Đúng 7h30, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Bằng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.
Sau đó, Thượng tọa Thích Trí Chơn - Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp TW GHPGVN đã quang lâm và có thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng về chủ đề "Hành Thánh Giới thành Thánh Nhân".
Mở đầu thời pháp thoại, Thượng toạ chia sẻ may mắn của một người đệ tử Phật đó là có được nơi trú ngụ an toàn, vững chãi đó là ba ngôi báu Phật - Pháp - Tăng, có được ngọn đèn giáo pháp để soi sáng trí thức và có được vị thầy hướng đạo dẫn dắt chúng ta đi. Một người mà không có nơi nương tựa, không có chỗ trú ngụ an toàn, trên đầu không biết thờ kính ai, trước mắt mờ mịt và bước chân không có người đưa đường chỉ lối là một điều bất hạnh.
Qua đó, Thượng tọa nhấn mạnh 5 giới của người Phật tử tại gia và 8 giới trong Bát Quan Trai giới "là gia tài mà Đức Thế Tôn để lại cho mỗi người con của Ngài". Bằng những ví dụ cụ thể, Thượng tọa Giảng sư cũng đã giúp hành giả tu tập hiểu hơn về việc nếu sống có giới luật khác với không có sẽ như thế nào. "Chúng ta sống trong một xã hội, sống trong cộng đồng chung với tất cả bao nhiêu con người. Sự tự do của mình phải đặt trên sự tự do của cộng đồng và xã hội, quyền lợi và lợi ích của chúng ta phải đặt trên lợi ích của những người xung quanh. Từ đó, thấy rằng pháp luật ra đời nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đem lại sự an bình cho đời sống. Vậy, giới luật của đức Phật được đặt ra mang lại các lợi ích giúp bảo hộ cho mỗi người, người sống có giới sẽ được bảo hộ trong vùng an toàn" - Thượng tọa chia sẻ.
Qua bài kệ trong Kinh Pháp Cú, Thượng tọa cũng chỉ dạy cho đại chúng hiểu rõ Tâm chính là cội nguồn của phúc đức và cũng là cội nguồn của tội lỗi. Giới luật nhằm bảo hộ cho người đệ tử Phật được an toàn, tránh được những hậu quả của ba nghiệp.
Người hành giả ở trong đạo tràng muốn tu Tịnh độ phải thanh tịnh 3 nghiệp, 3 nghiệp phải thuần khiết thì mới có thể thành tựu. Vậy cho nên, hàng ngày thân phải lễ bái, miệng thì tụng niệm, trì tụng kinh văn và ý thì luôn luôn chuyên chú không gián đoạn thì thân khẩu ý mới thanh tịnh, ngay nơi đó chính là Tịnh Độ, là Niết Bàn, ngay nơi đó chư Phật sẽ có mặt và mỗi khoảnh khắc mình sẽ được sống cùng với chư Phật. Đó chính là con đường đến với Đức Phật.
Nhân đây, Thượng tọa cũng sách tấn hàng Phật tử phải tu tập làm sao để giữ tâm luôn luôn được thanh tịnh trong tất cả các môi trường mà bản thân tiếp xúc thì việc tu hành mới đạt được kết quả. Tâm kiến tạo nên đạo tràng, Tâm kiến tạo nên thế giới, Tâm bình thì thế giới bình, Tâm hòa thì có thế giới hòa, Tâm an thì có thế giới an. Hơn nữa, việc phòng hộ 6 căn rất quan trọng. Sáu căn của chúng ta thông thường luôn luôn hướng ra bên ngoài và bị cuốn theo nó. Chúng ta luôn sống không có tự chủ, thường xuyên bị cảnh trần dẫn dắt mà không quay lại vào bên trong, quay lại chính bản Tâm thanh tịnh của mình. Để Phật tử hiểu hơn về việc hộ trì tâm như thế nào có hiệu quả, Thượng tọa đã chỉ ra các sự việc cụ thể diễn ra trong đời sống hàng ngày của một con người, khi tiếp xúc sẽ khiến Tâm phát khởi ra Tham, sân, si, từ cảnh giới thô cho đến vi tế, từ đó khiến mỗi người tạo tác thành các nghiệp bất thiện. Qua đây, Phật tử cần nhận biết và nương vào việc thực hành theo giới luật mà Đức Phật đã đưa ra, nhằm giúp cho Tâm của mỗi người trở lại trạng thái thanh tịnh vốn có. Bên cạnh đó, giúp cho việc thanh tịnh Tâm được hiệu quả thì Thượng tọa cũng nhấn mạnh việc sám hối trong quá trình tu tập cũng vô cùng quan trọng, giúp cho hành giả luôn luôn quán chiếu lại các lỗi lầm và sẽ không phạm phải, từ đó nghiệp chướng cũng được tiêu trừ.
