, nữ Tôn giả sầu khổ, đứng cạnh bờ sông Aciravàti mà khóc. Thế Tôn đi đến giảng cho nữ Tôn giả nghe rằng trong nghĩa trang kia có đến tám vạn bốn ngàn người con gái tên Jiva bị hỏa thiêu, vậy nữ Tôn giả khóc là cho Jiva nào? Nữ Tôn giả chợt ngộ, dứt hết phiền muộn, xin Thế Tôn xuất gia. Nữ Tôn giả nỗ lực tu tập và đắc A-la-hán quả.

Nữ Tôn giả Subhà

Nữ Tôn giả sinh tại Ràjagaha trong một gia đình Bà-la-môn nổi tiếng, có nhan sắc tuyệt trần. Được nghe Thế Tôn dạy đạo, nữ Tôn Giả trở nên một nữ cư sĩ tín thành. Sau đó liền xuất gia, được Trưởng lão Ni Maha Rajapati hướng dẫn và đắc A-na-hàm. Một buổi trưa khi nữ Tôn giả một mình trong rừng, có một thanh niên phóng đãng đến ve vãn, mê con mắt đẹp của nữ Tôn giả toan giở thói sàm sở. Nữ Tôn giả móc mắt mình cho anh ta; người thanh niên ân hận nhận lỗi. Nữ Tôn giả liền đến yết kiến Thế Tôn, đôi mắt lại được sáng lành như cũ, được nghe Thế Tôn dạy, nữ Tôn giả liền đắc quả A-la-hán

Nữ Tôn giả Sìhà

Nữ Tôn giả sinh tại Vesali. Nhân được nghe Thế Tôn giảng pháp cho người cậu, nữ Tôn giả khởi lòng tin và xuất gia. Sau bảy năm tu tập, không thăng tiến được giải thoát, lòng bị dày vò bởi dục ý, nữ Tôn giả bèn quyết định tự vẫn. Khi đặt cổ mình vào chiếc thòng lọng treo ở cành cây thì năng lực thiền quán bộc phát, nữ Tôn giả đắc A-la-hán và trở về với Ni đoàn.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện (trích “Tăng-già thời Đức Phật”)

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC