Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 28/08/2016 01:45 AM 
Hà Giang: Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh linh anh hùng liệt sĩ đã hi sinh chiến trường phía Bắc
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và tinh thần tri ân, báo ân của Đạo Phật, là một truyền thống văn hóa nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2016) và kỷ niệm 35 năm ngày Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 – 2016), sáng ngày 26 tháng 08 năm 2016, nhằm ngày 24 tháng 07 năm Bính Thân, TW GHPGVN kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang và công ty Thanh Bình đã tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh linh anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc trên chiến trường phía Bắc tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên – tỉnh Hà Giang.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Pháp – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban nghi lễ TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS TW GHPGVN; Đại đức Thích Đồng Huệ - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang; Đại đức Thích Nguyên Toàn – Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang cùng chư tôn đức Tăng Ni trong BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang và các chùa, tự viện trong và ngoài tỉnh.
Về phía chính quyền có: Trung tướng Bùi Xuân Sơn – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Bộ công an; Thiếu tướng Đinh Quang Định – Cục trưởng cục quản lý xây dựng cơ bản doanh trại Bộ công an; Ông Nguyễn Văn Minh – Cục trưởng cục tài chính đầu tư văn phòng TW Đảng; Ông Đỗ Cường – Trưởng Ban thanh tra Thông tấn xã Việt Nam; Ông Nguyễn Thành Lương – Phó tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; Bà Chúng Thị Chiên - Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang; Ông Trần Đức Quý - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Ông Lý Mí Lử - Ủy viên Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc, Trưởng Ban dân vận tỉnh ủy tỉnh Hà Giang cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan, ban ngành TW và địa phương và đông đảo nhân dân Phật tử thập phương cùng các anh hùng lực lượng vũ trang đã về tham dự buổi lễ.
Trong suốt thời kỳ chiến đấu từ năm 1979 đến năm 1988, biên giới Vị Xuyên tỉnh Hà Giang đã trở thành mặt trận đẫm máu với 3700 chiến sĩ quân dội quân nhân Việt Nam hy sinh trên đỉnh Lão Sơn, đặc biệt tại cao điểm 772 gần 500 người lính của sư đoàn 356 đã ngã xuống trong trận đánh ngày 12/7/1984. Do vậy, hàng năm vào ngày 12/7, các cựu chiến binh trên khắp mọi miền đất nước lại tập trung về nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia huyện Vị Xuyên làm lễ tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ, và gọi đó là ngày “giỗ trận”. 
Trước khi bước vào buổi lễ, chư tôn đức và quan khách chính quyền đã thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên.

Chư tôn đức và quan khánh dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Mở đầu chương trình, trong bài phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS TW GHPGVN đã khẳng định “Cuộc chiến đã đi qua, đất nước đã hồi sinh, đang phát triển và vươn cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cùng với các tầng lớp nhân dân cả nước, GHPGVN ngày càng phát triển ổn định trang nghiêm trong lòng dân tộc, nhưng trong kí ức, đời sống tâm linh của những người Việt Nam, dù ở trong nước hay đang sinh sống tại hải ngoại xa xôi, trong đó có Tăng Ni, Phật tử GHPGVN luôn tự hào khi nhớ về những chiến tích, những kỉ niệm thiêng liêng của những người thân, những đồng chí, đồng đội và các chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường phía Bắc cũng như các chiến trường khác với lòng kính trọng vô biên”. 


Sau đó là lời phát biểu của đại diện cho công ty Thanh Bình – Phật tử Nguyễn Thanh Bình và ông Nguyễn Văn Vỵ - Trưởng Ban liên lạc 3 chiến dịch Lịch sử Việt Nam.

Đại diện cho công ty Thanh Bình – Phật tử Nguyễn Thanh Bình phát biểu

Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Văn Vỵ bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc bởi “chúng tôi cảm nhận thấy rằng việc làm của GHPGVN đồng hành với những nhận thức và tư tưởng của đoàn chúng tôi. Vì vậy, đoàn ba chiến dịch Lịch sử Việt Nam luôn luôn sẽ cùng Giáo hội thực hiện những chương trình ý nghĩa như ngày hôm nay. Hôm nay dự đại lễ cầu siêu này, đoàn ba chiến dịch lịch sử Việt Nam hiểu rằng đi đến đâu chúng tôi làm việc nghĩa đều được Đảng và chính quyền các cấp rất yêu thương, bởi vì đoàn ba chiến dịch lịch sử Việt Nam đã góp phần làm giảm bớt phần nào những khó khăn cho Đảng và nhà nước”.
Nhân dịp này, đoàn ba chiến dịch lịch sử Việt Nam đã thực hiện nghi thức rước ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp, rước biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ, biểu tượng của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không và biểu tượng của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân đại thắng 30/4/1975 để đại chúng cùng hồi tưởng lại những giờ phút hào hùng trong lịch sử dân tộc, nhớ về mốc son đáng nhớ của những năm tháng chiến tranh vất vả.