Theo Thượng tọa, nhân duyên để hành giả được thọ 8 giới Bát quan trai thì thực sự người đó rất có phúc, thể hiện được bản thân được thanh tịnh trong một đạo tràng thanh tịnh. Bát Quan Trai giới còn gọi là cộng trụ giới, đó là sống thân cận với hàng xuất gia, thân cận với các bậc Thánh nhân. "Trong giây phút này chúng ta được gọi là hàng xuất gia, mặc dù thân chưa xuất gia nhưng tâm chúng ta đã xuất gia rồi. Do vì gia duyên bận bịu, do vì hoàn cảnh chưa thể đi tu. Nhưng vì tha thiết mong muốn cầu đạo giải thoát, mong cầu ánh sáng giác ngộ của đức Thế Tôn cho nên cầu hạnh xuất gia, dù chỉ là 24 tiếng đồng hồ. Giới của Phật là Thánh giới, Thánh giới là dành cho những Thánh nhân. Chúng ta ứng dụng giới đi vào cuộc đời là chúng ta đang thực tập các vị Thánh nhân đi vào đời. Vì vậy, việc đưa giới vào trong đời sống của mình ngoài việc bảo hộ thì còn xây dựng nếp sống của Thánh nhân. Nhờ chúng ta giữ được giới luật mà chúng ta phòng được tất cả những việc sai trái và dứt trừ những điều ác, chuyên làm những điều thiện" - Thượng tọa nhấn mạnh.
Sau cùng, Thượng toạ khuyên đại chúng phải hết sức thành tâm để cầu giới, khoảnh khắc cầu giới đó rất quan trọng để tâm nhận được năng lượng của giới Sư, năng lượng nhiệm màu của Như Lai. Nhờ vậy người hành giả sẽ nhận được năng lượng nhiệm màu của giới thể, đó chính là Thánh giới. Giới còn có ý nghĩa là chế ngự, điều phục, khi không có giới sẽ dễ tạo ra lỗi lầm, nhưng nhờ có giới ta sẽ không tạo ra lỗi lầm. Nhờ có giới mà tai vẫn thấy, mắt vẫn nghe mà không bị đắm nhiễm. Bậc Thánh nhân là người không gây lỗi lầm, sống có lợi ích cho chính mình, sống có lợi ích cho cộng đồng. Luôn luôn đem lại niềm vui, nụ cười và hạnh phúc cho cuộc đời. "Là người Phật tử, học theo bậc Thánh thì chúng ta phải làm sao luôn luôn sống tốt với mọi người, cho cuộc đời. Dưới Thánh nhân, là Hiền nhân. Hiền nhân là người hiền, có thể mình không giúp gì được cho ai, không giúp gì cho đời nhưng cũng không để làm phiền đến ai, đừng để ai bực bội. Hãy sống tốt nhất với chính mình và mọi người xung quanh, đừng để khổ cho ai. Chúng ta cố gắng mỗi ngày để bớt nhưng khiếm khuyết, hoàn thiện bản thân bằng giới pháp của Đức Phật để từ từ đi lên và trở thành các bậc Hiền nhân, Thánh Nhân rồi đạt quả vị giải thoát. Muốn như vậy thì Phật tử phải làm cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh để xứng đáng là người con của Đức Phật".
Sau khi khép lại bài giảng, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, với truyền thống Tôn sư trọng đạo, đại diện chư Tăng chùa Bằng cùng Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc đã dâng lời khánh tuế lên Hòa thượng trụ trì cùng Thượng tọa Giảng sư, thể hiện tấm lòng hiếu đạo của hàng đệ tử tới những bậc Thầy khả kính.
Tiếp theo, dưới sự chủ lễ của chư Tôn đức Tăng bản tự, đại chúng đã nhất tâm thành kính hướng về tôn tượng Đức Bản Sư, trì tụng Kinh Dược Sư cầu nguyện Quốc thái dân an, Phật pháp hưng long.
Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức, khép lại ngày tu tràn đầy hỷ lạc.
Diệu Tường