Tiếp theo, Đại tá Nguyễn Như – người đã trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên đã chia sẻ với đại chúng về kỷ niệm trong những ngày tháng chiến đấu để dành lại từng tấc đất dành lại sự tự do độc lập cho Tổ Quốc thân yêu. Ông nhớ về “giặc Bắc – kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta, một kẻ thù nham hiểm và xảo quyệt vô cùng. Mặt trận Vị Xuyên 10 năm trời từ 1979 đến 1989, giặc Bắc đánh giá rằng đây chính là trọng điểm, là nơi nhanh nhất để đánh vào tận Tổ tiên của chúng ta. Chúng đánh rỉ rả suốt 10 năm trời ở đây để thu hút lực lượng của ta. 16 sư đoàn và rất nhiều các đơn vị độc lập đã phải chiến đấu tại đây nhưng chính tại mặt trận này, đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt nhất. Có những trận địa phải giành đi giật lại với địch 4 -5 lần trong 1 tháng. Có những trận địa ta và địch chỉ cách nhau trong 1 tầm ném lựu đạn 20 – 25m, chiến sĩ phải lấy đất nhào với nước trát vào người chỉ trừ mắt, mũi, miệng và nòng súng để hòa với đất mà đánh giặc, mà giữ đất. Nhiều đồng chí bị thương nhưng vẫn không rời trận địa. Có những chiến sĩ bị thương tới 4 lần ở mặt trận Vị Xuyên nhưng tinh thần chiến đấu vẫn không hề suy giảm, xin được băng bó để chiến đấu tại chỗ. Có những trận đánh giành đi giật lại với địch như ở điểm cao 775, bom đạn của địch dội xuống đây tới hàng tấn. Hay ở 685, ở chính mặt trận này đã tạo nên những địa danh huyền thoại, 685 là lò vôi thế kỷ. Cả một dãy núi đá xanh như vậy, nhưng địch đã biến nó trắng toát như một lò vôi. Hạ độ cao đi hàng chục mét gọi là lò vôi thế kỷ 685. Những địa danh huyền thoại như thác Âm Phủ, suối Gọi Hồn, Cửa Tử Vị Xuyên .v.v…Song khó khăn gian khổ ác liệt là vậy, nhưng chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên vẫn một tấc không đi, một ly không rời, và đã viết lên thành chiến hào hầm của mình lời nguyền Vị Xuyên bằng tất cả sự quyết tâm của mình. Tôi đã từng được tham gia chiến đấu từ thời chống Pháp, chống Mỹ, chống Ngụy, chống Hàn Quốc, chống Úc…nhưng có lẽ đánh ở Vị Xuyên là gian khổ, ác liệt nhất. Có những ngày mà ở đây gọi là ngày giỗ trận, có hàng ngàn liệt sĩ hi sinh. Và toàn mặt trận này, chúng ta có trên 2000 liệt sĩ đã ngã xuống tại đây. Nhưng hiện nay mới tìm ra được về nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên được hơn 1000 đồng chí, còn lại trên ngàn đồng chí nữa vẫn nằm rải rác bên lùm cây, bụi chuối, ven đường, khe đá,…Những chiến sĩ Vị Xuyên không được bọc thân bằng da ngựa hoặc bất cứ thứ gì hết. Cho nên mỗi lần về lại Vị Xuyên, chúng tôi không cầm được nước mắt tưởng nhớ anh em, vì vậy đã thôi thúc ban liên lạc chiến đấu mặt trận Vị Xuyên chúng tôi động viên nhau phải làm một việc gì đó để có nơi bà con cô bác đồng bào đồng chí trong cả nước mỗi khi về lại Vị Xuyên có chỗ thắp nén hương tưởng nhớ liệt sĩ, và đồng đội về lại Vị Xuyên để thăm đồng chí đồng đội của mình đã nằm xuống cũng có nơi để thắp nén hương tưởng nhớ và anh linh các anh hùng liệt sĩ có nơi quây quần hội tụ”.

Đại tá Nguyễn Như – người đã trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên phát biểu

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm – Trưởng Ban liên lạc truyền thống quyết tử trung đoàn thủ đô anh hùng - Nguyên phó tham mưu trưởng quân khu thủ đô phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Quý khẳng định: Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong quá trình tồn tại, phát triển luôn đồng hành cùng dân tộc, với nhiều hoạt động “Hộ quốc, an dân”. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với các tôn giáo khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo hướng về cộng đồng góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chia sẻ khó khăn, động viên đồng bào các dân tộc cả nước nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng vươn lên để từng bước thoát khỏi đói nghèo; tích cực vận động, giáo dục tín đồ chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông cũng đánh giá cao những đóng góp đó và đồng tình với việc tổ chức lễ cầu siêu anh linh các Anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên. Đây là hoạt động có ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và sự tri ân đối với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Ông mong rằng Trung ương GHPGVN cùng các tăng ni, Phật tử tiếp tục quan tâm, chia sẻ để đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được tốt hơn, cuộc sống của đồng bào các dân tộc được nâng cao hơn cả về vật chất và tinh thần.

ông Trần Đức Quý - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng nhắc nhớ về sự hi sinh cao cả của những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc, bảo vệ sự tự do độc lập của dân tộc. Qua đó, Hòa thượng khẳng định GHPGVN luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là tinh thần tri ân báo ân của Đạo Phật trùng với quan niệm hiếu đạo của dân tộc Việt từ xưa tới nay. Hòa thượng đã nhắc lại câu nói của Hồ chủ tịch “các vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, để nhắc nhở mỗi người hãy biết trân trọng quá khứ, cùng xây dựng hiện tại, giữ gìn và xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển bằng những hành động thiết thực nhất.
Cuối cùng, chư tôn đức và đại chúng đã làm lễ niêm hương tụng kinh cầu nguyện hồi hướng về anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong chiến trường phía bắc với tấm lòng chí thành, chí kính nhất.

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao tặng những phần quà đến những với gia đình thương binh liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Chư tôn đức thực hiện nghi thức phóng sinh chim bồ câu nguyện cầu đất nước hòa bình, nhân dân an lạc

Đại đức Thích Nguyên Toàn – Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang phát biểu cảm tạ bế mạc đại lễ


BBT website

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC